Thứ 5, 26/12/2024, 18:36[GMT+7]

Cứ địa thủy chiến

Thứ 2, 07/11/2022 | 08:34:43
10,371 lượt xem
Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, thiên tài quân sự thời nhà Trần (1226 - 1400) từng chỉ huy quân đội nhà Trần 3 lần đánh tan đế quốc Nguyên Mông bạo tàn. Ông chỉ rõ: “Mới rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi, bốn mặt vây đánh, vì vua tôi cùng lòng, anh em hòa mục, nước nhà góp sức nên quân giặc phải chịu bị bắt”. Thời nhà Trần, các vua Trần và Hưng Đạo vương đều nhận thấy rõ vai trò to lớn của hậu phương, chủ động chọn vùng hạ lưu sông Hồng, trong đó có 3 lộ: Kiến Xương, An Tiêm, Long Hưng (ngày nay là các huyện Hưng Hà, Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Kiến Xương) là vùng đất rất thuận lợi về giao thông, đất đai màu mỡ, cư dân đông đúc, nông nghiệp phát triển giúp nhà Trần dấy nghiệp và được nhà Trần hậu đãi...

Đền Hệ, xã Thụy Ninh (Thái Thụy), địa bàn chiến lược của nhà Trần thế kỷ XIII trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông.

Cổ sử ghi, thời nhà Trần, triều đình chăm lo và phát triển nông nghiệp, năm 1266 cho khai khẩn đất hoang, mở rộng diện tích trồng trọt, phát triển nghề thủ công. Để tạo nguồn lương thảo sẵn sàng phục vụ quân lương, bảo vệ giang sơn, năm 1279 nhà Trần đặc xá phạm nhân, cho đi khai hoang, lấn biển cấy cày, làm ra nhiều lúa gạo đồng thời miễn thuế cho dân những năm mất mùa, áp dụng chính sách “ngụ binh ư nông”... tạo điều kiện cho 3 lộ Kiến Xương, An Tiêm, Long Hưng đạt tới trình độ thâm canh lúa nước cao, trở thành chỗ dựa vững chắc của nhà Trần. Hội nghị Bình Than ba năm trước khi xảy ra cuộc chiến chống Nguyên Mông (1283) cuộc hội kiến quân sự do vua Trần Nhân Tông chủ trì và cũng là địa điểm diễn ra trận thủy chiến dữ dội nhất của lịch sử quân sự dân tộc do chính vua Trần Nhân Tông trực tiếp chỉ huy với cả 10 vạn quân tham gia, trong đó có đóng góp to lớn của 3 lộ kể trên. 

Các sử gia nhận định, đây là một trong những trận thủy chiến lớn nhất tiêu hao sinh lực địch đồng thời thể hiện chủ trương chọn Long Hưng làm điểm rút lui chiến lược của triều đình nhà Trần. An Nam chí lược viết: “Thế tử lui giữ ải Hải Thị, đóng cọc đắp bờ ngăn sông phía Tây để đánh. Quan quân trên dưới bắn chéo. Bọn chúng vỡ lớn”. 

Sách “Nguyên văn loại” viết: “Đại quân đuổi Nhật Huyên ở sông A Lỗ và sông Đức Cương”. Có tài liệu viết A Lỗ là cửa sông Trà Lý còn Hà Lỗ là sông Luộc. Đức Cương là tên gọi cổ của sông Tiên Hưng. Căn cứ hai báo cáo này, rõ ràng Hải Thị (Tân Lễ - Hưng Hà nay) và sông A Lỗ chỉ cùng một nơi. 

An Nam Chí Nguyên có chép: “Sông Hải Triều ở Khoái Châu phân lưu từ sông Hà Lỗ, trên thông với sông Ngọc Châu”. Địa danh Khoái Châu nay thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên. 

Theo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” thì địa danh Đà Mạc, tức Thiên Mạc cũng ở vào địa phận tỉnh Hưng Yên và nằm trên hạ lưu sông Hồng. Hai căn cứ Đà Mạc và A Lỗ nằm rất gần nhau là cụm cứ điểm nhằm phòng vệ cho Long Hưng. 

Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Vua Trần Nhân Tông ngay lập tức sai các vương hầu tôn thất mộ binh và nắm vững quân thuộc hạ của mình”. Trong một hội nghị cao cấp nhất, vua đã hỏi Trần Hưng Đạo: “Thế giặc năm nay thế nào?”. Trần Hưng Đạo trả lời: “Nước ta thái bình lâu ngày, dân không biết việc binh, nên năm trước quân Nguyên xâm lấn, hoặc có người đầu hàng trốn tránh. Nhờ uy binh của tổ tông và thần vũ của bệ hạ, mà đã quét sạch được rợ Hồ. Nay nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc đánh dẹp, mà quân nó thì ngại việc đi xa. Vả lại, nó đã cạch về sự thất bại của Hằng và Quán, nên quân Nguyên không có lòng chiến đấu nữa. Cứ ý thần xem, thì tất đánh tan được chúng”. Vua Trần Nhân Tông “sai” Hưng Đạo vương tổng đốc các vương hầu quân tôn thất điều động quân đội và chế tạo khí giới, thuyền bè. Đến tháng 10 cho kiểm điểm và luyện tập các quân đã điều động. Phía Đại Việt, ta cũng đã ráo riết chuẩn bị phương tiện, nhân lực và khí tài để đối phó với bóng ma chiến tranh đang đe dọa phủ lấy đất nước mình với niềm tự tin mạnh mẽ vào chiến thắng cuối cùng. 

Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Bước qua năm Đinh Hợi (1287) tháng 2 (...) có quan chấp chính xin tuyển người mạnh khỏe làm lính để tăng số quân. Hưng Đạo vương bác đi, nói: “Quân cần tinh, không cần nhiều. Dù nhiều đến như Bồ Kiên có 100 vạn quân, có làm gì được đâu?”. Không những không đôn quân bắt lính, vua Trần Nhân Tông còn “đại xá cho thiên hạ” nhằm thể hiện chính sách ổn định lòng dân. Đợt đại xá này chỉ cách đợt trước chưa đầy nửa năm, bộc lộ cảm thức trách nhiệm của vị vua nhân từ đối với muôn dân. Nếu người dân phạm tội thì không chỉ người dân chịu trách nhiệm trước tội lỗi của mình, mà người trị vì cũng phải có trách nhiệm trước những vi phạm và tội lỗi ấy của người dân. Người dân Đại Việt thời vua Trần Nhân Tông trước khi xảy ra cuộc chiến tranh 1285 đã được răn dạy: “Phàm các quận huyện trong nước, nếu như có giặc ngoài đến, thì phải tử chiến. Hoặc nếu sức địch không lại thì cho phép trốn vào trong núi đầm. Không được đầu hàng”. Giống như cách xử sự của ông nội mình là Trần Thái Tông đối với Hoàng Cự Đà trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1258, vua Trần Nhân Tông đã cho tiến hành 2 cuộc đại xá chỉ cách nhau có mấy tháng. Đến tháng 4, vua Trần Nhân Tông đã cho em mình là Tá Thiên Đại Vương Đức Tiệp giữ quyền tướng quốc và duyệt binh. Đồng thời, vua cho giải quyết những vụ kiện tụng chưa xử lý xong và quy định các sắc dịch. Đây là những việc làm chạy đua với thời gian trong một đất nước đang có những giây phút hòa bình cuối cùng của mình, để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh đang từng bước từ bên kia biên giới tiến vào quê hương Đại Việt. 

An Nam chí lược đã ghi: “Ngày 29 Kỷ Dậu Trấn Nam Vương vượt sông Lô về phía Tây, còn A Bát Xích men theo bờ đông, phá ải Hàm Tử. Thế tử rút về giữ ải Hải Thị. Đại binh đánh phá được”. Thoát Hoan cùng Ô Mã Nhi tiến công cứ điểm Cảm Nam, rồi tiến công cứ điểm Hải Thị. Hải Thị, A Lỗ cách thời điểm đó 3 năm, Hưng Đạo vương đã đánh tan quân đồn trú của Vạn hộ Lưu Thế Anh.

Chính trong khi đuổi theo quân Đại Việt trong những ngày đầu xuân của năm Mậu Tý, tướng Ô Mã Nhi dù đã nếm thất bại trong cuộc xâm lược lần trước, vẫn tưởng mình có thể khuất phục Đại Việt trong lần này. Hắn tuyên bố, nếu vua Trần Nhân Tông “lên trời ta theo lên trời, chạy xuống đất ta theo xuống đất, trốn lên núi ta theo lên núi, lặn xuống biển ta theo xuống biển”. Tức giận, uất hận rồi thề thốt nhưng Ô Mã Nhi và ngay cả Thoát Hoan vẫn không biết vua Trần Nhân Tông và đại quân của Đại Việt rút đi đâu. Căm tức trước việc không đuổi kịp vua Trần Nhân Tông và đại quân của Đại Việt, Thoát Hoan và Ô Mã Nhi quay trở lại càn quét vùng dân ở Long Hưng, Bản kỷ và An Nam truyện của Nguyên sử đã ghi.

Nguyên sử ghi: “Khi tiến được vào Thăng Long, Thoát Hoan bàn cách truy đuổi các vua Trần, tướng tiên phong A Bát Xích than rằng: Giặc bỏ sào huyệt trốn vào núi, biển là có ý đợi chúng ta mệt mỏi, rồi thừa cơ đánh lại. Tướng sĩ ta phần nhiều là người phương Bắc. Lúc xuân hạ giao nhau, chướng khí tật bệnh hoành hành. Chưa bắt được giặc ta không thể giữ lâu được. Nay chia quân bình định các nơi, chiêu hàng những người quy phụ, ngăn cấm quân lính không được cướp bóc, mau bắt ngay Nhật Huyên. Đó là kế hay”.

An Nam chí lược ghi lời của Trương Lập Đạo khi đi sứ qua nước ta vào năm 1291 lúc trở về bắc quốc trong bản “hành lục” của y: “Năm ngoái đại quân (quân Nguyên Mông) đến đây, đốt phá nhà cửa, khai quật mồ mả tiên nhân, xương cốt ngổn ngang... Lời nói chưa dứt thì những người bề dưới đều khóc”... về lời tố cáo tương tự như của vua Trần Nhân Tông trong một bữa tiệc khoản đãi hắn ở Thăng Long: “Chúng đốt phá hết chùa chiền khắp nước, đào bới mồ mả tổ tiên, bắt giết người dân già trẻ, đập phá sản nghiệp của trăm họ. Các hành động tàn nhẫn phá phách, không gì là không làm”.


Quang Viện

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày