Địa linh Mỹ Xá
Truyền ngôn, thời nhà Lê ở ấp Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng (nay là thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) có phủ đệ của Kiến Vương Tân, con trai thứ 5 vua Lê Thánh Tông. Chẳng may, Kiến Vương Tân qua đời sớm, bà Trịnh Thị Tuyên một nách nuôi 4 con côi là Cẩm Giang vương Lê Sùng, Giản Tu Công Lê Oanh, Tĩnh Lượng Công Lê Sách, Lê Quyên còn nhỏ chưa được ấm phong. Người trong thiên hạ “để mắt” trong các hoàng tử Thánh Tông, chỉ có “cánh Ngự Thiên” là khá hơn. Nghe tin đồn này, Lê Uy Mục sợ mất ngôi báu liền sai bắt cả nhà Cẩm Giang vương và phu nhân thúc phụ mình tống ngục. Các thân vương nhà Lê hầu hết bị đuổi về xứ Thanh. Bọn quan Giáo Thừa, Thừa Nghiệp bị đẩy ra đường, “quan viên và dân chúng trông thấy từ xa một dặm đã chạy trốn”.
Sử cũ chép, con thứ Kiến Vương Tân là Oanh (sau này lên ngôi vua lấy hiệu duệ là Lê Tương Dực) may thoát ngục chạy vào Tây Đô (kinh đô Lam Sơn), đến cửa biển Thần Phù được tướng Nguyễn Văn Lang ra đón phù lập. Ông cùng Văn Lang rèn đúc giáo dài, hiệp sức với các đại thần Ngô Diễn, Ngô Khế, Nguyễn Bá Cao, Lê Trạm và Thanh Hóa tổng binh thiêm sự Nguyễn Bá Tuấn, thừa tuyên sứ Lê Tung, tham chính Nguyễn Thì Ung cùng nhau mưu sự. Sai Tiến sĩ Lương Đắc Bằng viết hịch kể tội vua Uy Mục.
Ngày 8 tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1509) các dinh thủy bộ cùng tiến về kinh đô. Lê Uy Mục sai giết cả nhà dòng Kiến Vương Tân, lại sai các tướng đón đánh Lê Oanh, song không giữ được. Cuộc truy sát của Lê Uy Mục đối với quân của Nguyễn Văn Lang cùng Lê Oanh vẫn tiếp diễn, tuy nhiên có Lê Quang Độ từ trong thành nội ứng, đại quân dựng gậy làm cờ, chặt cây làm binh khí đánh lộn trong thành khiến quân triều hoang mang, lại cho bắn súng báo hiệu cho quân Thanh - Nghệ phía ngoài đánh vào, Lê Uy Mục không chống cự được phải chạy tới phường Nhật Chiêu thì bị bắt. Ngày 1 tháng 12 năm ấy, Lê Uy Mục uống thuốc độc tự tử. Ngày 4 tháng 12, Lê Oanh lên ngôi hoàng đế (Lê Tương Dực). Ngày 7 tháng ấy, vua truy tôn mẹ là Huy Từ Trang Huệ Kiến Hoàng Thái hậu. Ít ngày sau tiếp tục truy tôn cha Kiến Vương Tân là Phối Thiên Dực Thánh Ôn lương Quang minh văn triết Khoan Hoằng chương tín tuy hưu mục hiếu Kiến hoàng đế. Anh Cẩm Giang vương là Trang Định đại vương. Em Tĩnh Lượng Công Sách là Mục Ý vương. Em út Lê Quyên là Dực Cung vương. Ngày 19 sai chuyển linh cữu mẹ và anh em về quê nhà (làng Mỹ Xá, tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên), sai xây lăng tẩm Mục Hiếu hoàng đế Lê Tân, Kiến hoàng Thái hậu Trịnh Huy Từ và mộ phần Trang Định đại vương, Mục Ý vương, Dực Cung vương. Lại cho xây dựng điện Thuần Mỹ ở làng Mỹ Xá (nay là tổ dân phố Mẽ, thị trấn Hưng Nhân) rộng khoảng 10 mẫu Bắc Bộ, trong có lầu điện, ngoài có thành quách. Dấu vết thành hiện vẫn còn. Sai Thượng thư bộ Hộ Lương Đắc Bằng thảo văn dựng bia cho quốc phụ, quốc mẫu. Bia cao 2,4m, bản rộng 1,8m đặt trên rùa đá (cao, rộng bằng bia Thái tổ Cao hoàng đế ở Lam Kinh, Thanh Hóa). Bia của Hoàng Thái hậu không rõ mất từ bao giờ, bia của Mục Hiếu Kiến hoàng đế được UBND thị trấn Hưng Nhân kê kích lại năm 2002. Công trình này rất tốn kém. Chỉ riêng ngôi mộ quốc mẫu đã chi dung: 9.999 quan tiền (ghi trong bản hợp đồng mộc bản đặt tại lăng, hiện lưu tại Bảo tàng Thái Bình). Kể từ đây các vua kế tiếp cuối đời Lê sơ đều sinh tại đây, mộ phần cũng hầu hết đặt ở đây. Ngự Thiên được coi là đất phát tích dòng Mục Hiếu Kiến hoàng đế. Ngày 4 tháng 12 Kỷ Tỵ (1509), sau khi lấy được kinh thành, bầy tôi tôn Lê Oanh nối dòng Lê đại thống, đặt niên hiệu “Hồng Thuận”, ở ngôi 8 năm, thọ 24 tuổi. Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét: “Vua buổi đầu lên ngôi, ban hành giáo hóa, thận trọng hình phạt, cũng đáng coi là có công nghiệp”, song cuối đời “chơi bời vô độ, xây dựng liên miên, dân nghèo thất nghiệp, trộm cướp nổi lên, dẫn tới nguy vong ở đấy”.
Theo các nguồn khảo luận, Hoàng đế Lê Tương Dực (Lê Oanh), ông là con thứ hai của Kiến Vương Tân (hoàng tử thứ 5 vua Lê Thánh Tông). Năm 1471, Thánh Tông phong hoàng tử Tân tước vương, đồng thời cũng lấy đất Ngự Thiên phân phong cho hoàng tử. Trong số các con Thánh Tông, vua yêu Thái tử Tranh và Kiến Vương Tân. Thái tử Tranh “ra dáng thiên tử, mũi cao, mặt rồng, thần thái trang nghiêm, tươi đẹp”, thứ đến Kiến Vương Tân là người “...phong tư cao nhã hơn hẳn người đời, ham học, có tài năng văn chương, có làm sách “Lục nguyễn thư nhân”. Mỗi khi vua Lê Thánh Tông có ngự chế, thơ ca phần nhiều sai ông họa lại”. Năm Hồng Đức thứ 15 (1484) chọn con gái thứ 4 của Đô đốc Thiêm sự Trịnh Đăng Phong là Trịnh Thị Tuyên, quê làng Thủy Chú, huyện Lôi Dương (Thọ Xuân, Thanh Hóa), cho làm phi, theo về Ngự Thiên ở phủ Kiến Vương để hầu. Trịnh Thị Tuyên là con nhà gia giáo, thừa đức nghiệp ông là quận công Trịnh Khắc Phục, được Đô đốc Thiêm sự dạy bảo tứ đức, hết lòng kính cẩn Thánh Tông, tận tụy hầu hạ Kiến Vương. Dân làng Mỹ Xá truyền tụng: Khi Kiến Vương thọ yểu, bà một nách nuôi Lê Sùng, Lê Oanh, Lê Sách, Lê Quyên rất chu đáo, lại đối đãi với dân như con em, cư xử với gia nhân như thân quyến. Các công tử được học hành chu đáo, lễ phép với bề trên, ôn hòa với kẻ dưới. Khi Lê Hiến Tông lên ngôi, vua thương các cháu mồ côi, ấm phong cho cháu trưởng (dòng Kiến Vương) là Cẩm Giang vương, cho hưởng bổng lộc nhị phẩm. Cho Lê Oanh là Giản Tu công, Lê Sách là Tĩnh Lượng công, hưởng lộc tòng nhị phẩm. Sau vụ vua Lê Uy Mục giết Thái Hoàng Thái hậu, người tôn thất đều phẫn nộ. Nguồn cơn hoạn nạn của nhà Lê dòng Ngự Thiên bắt nguồn từ khi Lê Uy Mục cho hoạn quan Nguyễn Đình Khoa đi do thám các hoàng đệ, hoàng huynh và 26 vương, trong số 26 vương tôn, anh em Cẩm Giang vương ở Ngự Thiên được “lòng người trông vào”, vì thế nạn lớn đến với Trịnh thị và anh em Giản Tu công. Cả nhà bị lao tù, mỗi người bị biệt giam một chỗ không thể tin tức, khi Giản Tu công chạy trốn, không báo được cho mẹ và anh em. Mẹ bị đánh đập đến chết, anh bị chém bêu đầu, các em đều chết thảm.
Bấy giờ thiên hạ loan truyền “phương đông có vượng khí thiên tử”, Trần Cảo người trang Dưỡng Chân ở huyện Thủy Đường (Quảng Ninh) được vua Tương Dực giao trông coi Thuần Mỹ điện cho rằng mình dòng giống nhà Trần, nhà ở phương đông, được bộ hạ kính trọng chắc là ứng vào ngôi ấy. Trần Cảo liền về Yên Tử tập hợp dân nổi dậy, cùng mưu sĩ Phan Ất (gốc Chiêm Thành) và các tướng Đình Ngạn, Đình Nghệ, Đình Bảo, Đoàn Bố, Công Uẩn đều tự cạo trọc đầu, mặc áo đen tự xưng là “Đế Thích giáng sinh” cứu thế, chiếm được huyện Thủy Đường và Đông Triều rồi đem quân đánh kinh thành. Vua đánh bật Trần Cảo sang Gia Lâm. Tướng Nguyễn Hoằng Dụ đem đại quân sang Bồ Đề. Tướng Trịnh Duy Sản ở lại giữ kinh thành liên kết với Lê Quang Độ, Trình Chí Sâm đang đêm phao tin giặc đánh thành, tự điều 3.000 quân 2 vệ Kim Ngô và Hộ Vệ vào cửa Bắc thành. Mờ sáng ngày 1 tháng 4 năm Bính Tý (1516), Tương Dực hỏi Duy Sản: “Giặc ở đâu?”, Duy Sản cười không nói gì, sai võ sĩ đâm chết vua. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam