Thứ 6, 22/11/2024, 04:09[GMT+7]

Địa thiêng linh dị

Thứ 2, 16/01/2023 | 10:47:53
7,232 lượt xem
Các nghiên cứu về địa tầng thềm lục địa nước ta đã chỉ ra rằng, trên 2.000 năm trước, đất đai, cương vực tỉnh Thái Bình đã được hình thành, tuy muộn hơn các vùng đất khác nhưng tự nhiên lại ban tặng cho Thái Bình địa thế án ngữ bên bờ Biển Đông cùng sự màu mỡ của miền đất sa bồi, dồi dào nhân lực trẻ cùng với khát vọng chinh phục thiên nhiên hình thành bản lĩnh kiên cường của người dân bên bờ sóng tích tụ qua gian khổ để khai mở đất đai, chống thiên tai, địch họa. Cũng trong gian khó, thiên nhiên cũng hào phóng ban tặng cho Thái Bình vị thế quan trọng bởi ba mặt sông, một mặt biển như ốc đảo trù mật khiến các bậc vương triều, đặc biệt là vương triều Trần thế kỷ XIII coi đây là hậu phương lớn cung cấp sức người, sức của cho các cuộc trường chinh bảo vệ đất nước.

Chùa làng Đìa, xã Hồng An, huyện Hưng Hà được xây dựng từ năm 1238, thời nhà Trần thế kỷ XIII, địa danh cổ được xác định là phủ lỵ Ngự Thiên.

Ngược dòng lịch sử, theo các tài liệu khảo cứu, ngay từ đầu Công nguyên đến thế kỷ VI, đất đai Thái Bình không chỉ là căn cứ dấy binh, khởi nghĩa của nhiều anh tài, hào kiệt mà luôn là địa bàn cung cấp lương thực, nhân lực cho các cuộc nổi dậy của nhân dân ta chống quân xâm lược Đông Hán và lật đổ ách đô hộ của nhà Lương. Đến thế kỷ X, dựa vào địa thế sông nước, Đinh Bộ Lĩnh dẹp được loạn 12 sứ quân. Thế kỷ XI, những năm 1038, 1065, vua Lý từng về Kỳ Bố hải khẩu (nay là phường Trần Lãm và Kỳ Bá, thành phố Thái Bình) cày tịch điền, khuyến khích phát triển nông nghiệp. Cuối thế kỷ XII, nhà Trần từ hương Tức Mặc (Nam Định nay) di dời mộ tổ sang đất Thái Đường (nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) và không lâu sau đó, nhà Trần đã thay thế nhà Lý suy vi, xây dựng nên quốc gia Đại Việt hùng mạnh, từng đập tan nhiều cuộc xâm lăng của phương Bắc, tiêu biểu là ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Nhiều nguồn khảo luận đã khẳng định, Long Hưng - Ngự Thiên (nay là huyện Hưng Hà) là miền quê gắn bó với gia tộc họ Trần trước khi nhà Trần dấy nghiệp thành vương triều Trần. Dòng họ Trần tự bạch là dòng họ “nối đời làm nghề chài lưới” chu du khắp vùng sông nước ven biển Bắc Bộ và nhờ nghề chài lưới mà trở thành hào kiệt. Họ Trần đã có cuộc chuyển cư lịch sử về vùng đất Ngự Thiên sau cuộc di dời mộ tổ. Địa linh sinh nhân kiệt, với tư duy chính trị nhạy bén, với thế lực hào kiệt dòng họ Trần ở Ngự Thiên - Long Hưng xuất hiện nhiều tên tuổi tiếng tăm lẫy lừng như Trần Lý, Trần Tự Khánh, Trần Thừa, Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ… những nhân vật hiệt kiệt của dòng họ Trần đã nhanh chóng mở rộng quan hệ, liên kết các thế lực tạo thanh thế, leo sâu vào chốn triều đình để cuối cùng thực hiện mỹ mãn ước vọng nắm lấy ngai vàng quyền lực từ tay nhà Lý đổ nát… Dòng họ Trần ở Long Hưng ghi nhận một người có vai trò hết sức quan trọng giúp Trần Thái Tông làm nên nghiệp lớn đó là “Thượng hoàng” Trần Thừa, mặc dù Trần Thừa chưa bao giờ là vua. Ông là con trưởng của Minh tự Trần Lý. Từ nhỏ, Trần Thừa sống ở ấp Tinh Cương, phủ Long Hưng. Trong các con của Trần Lý, ông là người được học hành chu đáo nhất, được thân phụ ủy thác giao cho việc hương hỏa mộ phần, dạy bảo các em. Phàm các việc lớn của Hoàng hậu nhà Lý - Trần Thị Dung ở trong cung, của Trần Tự Khánh trên chính trường đều có ông đứng sau. Khác với Trần Tự Khánh, Trần Thừa thâm thúy, cẩn trọng trong mọi hành tung, ông đã quyết phải làm, làm phải chắc thắng. Vì vậy, sau sự kiện dẹp loạn Quách Bốc, cả nhà lao vào chính sự, riêng Trần Thừa phải 17 năm sau khi em trai giữ chức Thái úy phụ chính, ông mới nhận công việc “Nội thị phán phủ”. Ông lấy quận nương Lê thị, con gái Thái phó Lê Điện nhà Lý để dễ kết giao với các đại thần nhà Lý như Thái úy Phạm Kính Ân, Quý Thịnh hầu (cháu vua Lý Cao Tông). Ông cho con trai trưởng là Trần Liễu lấy công chúa Thuận Thiên để liên gia với hoàng tộc. Khi thanh thế đủ mạnh, mãi tới năm 1223 ông mới thay em giữ chức Thái úy phụ chính và được vua mến, quần thần trọng, sử cũ ghi: “Khi vào chầu không phải xưng tên”. Ngày 21 tháng 10 năm Thiên Chương Hữu Đạo thứ 2 (1225) khi diễn ra sự kiện trọng đại Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, ông cố tình vắng mặt, vẫn vui vẻ chốn điền viên quê nhà ở hương Tinh Cương tỏ ra không quan tâm đến việc đoạt vương triều, đợi đến khi phải có lời thỉnh cầu của trăm quan triều chính, sai sứ về tận phủ đệ Tinh Cương đón rước, ông mới “chịu” về giúp con trai trị quốc. Tháng 10 năm Bính Tuất (1226), Thái Tông Trần Cảnh tôn ông làm Thượng hoàng, giữ quyền nhiếp chính, biết cảnh “tân triều” nhiều rối ren, ông cố gắng dung hòa mọi mâu thuẫn. Các cựu thần nhà Lý thần phục “tân triều” đều được trọng dụng. Các quan phụng ngự của triều Lý Phùng Tá Chu, Thái úy Phạm Kính Ân đều dần được trao trả tước vị cũ. Quý Thịnh hầu được gia phong tước An Hạ vương, vinh phong quốc tính (mang họ Trần). Lê Tần được dùng làm tướng. Các thổ hào, thổ mục nơi biên cương viễn xứ đều được phép lấy cung nữ triều Lý. Để thiết định kỷ cương, giềng mối, năm 1230 ông trực tiếp chỉ đạo biên tập sách Quốc triều thông chế, lại ban bố sách Quốc triều thường lệ. Năm 1232, ông định lại triều nghi, bởi thế trong ngoài danh phận rõ ràng, trên dưới có hàng, mọi phép tắc đều đúng quy củ. Chín năm ở ngôi Thượng hoàng, Trần Thừa tổ chức hai khoa thi lớn để lựa chọn hiền tài: năm 1227, tổ chức khoa thi Tam giáo, năm 1232 mở khoa thi Thái học sinh, chọn được nhiều nhân tài như Trương Hanh, Lưu Diễm, Đặng Diễn, Trần Chu Phổ... Do sự tận tụy dạy bảo của Thượng hoàng, Trần Thái Tông mới 8 tuổi đã gánh vác được việc lớn, được sử gia các đời khen là bậc “khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, (có công) lập kỷ, dựng cương... sáng nghiệp truyền dòng”. Ngày 28 tháng 8 năm Thiên ứng Chính Bình thứ 3 (1234) Thượng hoàng Trần Thừa băng ở cung Phụng Thiên, thọ 51 tuổi. Dựa vào tài đức, công lao của ông, đình thần tôn thụy hiệu là “Khai vận lập cực hoằng nhân ứng đạo thần nhân chí đức thần vũ, thánh văn thùy dụ chí hiếu hoàng đế”. Thể theo di chúc, đình thần rước linh cữu về quê, dựng Thọ lăng cạnh mộ tổ nhà Trần tại Tinh Cương, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng.

