Thứ 6, 22/11/2024, 10:35[GMT+7]

Cứ địa bên dòng sông Hóa

Thứ 2, 14/11/2022 | 08:16:30
12,093 lượt xem
Sử sách và dân gian còn lưu truyền rằng: Đại bản doanh của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương có tiền đồn ở làng Lộng Khê (xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ) vươn ra đúng nơi gặp gỡ và gấp khúc của hai dòng sông Luộc và sông Hóa.

Di tích lịch sử cấp quốc gia đình Lạng, xã Thụy Chính, huyện Thái Thụy, địa danh cổ trên trục phòng tuyến quân sự Tô Đê - Cao Dương, nơi cung cấp lương thảo, quân dụng cho nhà Trần.

Lui tầm mắt xuống phía Nam A Sào (xã An Thái) là căn cứ thủy bộ Đào Động (xã An Lễ), căn cứ thủy bộ khá quan trọng này được Quốc công tiết chế chọn giao cho tướng quân Phạm Ngũ Lão, vị tướng nổi tiếng quê làng Phù Ủng (Hưng Yên). Dòng sông Hóa là một thủy đạo lợi hại, Quốc công tiết chế cho xây dựng những đồn trại quân, lương dọc hai bờ sông đặc biệt ở làng Tô Đê (xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ). Phía dưới nữa là làng Cao Dương (Thái Thụy), nơi đây tập trung khá lớn nghệ nhân làm nghề rèn đúc, lập tức được trưng dụng làm nơi rèn binh đao, vũ khí của nhà Trần. Chiến trận không dừng ở Cao Dương (vùng đất làng nghề mà sau này khi đại chiến quân Nguyên Mông, nhà Trần cũng đã sắc phong cho làng “Cao Dương rèn sắt nên công nhất miền” mà còn lan rộng xuống vùng đất thấp ven biển Thái Thụy.

Sử cũ ghi: Hữu tướng quân Lý Nghị lập đồn ở Gọc Vôi (Thu Cúc, xã Thụy Hưng); Tả tướng quân Ngô Đức Thuần đưa quân ém ở chợ Gọc (Thụy Việt, huyện Thái Thụy). Tả quân và hữu quân tạo nên thế “đông phù, tây ủng” hỗ trợ nhau khóa chặt khúc sông Hóa gần cửa biển, theo dòng chảy của dòng Hóa mà quân dân nhà Trần chọn nơi hòa dòng nước chung của sông Hóa với dòng Tam Giang (sông Thái Bình mang phù sa bồi đắp thềm lục địa) thành căn cứ Bát Đụn Trang trải rộng khắp vùng... Thế trận từ đó có thể từ ngã ba Luộc dễ dàng vòng lên phía Bắc, hoặc vòng xuống phía Nam bằng những luồng lạch sông, biển. Thời đó, giữa dòng Luộc cuộn trào đã nổi lên những bãi đất lớn, thuận tiện cho việc phục binh để khóa con đường tháo lui của quân giặc. Từ thực tế chiến trận lần thứ nhất, nhà Trần đã khẩn trương cho thiết lập căn cứ phòng tuyến quy mô lớn ở Long Hưng, An Tiêm bố trí quân lính dựng rào lũy, đóng cọc chắn những đoạn hiểm yếu dưới sông Luộc, sông Hóa. Những đồn binh được bố trí bí mật trong đám lau lách rậm rạp ở bãi nổi trên sông.

Nhiều sử gia bình luận đó là kết quả kỳ diệu của phương pháp dùng binh độc đáo của Hưng Đạo Đại vương, do vậy, lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh vũ trang của quân dân Đại Việt đã xuất hiện hình thái thế trận của dân chúng đánh giặc ở khắp các xóm làng, kết hợp chiến đấu của quân triều đình với quân các lộ và dân binh, tiêu diệt địch trong những trận lớn, xây dựng một thế trận rộng mà sâu, mạnh mà vững, luôn luôn chủ động, luôn luôn tiến công, tạo nên sức mạnh to lớn, chiến thắng quân thù. Sử cũ còn ghi: năm 1258, sau khi đã gieo rắc sự tàn phá, chết chóc khủng khiếp khắp châu Á sang châu Âu, đế quốc hung tàn trên lưng ngựa Nguyên Mông cho hàng vạn kỵ binh thiện chiến tràn qua biên giới, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ nhất. Quân đội nhà Trần dồn lên chống giặc, biên cương máu chảy, khắp vùng biên ải vang tiếng gươm khua và tiếng hô vang dội của quân dân nhà Trần cùng nhau cứu nước. Những trận chiến ác liệt không làm nguôi ý chí tự cường bảo vệ biên cương. Lúc này, Trần Quốc Tuấn được vua Trần giao nhiệm vụ chỉ huy các tướng lĩnh điều quân thủy bộ bảo vệ vùng biên giới Tây Bắc. Những trận chiến khó quên, đến nỗi nhiều năm sau, khi về bái yết tổ tông nhà Trần ở Long Hưng, vua Trần Nhân Tông còn thốt lên đầy sảng khoái: “Bạch đầu quân sĩ tại/ Vãng vãng thuyết Nguyên Phong”. Dịch là: Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong (Nguyên Phong là niên hiệu của vua Trần Thái Tông, đây muốn chỉ cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất vào năm Nguyên Phong thứ 7, theo dương lịch là năm 1258).

