Thứ 6, 19/04/2024, 08:21[GMT+7]

Định đề tự nhiên

Thứ 2, 09/01/2023 | 08:28:33
5,187 lượt xem
Theo các tài liệu khảo cứu, thuở sơ khai, nghề trồng lúa nước “bén duyên” mảnh đất “ven bờ cuối bãi” (nay là Thái Bình) đã cho những mùa vàng bội thu “kéo” người từ miền núi, trung du tràn xuống “hòa trộn” với dân chài ven biển hình thành dân châu thổ. Do dân số ngày một đông nên những nhóm người tụ tập với nhau tạo nên làng, xã. Mô hình làng, xã phát triển khá nhanh trở thành tế bào quan trọng của xã hội nông nghiệp. Ngoài trồng cấy lúa nước, để đáp ứng nhu cầu “ăn, mặc, ở” của người dân, nghề và làng nghề ở nơi đất mới bắt đầu phát triển.

Lễ hội đầu xuân làng An Liêm, xã Thăng Long, huyện Đông Hưng.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng: Hiện nay, quá trình hội nhập thế giới và việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH - HĐH) đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến các làng, xã, làng nghề Việt nói chung, làng và làng nghề ở Thái Bình nói riêng dẫn đến biến đổi văn hóa của các làng, làng nghề. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân của sự biến đổi này chính là do lực lượng sản xuất rất phát triển, phương thức sản xuất được đổi mới, kinh tế hàng hóa thâm nhập sâu rộng vào mọi mặt đời sống xã hội của người dân. Việc làm mà “nghề” mang lại nguồn thu lớn và chủ yếu cho cư dân, làm cho kinh tế nông thôn phát triển, cuộc sống sung túc nên CNH - HĐH ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống văn hóa tinh thần của người dân. CNH - HĐH khiến nhiều làng nghề đã không còn tồn tại bởi sản phẩm không có chỗ đứng trên thị trường, hoặc có những làng nghề còn tồn tại nhưng là để duy trì nghề, sản phẩm làm ra có rất ít người tiêu thụ bởi không phù hợp với yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Cái còn lại chính là văn hóa làng, điểm mấu chốt để làng nghề tồn tại và phát triển. Văn hóa cũng khiến người làng nghề thay đổi cách nghĩ, từ đó đổi mới mặt hàng sản xuất, công nghệ sản xuất... nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Cũng từ văn hóa, sản phẩm của các làng nghề cũng biến đổi theo, song sự biến đổi của mỗi làng phụ thuộc vào sự biến đổi văn hóa của mỗi làng.

Cũng theo tài liệu khảo cứu, quan niệm phổ biến cho rằng, nghề và làng nghề đã hình thành nên văn hóa làng nghề. Văn hóa làng nghề gồm hai yếu tố “văn hóa làng” và “văn hóa nghề”. Văn hóa làng có trước, gồm các yếu tố văn hóa vật thể như diện mạo và cấu trúc vật chất làng, xã, các di tích thờ cúng như đền, đình, chùa, miếu… và văn hóa phi vật thể gồm cơ cấu tổ chức làng, xã, các ứng xử xã hội, lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng… Văn hóa nghề là các yếu tố liên quan đến nghề (kỹ thuật làm nghề, đặc trưng sản phẩm nghề, tâm lý và tính cách người làm nghề,…). Văn hóa làng nghề là các yếu tố tiêu biểu nhất về vật thể và phi vật thể của một làng được hình thành dưới ảnh hưởng của nghề; gắn với việc sản xuất, sinh sống bằng một hay một số nghề. Văn hóa làng nghề có ba bộ phận chính là văn hóa tổ chức (hay cơ cấu tổ chức), văn hóa vật thể (các sản phẩm nghề, các thiết chế thờ cúng, các thiết chế văn hóa) và văn hóa phi vật thể (các phong tục, lễ hội, việc dạy nghề, truyền nghề…) văn hóa làng nghề, đó là những đặc điểm của yếu tố nghề trong văn hóa tạo nên diện mạo làng. Văn hóa làng nghề, đó là một kiểu loại văn hóa làng, có những đặc trưng của yếu tố nghề, chịu tác động của nghề. Các nhà nghiên cứu khẳng định, văn hóa làng nghề là một dạng đặc thù, là một phức thể các yếu tố văn hóa vật chất, văn hóa xã hội và văn hóa tinh thần ở các làng nghề, giữa nghề và làng, giữa con người và các yếu tố ngoài con người, có quan hệ mật thiết với nhau, ràng buộc và phụ thuộc, tác động vào nhau, trong đó nghề giữ vị trí trung tâm. Ngoài các yếu tố chung của văn hóa làng, văn hóa làng nghề có một số yếu tố đặc thù, như nhịp sống làng nghề, tâm lý và tính cách của người làng nghề… Cũng như văn hóa làng, văn hóa làng nghề được cấu thành bởi các thành tố: Văn hóa vật chất (không gian, cảnh quan làng, di tích thờ cúng)... Văn hóa xã hội (các thiết chế, tổ chức làng, xã; các giai tầng xã hội)... Văn hóa tinh thần (phong tục, tập quán, lễ tiết, hội làng)… Một thực tế, làng nghề truyền thống đã dần ứng dụng máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất nên sản phẩm làm ra tăng nhanh, năng suất lao động tăng, thu nhập của người dân cao hơn và ổn định. Có thu nhập ổn định, kinh tế phát triển đã giúp người làng nghề có điều kiện nâng cao đời sống tinh thần, quan tâm tới các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tâm linh... Các nghiên cứu cũng không khỏi đặt vấn đề nghi vấn bởi sự biến đổi văn hóa và kinh tế làng nghề cũng không theo một đường thẳng đơn tuyến mà nó hội tụ cả những mặt trái, những yếu tố chưa tích cực cản trở sự phát triển của các làng nghề. Trên cơ sở những luận điểm về biến đổi văn hóa, về làng nghề, văn hóa làng nghề, những biến đổi văn hóa làng nghề chính là tác nhân biến đổi các thành tố cấu thành văn hóa làng nghề. Dưới tác động của các yếu tố chính trị, kinh tế và xã hội. Sự biến đổi này bao hàm cả biến đổi về số lượng và chất lượng, trạng thái. Biến đổi giữa cái cũ và cái mới, từ cái chưa hoàn thiện đến cái hoàn thiện. Qua nghiên cứu một số làng nghề nổi tiếng trên địa bàn tỉnh ta như chạm bạc Đồng Xâm, dệt đũi Nam Cao (Kiến Xương), nghề dệt lụa Thái Phương (Hưng Hà), làng ươm tơ Hồng Lý (Vũ Thư), dệt chiếu cói An Vũ, An Tràng (Quỳnh Phụ)… thấy có sự biến đổi bao hàm cả những yếu tố tích cực và chưa tích cực; sự biến đổi đã có chọn lọc và cả những biến đổi chỉ mang tính trào lưu chưa phù hợp. Theo các nhà nghiên cứu, sự biến đổi này cũng hoàn toàn tất yếu, khách quan trong điều kiện CNH - HĐH và hội nhập quốc tế.

Lấy ví dụ làng nghề mộc Vế - Diệc, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà. Nằm cạnh làng Lưu Xá, vùng đất cổ, nơi hội tụ của dân di cư từ nhiều nơi khác đến, nơi các triều đình phong kiến đưa tù binh Chiêm Thành, Tống, Nguyên về sinh sống, tới vùng đất mới, bên cạnh việc mang theo tập tục sinh hoạt, văn hóa, nhiều người mang theo nghề thủ công: nghề mộc, nghề ngõa (xây), nghề rèn, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Thế phả dòng họ Trần, xã Hồng An có chép: vào thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), nhà vua đi đánh Chiêm Thành, bắt được tù binh đem về, lấy ruộng công của nơi xa cấp cho người Chiêm cày cấy… Người Chiêm tụ họp lại dựng nhà lập 35 ấp, ngày khẩn hoang cấy lúa, trồng dâu chăn tằm, đêm đánh cá, dệt vải. Ở Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà còn lưu truyền câu ca dao nói về nghề dệt: “Càng rộng đường go, càng to vốn sợi”, hoặc “Khéo quay tơ, lơ dệt cửi”, “Con gái dệt nái, tay trái đếm tiền”…

Theo các tài liệu khảo cứu, đất đai vùng Nam Chu Diên (Thái Bình nay) như một hòn đảo lớn nằm giữa sông và biển, phía Bắc và Đông Bắc là dòng Nông Kỳ (sông Luộc) và sông Hóa, phía Tây Nam là dòng Đại Hoàng Giang (sông Hồng), phía Nam giáp biển. Nội đồng chằng chịt sông ngòi mà tiêu biểu là dòng Trà Lý, Tiên Hưng, Diêm Hộ, Cô… đặc biệt sông Trà Lý (Tiểu Hoàng Giang) như dải lụa chảy từ Tây sang Đông chia đất Thái Bình thành hai nửa, phía Bắc là Châu Đằng, phía Nam là Châu Đặng. Đến thời vua Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa triều) đổi Châu Đằng thành phủ Thái Bình. Cư dân khắp nơi đổ về đây sinh sống hình thành lên văn hóa làng nghề. Văn hóa làng và làng nghề được hình thành bởi văn hóa vật chất, văn hóa xã hội và văn hóa tinh thần của làng; các yếu tố đó có quan hệ mật thiết, ràng buộc và phụ thuộc nhau, trong đó nghề giữ vị trí trung tâm.


Quang Viện