Chủ nhật, 05/05/2024, 16:41[GMT+7]

Mậu Thân 1968 - cuộc chạy đà cho đại thắng mùa xuân 1975

Thứ 3, 25/04/2023 | 08:56:05
3,544 lượt xem
Ngày 30/4/1975, quân và dân cả nước đã hoàn thành thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đưa non sông thu về một mối, cùng tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa. Để có ngày lịch sử trọng đại ấy, cả dân tộc đã bẻ gẫy, làm thất bại nhiều chiến lược của Mỹ và tay sai. Trong đó có cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968 - cuộc chạy đà hoàn hảo cho chiến dịch Hồ Chí Minh hoàn toàn thắng lợi.

Quân giải phóng truy kích địch trong trận tiến công ngày 2/1/1968 tại khu vực Bà Chiêm, Tây Ninh. Ảnh tư liệu

Ngày 20/7/1954, ngay sau hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đế quốc Mỹ thay thực dân Pháp can thiệp trực tiếp vào miền Nam Việt Nam. Tham vọng của chúng không dừng ở đó, Mỹ còn muốn thôn tính nốt miền Bắc xã hội chủ nghĩa - hậu phương của miền Nam. Vì vậy, Mỹ xây dựng và thực thi chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đưa chiến tranh ra cả hai miền Nam - Bắc. Ngày 5/8/1965, Mỹ gây ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, lấy cớ đó đưa máy bay ra ném bom miền Bắc - một cuộc chiến tranh phá hoại vô cùng tàn ác, dai dẳng. Ở miền Nam, Mỹ đổ quân trực tiếp tham chiến tới hơn 50 vạn quân. Cùng với ngụy quân lên hơn một triệu quân. Trang thiết bị vô cùng hiện đại. Mỹ và tay sai tưởng như vậy là thế “thượng phong” nên chúng xây dựng chiến thuật “tìm diệt”, đưa nhân dân vào trại tập trung - đó là ấp chiến lược (mỗi xã một khu nhà tôn), có tháp canh, dây thép gai, hào sâu vây quanh, quy định giờ giấc ra vào ấp nhằm tách dân xa cách mạng, cắt nguồn cung cho kháng chiến và chúng đưa ra khẩu hiệu “tát nước, bắt cá”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước thực hiện khẩu hiệu “Quyết tâm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến hoàn toàn thành công”. Ở miền Bắc mỗi người “thi đua làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Các đoàn thể nhân dân cũng có phong trào riêng để huy động “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến” như phụ nữ có phong trào “Ba đảm đang”, thanh niên có phong trào “Ba sẵn sàng”... Ở miền Nam, toàn miền có phong trào nổi dậy phá ấp chiến lược, phong trào đấu tranh của các giới thanh niên, phụ nữ, tôn giáo... đòi tự do, độc lập. Các lực lượng vũ trang toàn miền thực hiện chiến thuật “bám thắt lưng địch mà đánh”, để hạn chế phi pháo của địch, “cài răng lược” với địch làm cho chúng bị động, bất ngờ. Từ thế “thượng phong” như chúng nghĩ, vào mùa khô 1966 - 1967, Mỹ - ngụy chuyển sang thế phòng ngự, bị động (dựa vào phi pháo, ban ngày mới dám ra khỏi đồn bốt, chi khu quân sự, tối đến co cụm lại. Vì thế, các lực lượng vũ trang giải phóng, chủ động bày đặt trận địa, đưa địch vào tròng để tiêu diệt. Năm 1967, sư đoàn 3 tại Bình Định đã có nhiều trận đánh lớn, tiêu hao và tiêu diệt sinh lực địch. Riêng Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, tháng 1/1967 tổ chức mai phục, xuất kích vận động tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ tại thôn Hoài Tân, xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ); tháng 3/1967 tiêu diệt 2 đại đội Nam Triều Tiên tại rừng dừa xã Mỹ Thành; tháng 5/1967, bẻ gãy mộc càn quét của Mỹ - ngụy Nam Triều Tiên, tại hai thôn Chánh Giáo, Chánh Đạo xã Mỹ An. Tháng 6/1967, đánh quân đổ bộ đường không, tiêu diệt 327 tên Mỹ tại thôn 10, thôn 11 xã Mỹ Thắng. Các tháng 7, 8, 9, 10 tổ chức đánh địch ở các xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Hưng và nhiều xã ven đầm Thị Nại (huyện Tuy Phước). Tháng 12/1967 các đơn vị của Sư đoàn 3 Sao Vàng chuẩn bị điều kiện cho cuộc tấn công chiến lược Mậu Thân 1968. Trung đoàn số 22, sư 3 Sao Vàng, đảm nhiệm chiến trường các huyện miền núi tỉnh Bình Định như Hoài Ân, An Lão; trung đoàn 12 đảm nhiệm các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Trung đoàn 2 đảm nhiệm các huyện Hoài Nhơn và một số cứ điểm lớn của thành phố Quy Nhơn. Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, sau khi hoàn thành đánh chi khu Phước Hòa, trại lính kỹ thuật sân bay Phù Cát; bức rút địch tại Phú Hậu (xã Cát Khánh) đã khẩn trương chiếm lĩnh trận địa tại chốt chặn Đập Đá - cửa ngõ vào thành phố Quy Nhơn, chặn đánh quân tiếp viện từ quốc lộ số 1 và quốc lộ số 19, để tạo thuận lợi cho các đơn vị đánh chiếm cảng Quy Nhơn và các cứ điểm trong nội thành. Sau nhiều ngày chiến đấu liên tục: ta thì quyết giữ; địch thì muốn nhổ chốt chặn. Do vậy bom, pháo địch tập trung bắn phá ngày đêm; chúng đưa kẽm gai lò so bao quanh chốt chặn 3 vòng, hàng ngàn quả mìn Plâymo cỡ lớn, sẵn sàng cho nổ, nếu quân giải phóng mở đường ra. Hàng chục xe tăng địch sẵn sàng lao tới. Sau nhiều ngày đêm chiến đấu, ta đã tiêu diệt hàng ngàn tên địch, bắn cháy nhiều máy bay và nhiều xe tăng của chúng. Với gần 200 tay súng kiên cường, sau nhiều ngày chiến đấu, gần 160 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Khi được lệnh rời khỏi chốt, số người còn lại phải nhiều lần tổ chức mở đường máu, lại thêm nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Ngày nay, Đập Đá trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia.

Chiến thắng tổng tiến công Mậu Thân 1968 của quân và dân toàn miền Nam, đã làm suy yếu quân đội Mỹ và chư hầu, làm cô lập chính phủ Mỹ trên thế giới, buộc Mỹ thực hiện 2 việc mà chính phủ Mỹ không muốn mà phải làm. Đó là phải ngồi vào bàn đàm phán tại Pari (thủ đô nước Pháp) với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (là thành viên mà Mỹ ngoan cố không muốn công nhận, nay được ngồi ngang hàng với Mỹ). Mậu Thân 1968, cũng buộc phải ký chấm dứt chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc và công nhận chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam là chính quyền hợp hiến, hợp pháp. Từ thắng lợi Mậu Thân, quân dân cả nước tiếp tục nêu cao truyền thống anh hùng, làm thất bại ý đồ xâm lược của Mỹ, buộc chúng ký kết “rút hết quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam  Việt Nam (27/1/1973), tạo thời cơ lớn để quân và dân ta mở cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, giành thắng lợi hoàn toàn vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975.
       

Hoàng Duy
(Thành phố Thái Bình)