Thứ 6, 22/11/2024, 03:30[GMT+7]

Chiếu trải sân rồng

Thứ 6, 03/03/2023 | 16:53:48
5,041 lượt xem
Thời nhà Thanh (Trung Hoa Đại Thanh quốc 1889 - 1912), nhiều thương gia người Hoa đã đến Hải Triều (dân gian gọi là Hới, nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) thuê đất, mướn nhân công lập ra những xưởng dệt chiếu, sản phẩm làm ra lại đem bán về Trung Quốc. Chiếu dệt bán sang Trung Quốc hẹp chiều ngang và dệt thành cuộn dài 35m. Theo tài liệu khảo cứu, vào cuối thế kỷ XIX, số xưởng dệt của người Hoa đã thu hút từ 500 - 700 người và số chiếu dệt ra lúc thấp nhất là 5.000 cuộn, lúc cao đạt đến con số 24.000 cuộn (84.000m)... Hiện nay, những xưởng dệt của người nước ngoài không còn nhưng cả làng Hải Triều, cả xã Tân Lễ và hàng chục làng xã của huyện Hưng Hà vẫn làm nghề dệt chiếu.

Chiếu Hới nổi tiếng trong và ngoài nước nhiều thế kỷ qua; ngoài việc nâng giấc con người, chiếu Hới còn được trải trong những nghi lễ tâm linh quan trọng.

Nhắc đến chiếu Hải Triều người ta thường liên tưởng tới mối tình giữa quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi triều Lê sơ (thế kỷ XV) và Lễ nghi Đại học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Sử cũ chép rằng, nhân buổi chiều thư thả dạo chơi ven Hồ Tây, Thái Học sinh Nguyễn Trãi vô tình gặp người thiếu nữ xinh đẹp (Nguyễn Thị Lộ) bán chiếu. Thoạt thấy dáng cách thiếu nữ thanh tao, nhan sắc đậm đà, Nguyễn Trãi bèn dừng chân gạn hỏi và gợi chuyện làm quen. Thấy thiếu nữ còn rất trẻ, gương mặt thanh tú, đối đáp thông minh, ứng xử nhanh nên Nguyễn Trãi đã ngẫu hứng: Ả ở đâu ta bán chiếu gon/Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn/Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi/Đã có chồng chưa? Được mấy con? Mấy câu thơ phiêu bồng của một ông quan trẻ chưa hề quen biết không khiến cho thiếu nữ xinh đẹp này rung động, nàng thản nhiên đáp lại: Tôi ở Hải Hồ bán chiếu gon/Can chi ông hỏi hết hay còn/Xuân xanh chừng độ trăng tròn lẻ/Chồng còn chưa có, có chi con!

Lần giở những trang sử cũ có những ghi chép về nghề làm chiếu ở làng Hải Hồ (Hải Triều, còn gọi là làng Hới), từ xa xưa, chiếu Hới sau khi được dệt và chằm biên bằng tay đã được đem đi bán khắp nơi và người khắp nơi cũng tìm về Hải Triều mua chiếu nên người dân Hải Triều có những lời rao bán chiếu rất đỗi ngọt ngào, đã làm say lòng người, ví như: Em nay đi bán chiếu hoa/Chàng về nói với mẹ cha mua dùm/Giường nằm mà giải chiếu hoa/Cửa nhà sang trọng mẹ cha vui lòng. Người làng Hải Triều dù nắng, dù mưa cũng phải đi bán chiếu, chiếu đã gánh đi bao giờ bán hết mới về, chân thì đi miệng thì rao: Hoa xanh, hoa đỏ, hoa vàng/Em đi bán chiếu mời chàng đến mua/Lộ trình dù nắng, dù mưa/Bán chưa hết chiếu em chưa muốn về. Những câu rao bán chiếu trong dân gian rất gần gũi với giai thoại về cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Thị Lộ, người con gái làng Hải Hồ với quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi: “Em ở Hải Hồ bán chiếu gon...”.  Nếu những lời rao bán làm khách hàng xiêu lòng mua chiếu thì những vần thơ đối đáp của Nguyễn Thị Lộ đã đưa bà đến với Nguyễn Trãi, thành vợ quan Thừa chỉ rồi thành Lễ nghi Đại học sĩ.

