Thứ 6, 22/11/2024, 09:33[GMT+7]

Dưỡng phụ phúc thần

Chủ nhật, 18/12/2022 | 21:39:28
9,769 lượt xem
Theo các tài liệu khảo cứu, những cư dân thâm nhập vào đồng bãi Thái Bình đầu tiên là dân chài, gặp gò đống thuận lợi cho việc neo đậu thuyền, bè, có bộ phận dân chài xiêu tán bỏ thuyền lên bờ, vỡ đất trồng sắn, khoai, rau màu vừa đánh bắt cá, tôm để sinh tồn. Từ đó, các làng, ấp hình thành, tên gọi gắn với nghề chài lưới như Đăng (Lũ Đăng), Đó (làng Đó, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ) và nhiều làng khác có nghề đăng, đó, dủi rất thịnh hành. Thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có tới ít nhất là 2/3 số làng có nguồn gốc từ thượng du, trung du, chỉ có khoảng 20 làng có gốc “thủy cơ”, “vạn” của dân chài bám trụ trên đất liền, song họ là chủ buổi sơ khai. Cư dân trồng trọt đến sau, từng đợt, từng nhóm nhỏ đã bị hòa tan trong cộng đồng người sông nước và trở thành cư dân sông nước.

Đền bà Vú, thôn Mậu Lâm, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, địa danh cổ, linh thiêng được xác định là nơi hoàng tử Lê Tư Thành chào đời, sau này là vua Lê Thánh Tông.

Trải 3.000 năm chung sống với bờ bãi, dù không biết bao nhiêu phen “chìm nổi”, họ vẫn bền chí, không để cuộc đời “trôi dạt” như “nước chảy bè trôi”, kiên trì “lặn ngòi ngoi nước”, “đắp đập be bờ”, biến “bãi bể” thành “nương dâu”, biến đồng hoang thành “biển lúa”... Lịch sử dân tộc cũng đã thừa nhận, người dân Thái Bình từ xưa tới nay khi quốc gia có giặc, họ dũng cảm “xông pha”, biết “tính nát nước nát cái” tìm kế “sâu hiểm”, đã đánh là “cất vó cả lũ” và tinh thần “cưỡi sóng chém kình” của họ được các thế hệ sau kế thừa, góp phần “nhấn chìm” mọi âm mưu xâm lược của bất kỳ kẻ thù nào từ đâu dám đến đất này.

“Địa linh sinh nhân kiệt”, đất Long Hưng nơi hưng nghiệp, phát tích nhà Trần, long mạch sinh đế vương. Trước đó, thời nhà Lý (1010 - 1225), loạn Quách Bốc xảy ra năm Kỷ Tỵ (1209) khiến triều chính nhà Lý đổ nát, kinh thành Thăng Long hỗn loạn, thái tử Lý là Lý Hạo Sảm chạy đến vùng Lưu Gia (nay là làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà) được Trần Lý và Tô Trung Từ tận dụng cơ hội giúp đỡ, cưu mang thái tử nhà Lý, cũng nhân dịp này Trần Lý và Tô Trung Từ tận tụy ngầm giúp nhà Lý phát triển thế lực. Được nhà Trần Lý giúp đỡ, chở che mà Thái tử Sảm qua được cơn binh biến, đồng thời xây dựng được lực lượng hùng mạnh dẹp tan loạn Quách Bốc. Chạy loạn về làng quê Hải Ấp, thấy con gái nhà Trần Lý là Trần Thị Dung xinh đẹp, dù ở quê hẻo lánh nhưng thắt đáy lưng ong, giỏi giang tầm tang lại khéo đàn hát nên nảy sinh tư tình, Thái tử Sảm xin nhà Trần Lý được se duyên “cầm sắt” với Trần Thị Dung. Cuối năm 1210, Lý Cao Tông mất, thái tử Sảm lên ngôi, tức vua Lý Huệ Tông. Bà sinh được 2 con gái với Lý Huệ Tông là công chúa Thuận Thiên Lý Ngọc Oanh và công chúa Chiêu Thánh (Phật Kim), sau này trở thành Lý Chiêu Hoàng. Cuối năm (1225), dưới sự đạo diễn tài ba của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng kết hôn với Trần Cảnh (em ruột của Trần Liễu) và ngay sau đó thì nhường ngôi cho Trần Cảnh (Trần Thái Tông). Trần Thị Dung trở thành Hoàng Thái hậu nhà Lý.

