Thứ 6, 22/11/2024, 03:50[GMT+7]

Nhất gia hiệt kiệt

Thứ 6, 02/06/2023 | 10:34:33
4,623 lượt xem
Ngày 25/4/1882, thực dân Pháp tấn công Hà Nội; ngày 2/5/1882, Thống đốc Nam kỳ Le Myre de Vilers chỉ thị cho trung tá hải quân Henry Riviere đánh chiếm Nam Định, cuộc chiến chống thực dân Pháp bắt đầu nổ ra. Nguyễn Hữu Bản (con trai quan Án sát Nguyễn Mậu Kiến) quyết định đem hiến ruộng đất của gia đình làm binh điền (cấp cho những gia đình có người tham gia nghĩa quân) với tổng 1.250 mẫu Bắc Bộ. Gia phả, ngọc phả của dòng họ Nguyễn làng Động Trung còn ghi, từ khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai, Nguyễn Hữu Bản đã nhìn rõ dã tâm của chúng sẽ đánh chiếm Nam Định, ông chủ động bàn bạc với nhiều sĩ phu yêu nước chuẩn bị các bài tập cho hương dũng, rèn vũ khí, mua thêm súng đạn, chuẩn bị lương thảo, áo quần cho nghĩa quân đầy đủ, sẵn sàng vào cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Từ đường Nguyễn Mậu Kiến, làng Động Trung, xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, di tích lịch sử cấp quốc gia.

Sử cũ ghi: Ngày 21/3/1890, toàn quyền Pháp ở Đông Dương Piquet đã ký một quyết định quan trọng làm thay đổi hẳn cục diện một vùng đất vốn từ thời các vương triều phong kiến Việt Nam vẫn coi là “ven bờ, cuối bãi” thành một tỉnh lỵ hành chính, tách ra khỏi Nam Định. Thực chất, đây là chính sách “chia để trị” thâm độc của thực dân Pháp, bởi chúng không muốn phải khuất phục trước một địa danh với những con người quật cường, chấp nhận “sống ngâm da, chết ngâm xương” chứ không chịu cúi đầu trước thiên tai, giặc dã. Thực dân Pháp ngay lập tức tăng cường xây dựng đồn bốt, củng cố thế lực chiếm đóng nhằm xiết chặt chế độ thống trị của chúng ở Thái Bình. Theo sử sách còn lưu giữ ở Thái Bình thì vào thời điểm này, nghĩa quân của Cả Cương - Hiệp Vỡi mặc dù rất lanh lẹn, dũng cảm nhưng cũng nằm chung tình trạng “vô hiệu hóa” như nhiều toán nghĩa quân khác của Đốc Đen, Đốc Nhưỡng, Lãnh Hoan, Lãnh Nhàn. Tuy không thể “chọc trời, khuấy nước” như lúc chưa “chia để trị” của thực dân Pháp nhưng hoạt động của nghĩa quân cũng gây cho thực dân Pháp nhiều phen “thất điên, bát đảo”.

Dân làng Động Trung còn lưu truyền những câu chuyện kể về gia đình Nguyễn Mậu Kiến như từng góp tiền, vàng để mở mang việc học trong làng, trong xứ. Bản thân Nguyễn Mậu Kiến đã hiến ruộng đất canh tác vào quỹ “học điền” và đích thân đứng ra xây dựng trường học. Ông còn bỏ tiền mời thầy giỏi về dạy chữ cho con em trong làng. Gặp khi mùa màng thất bát đã bỏ tiền của làm cứu chẩn cho người nghèo. Cởi áo quan, mặc áo dân, sống gần dân, Nguyễn Mậu Kiến tận mắt chứng kiến cảnh giặc Pháp chà đạp dân đen, nghênh ngang cướp phá xóm làng... ông quyết tâm mộ quân chống giặc. Cuối năm ấy, giặc Pháp mở rộng chiếm đóng, chúng đem thêm quân đi cướp bóc, đốt phá các làng quê dọc theo các triền sông lớn như sông Hồng, sông Thái Bình... Khi quân Pháp tiến đánh Vân Môn, ông đã tập hợp 2.000 nghĩa quân đánh lại. Cuộc chiến giữa những người dân áo vải, cờ đào, vũ khí chủ yếu là giáo mác, gậy gộc nhưng với sự lãnh đạo của ông, cộng với lòng căm thù giặc Pháp xâm lược mà trận đọ sức không nghiêng về bên nào. Giặc Pháp gặp phải sự chống trả quyết liệt đã không dám tiến thêm. 

