Thứ 5, 25/04/2024, 17:10[GMT+7]

Phù sa châu thổ

Chủ nhật, 11/12/2022 | 20:03:36
9,390 lượt xem
Đợt biển tiến vào thời hậu kỳ Hùng Vương (cách ngày nay hơn 2.300 năm) để lại tầng bổi (một tầng đất dày từ 0,2 - 0,3m chứa đầy bã thực vật) trên đất Hưng Hà, Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Thái Thụy và Vũ Thư. Tại vùng Hưng Hà, thường ở độ sâu 0,8 - 1,2m, vùng ven thành phố Thái Bình thường ở độ sâu 1,2 - 1,5m. Vùng Kiến Xương thường có độ sâu trung bình 2 - 2,5m, điều đáng chú ý ở ngay các ô trũng có những đống, gò, càn, cương không có rừng bị chết ngập, chứng tỏ ngay cả khi lũ cực điểm vẫn có những vùng giúp con người có thể bám trụ, sống chung với lũ, ánh xạ về các nhóm cư dân thời cổ chạy lũ lên trú trên đống, cương, càn, nấm. Người Thái Bình ngày nay vẫn dùng từ “đống” để chỉ địa chỉ nơi mình sinh sống.

Tô màu cho đất.

Ngược dòng lịch sử, vào thời Tây Hán, trước Công nguyên, Lộ Bác Đức đưa quân vào xâm lược nước ta, thấy vùng đất cửa sông Giữa và sông Dài (sông Thái Bình và sông Hồng ngày nay) có nhiều gò, đống, càn, cương, phong, nhân đó mà đặt tên là hương Đa Cương (hương có nhiều gò đống). Những tên gọi cổ xưa, bây giờ vẫn còn được gọi như: Bái Trang, Bái Thượng, Hạ Bái, Lập Bái, Bến Bái (Hưng Hà), Bái, Long Bối (Đông Hưng), Bái Lân, Bái Trang (Quỳnh Phụ), Bái Quài, Bái Chợ, An Bái (Thái Thụy); Đức Cương, Tinh Cương, Côn Cương (Hưng Hà), Tư Cương (Quỳnh Phụ), Cao Cương, Tư Cương, Tiến Cương (Thái Thụy); Đống Lê (Vũ Chính, thành phố), Đống, Lương Đống, Đống Năm (Đông Hưng), Đống Gạo, Đống Cũ (Hưng Hà), Ngọc Đống (Thái Thụy); Phong Bái Trung, Phong Bái Nghĩa (Hưng Hà), Phong Lôi (Đông Hưng), Phong Lẫm (Thái Thụy), Phong Xá (Quỳnh Phụ); Thôn Lấm (Đồng Lâm), xã Hồng Minh, Đống Lấm (xã Hồng An), huyện Hưng Hà… Theo ngữ nghĩa “đống, càn, nấm” (dân gian đọc chệch là “lấm”), hoặc do đặc thù, hoặc do Hán hóa, đống được ghi, được gọi là phong (gò cao), cương (gò lớn), sơn (núi). Hiện trên đất Thái Bình còn các địa danh phản ánh xưa là vùng đất cao.

Các nhà địa chất cũng xác định: Thái Bình là tỉnh đồng bằng không có đồi núi, độ cao địa hình từ 0,8 - 2,5m so với mặt nước biển. Bề mặt địa hình không lộ đá gốc, (đá cứng) mà chỉ có các loại đất đá là các trầm tích trẻ bở rời được tạo thành, khoảng 6.000 năm trước và tiếp tục được bồi đắp cho đến ngày nay. Địa tầng, địa chất Thái Bình từ dưới lên trên gồm 11 hệ tầng, trong đó có 6 hệ tầng là đá gốc và 5 hệ tầng là đất đá bở rời. Theo sách “Từ điển Thái Bình”, các khoáng sản có liên quan đến hệ tầng là: khí đốt (trong hệ tầng Tiên Hưng, nay là huyện Hưng Hà và Bắc Đông Hưng), than nâu (trong hệ tầng Tiên Hưng), sét gốm (trong hệ tầng Hải Hưng có phần Bắc huyện Quỳnh Phụ), ti tan và sét gạch ngói (trong hệ tầng Thái Bình), nước khoáng nóng (trong hệ tầng Hà Nội và hệ tầng Tiên Hưng)… Thời Lạc Long Quân và Âu Cơ, trong các thủ lĩnh, người có tài, có đức được suy tôn làm thủ lĩnh liên minh và liên minh Văn Lang hồi ấy gồm 15 bộ lạc: Văn Lang, Châu Diên, Phúc Lộc, Tân Hưng, Vũ Định, Vũ Ninh, Lục Hải, Ninh Hải, Dương Tuyền, Giao Chỉ, Cửu Chân, Hoài Hoan, Cửu Đức, Việt Thường, Bình Văn. Hùng Vương là thủ lĩnh Văn Lang “có nhiều phép thuật” được tôn làm vua chung của 15 bộ, làm chủ một dải gấm vóc: Bắc giáp Động Đình, Nam đến nước Hồ Tôn, Tây đến nước Ba Thục, Đông ra tới biển. Đất Thái Bình khi ấy phía Bắc cùng Hải Dương, Hưng Yên thuộc bộ Dương Tuyền; vùng ven biển gắn với Nam Định thuộc bộ Lục Hải. Hùng Vương đứng đầu 15 bộ ở kinh đô Phong Châu. Con trai vua gọi là lang, con gái gọi là mỵ nương (mệ nàng), quan văn gọi là lạc hầu, quan võ gọi là lạc tướng, cùng giúp vua thống thuộc các thị tộc, bộ lạc (trong chừng mực nhất định). Hiện ở thành phố Thái Bình vẫn còn địa danh từ thời Hùng Vương như Lạc Đạo, Vũ Lạc, Vũ Chính; Văn Lang (Hưng Hà)… Theo các tài liệu khảo cứu, dưới Vua Hùng và trung tâm Văn Lang có các bộ lạc, đứng đầu là các tù trưởng có vị thế ngang hàng lạc hầu, lạc tướng, còn được gọi là bộ tướng. Mỗi bộ (bộ lạc) định cư trên một vùng lãnh thổ mà họ đã khai phá, được quyền cha truyền con nối mà chính quyền trung ương không thể can thiệp. Giúp bộ tướng (cũng gọi là bộ chủ) có các quan lang, mỗi người cai quản một tiểu vùng, miền núi là mường, miền xuôi là hương, làng. Một hương thời cổ rộng bằng một huyện hoặc vài huyện ngày nay (thời Hùng Vương, phía Bắc tỉnh ta là hương Đa Cương, Bắc huyện Vũ Thư là hương Mần Để, Đông Bắc tỉnh ta là hương Thái Bình). Con trưởng “lang” được thế tập làm Lang. Dòng trưởng ngành thứ quan lang giữ chức cun (gọi là Lang Cun) cai quản một bản hoặc một xá ấp. Nơi quan lang ở gọi là Cun, nơi quan ăn lộc ruộng lạc gọi là Chiềng. Nơi một thị tộc có chung dòng máu phụ hệ ở gọi là động, xá. Nơi một vài thị tộc nhỏ ở chung chạ gọi là chạ. Dân gọi là lạc dân, ruộng mà lạc dân khai phá gọi là lạc điền (ruộng nước). Người hầu vua quan, con trai gọi là nường, con gái gọi là xảo (tức nô tỳ). Huyện Hưng Hà vẫn còn làng Cun (xã Tân Hòa), làng Chiềng (xã Liên Hiệp)… Lớp cư dân tiếp cận với vùng châu thổ Nam sông Luộc đầu tiên là tộc Đãn (thị trấn Hưng Hà có khu dân cư Đãn Chàng, xưa là tộc Đãn Chàng, xã Thống Nhất) và những dân chài thuộc hệ Nam Á, họ giỏi đóng thuyền, chèo thuyền, đánh cá. Bờ bãi tỉnh ta thời Vua Hùng còn thưa vắng, rừng ven biển cung cấp củi lửa. Thượng nguồn sông Trà Lý, sông Cô, sông Tiên Hưng đầy nước ngọt. Ngoài khơi có đủ các loài chim, thú, mực, đé, ba ba như ngày nay nhưng mật độ dày đặc hơn nhiều. Vùng trũng ven sông Hóa như Lộng Khê, Tô Xuyên, Tô Đàm (Quỳnh Phụ), Đăng Tràng, Trà Khê, Trà Hồi, Trà Linh là môi trường nước lợ có nhiều tôm, tép, cá, sò. Trong nội đồng có những bến sông chật cá mà đến nay còn địa danh làng Chiếp Đông, Chiếp Đoài (xã Hồng Lĩnh, Hưng Hà) có ngữ nghĩa là cá chép, lại có cả làng Cá (Đông Huy, Đông Hưng), làng Mòi (cá Mòi, xã An Bài, nay là thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ), làng Chạch (Hòa Tiến, Hưng Hà), làng Cáp (con trai hến, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư và xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà).

Thiên nhiên ban tặng cho tỉnh ta một vùng thiên nhiên lý tưởng có nguồn lương thực “lộc trời” và được cho là vùng trung lưu giữa sông Trà và sông Hồng, khu vực này có cả rừng Búng, rừng Báng ở xã Tân Bình, thành phố Thái Bình và xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư (Từ điển Hán - Nôm và Từ điển tiếng Việt đều chú thích: Cây báng tên chữ là Quang Lang, thân cây có bột có thể dùng ăn thay cơm), loài cây này thuộc họ dừa, thân có lõi, lấy lõi thân cây này xào hoặc nấu với cá thành đặc sản hạng “cao lương mỹ vị”, còn khi đói không có gạo có thể lấy lõi cây đem giã nát, lọc lấy bột làm bánh, nấu cháo béo ngậy. Phong phú hơn là các làng Đào Động (An Lễ), Cách (Ô Cánh) huyện Quỳnh Phụ; Ô Mễ (xã Tân Phong, Vũ Thư)… các bãi lầy đều có giống lúa trời. Ở xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy người dân nơi đây từ xa xưa đã biết gieo xạ lúa ở vàn cao, còn vùng chiêm trũng từng cấy lúa “râu đen” thuộc họ Tử Mang, Xích Khoáng...

Các nhà nghiên cứu nông học đã khẳng định: Lúa nước có gốc từ Đông Nam Á, khởi nguồn từ Oryza Sativa Aquatica (còn gọi lúa ngoi), được thuần hóa, phát triển từ phương Nam lên phương Bắc, từ vùng lầy lên vùng cao, lúa nước có trước lúa nương... Cũng theo nghiên cứu, rất có thể dòng dân chài có những nhóm chán cảnh trôi dạt lênh đênh đã bỏ thuyền lên bờ vừa khai thác tôm cá đồng vừa cấy trồng, thuần hóa lúa trời thành lúa nước, sớm hòa nhập vào dòng lạc dân, mở ra lạc điền (ruộng nước) nhân lúa nước cho một cõi, một vùng, để sống như sách “Lĩnh Nam chích quái” chép: “Người thời Hùng ăn cơm với canh cá”. Sự tích về nhà Trần hưng nghiệp, phát tích ở Long Hưng (nay là huyện Hưng Hà) cũng đều gắn liền với những tên gọi gắn liền với cá như làng Ngừ (cá ngừ) thuộc xã Liên Hiệp, tên gọi húy của Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung...


Quang Viện