Về nguồn tích chiếu Hải Hồ, sử cũ ghi: Năm Tân Sửu, Hồng Đức thứ 12 (1481) đời vua Lê Thánh Tông, làng Hải Triều có chàng thanh niên Phạm Đôn Lễ mới 27 tuổi đỗ Tam nguyên (Trạng Nguyên). Ba năm sau khi thi đỗ Trạng Nguyên, ông đã làm quan tới chức Tả thị lang. Năm 1484, ông được cử dẫn đầu đoàn sứ bộ nước ta sang sứ nhà Minh (Trung Quốc), đến vùng Quế Lâm ông thấy nghề dệt chiếu ở đây phát đạt, liền vào xem và tìm cách học hỏi những kỹ thuật tiên tiến của họ. Về nước ông đã truyền dạy những kỹ thuật ông đã học được cho dân làng. Xưa khung dệt của làng không có ngựa đỡ sợi nên sợi không phẳng, nay ông chế ra khung dệt có ngựa đỡ, từ khung đứng ông làm ra khung ngồi, ông hướng dẫn chi tiết cách nẩy, cách cài, ông cũng chế ra nhiều màu để nhuộm cói, dệt thành chiếu hoa... Từ đó chiếu Hải Triều nổi tiếng khắp nơi... Nét đặc biệt của chiếu Hới, chiếu Hải Triều là ở công việc bắt biên, người làng Hải Triều bắt biên bằng tay nên chiếu vừa đẹp vừa bền. Người mua chiếu tinh ý chỉ xem biên đã biết được chiếu tốt, chiếu xấu. Người Hới xưa đã tổng kết “Chiếu tốt xem biên, người hiền xem mặt”. Từ làng Hới, nghề làm chiếu đã được truyền sang các làng Thanh Triều, Xuân Trúc, Quan Khê, Kiều Thạch, Tây Xuyên, Hà Xá, Thụy Vân, Xuân Hải..., Phú Hà, Phú Vật, Trung Hòa và nhiều làng xã cổ trong vùng, nhưng chiếu Hới (Hải Triều) vẫn nổi tiếng trong nước. Sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, trong mục “Sản vật” có ghi về hai vùng sản xuất chiếu là Uông Thượng, Uông Hạ, Chu Đỗ, Mạc Xá huyện Thanh Lâm (Nam Sách, Hải Dương) và Thanh Triều, Hải Triều, huyện Hưng Nhân (Hưng Hà) nhưng thừa nhận “Chiếu Hải Triều, Thanh Triều, huyện Hưng Nhân sản xuất tốt hơn cả”. Thời ấy “ăn cơm Hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới” là ước vọng của nhiều người dân nhưng chỉ có một số nhà khá giả mới thực hiện được ước nguyện ấy. Nhờ nghề làm chiếu, dân làng Hải Triều sống no đủ, làng quê trù phú, ngày đêm những âm thanh của các khung dệt vang khắp xóm thôn. Nhớ công ơn người đã dạy nghề, người đã mang ấm no hạnh phúc đến cho dân làng, người Hải Triều đã suy tôn Phạm Đôn Lễ làm tổ nghề dệt chiếu. Sau ngày quan trạng mất, dân làng Hải Triều (Hới) hàng năm cứ vào mùa xuân lại mở hội để tưởng nhớ về tổ nghề Phạm Đôn Lễ và cũng là dịp thi tài dệt chiếu.

Hội làng Hới được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 9 tháng Giêng hàng năm và được gọi là “hội chiếu”. Ngày hội ngoài các việc tế lễ còn tổ chức trưng bày chiếu và thi dệt chiếu. Việc trưng bày mua bán chiếu được tổ chức ở chợ (cách đền vài trăm mét) chiếu được trưng bày la liệt có đủ các loại chiếu, chiếu cải, chiếu đậu, chiếu trơn, chiếu in hoa, chiếu cạp viền. Xưa người làng Hới còn dệt được cả chiếu cải hoa hình rồng, phượng các loại chiếu có kích thước khác nhau đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng vừa đẹp, vừa bền, vừa tiện sử dụng. Vì chiếu đẹp nên khách thập phương đến xem hội chiếu không ai là không muốn mua một hai đôi chiếu về dùng. Việc chấm điểm thi là dựa vào tiêu chuẩn đẹp mắt, phần thưởng của làng tuy không lớn nhưng với người, với giáp nào được giải là hứa hẹn một năm mới gặp nhiều may mắn trong nghề dệt chiếu nên dân các làng hăng hái tham gia. Các bậc cao niên làng Hới kể, từ trước ngày thi các giáp, các làng đã tuyển chọn những người thợ giỏi đại diện cho giáp mình, làng mình dự thi, cuộc thi được tổ chức ngay tại sân đền hoặc khu vực ngay bên đền. Cuộc thi không chỉ dành riêng cho dân làng Hới mà cho tất cả các làng có nghề dệt chiếu. Các khung dệt được chuẩn bị từ ngày mùng 5 tháng Giêng, vào cuộc thi mỗi khung dệt có 2 người, khi mọi người thi đã sẵn sàng, chủ hội gióng một hồi 3 tiếng trống, dứt tiếng trống mọi người bắt đầu vào cuộc thi. Trong khi thi trống hội dồn dập vang lên cùng với tiếng reo hò, cổ vũ của người xem. Khi thời gian hết trống hiệu lại vang lên thúc giục thí sinh nộp sản phẩm. Sản phẩm làm ra phải đạt hai tiêu chuẩn: thời gian ngắn nhất, chiếu dệt ra đẹp nhất.

Hội chiếu làng Hới là dịp để trai tài gái sắc gặp nhau, vì vậy người làng Hới mà đặc biệt các cô gái làng Hới đã có lời mời: Qua bến Triều Dương anh nhớ về làng Hới/Mùa xuân tháng Giêng làng em mở hội/Trai gái thi tài dệt chiếu trao gon. Đã hơn 500 năm kể từ ngày “Trạng Chiếu” Phạm Đôn Lễ mất, nhân dân làng Hới, nhân dân các làng có nghề dệt chiếu trong huyện Hưng Hà và các xã, huyện, tỉnh quanh vùng vẫn không quên ngày giỗ tổ nghề, vẫn không bỏ việc thi khuyến khích tay nghề. Chiếu làng Hới vẫn đắt khách và trong những lễ nghi quan trọng chiếu Hới vẫn được trải như lời tri ân các bậc tiền nhân...


Quang Viện