Sang năm Giáp Tuất 1874, triều đình Nguyễn nhu nhược đã phải ký hiếp ước hòa hoãn với Pháp. Vua Tự Đức ra lệnh bãi binh. Nguyễn Mậu Kiến thấy thế liền “nghịch chí” liều thân chống lại. Vua Tự Đức hạ chiếu xung ông vào Quân thứ Hiệu lực ở Sơn phòng Hưng Hóa (làm một anh lính trơn đi hiệu lực quân thứ ở tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang ngày nay. Tuy bị giáng chức một cách oan uổng nhưng Nguyễn Mậu Kiến vẫn thản nhiên, ông sống theo đạo quân tử “Bất vu nhân, bất oán thiên” (nghĩa là không trách người, không oán trời). Tại đây, ông tiếp cận được với Nguyễn Đức Trạch, anh ruột của thủ lĩnh Cần vương chống Pháp Nguyễn Quang Bích. Sát cánh, kề vai, các ông tiếp tục chiến đấu chống Pháp thêm được 5 năm nữa. Thấy ông không màng chi danh lợi, lại quyết tâm kháng Pháp cứu non sông, lúc ấy Tổng đốc tỉnh Nam Định là Nguyễn Võ Trọng Hợp dâng sớ lên vua đề cử ông vào Khâm thiên giám, cũng bởi biết ông am tường thiên văn. Vua Tự Đức triệu ông về bệ kiến. Nghe ông thuyết sách về thiên văn, địa lý, vua Tự Đức khâm phục vì sự hiểu biết uyên thâm và khả dụng của ông liền ban chiếu chỉ cho khôi phục hàm Kiểm thảo, tạm thời cho đi giữ việc sơn phòng ở đồn vàng, thuộc tỉnh Hưng Hóa (Tuyên Quang). Không nản chí, ông đưa cả mấy người con trai đi theo. Rừng thiêng, nước độc, mấy cha con cùng nhau cầm cự, khai đường, dựng lối, mở mang đồn điền. Chốn sơn lam chướng khí, lao tâm, khổ lực vì nhiệm vụ đã khiến ông lâm bệnh trọng. Ngày 22/10/1879, ông đã trút hơi thở cuối cùng. Nghe tin, triều đình Huế truy tặng ông hàm Bố chánh gia Nghị Đại phu Tư trị khanh. Sắc phong ông “Học bác thuyết chính”, “Hiếu nghĩa khả phong”. Ba người con trai của Nguyễn Mậu Kiến là Nguyễn Hữu Cương, Nguyễn Hữu Bản, Nguyễn Hữu Phu tiếp nối tinh thần kháng Pháp của cha, thấm đẫm tinh thần yêu nước thương nòi, quyết tâm “đền nợ nước, trả thù nhà” đã cùng các con, cháu là Nguyễn Công Vân, Nguyễn Công Tích và Nguyễn Công Úc tiếp tục chiến đấu chống lại thực dân Pháp. 

Theo báo cáo của tên Tri phủ Kiến Xương Trần Gia Du ghi rõ, vào năm Thành Thái thứ 7, Ất Mùi (dương lịch là năm 1895) do những hành động chống lại nhà nước bảo hộ Pháp, Nguyễn Hữu Cương bị bắt và bị phạt tù một năm rưỡi với tội danh “dung túng cho bọn con em đi ăn cướp” (từ ngữ trong án trạng của thực dân Pháp muốn ám chỉ những trận đánh của nghĩa quân nhằm vào thực dân Pháp xâm lược). 

Trong lúc Nguyễn Hữu Cương bị giặc Pháp bắt tù đày thì em trai ông là Nguyễn Hữu Đàn đang học tại Quốc học Huế lại quen và kết thân với Nguyễn Sinh Huy (thân phụ Nguyễn Ái Quốc). Sau 7 năm miệt mài kinh sử, năm Tân Sửu (1901), Nguyễn Sinh Huy đậu Phó bảng, mối tình thâm sâu giữa ông Đàn và ông Huy lại càng được khơi chảy. Một nghĩa tình sâu đậm không thể nhạt phai giữa một chí sĩ miền Trung với chí sĩ ngoài Bắc, ấy là sau khi đỗ Phó bảng, ông Nguyễn Sinh Huy đã lặn lội ra tận Động Trung thăm Nguyễn Hữu Cương. Tại đây, lòng yêu nước, thương nòi của hai người lại bùng cháy. Hai ông bàn với nhau việc chống Pháp. Chuyện “tày đình” này cho mãi về sau, khi được đọc những dòng hồi ký của ông Nguyễn Công Chuẩn (1885 - 1956), là cháu gọi Nguyễn Mậu Kiến là ông nội; “hậu duệ” mới hay rằng: “...thâm tâm của cụ Nguyễn Sinh Huy là muốn kết nạp hiền tài để mưu đại sự. Khi ra ngoài Bắc, cụ đến nhà của Tú tài Nguyễn Hữu Đàn, bạn cùng học Quốc học Huế ở làng Động Trung. Ông Tú có người anh trai là Nguyễn Hữu Cương. Cụ được gặp hai anh em ông Tú, rất là tương đắc...”.

Làng Động Trung thuộc phủ Kiến Xương (thế kỷ XIX thuộc tỉnh Nam Định) có một gia đình chí sĩ họ Nguyễn vốn có truyền thống yêu nước, đó là Nguyễn Mậu Kiến (1819 - 1879). Theo tài liệu lưu trữ thì Nguyễn Mậu Kiến xuất thân trong một gia đình giàu có nhưng bản thân ông lại không ý thức mình thuộc phận sang giàu, không “tự huyễn” xếp mình vào hạng người “ăn trên, ngồi trốc” thiên hạ, ngược lại ông cố công học hành, thi cử đỗ đạt được triều đình nhà Nguyễn bổ làm quan lại, giữ chức Án sát. Với những việc làm nghĩa cử, triều đình nhà Nguyễn đã ban khen ông với danh hiệu: “Lạc quyên nghĩa cử” vào năm 1858 và “Hiếu nghĩa lạc quyên” vào năm 1866. Ông làm quan Án sát đến năm 1873, thời vận “trong đục bất phân”, triều chính nghiêng ngả, bên ngoài kinh thành lúc này nổi lên những bè đảng tham quan, hại dân, hại nước. Tính tình cương trực, căm ghét bọn hại dân nên Nguyễn Mậu Kiến liền dâng sớ lên triều đình kể tội bọn tham quan hại dân, đầu hàng giặc Pháp... ông không ngờ rằng, bản tấu sớ ấy lại bị bọn xu nịnh vì ganh ghét ông rắp tâm truy hại.

Quang Viện