Thứ 6, 22/11/2024, 03:18[GMT+7]

Chào mừng lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2023 Duyên cách Long Hưng

Thứ 5, 02/02/2023 | 09:03:47
7,070 lượt xem
Vương triều Trần thế kỷ XIII, vương triều phong kiến thịnh trị nhất trong các vương triều phong kiến Việt Nam, sau khi hưng nghiệp, phát tích, nhà Trần đã chọn đất Thái Đường (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà nay) xây dựng Thọ lăng, Chiêu lăng, Dụ lăng, Đức lăng làm nơi an táng Thái thượng hoàng Trần Thừa và các vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông cùng lăng của Tuyên từ Thái hậu… Mặc dù đối với nhà Trần, hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Định) đã định cư bốn đời nhưng dường như duyên cách không chọn đất ấy làm nơi xây lăng tẩm. Cơ duyên, Long Hưng - Tinh Cương đất ấy đã chọn (làng Thái Đường) làm nơi đặt tôn miếu cho con cháu tộc họ Trần (Tức Mặc) “nối đời làm nghề đánh cá” di dời mộ tổ về Long Hưng.

Lễ hội bắt cá tại đền Trần tưởng nhớ nhà Trần “nối đời làm nghề đánh cá”.

Long Hưng là tên gọi phủ thời nhà Trần, gồm 4 huyện Ngự Thiên, Duyên Hà, Cổ Lan và Thần Khê. Các nguồn khảo luận cho thấy, sau khi vua Lý Cao Tông băng hà, con trai là Lý Huệ Sảm lên ngôi nhưng vị vua này chẳng hơn vua cha là mấy, cũng nhu nhược và bệnh hoạn, xã tắc triều Lý càng thêm bấn loạn dẫn đến cuộc tranh giành quyền lực quyết liệt giữa một bên là nhóm đại thần muốn xóa bỏ triều Lý mục ruỗng và bên kia, trong góc khuất triều đình là anh em họ Trần được một số lực lượng khác ủng hộ nhằm giữ vững triều Lý, cho dù nó đã quá suy tàn. Trong lúc bấn loạn, một vài cuộc làm phản nổ ra thể hiện sự chống đối triều Lý đồng thời phủ nhận triều Lý, muốn cát cứ xưng vương, xưng bá. Triệt để lợi dụng tình hình triều chính nghiêng ngả, nhân danh bảo vệ triều Lý, anh em họ Trần mà đứng đầu là Trần Lý đã tập hợp lực lượng chống lại các thế lực phản trắc, bảo vệ triều Lý đủ sức đứng vững trong một thời gian ngắn. Trong cuộc binh biến bảo vệ triều đình, anh em nhà Trần Lý đã xác lập được quyền thống trị nhất định trong triều đình.

Ngoảnh nhìn quá khứ trải dài gần tám trăm năm ta có thể thấy đất Long Hưng có lợi thế “nhân khang, vật thịnh” hơn cả Tức Mặc để nhà Trần dễ dàng lựa chọn đất lập tôn miếu. Long Hưng là nơi cao ráo, đất đai màu mỡ, lại có sông Hồng, sông Luộc tự nhiên là hào bảo vệ. So với các cửa ngõ đường bộ, đường thủy của biên giới phía Bắc, Long Hưng nằm sâu trong thế phòng thủ. Hương Tinh Cương vốn nổi tiếng cư dân đông đúc, thóc lúa và sản vật dồi dào chắc chắn là hậu phương lớn khi xảy ra chiến tranh vệ quốc. Xét về mặt địa lý, Long Hưng cách Tức Mặc không xa, chỉ đi tắt qua sông Hồng một đoạn ngắn là tới Thiên Trường. Long Hưng cũng không xa kinh thành Thăng Long là mấy, lại có sông Hồng là đường thủy giao thông huyết mạch. Nhà Trần luôn coi tôn miếu ở Long Hưng là trung tâm tín ngưỡng cung đình, nơi đây không chỉ diễn ra những nghi lễ an táng, thờ cúng tôn tộc mà còn là nơi diễn ra những sự kiện chính trị có ý nghĩa ở tầm quốc gia. 

Toàn thư ghi: Mùa thu Kỷ Mùi (1259), vua Trần Thánh Tông về bái yết Sơn lăng, đặt quan Sơn lăng và phong các cung tần của tiền đế (Trần Thái Tông) để thờ cúng. Ngày 15 tháng 5 năm Ất Dậu (1285), trên đường hành quân chống giặc Nguyên Mông, ngay sau khi thắng trận Trường Yên, Chương Dương, hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đã về Long Hưng làm lễ bái yết để báo tiệp và tăng thêm ý chí chiến đấu cho triều đình và tướng sĩ. 

Đặc biệt, sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ ba năm Mậu Tý (1288), nhà Trần lại về tôn miếu ở Long Hưng bái yết tổ tông, mừng chiến thắng, đem theo cả tướng giặc Tích Lệ Cơ, nguyên soái Ô Mã Nhi, tham chính Sầm Đoạn và Phàn Tiếp, Điền nguyên soái và các vạn hộ, thiện hộ làm lễ dâng thắng trận ở Chiêu lăng. Mùa hạ năm Nhâm Tý (1312), vua Trần Minh Tông đi tuần thủ biên giới phía Nam về cũng làm lễ báo tiệp tại lăng miếu các tiên đế ở Long Hưng. Sử cũ ghi: “Xa giá trở về, dâng lễ thắng trận ở các lăng phủ Long Hưng”. 

Sử cũ cũng ghi tháng Giêng năm Mậu Tý (1288) quân Ô Mã Nhi tiến đánh phủ Long Hưng, quần thảo Long Hưng cốt để tìm ra vua Trần; không tìm được, chúng đã hèn hạ cho quân đào tung lăng miếu nhà Trần, phá Chiêu lăng, đốt phá các lăng tẩm còn lại. Cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba (1288), dù nhà Trần để mất kinh thành Thăng Long, mất cả tôn miếu nhưng lạ thay quân giặc không hề chạm được đến chi mộ của ba vua Trần. Kinh thành Thăng Long và cả tôn miếu nhà Trần rơi vào tay giặc, bị giặc tàn phá nhưng Đại Việt không mất. Gần tám trăm năm trôi qua, những đặc trưng độc đáo của lịch sử thời nhà Trần vẫn còn được nhắc tới; đứng ở khu di tích lăng mộ các vị vua triều Trần ở Tiến Đức (Hưng Hà) mà vẫn nghe đâu đây tiếng tim đập, chân run, hồn siêu, phách lạc của Ô Mã Nhi, Sầm Đoạn, Phàn Tiếp... khi bị giải về Chiêu lăng làm lễ bái yết. Từ mùa xuân Mậu Tý (1288) đến mùa xuân Quý Mão (2023) đã 735 mùa hoa đào khoe sắc mà hai câu thơ của Trần Nhân Tông vẫn chứa đựng trong nó sự tồn tại đối xứng và chuyển hóa cho nhau giữa các khái niệm đối lập “chiến tranh” và “hòa bình”: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu”, dịch là: “Đất nước hai phen chồn ngựa đá/ Non sông muôn thuở vững âu vàng”.

Ngược dòng lịch sử trở về thuở hồng hoang, họ Trần ở hương Tinh Cương do làm nghề chài lưới mà trở nên giàu có, Trần Lý đứng đầu họ tộc trở thành hào trưởng, thu phục được nhiều dân chúng ở vùng Hải Ấp (nay là Lưu Xá, Canh Tân, Hưng Hà). Trong bấn loạn triều Lý, Trần Lý lại là nhân vật kiệt xuất, trung thành đưa thái tử Sảm về Hải Ấp lưu trú, tránh loạn Quách Bốc và cũng chính ông lại là người kiến tạo để đưa thái tử Sảm lên ngôi vua. Thời gian đó, Trần Lý giữ chức Minh Tự, thống suất thủy quân. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm 1211, Trần Lý bị bọn giặc khác giết”. Con thứ của Minh Tự là Trần Tự Khánh được triều đình nhà Lý tiến cử thay cha giữ chức thống suất thủy quân. Tuy nhiên, thế lực chính trị họ Trần trong triều đình chỉ thực sự thay đổi khi con gái Trần Lý là Trần Thị Dung được Lý Huệ Tông lập làm nguyên phi thì Tô Trung Từ, cậu ruột của Trần Thị Dung ngay lập tức được cử giữ chức võ quan cao nhất trong triều: Thái úy phụ chính, phong làm Thuận Lưu Bá. Trần Tự Khánh được phong làm Chương Thành Hầu. Xét về mặt thứ bậc, Trần Tự Khánh cao hơn Tô Trung Từ một bậc, tuy nhiên tước của Tô Trung Từ nắm quyền bính quan trọng hơn: Phi nội tắc ngoại mặc dù Tô Trung Từ là ngoại thích của họ Trần. Theo các nguồn khảo luận, sau khi Trần Lý tử trận, những tưởng thế lực họ Trần đi xuống nhưng không, thế lực họ Trần sau khi Trần Thị Dung làm nguyên phi lại càng tăng cao. 

Lúc này nhiều thế lực đối lập tìm cách chống đối nhà Lý và cả thế lực họ Trần, họ Trần phải liên tục đương đầu. Nhận biết cuộc đối đầu còn dài thời gian, tiêu tốn nhân lực, vật lực, họ Trần một mặt chống lại lực lượng phản cát, giữ vững triều Lý, giữ được Thăng Long, một mặt giữ đất Long Hưng, củng cố gia thế ở đây, tôn thờ lăng miếu nhà Trần bởi đây là kho người, kho của giúp nhà Trần vững mạnh, giữ yên bờ cõi, giang sơn.

Bằng cách gả em gái của mình là Trần Tam Nương cho Hồng hầu Đoàn Văn Lôi ở Hồng Châu (có tài liệu ghi thái ấp của Đoàn Văn Lôi ở Thần Khê, xã Thăng Long, huyện Đông Hưng nay), Trần Tam Nương theo chồng về mở mang thái ấp ở đây, Trần Tự Khánh thu phục được nhiều thế lực cát cứ, làm tăng áp lực đối với Đoàn Thượng ở Hải Dương, dẹp được các thế lực nổi loạn ở Đại Hoàng, Hà Cao (Tuyên Quang), làm tăng uy lực của mình. Trần Tự Khánh được phong làm Thái úy phụ chính, anh trai Trần Thừa được phong Nội thị phán thủ.

Quang Viện