Chủ nhật, 05/01/2025, 11:27[GMT+7]

Tuyệt thi hoàng triều

Thứ 6, 27/01/2023 | 08:59:24
6,537 lượt xem
Các nguồn khảo luận cho biết, cuối triều đại nhà Lý đất nước lâm vào suy thoái, chính quyền trung ương bất lực, chính trị hỗn loạn, triều chính rối ren, thế nước nghiêng ngả, nguy ngập. Lúc ấy, vua Cao Tông nhà Lý chẳng lo việc nước, mải mê sa đọa, say đắm thanh sắc, ăn chơi xa xỉ, xây cung điện trăm nóc để thưởng ngoạn. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, các quan lại triều đình mạnh ai nấy vơ vét túi tham, dân lầm than, việc nước vua phó mặc cho bọn ngoại thích lộng quyền. Không bao lâu sau triều chính xảy ra “loạn Quách Bốc”, hoàng thân quốc thích nhà Lý bỏ kinh thành chạy loạn khắp nơi, Thái tử Lý Huệ Sảm được họ Trần trong triều đón rước về Hải Ấp, Lưu Xá (nay là xã Canh Tân, huyện Hưng Hà) nương nhờ sự chở che của gia tộc họ Trần, lánh nạn...

Một góc đền thờ các vua Trần và hoàng hậu, công chúa nhà Trần, thôn Thái Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà.

Vua Lý Cao Tông băng hà, kế tiếp ngai vàng triều mạt Lý là Lý Huệ Tông cũng chẳng khá hơn cha mình là mấy. Lý Huệ Tông là vị vua được cho là nhu nhược, bất tài, cuối đời “hóa điên” khi không có con nối dõi để đến nỗi phải nhường ngôi cho con gái mới 8 tuổi và kết cục không thể khác dưới bàn tay đạo diễn tài ba của Điện tiền chỉ huy Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (Trần Thái Tông), nhà Trần nắm quyền lực cai trị đất nước vào năm 1226. Theo tài liệu dịch của cố dịch giả Dương Quảng Châu đồng thời cũng là người con của quê hương huyện Thần Khê (phủ Long Hưng) trong thần phả đình làng Lộ Vị (còn gọi là làng Và) xã Thăng Long, huyện Đông Hưng vào thời điểm nhà Lý suy vi, các thế lực chống phá triều đình nhà Lý nổi lên, cát cứ nhiều phương, để tăng thêm thế lực nhằm “kéo giãn” lực lượng của Đoàn Thượng (tướng nhà Lý) đang “hùng cứ một phương” trong thời loạn Quách Bốc ở phủ Hạ Hồng (nay thuộc Hưng Yên và Hải Dương), Chương Thành hầu Trần Tự Khánh, đại quan của triều Lý đã khéo léo gả em gái mình là Trần Tam Nương cho Đoàn Hồng Lôi. Không những gả em gái cho Đoàn Hồng Lôi, Trần Tự Khánh còn cắt đất vùng Tiên Hưng (nay thuộc nhiều xã huyện Đông Hưng) cho Đoàn Hồng Lôi làm Thái ấp Long Khê, Cả Lũ. Dẹp xong loạn Quách Bốc, nhà Trần đưa Thái tử Sảm về kinh đô, dựng ngôi Hoàng đế, xưng Lý Huệ Tông lập Trần Thị Dung làm Hoàng hậu. Năm 1224, xét công lao dẹp loạn, Trần Thủ Độ được nhà Lý phong chức Điện tiền chỉ huy sứ. Sử cũ chép: “Thái tôn (Trần Cảnh) lấy được thiên hạ đều là công sức của Thủ Độ cả, cho nên nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua”.

Long Hưng (nay là huyện Hưng Hà) vốn là đất “quan hà triều Lý”, bên cạnh Long Hưng là các phủ, huyện như Kiến Xương, An Tiêm, Thái Bình…, trong phủ lại có huyện Thần Khê là vùng đất trù mật, dân cư đông đúc, phong tục thuần hậu… Nhà Trần nắm ngôi báu đã chú ý đến vùng đất này và đất đai các làng mạc tiếp tục được khai khẩn, mở rộng ra nhờ kế sách “ngụ binh ư nông” của triều đình. Thủy lợi được chú trọng, đê điều được đắp cao tạo điều kiện để dân chúng “dẫn thủy nhập điền”, phù sa của các con sông được dẫn vào đồng ruộng tăng độ phì nhiêu của đất đai góp phần làm nên những mùa vàng bội thu. Đất đai thuộc Thái Đường (nay thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà), nơi đặt mộ tổ nhà Trần và là nơi xây lăng tẩm nhà Trần được coi là ruộng “sơn lăng” và được giao cho dân nơi đây cày cấy không thu thuế để nhân dân có điều kiện chăm lo, hương hỏa lăng miếu nhà Trần.