Trong lịch sử cổ đại, hơn bảy trăm năm trước có ghi rằng: Lúc đó, thế giới đang trong cơn kinh hoàng, khiếp đảm vì giặc Tác-ta (đế quốc Nguyên Mông) hung bạo lướt vó ngựa viễn chinh tàn phá hết nước này sang nước khác. Nhưng, khi chúng đặt chân đến miền đất Đại Việt với ngút ngàn bờ bãi dâu xanh, muôn dân hiền lành chất phác, ngẫm tưởng nuốt trôi đất nước nhỏ bé bên bờ biển xanh thỏa mộng bá vương với mùi hôi nồng nặc của đội quân kỵ mã, thì ngay lập tức lũ giặc Tác-ta ấy đã phải kinh hồn, lạc phách trước ý chí chiến đấu và tài nghệ quân sự tuyệt vời của quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy thiên tài của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương đến nỗi, Trấn Nam vương Thoát Hoan phải chui vào ống đồng có người kéo qua biên ải mới thoát chết. Vốn được dạy dỗ cẩn trọng từ nhỏ nên Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn với tài đức thông minh sẵn có hơn người, xem rộng biết nhiều, văn võ song toàn, chuyên tâm nghiên cứu lục thao tam lược của người xưa, dành cả tâm huyết và hiểu biết để viết các tác phẩm: Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư và Hịch tướng sĩ để dạy các tướng cầm quân đánh giặc, khích lệ lòng yêu nước của quân dân Đại Việt. Năm 1258, quân Nguyên Mông xâm lược Đại Việt lần thứ nhất, ông được cử chỉ huy các tướng lĩnh điều quân thủy bộ bảo vệ vùng biên giới Tây Bắc. Cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), ông được cử làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh toàn quân đánh giặc. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285), khi sự mất còn của nền độc lập nước nhà chỉ còn trong gang tấc, vó ngựa hung tàn Nguyên Mông chà đạp nhiều miền quê trọng yếu của đất nước, trong đó có cả kinh thành Thăng Long, hành cung Long Hưng và phủ Thiên Trường, nội bộ quý tộc và quan lại triều Trần lúc bấy giờ đã có người nao núng định cầu hòa với giặc nhưng Hưng Đạo vương vẫn hiên ngang trả lời đức vua Trần: “Bệ hạ muốn hàng trước hết hãy chém đầu thần đi đã”. Tài thao lược của Hưng Đạo vương nổi bật là tính chủ động và linh hoạt “biết người, biết mình”, chủ động điều địch, chủ động đánh địch, “xem xét quyền biến... tùy thời mà làm”. Câu trả lời của ông với vua Trần Nhân Tông: “Năm nay đánh giặc nhàn” khi quân Nguyên Mông tiến công xâm lược lần thứ ba (1288), chứng tỏ vị chủ tướng đã biết rõ địch, biết rõ ta, phân tích sâu sắc tình hình thực tiễn và làm chủ được quy luật của chiến trận. Trong cuộc kháng chiến oai hùng bảo vệ non sông gấm vóc Đại Việt của quân dân nhà Trần, giặc chưa bị đánh lớn mà đã sợ hãi rút chạy, cuối cùng chúng đại bại trên sông Bạch Đằng, tim vẫn đập, chân vẫn run khi chạy qua biên giới về nước. Nhiều sử gia bình luận rằng: Đó là kết quả kỳ diệu của phương pháp dùng binh độc đáo của Hưng Đạo Đại vương, do vậy, lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh vũ trang của quân dân Đại Việt đã xuất hiện hình thái thế trận của dân chúng đánh giặc ở khắp các xóm làng, kết hợp chiến đấu của quân triều đình với quân các lộ và dân binh, tiêu diệt địch trong những trận lớn, xây dựng một thế trận rộng mà sâu, mạnh mà vững, luôn luôn chủ động, luôn luôn tiến công, tạo nên sức mạnh to lớn, chiến thắng quân thù.

Quân Nguyên Mông hung nô tàn bạo chưa bao giờ nguôi ngoai máu “ăn tươi, nuốt sống” vua tôi nhà Trần. Vua Trần vì muốn muôn dân trăm họ ít tổn hao, thương vong nên dùng kế bỏ đất, lùi dần. Cuối cùng, trước thế giặc ngông cuồng tàn bạo, vua tôi nhà Trần buộc phải bỏ cả kinh thành Thăng Long lùi về phòng ngự ở hạ lưu sông Hồng, sông Hóa, trong đó có Long Hưng, An Tiêm. Tình thế hiểm nguy nhưng chỉ sau 9 ngày, quân đội nhà Trần đã tập hợp được một đội quân hùng hậu lấy từ các đinh tráng khỏe mạnh trong các làng quê nhờ chính sách “ngụ binh ư nông”. Long Hưng, Kiến Xương, An Tiêm được thiên nhiên ban tặng cho những con sông như vòng tay ôm trọn mùa vàng bội thu.


Quang Viện