Thứ 5, 25/04/2024, 13:03[GMT+7]

Nhất thống thủy

Thứ 6, 07/04/2023 | 15:29:21
3,372 lượt xem
Chuyện về chiếc búa sắt của Triệu Đà thờ ở đền Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương được thuật lại: “Triệu Vũ Đế được vua nhà Hán giao cho một chiếc búa sắt “Thiết Việt”, rồi lại giao cho cai quản địa phận Giao Châu, lỵ sở đóng ở Quảng Đông, sau đó đi tuần hành, xem xét công việc của bộ thuộc các nơi, đến xã Đường Thâm, Đế lấy con gái nhà họ Trình làm vợ. Khi Đế chết, dân lập đền thờ, chiếc búa sắt cũng được thờ ở đấy”. Bước chân đến cổng đền, ngẩng mặt nhìn về hướng mặt trời mọc, mặt tiền đền Đồng Xâm đắp nổi ba chữ “Nhất thống thủy” bằng gốm sứ cổ xưa, dụng ý của tiền nhân nhắn nhủ hậu thế rằng lịch sử nước Việt ta khởi thủy từ nhà Triệu nhất thống sơn hà.

Đền Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương - di tích lịch sử văn hóa quốc gia, minh chứng vùng đất gần 2500 năm, nơi phối thờ ông tổ nghề chạm bạc.

Làng Đồng Xâm xưa còn gọi là Đường Thâm, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, nay là xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương. Thời Lê, Đường Thâm là một làng, đến thời Nguyễn, Đường Thâm được đổi thành Đồng Xâm và tách thành Thượng Gia, Thượng Hòa nhưng vẫn gắn bó với nhau bằng nghề chạm bạc và ngôi đền Đồng Xâm thờ tổ nghề chạm bạc. Theo các tài liệu khảo cứu, đất làng Đồng Xâm đã có hơn 2000 năm lịch sử. Xa xưa là một hòn đảo nhỏ có tên đảo Vông, nay vẫn còn dấu tích đảo Vông bằng những tên gọi cổ như tên chợ Vông, sông Vông. Lịch sử ngàn năm của đất Đồng Xâm còn được truyền ngôn chuyện Trình Hoàng Hậu, được phong thần và được thờ ở nhiều xã trong huyện Kiến Xương. Truyền rằng, bản ấp xưa có người con gái họ Trình tên gọi là Lan Nương, nhan sắc chim sa, cá lặn hoa nhường kém duyên. Một ngày Triệu Đà đi tuần thú phương Nam vừa gặp Nương đã đem lòng yêu say đắm bèn xin Trình Công lấy làm vợ, Trình Công thuận cho. Về sau Đà lên làm vua, phong Trình Lan Nương lên làm hoàng hậu. Nhiều công trình đền miếu đều do bà gia công tu bổ, bà còn để lại nhiều ruộng đất cho dân lo việc hương đèn, sửa chữa đền, miếu. Hoàng hậu qua đời, dân làng lập miếu thờ.

Lịch sử nghề chạm bạc làng Đồng Xâm được kể rằng, vào năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) đời vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) ở làng Đồng Xâm lúc đó có ông Nguyễn Kim Lâu vốn làm nghề hàn “sanh”, hàn nồi đồng (“Bổ trữ đồng oa”) lên Châu Bảo Lạc (nay thuộc Cao Bằng) hành nghề, rồi cũng ở đó ông học được nghề kim hoàn. Trở về làng ông đem truyền dạy nghề cho dân. Lúc đầu ông mở “xưởng” tại nhà, sau truyền ra cả làng. Từ làng Đồng Xâm đến các làng Tả Phụ, Hữu Bộc, Dương Cước, Xuân Cước… ban đầu mới chỉ làm nghề đồng doa, sửa chữa các đồ bằng đồng, qua năm tháng phát triển thành nghề mỹ nghệ chuyên chạm, khắc các đồ gia dụng bằng đồng, dần dần làm được các đồ trang sức bằng vàng, bạc… Đền Đồng Xâm với tổng thể khoảng 1.000m² xây dựng có 12 hạng mục kiến trúc, trong đó đáng chú ý nhất là tòa hậu cung nơi Thánh Triệu Đà và Trình Thị Hoàng Hậu ngự. Tòa hậu cung đền Đồng Xâm được cấu trúc thành hai bộ phận liên hoàn là tòa điện năm gian nối với gian trung tâm, phần “chuôi vồ” được tôn cao để đặt khám gian. Hậu cung đền được bài trí công phu với nhiều đại tự, cuốn thư, câu đối cùng hệ thống y môn gỗ chạm tinh xảo. Nơi đây cũng lưu giữ nhiều bài thơ, câu đối lưu bút danh bái đề của những danh sĩ nổi tiếng như doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, Tiến sĩ Doãn Khuê, Phó bảng Vũ Tuân… 12 ô cửa hậu cung với hệ thống cánh cửa khay soi chỉ kép được chạm thủng với đề tài bát bửu, hoa văn, dây lá chữ triện… Lúc đầu người Đồng Xâm làm tại quê, khi có sản phẩm thì đem đi bán ở khắp nơi đến cả Kinh Kỳ. Có người mang đồ nghề đi làm ở các nơi… Đến cuối thời Lê Trung Hưng thì nghề chạm bạc Đồng Xâm đã nổi tiếng, phát triển thành các phường thợ, mỗi phường thợ làm một công đoạn: trơn, đầu, đậu, chạm, thợ làm ở công đoạn nào thì thấu hiểu công đoạn ấy, không biết việc ở công đoạn khác. Đây cũng là cách giữ bí mật nghề. 

Thời Nguyễn Kim Lâu còn sống, ông là chủ phường, lúc đó đã có ngót 150 thợ, ông đặt tên là phường Phúc Lộc, lại chia phường thành 7 chi, mỗi chi phường cai quản một hạng thợ, từ hạng nhất đến hạng 7… Từ cuối thời Lê thế kỷ XVIII, nhiều thợ bạc Đồng Xâm đã được triệu lên Kinh đô phục vụ triều đình làm các vật dụng như khảm, chạm vàng, bạc trên những ngai thờ, mũ thờ như: lưỡng long chầu nguyệt, ngư long ký thủy ở các lăng miếu hoặc làm khay chén, hòm tráp bằng bạc… hoặc những trâm, lược, vòng, nhẫn hoa tai, xà tích, những cối giã trầu, bình đựng vôi… cho các hoàng tử, công chúa, các hoàng hậu… một số thợ vẽ tranh khảm bạc viền vàng trên các bức tranh thủy mạc. Thời Nguyễn thợ bạc Đồng Xâm làm nhiều sản phẩm để triều đình mua dùng làm quà tiến cúng. Dân làng còn nhớ thời Tự Đức có cụ Lưu Quang Chế được vua triệu vào cung sửa chữa ngai vàng, làm các đồ trang sức cho hoàng cung sau được triều đình ban cho hưởng lộc bát phẩm. Nghề chạm bạc Đồng Xâm càng phát triển thì tay nghề thợ càng tinh xảo. Người làng Đồng Xâm còn lưu giữ được những sản phẩm thể hiện được tài năng, trí tuệ và sự khéo léo của những người thợ lớp trước như bộ lư đỉnh bằng bạc, tranh xuân - hạ - thu - đông, tranh tứ bình… Xưa nay, khách sành chơi hàng vàng, bạc đều đánh giá thợ Đồng Xâm khéo tay. Hàng bạc Đồng Xâm dáng thanh toát, chạm chuốt tinh xảo, “đường ve, nước vuốt” chuẩn mực đến từng chi tiết nhỏ như hạt kê, sơi tóc, có độ chênh bong cao, đáp ứng mọi nhu cầu của mọi khách hàng dù là khó tính nhất. Trước cách mạng có những nghệ nhân nổi tiếng; những năm 80 - 90 (thế kỷ XX) nhiều nghệ nhân được tặng danh hiệu nghệ nhân có bàn tay vàng. Nghề chạm bạc là nghề phục vụ những nhà giàu, phục vụ nơi đô hội vì vậy sau khi học thành nghề người thợ bạc phải đi khắp nơi. Tương truyền phố Hàng Bạc (Hà Nội) có sự đóng góp của thợ bạc Đồng Xâm. Không chỉ tìm đến các nhà giàu, các đô thị, thợ bạc Đồng Xâm còn len lỏi đến các vùng quê xa xôi hẻo lánh, kể cả bản mường xa xôi ở miền núi để sửa chữa cho dân cái cối giã trầu, đôi khuyên tai hay bộ xà tích… vừa là để đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân vừa là để kiếm sống cho mình.

Nhờ nghề chạm bạc mà người làng Đồng Xâm từ xưa đã giàu có, trù phú. Sau khi tổ nghề Nguyễn Kim Lâu mất, dân làng Đồng Xâm lập đền thờ, dựng bia đá khắc ghi công lao của ông, lưu truyền mãi mãi. Đền thờ tổ nghề chạm bạc được đại trùng tu năm 1938. Trong dịp đại trùng tu, phường bạc Đồng Xâm đã đem tiến cúng vào đền một bộ sưu tập bằng vàng, bạc, gồm đỉnh bạc, ống hoa bạc, hạc bằng bạc, chúc bản bằng bạc có gắn rồng bằng vàng ròng, giá đặt kiếm… Nghề chạm bạc Đồng Xâm cũng có lúc thịnh, lúc suy bởi sản phẩm của người thợ bạc Đồng Xâm làm ra là những mặt hàng cao cấp, ngày xưa được cung tiến cho triều đình, bán cho các nhà giàu có, thích làm sang… thời chiến tranh chống Pháp (1950 - 1954) và thời kỳ xóa bao cấp nghề chạm bạc Đồng Xâm chỉ duy trì ở một số gia đình, nhiều người bỏ nghề… Từ giữa thập kỷ 90 (thế kỷ XX) đến nay, nghề chạm bạc đã được phục hồi.

Từ xa xưa làng Đồng Xâm đã có lệ mở hội đền vào dịp cuối tháng ba, đầu tháng tư âm lịch (ngày nay thì chỉ tập trung vào các ngày từ mùng 1 - 3/4 âm lịch). Lễ hội Đồng Xâm cuốn hút khách thập phương về dự bởi có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian. Đặc biệt, lễ hội là dịp các phường bạc ở khắp nơi về tế tổ Nguyễn Kim Lâu và đem sản phẩm chạm bạc về trưng bày cáo yết tổ nghề. Vì vậy, lễ hội Đồng Xâm bao giờ cũng có triển lãm hàng chạm bạc. Hội không tổ chức thi mà chỉ có trưng bày và bán sản phẩm vì có trưng bày và bán sản phẩm bằng bạc nên khách ưa dùng hàng bạc về dự hội hy vọng mua được những sản phẩm đẹp và chất lượng tuyệt hảo.

Quang Viện

  • Từ khóa