Sử cũ chép, thời nhà Lê sơ (1428 - 1527), khi vua Lê Thánh Tông đánh thắng quân Chiêm Thành trở về, Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao thân chinh đi đón vua. Trên đường cùng vua Lê Thánh Tông về kinh, Hoàng Thái hậu có nhắc tới chuyện khi xưa lánh nạn ở quê ngoại Đô Kỳ (nay là làng Mậu Lâm, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà) và nơi ấy đã sinh ra Hoàng đế. Vua Lê Thánh Tông vô cùng cảm kích đã cho dựng đền thờ ngoại tổ mẫu ở Đô Kỳ (Đông Đô), Đún Ngoại (Chi Lăng, Hưng Hà), Sáo Đền (Song An, Vũ Thư) và đền thờ các bà vú ở làng Đún Ngoại, làng Sâm (Mậu Lâm) vì đã dành cho vua những giọt sữa ân tình và ở Đô Kỳ bây giờ vẫn còn đền thờ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Theo các tài liệu khảo cứu, các công thần trung thành nhà Lê chọn đất Đô Kỳ là nơi lánh nạn của Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao khi sắp sinh nở là lựa chọn “không thể nào khác”. Lúc ấy, người hộ giá Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao từ kinh thành Thăng Long về làng Đún Ngoại (Y Đún) không ai khác chính là Đinh Liệt (chú ruột của mẹ) và Nguyễn Xí (tướng cũ của Thái Tổ). Trên đường về đến Cầu Tray nơi giáp ranh giữa làng Chép, xã Gia Lạp, huyện Diên Hà và làng Sâm, xã Mậu Lâm, huyện Thần Khê (nay là các xã Văn Cẩm, Chi Lăng, Đông Đô) thì bà Ngọc Dao chuyển dạ đẻ. Truyền ngôn, suốt khoảng thời gian từ “chập tối” cho đến “gần sáng” hôm sau “dài và nặng nề”, trong khi hai triều thần thì lo sợ triều đình sẽ đuổi theo và hãm hại. “Tiến thoái” không xong, Tiệp Dư gọi người hầu thắp hương rồi bà khấn cầu trời Phật. Bài khấn lay động Hoàng Thiên đến nay vẫn được truyền tụng trong dân gian: “Có phải con mẹ con cha/Thì sinh ở đất Diên Hà, Thần Khê/Nhược bằng bác mẹ chẳng sinh/Thì quăng ra đất vạn ninh cho rồi”. (Đất vạn ninh được cho là bãi tha ma). Lời khấn vừa dứt thì Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao sinh được một “hoàng tử” (tức vua Lê Thánh Tông sau này). Người xưa có câu: Cha sinh không bằng mẹ dưỡng, quả nhiên vậy, Hoàng tử Lê Tư Thành sinh ra ở đất Thần Khê, lớn lên nghe tiếng sáo diều ở quê bà ngoại, làng Kiều Thần, Sáo Đền, xã Song An, huyện Vũ Thư, khi là bậc đế vương, Lê Thánh Tông là vị vua anh minh nhất triều Lê sơ. Nỗ lực xây dựng, phát triển đất nước của vua Lê Thánh Tông qua các chiếu, chỉ dụ như: Chiếu khuyến nông, Chiếu lập đồn điền, Chiếu định quan chế... do vậy, trong dân gian có câu: “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông/Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”. Các nguồn khảo luận cho biết, vua là người luôn chăm lo mở mang bờ cõi và quan tâm sâu sắc đến việc bảo vệ giang sơn xã tắc, gìn giữ chủ quyền quốc gia. Trước những mối nguy cơ xâm lược từ phương Bắc, không chỉ cảnh giác đề phòng mà một số lần Lê Thánh Tông chủ động cho quân Bắc phạt không phải để chiếm đất, giành dân mà là để răn đe, làm nhụt tham vọng của giặc và đề cao sức mạnh của Đại Việt. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Tháng 4 năm Quý Tỵ (1473), vua nói với các quan phụ trách việc bảo vệ biên cương, đứng đầu là Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy rằng: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được, ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”.

Các nhà nghiên cứu lịch sử nhận xét: Bộ máy nhà nước trung ương tập quyền nhà Lê sơ mà Lê Thánh Tông trị vì đến mức hoàn bị từ trung ương xuống đến cơ sở. Thế lực của đại quý tộc bị hạn chế, thay vào đó là sự tham chính của tầng lớp sĩ phu Nho giáo được tuyển lựa bằng con đường thi cử. Nổi bật là Bộ luật Hồng Đức, bộ luật được xem là sự kiện đánh dấu trình độ văn minh rực rỡ của xã hội Việt Nam thế kỷ XV. Vua Lê Thánh Tông, người khởi xướng và xây dựng Bộ luật Hồng Đức cũng là người thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật đã ban hành. Nhà vua thường bảo với các quan rằng: “Pháp luật là phép tắc chung của nhà nước, ta và các người phải cùng tuân theo”. Thời phong kiến, chưa bao giờ nền giáo dục, thi cử lại thịnh đạt cũng như vai trò của trí thức lại được đề cao như đời vua Lê Thánh Tông. Ngoài Hàn lâm viện, Quốc sử viện, Nhà Thái học, Quốc Tử Giám là những cơ quan văn hóa, giáo dục lớn; ông còn xây kho chứa sách, Nhà bia Tiến sĩ và tiến hành cho dựng bia để ghi danh, tôn vinh những người tài và đức của dân tộc Đại Việt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Hồng Đức quốc âm thi tập”, “Hồng Đức thiên hạ bản đồ”, “Thiên Nam dư hạ”... là những giá trị văn hóa tiêu biểu của triều đại Lê sơ dưới thời vua Lê Thánh Tông.


Quang Viện