Khi họ Trần làm nên nghiệp đế, ông vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông (Trần Cảnh) đã ban phong cho ông ngoại Lê Điện làm Quốc trượng, thân mẫu Quốc hoàng Thái hậu Lê Thị Thái là Thuận Từ Hoàng Thái Hậu. Đất Dương Xá thuộc hương Tinh Cương được ban cho Trần Nhật Hạo (em Trần Cảnh) làm thái ấp; Quốc trượng Lê Điện được ủy nhiệm cai quản điền trang. Vừa canh tác vừa sản xuất lấy lương thực, Quốc trượng Lê Điện còn chú tâm tuyển chọn và rèn luyện gia binh - trang binh để bảo về điền trang và cũng chính lực lượng gia binh - trang binh này đã dựng lên đội quân tinh nhuệ, oai hùng nhất triều Trần - đội quân Tinh Cương đánh đông, dẹp bắc.

Long Hưng - Ngự Thiên, vùng đất hưng nghiệp, phát tích nhà Trần thế kỷ XIII đã đánh dấu mốc son chói lọi trong trang sử oai hùng thuở “mang gươm đi mở đất” của các bậc tiền nhân. Sự nghiệp nhà Trần gắn với miền đất Long Hưng, với non sông Đại Việt đã tạo cho vùng đất “địa thiêng, linh dị” cơ hội được bộc lộ tiềm năng, sức mạnh, nâng cao tầm vóc, vị thế miền đất sa bồi trù mật mà “các triều phí dụng nuôi quân” đều lấy ở đây. Những địa danh đi vào biên niên sử của dân tộc với những tên gọi Thái Đường, Hải Ấp, Hải Thị, Tinh Cương, Dương Xá, Lưu Xá, Đại Hoàng giang, Tiểu Hoàng giang, A Lỗ... Nơi tôn miếu nhà Trần với những Thái lăng, Thọ lăng, Diên lăng, Thái Sinh lăng... cùng những chiến công hiển oai trong ba cuộc kháng chiến oanh liệt đánh tan quân giặc bạo tàn Nguyên Mông, gìn giữ giang sơn Đại Việt.


Quang Viện