Hạn điền canh nông
Bỏ kinh thành về vùng đất hoang vu, đầm lầy, lau lác cùng đám gia nô, cứ dọc theo triền sông Diêm Hộ xuôi về phía Đông và phía Nam, Gia Từ Hoàng hậu phân công chúa Quý Minh ở làng Giắng, tên chữ Hán là Thượng Liệt nay thuộc xã Đông Tân, huyện Đông Hưng; công chúa Bảo Hoa ở làng Sặt, tên chữ Hán là Trung Liệt, nay là xã Thái Giang, huyện Thái Thụy; công chúa Quang Ánh ở làng Quài Miễu, tên chữ Hán là Thanh Miếu, xã Thái Sơn (nay là xã Sơn Hà, huyện Thái Thụy). Ngụ tại làng Giắng, công chúa Quý Minh dạy dân trồng lúa, chăn tằm kéo tơ và dạy dân điệu múa “Giáo cờ, giáo quạt”, điệu múa mô phỏng cuộc đi cống sứ phương Bắc của các tỳ nữ trong cung, rồi bà bỏ tiền mua đất, dựng chùa thờ Phật. Công chúa Bảo Hoa về thôn Trung Liệt, xã Thái Giang ngoài việc cùng gia nô tích cực khẩn hoang, cấy cày, vui nghiệp nông tang còn dựng chùa đi tu. Duy chỉ có công chúa Quang Ánh về thôn Quài Miễu, nay là thôn Thanh Miếu, xã Thái Sơn tu tại gia. Cả ba công chúa sau khi qua đời đều có đền thờ, lăng mộ và đều được dân các làng phối thờ tại đình làng làm Phúc Thần. Các triều đại sau như triều Hậu Lê, triều Tây Sơn, triều Nguyễn đều có sắc phong cho được thờ tự lưu truyền đến muôn đời. Hiện cả ba ngôi đình, đền thờ Quý Minh công chúa, Bảo Hoa công chúa và Quang Ánh công chúa đều có treo 3 đôi câu đối có nội dung câu từ giống hệt nhau: “Nhất môn phấn đại tam trinh tiết/Vạn cổ huân cao tứ đại từ”. Tạm dịch: Son phấn một nhà ba trinh tiết/Nửa hương muôn thuở bốn đền thiêng. Công chúa Quang Ánh đã để lại số ruộng miễn hoàn là 14 mẫu 7 sào, số ruộng này được duy trì đến năm 1955 của thế kỷ XX để dòng họ và dân làng canh tác lấy phẩm vật tế tự và phụng thờ.
Sử cũ ghi: vào cuối thế kỷ XIV, triều đại nhà Trần suy vi khiến người dân lầm than, khổ cực. Bên ngoài, giặc dã rình rập, nguy cơ ngoại bang xâm lấn, vua Trần Duệ Tông (1337 - 1377) đem quân chinh phạt Chiêm Thành quấy phá biên cương. Rơi vào trận biệt phục của Chế Bồng Nga, Trần Duệ Tông tử trận. Trần Hiện, con trai thứ của Trần Duệ Tông được Thượng hoàng Nghệ Tông lập lên ngôi vua nhưng không xóa được nỗi u uất hoàng gia. Gia Từ Hoàng hậu bi lụy cắt tóc đi tu. Nhưng nỗi lo truy sát cứ bám riết, bà liền dẫn ba công chúa là Quý Minh, Bảo Hoa và Quang Ánh tìm về Long Hưng (trấn Sơn Nam hạ, Thái Bình nay) đến vùng đất bãi bồi ven biển khai khẩn đất đai, tăng gia sản xuất, xa lánh trần tục danh lợi bon chen… Tộc phả họ Trần, thôn Thanh Miếu, xã Thái Sơn ghi: Các vị hoàng tộc phò tá công chúa về Thanh Miếu đã cùng cộng đồng dân cư bản địa khai khẩn đất hoang làm nên cánh đồng Thượng Tiến và cánh đồng Rừng (nay là thôn Việt Cường) lập thành công điền.