Theo sử cũ ghi lại, vua Trần Nhân Tông, vị vua đời thứ 3 của nhà Trần thế kỷ XIII đã sống cuộc đời oanh liệt và có những đóng góp to lớn, thiết thực cho dân tộc. Trần Nhân Tông là vị vua có tâm hồn thi ca, những tác phẩm thơ văn của vua Trần Nhân Tông do “Thánh đăng ngữ lục” ghi lại tiêu biểu như các tác phẩm: Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Thiền lâm thiết chủy hậu lục, Đại hương hải ấn thi tập, Tăng già toái sự và Thạch thất mị ngữ đã bị thất lạc. Còn lại một số bài thơ, bài văn và ngữ lục được chép rải rác lưu truyền đó đây trong nhân gian. Trần Nhân Tông đã viết bài thơ thiền nổi tiếng vương triều, xin trích đoạn: Thị phi niệm trục triêu hoa lạc/ Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn/ Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch/ Nhất thanh đề điểu hạ xuân tàn. (Mạn hứng ở sơn phòng - Trần Nhân Tông); tạm dịch: Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm/ Lòng danh lợi lạnh theo trận mưa đêm/ Hoa rụng hết, mưa đã tạnh, núi non tịch mịch/ Một tiếng chim kêu lại cảnh xuân tàn. Những câu thơ có vẻ bi ai nhưng thực ra trong thẳm sâu tâm hồn Trần Nhân Tông không hề có tâm trạng bi quan mà chính đây lại là trạng thái “đạt đạo” của một vị vua bình thản trước mọi cám dỗ vật dục. Cũng chính vì “đạt đạo” trong tâm hồn đầy chất thi ca mà vua Trần Nhân Tông có thể nhìn con ngựa đá, linh vật coi sóc tôn miếu nhà Trần ở Thái Đường (Tiến Đức, Hưng Hà nay) ngả nghiêng lấm bùn đất sau khi quân giặc Nguyên Mông tràn vào Đại Việt, chiếm Thăng Long, đào phá lăng mộ nhà Trần ở Thái Đường hòng cắt đứt vận khí tổ tông nhà Trần đã bị quân dân Đại Việt đánh tơi bời tháo chạy (1288), vua Trần Nhân Tông đã quỳ xuồng nền đất ẩm ướt bên cạnh linh vật vẫn còn bê bết bùn đất, hậu quả do quân giặc bạo tàn gây ra, lòng nhân từ của vị vua anh minh đã phác họa bức tranh gấm vóc Đại Việt chỉ vỏn vẹn hai câu thơ lắng sâu hồn sông núi, để lại nghìn đời cho con cháu: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu”.  

Cuộc đời vua Trần Nhân Tông khi còn ấu nhi đã có những biểu hiện khá rõ nét hơi hướng Phật giáo nhưng khi được ngự ngai vàng quyền lực thì vấn đề quan tâm đầu tiên của vua Trần Nhân Tông lại là bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của quốc gia Đại Việt. Vua Trần Nhân Tông là con đầu của Thượng hoàng Trần Thánh Tông, ông là một vị vua anh minh quả cảm, nhiều lần xông pha trận mạc đánh tan đội quân Nguyên Mông hung nô thiện chiến, đặc biệt là hai trận chiến vang dội lịch sử vào năm 1285 và 1288. Cũng trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (năm 1285), lần thứ 3 (1288), tháp tùng hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông về Thái Đường (Tiến Đức, Hưng Hà), thuyền rồng của vua ghé thăm Hải Ấp, cháu nội vua Trần Thái Tông là Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải đã thốt lên thành thơ khi đặt chân lên bến Lưu Gia. Bài thơ “Lưu Gia Độ” trở thành tuyệt phẩm thi ca thời Lý - Trần: “Lưu Gia Độ khẩu thụ tham thiên/ Hỗ tụng đông hành tích bạc thuyền/ Cửu tháp giang đình thu thủy thượng/ Hoang từ cổ chủng thạch lân tiền/ Thái Bình đồ chí kỷ thiên lý/ Lý đại Quan Hà nhị bách niên/ Thi khách trùng lai đầu phát bạch/ Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên”; tạm dịch theo “niêm luật” thơ Đường như sau: “Lưu Gia xanh ngắt một trời cây/ Thuyền ngự xuôi dòng trước ghé đây/ Tháp cũ, đình xưa, làn nước chiếu/ Đền hoang, mộ cổ dãy lân bày/ Thái Bình ngàn dặm cơ đồ rộng/ Lý đại hai trăm năm vận mệnh dài/ Trở lại khách thơ đầu đã bạc/ Trời thanh nước gợn ánh hoa mai”.

Sử cũ chép, năm Mậu Ngọ 1258, với thái độ ngạo mạn, chúa Mông Cổ là Mông Kha ra lệnh cho Ngột Lương Hợp Thai, một tên tướng được mệnh danh là “bách chiến bách thắng” đem một đạo quân ngót 3 vạn từ thượng nguồn sông Hồng (địa phận tỉnh Lào Cai nay) tràn vào Đại Việt. Với ý chí quật cường, vua Trần Thái Tông đã nhanh chóng tổ chức chống giặc, giữ nước. Thế giặc mạnh như chẻ tre, quân Nguyên Mông hung hãn tiến vào Thăng Long, có người lo sợ khuyên vua nên “nhập Tống” (ý muốn nói Đại Việt nên dựa vào thế nước Tống). Vua Trần Thái Tông đem chuyện đó kể với Thái sư Trần Thủ Độ, Thái sư đã khẳng khái tấu trình: “Đầu thần chưa rơi, bệ hạ không có gì phải lo!”. Sau đó nhà Trần tổ chức phản công, đánh tan cuộc xâm lăng lần thứ nhất của giặc Nguyên Mông. Lễ mừng chiến thắng được tổ chức tại tôn miếu nhà Trần ở Thái Đường để báo tiệp, trong niềm hân hoan đại thắng giặc Nguyên Mông, vua Trần Thái Tông đã truyền ngôi cho con là Thái tử Hoảng, trở thành Thái thượng hoàng.


Quang Viện

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày