Chủ nhật, 05/05/2024, 18:38[GMT+7]

Cờ chiến thắng tung bay trong ngày đại thắng

Chủ nhật, 30/04/2023 | 05:51:24
7,262 lượt xem
48 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, hình ảnh Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cùng lá cờ của quân giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập vẫn còn vẹn nguyên giá trị và sẽ đi cùng dòng chảy lịch sử Việt Nam tới muôn đời sau. Ít ai biết được, trong ngày đại thắng đó cũng có những lá cờ được các chiến sĩ người Thái Bình phất cao tại những cứ điểm quân sự quan trọng khác, báo hiệu chiến thắng lẫy lừng của dân tộc.

Cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập suốt 48 năm qua, đánh dấu sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Nhắc đến hình ảnh lá cờ chiến thắng thì phải nhắc đến Đại đội trưởng Bùi Quang Thận, quê xã Thụy Xuân (Thái Thụy). Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975, ông giữ vai trò Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp trong Quân đoàn 2, là đơn vị trực tiếp đảm nhiệm việc đánh chiếm dinh Độc Lập. 

Theo những tư liệu ghi chép lại, khi đến dinh Độc Lập, thấy cổng đóng, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận ra lệnh nhắm giữa cổng dinh khai hỏa nhưng không hiểu sao đạn không nổ. Hai lần như vậy, ông ra lệnh quay nòng pháo ra sau để xe húc đổ cổng dinh. Trong 10 phút phải húc 3 lần thì cánh cổng trái mới bung ra. Ngay lúc đó xe tăng mang số hiệu 390 do Vũ Đăng Toàn chỉ huy lao vào húc đổ cổng chính, thế là cả hai xe đều tiến vào bên trong. Vào trong dinh, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận tiến thẳng lên nóc dinh Độc Lập làm nhiệm vụ cắm lá cờ chiến thắng. Khi lên đến nơi, ông hạ cờ của quân ngụy xuống, treo cờ giải phóng vào và ký lên vào góc lá cờ nội dung 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 cùng tên của mình.  

Cũng có mặt vào thời khắc lịch sử đó, chiến sĩ đặc công Phạm Duy Đô, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) là người tham gia dẫn đoàn xe tăng của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận tiến vào dinh Độc Lập. Ông nhớ lại: Sáng ngày 30/4/1975, tôi cùng Chính trị viên Trần Văn Đảo, Phạm Huy Nghệ cắm cờ quân giải phóng sẵn sàng đón đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ngay khi thấy đoàn xe của anh Thận, tôi mở bản đồ tìm hướng di chuyển vào dinh Độc Lập.

Khi tiến vào dinh Độc Lập, Phạm Duy Đô và Phạm Huy Nghệ cùng cầm cờ chạy lên ban công tầng hai, đứng phất hồi lâu để báo hiệu an toàn cho quân ta tiến vào; ngay sau đó lá cờ của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Tổ đặc công lại chạy xuống các tầng lục soát từng phòng. Khi phát hiện nội các ngụy quyền đang có mặt tại tầng cuối của tòa nhà, ông Đô cùng các chiến sĩ bảo vệ nghiêm ngặt, giúp cho quá trình bàn giao chính quyền được thực hiện an toàn.

Cựu chiến binh Phạm Duy Đô là một trong hai chiến sĩ tiến lên tầng hai của dinh Độc Lập vẫy cờ an toàn để quân đội ta tiến vào.

Cũng là hình ảnh người chiến sĩ Thái Bình phất cao ngọn cờ chiến thắng trong ngày giải phóng, chúng tôi tìm về nhà cựu chiến binh Phạm Văn Lai, xã Tự Tân (Vũ Thư). Khi biết chúng tôi đến để hỏi về câu chuyện phất cờ trên tháp nước của trại Davis trong ngày đại thắng, ông hồ hởi kể: Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, theo quy định, đầu tháng 2/1973, hai phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có mặt tại trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất và có nhiệm vụ phối hợp hành động bảo đảm thi hành những điều khoản về quân sự của Hiệp định Paris. Trại được ví như một căn cứ lõm giữa sào huyệt đối phương, một trận địa cách mạng công khai trong lòng địch. Chúng tôi đã có 823 ngày đêm đấu tranh trực diện, đòi hỏi anh em chiến sĩ phải hết sức khôn khéo bởi quân địch luôn tìm đủ mọi cách để phá vỡ hiệp định, chúng cho người cài cắm máy nghe lén, dụ dỗ các chiến sĩ, tìm đủ mọi cách để moi móc thông tin của ta. Bên cạnh việc phải bảo đảm bí mật thông tin, chúng tôi còn phải tham gia đào hầm bí mật, chuẩn bị mọi phương án, kế hoạch chiến đấu khi thời khắc lịch sử nổ ra.

Nhớ lại thời khắc treo lá cờ lên tháp nước của trại Davis, ông Lai cho biết: Khoảng 8 giờ sáng ngày 30/4/1975, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn cho gọi tôi lên giao nhiệm vụ lấy lá cờ to nhất mang cho vệ binh cắm lên tháp nước. Tôi vào kho lấy lá cờ nhưng khi cầm đến đơn vị vệ binh thì các đồng chí đã đi làm nhiệm vụ khác. Trong tình thế cấp bách, tôi không còn thời gian để suy nghĩ mà quyết định mình tự leo lên để cắm cờ. Tôi gọi thêm một đồng chí để cùng tôi leo lên cắm cờ trên nóc của tháp nước trại Davis. Chúng tôi lao qua làn bom đạn, tiến lên tháp nước cao chót vót và hoàn thành nhiệm vụ lúc 9 giờ 30 phút sáng 30/4/1975. Lá cờ rất to và nặng, lại bị sức gió quật ghê gớm nhưng tôi vẫn quyết tâm bám chặt lấy cán cờ, kể cả địch có phát hiện và bắn tôi thì tôi cũng quyết tử bên lá cờ Tổ quốc. Rất may, nhờ có lá cờ đó quân giải phóng kịp thời xác định đúng phương hướng, tiến quân giải phóng toàn bộ trại Davis, chúng tôi được an toàn.

Cựu chiến binh Phạm Văn Lai kể về hình ảnh ông cắm cờ trong trại Davis ngày 30/4/1975.

Một sự trùng hợp diệu kỳ khi hình ảnh lá cờ chiến thắng thiêng liêng lại gắn liền với những người con Thái Bình trong ngày đại thắng. Giờ đây, những cựu chiến binh như ông Thận, ông Lai, ông Đô, người đã mất, người đã ở tuổi “thất thập” nhưng khi trở về quê hương họ đều sống đúng với phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ. Có người đáng lẽ đã được phong anh hùng từ lâu nhưng tự xin rút vì muốn dành vinh quang cho những đồng đội đã hy sinh, họ sống vui vẻ, nhiệt tình tham gia các hoạt động của địa phương, được nhân dân yêu quý và kính trọng.

Tiến Đạt