Triều đại nhà Trần khởi đầu từ vua Trần Thái Tông trải qua tám đời vua như Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông, đến đời vua thứ chín là Trần Duệ Tông. Vua Duệ Tông tên húy là Kính, là con thứ 11 của vua Trần Minh Tông, mẹ đẻ của ông là cô ruột của Lê Quý Ly, tên hiệu là Đôn Từ Hoàng Thái phi sinh ra ông vào tháng 6 ngày mùng 2 năm Đinh Sửu (dương lịch là năm 1337). Năm 1373 được vua anh là Nghệ Tông truyền ngôi. Lên ngôi vua thì sự nghiệp của triều Trần đang trên đà xuống dốc, các vị vua sáng tôi hiền đã không còn mà thay vào đó là triều chính nghiêng ngả, một số gian thần như Lê Quý Ly, Đỗ Tử Bình đang lũng đoạn triều đình. Phía Nam, quân Chiêm Thành liên tục quấy rối, xâm phạm biên cương, Trần Duệ Tông muốn dốc sức huy động lực lượng quân sự đánh dẹp bọn phản loạn. Tháng 12 năm Bính Thìn, vua xuất quân, sang tháng Giêng năm Đinh Tỵ, quân đi sâu vào đất Chiêm Thành bị Chế Bồng Nga tá hàng dụ vào trận địa mai phục, quân triều đình tan vỡ, vua Duệ Tông bị vây hãm, tử trận. Đó là ngày 24 tháng Giêng năm Đinh Tỵ, dương lịch là năm 1377. Vua Duệ Tông ở ngôi 4 năm, thọ 41 tuổi. Vua Duệ Tông có Nguyên Phi người họ Lê (em họ của Lê Quý Ly) được sắc phong làm Gia Từ Hoàng hậu. Khi vua Duệ Tông tử trận, Hoàng hậu Gia Từ đã nhìn thấy trước sự phức tạp nguy hiểm của chốn quan trường, bà chọn con đường xa rời quyền thế, không muốn cho hoàng tử làm vua nhưng không được. Sau khi con trai được Thượng hoàng Nghệ Tông lập ngai vàng, bà cùng ba công chúa xuống tóc đi tu, quy y cửa Phật để tránh những hiểm họa khôn lường trong chốn kinh thành.
Tên gọi “ruộng miễn hoàn” bắt nguồn từ việc Gia Từ Hoàng hậu đưa ba công chúa của mình chạy về trấn Sơn Nam hạ tìm đến những nơi đầm lầy, lau lách không bóng người qua lại để dựng cơ nghiệp nhằm trốn chạy sự truy sát của bọn gian thần khi triều đình không còn “vua sáng, tôi hiền”. Theo tài liệu ghi chép của địa phương, trước năm 1954, số ruộng miễn hoàn vẫn được người dân trong làng cấy lúa, sau năm 1954 chia lại ruộng đất, số ruộng miễn hoàn được lấy ra chia đều cho dân nghèo. Ngược dòng lịch sử, sau khi vua Trần Duệ Tông tử nạn, Gia Từ Hoàng hậu đã tiên đoán chính xác kết cục thê thảm của thái tử Trần Hiện (con trai bà). Ba cô công chúa sống sót đều đi tu theo bà nên khi chết vẫn còn trinh tiết vì thế ba ngôi đền đều có ba đôi câu đối với nội dung giống hệt nhau. Tại đền Nội Hon (làng Trình Nhất, xã An Ninh, huyện Tiền Hải) trong cung cấm còn cỗ ngai cổ có bài vị đề “Thiết Lăng đại vương bà Gia Từ Hoàng hậu”, đây chính là bài vị thờ Gia Từ Hoàng hậu, vợ vua Trần Duệ Tông.
Sử cũ chép: Thái tử Trần Hiện (con vua Duệ Tông) lúc này mới 16 tuổi còn non nớt chưa thể cứu vãn cơ nghiệp đế vương nhà Trần đang trên đà suy sụp. Biết rõ điều đó, Gia Từ hoàng hậu liền hết lời van xin Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đừng đưa con trai mình lên ngôi, nhưng Thượng hoàng không nghe. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ) chép rằng: “Hậu từ chối không được bèn khóc lóc nói với những người thân thích rằng con ta phúc bạc, khó lòng gánh vác nổi trách nhiệm lớn nó đến phải tai họa vì việc đó thôi. Tiên hoàng xa lìa cõi thế, kẻ chưa chết này chỉ muốn chết theo, không muốn trông thấy việc đời nữa, huống chi lại phải nhìn thấy con mình sắp bị nguy hiểm”. Nói rồi, Gia Từ hoàng hậu đem ba công chúa rời kinh thành hoa lệ cùng đám gia nô, thân tộc tìm về trấn Sơn Nam đầm lầy lau lách xuống tóc đi tu. Không lâu sau, Trần Phế Đế đã bị Thượng hoàng Nghệ Tông ép phải thắt cổ chết. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam