Thứ 5, 15/05/2025, 07:15[GMT+7]

40 năm chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông biển miền Bắc bằng thủy lôi, bom từ trường (6-1973-6-2013) Quả thủy lôi cắm cát và câu hỏi của Bộ

Thứ 3, 04/06/2013 | 08:43:33
5,558 lượt xem
Chỉ trong 10 ngày, chúng thả thủy lôi và bom từ trường xuống 43 khu vực biển, các cửa sông, hải cảng, đường hàng hải quốc tế, các khu vực chuyển tải và các vùng ven biển miền Bắc với diện tích trên 655km2. Ních-xơn tuyên bố: “Đây là cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh”...

Toàn đội tiến hành kéo thủy lôi vào bờ 14-5-1972

Đại tá Nguyễn Thế Trinh, Nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Hải quân vẫn còn nhớ như in ngày 9-5-21972, Mỹ đã dùng hàng chục máy bay của Hạm đội 7 ồ ạt thả hàng trăm thủy lôi và hàng nghìn quả bom từ trường xuống khu vực cảng Hải Phòng, mở đầu cho chiến dịch phong tỏa thủy lôi rất ác liệt nhằm bao vây cô lập hoàn toàn miền Bắc với thế giới bên ngoài, tạo điều kiện cho chúng giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh. Chỉ trong 10 ngày, chúng thả thủy lôi và bom từ trường xuống 43 khu vực biển, các cửa sông, hải cảng, đường hàng hải quốc tế, các khu vực chuyển tải và các vùng ven biển miền Bắc với diện tích trên 655km2. Ních-xơn tuyên bố: “Đây là cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh”.

 

Đoán biết trước thế nào Đế quốc Mỹ cũng đem thủy lôi và bom từ trường thả xuống các cửa sông cửa biển miền Bắc nên ngay từ những ngày đầu năm 1972, Bộ Tư lệnh Hải quân đã họp bàn kế hoạch chống phong tỏa. Khi Mỹ bắt đầu thả thủy lôi, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân họp, có mở rộng đến các Cục trưởng. Đồng chí Hoàng Trà, Bí thư Đảng ủy Quân chủng chủ trì, truyền đạt điện của Bộ Quốc phòng gửi Bộ Tư lệnh Hải quân yêu cầu trả lời 2 vấn đề:Có thực sự là địch thả thủy lôi không? Nếu đúng thủy lôi thì thuộc loại thủy lôi gì? Để trả lời câu hỏi này, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Trương Thế Hùng chỉ huy và 2 cộng sự là ông Nguyễn Văn Huấn và Nguyễn Văn Vê tiến hành tổ chức lực lượng lặn mò tìm thủy lôi.

 

Ông Trương Thế Hùng kể lại: Sau khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi bắt tay ngày vào việc. Ngày 11 và 12-5-1972, tôi trực tiếp chỉ huy 1 tổ người nhái lặn mò giữa sông Bạch Đằng từ hàng đăng trở vào nhưng không phát hiện thủy lôi. Sang đến sáng 13-5-1972, theo thông báo của địch, thủy lôi đã vào trạng thái nguy hiểm. Lúc này Trung đoàn 171 Hải quân điều một ca nô và 1 phân đội công binh chuyển sang tìm ven sông và trên cạn. Một ngày vất vả nữa trôi qua vẫn không thấy dấu vết của thủy lôi địch. Chiều hôm đó, khi chúng tôi trở về qua Đồn 34 Công an vũ trang Tràng Cát (Hải Phòng) thì được biết có một ngư dân ở Tràng Cát nhặt được một cái dù thủy lôi ở gần đèn Nơm. Chúng tôi đã xác định, đây là dù thủy lôi MK-52.

 

Đồng chí Trần Kiên, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nghe đồng chí Trương Thế Hùng báo cáo lại quá trình tháo gỡ thủy lôi 14-5-1972

 

Nhận được tin "vui" này, sáng hôm sau 3 đồng chí Hùng, Huấn, Vê đi ca nô đến đèn Nơm. Ra đến ngã ba sông Đào, chân vịt ca nô bị cuốn vào dây cáp, tổ trinh sát phải lội lên bờ băng qua bãi sú đảo Đình Vũ, bơi qua các vũng nước sâu ngập đầu hướng ra đèn Nơm.

 

Sau gần 2 tiếng đồng hồ ra đến đèn Nơm, chúng tôi phát hiện ra quả thủy lôi đã chui sâu xuống cát ba phần tư. Sau khi quan sát, xác định đây là quả thủy lôi MK-52, chúng tôi đã dùng la bàn xác định vị trí của thủy lôi. Công việc vừa xong thì thuyền của công an vũ trang Tràng Cát đến đón chúng tôi về theo sự hiệp đồng từ trước. -Ông Hùng kể.

 

Chiều 14-5, tại Sở chỉ huy của Trung đoàn 171 Hải quân, Ban chỉ đạo chống phong tỏa do đồng chí Hoàng Trà, Chính ủy Quân chủng Hải quân chủ trì họp bàn kế hoạch tháo thủy lôi. Lúc này lực lượng được xác định là 1 tổ của Trung đoàn 171, 1 tổ của Sư đoàn 350, 1 tổ của Đồn 34 Công an vũ trang Tràng Cát, 1 tổ của Đội trục vớt Ty Bảo đảm Hàng hải, mỗi tổ gồm 5 người. Ban chỉ đạo quyết định đồng chí Trương Thế Hùng là người chỉ huy chung, đồng thời là người chịu trách nhiệm tháo ngòi nổ và bộ máy gây nổ. Sở dĩ Ban chỉ đạo quyết định như vậy là vì qua phân tích, địch đã biết ta tháo gỡ được thủy lôi của địch, vì ta đã trưng bày ở triển lãm toàn quân năm 1969 tại Bạch Mai- Hà Nội. Do đó thủy lôi của địch lần này rất có thể sẽ cài bẫy chống tháo gỡ và sẽ có cải tiến, đồng thời phải chú ý đến thủy lôi tự nổ theo hẹn giờ tự hủy; phải tháo gỡ trong đêm tối, không được sử dụng đèn pin. Vì vậy cần phải do người nắm vững kỹ thuật và đã có kinh nghiệm tháo gỡ thực tế mới bảo đảm tháo gỡ thành công.

 

Ông Hùng kể: Đêm 14-5, lực lượng tháo gỡ chúng tôi xuất phát bằng thuyền đánh cá của  ngư dân Tràng Cát, trừ tổ của đội trục vớt có xuồng máy đi riêng. Lóc nµy Đội 8 ở Cửa Việt chưa kịp ra mà Công binh Trung đoàn 171 thì chưa ai từng tháo thuỷ lôi. Tôi liền đề nghị với Chính uỷ Hoàng Trà: "Việc này là nhiệm vụ của Hải quân, không thể do đơn vị khác. 5 năm trước, tôi đã tháo thành công quả thuỷ lôi kiểu này, tôi nghĩ rằng việc này tôi phải làm". Chính ủy Hoàng Trà băn khoăn, đắn đo nhưng rồi Thường vụ Quân chủng Hải quân đã hội ý riêng và giao nhiệm vụ tháo quả thuỷ lôi này cho tôi.

 

Như tôi đã nói: Chưa biết sau 5 năm, loại thuỷ lôi này địch cải tiến như thế nào, chỉ biết 8 chiếc ốc ở ngòi nổ ở quả thuỷ lôi lần trước là ốc nổi, lần này là ốc chìm. Tuy nhiên, trang bị tháo thủy lôi bây giờ là những đồ chuyên dụng nên có phần yên tâm. Cũng như lần tháo thuỷ lôi đầu tiên, tôi cho chụp ảnh, tháo ốc nào đếm ốc đó. Rồi những giây phút tháo ngòi nổ nặng nề cũng qua đi và tới gần sáng quả thuỷ lôi đã được "giải phẫu". Tin vui lập tức được báo về Bộ Tư lệnh, khi quả thuỷ lôi được đưa về đất liền, Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Trần Kiên đã đến Tràng Cát để tôi báo cáo. Sau đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện khen ngợi. Lần ấy ông Hùng được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

 

Quả thủy lôi MK-52 đầu tiên tháo gỡ được trong giai đoạn 2 (1972-1973) tại cửa Nam Triệu-Hải Phòng đã giúp Bộ Tư lệnh Hải quân giải đáp được 2 câu hỏi của Bộ Quốc phòng, đồng thời đã giúp ta nghiên cứu và nắm được ý đồ chiến thuật của địch lần này là nhằm đánh tàu lớn của ta. Thủy lôi của địch thả lần này vẫn là loại thủy lôi kích nổ bằng nguyên lý cảm ứng từ. Đây cũng là cơ sở để ta nghiên cứu đưa vào sử dụng phương tiện rà quét như ống phóng từ 480, xuồng phóng từ 311, tàu phóng từ V412…

Nguồn qdnd.vn

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày