Chủ nhật, 24/11/2024, 19:20[GMT+7]

Thái bình thịnh trị

Thứ 6, 16/06/2023 | 10:51:35
4,091 lượt xem
Nhằm tăng cường chính sách cai trị ở Bắc Kỳ, thực dân Pháp thực hiện “chia để cai trị”. Tháng 3/1890, toàn quyền Pháp tại Đông Dương Doumer quyết định thành lập tỉnh Thái Bình. Ngoài bổ nhiệm người đứng đầu bộ máy cai trị cấp tỉnh ở Bắc Kỳ là một viên Công sứ hoặc một viên Phó sứ người Pháp, thực dân Pháp thúc ép triều đình Huế cử quan lại về vùng đất “ven bờ cuối bãi”, tụ tập dân siêu tán khẩn hoang. Các viên Công sứ nắm tình hình và cai trị các tỉnh thông qua hệ thống quan lại của triều đình Huế. Người Pháp coi trọng bộ máy quản lý làng xã, họ duy trì toàn bộ các thiết chế phong kiến An Nam đã trì trệ, thậm chí khuyến khích “nó” trì trệ hơn. Một chính trị gia người Pháp tên Luy-rô (Luro) trong Giáo trình về tổ chức hành chính ở An Nam thừa nhận đó là “...một tổ chức đã tồn tại theo truyền thống từ thời rất xa xưa, tổ chức đó chúng ta không nên động chạm tới kẻo làm dân chúng bất bình, xứ sở rối loạn”.

Khu tưởng niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ tại thị trấn Tiền Hải - người có công lao lớn trong việc thành lập huyện Tiền Hải.

Các tài liệu khảo cứu còn lưu trữ ghi, trong kết luận của toàn quyền Doumer: “Theo tôi thì duy trì trọn vẹn, thậm chí tăng cường cách tổ chức cũ kỹ... là một điều tốt... mỗi làng xã sẽ là một nước cộng hòa nhỏ... rất có trách nhiệm với chính quyền... trước mặt chúng ta là tập thể những người phải đóng thuế chứ không phải từng cá nhân... chúng ta chỉ cần ấn định mức thuế chung cho từng xã... làng xã là nước cộng hòa nhỏ phải cống nạp... chính làng xã phải tìm cách thu cống nạp”. Từ chủ trương mang tính thực dân ấy, mỗi làng xã ngoài bộ máy hành chính tối thiểu gồm lý trưởng, phó lý (nếu xã có nhiều thôn), trương tuần, trưởng bạ, thủ quỹ... thì các tổ chức truyền thống hay dở đều mặc sức phục hồi. Thường các xã đều có hội đồng kỳ mục gồm 5 - 7 người hoặc có học vấn, hoặc cựu quan lại về hưu đại diện các làng được bầu ra để định đoạt mọi mục tiêu, chủ trương lớn (nhất là chủ trương, biện pháp thi hành nhiệm vụ theo yêu cầu chính phủ bảo hộ). Khi đã bàn xong, lý dịch có trách nhiệm thi hành, bởi thế hầu hết lý dịch chỉ là công cụ của kỳ mục, nhưng nhiều nơi các vị chức sắc đương nhiệm dựa thế quan tây, họ phớt lờ cả hội đồng kỳ mục, kỳ lão, phớt lờ cả lệ làng.

Sau thất bại của phong trào Cần Vương, Phan Bội Châu nhận thức được “muốn đấu tranh bằng bạo lực thắng lợi thì không thể đơn độc đứng lên thủ hiểm ở một vùng mà phải xây dựng một phong trào toàn quốc, phải có một tổ chức mới, biện pháp đấu tranh mới”. Tháng 5/1904, Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính mời tôn thất Kỳ ngoại hầu Cường Để lập Duy Tân hội, xúc tiến “xuất dương cầu viện”. Và ngày 20/1/1905, Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ đi Nhật, khởi phát phong trào Đông Du. Nguyễn Hữu Đàn (quê Động Trung) là trí thức yêu nước đang học tại trường quốc học Huế được tiếp xúc với Phó bảng Nguyễn Sinh Huy bấy giờ đang dạy học. Được văn thân Kiến Xương yêu cầu, cụ Huy từ Huế ra gặp Nguyễn Hữu Cương, Nguyễn Doãn Cử, Ngô Quang Đoan tại làng Động Trung cùng bàn luận con đường cứu nước. Cùng năm đó, Nguyễn Thượng Hiền đang làm đốc học Nam Định thông qua Trần Song Ứng và Nguyễn Thị Phượng Trừu là con trai và con dâu của Tiến sĩ Trần Bình San tại nhà số 7, bến Ngự - Nam Định đã bắt mối với các chí sĩ vùng Kiến Xương, trong đó có Nguyễn Hữu Cương (Động Trung), Phạm Tư Trực (Hoàng Xá, Vũ Thư), Đào Nguyên Phổ (Cần Phán, Quỳnh Phụ)... vừa vận động thanh niên xuất dương vừa chuẩn bị cho khai sinh cơ sở trường Đông Kinh nghĩa thục ở Thái Bình. Nhiều cơ sở của phong trào Đông du và Đông Kinh nghĩa thục (1907) được hình thành: Huyện Kiến Xương có Nguyễn Hữu Cương ở Động Trung, Bùi Doãn Tế, Vũ Công Quán ở Lại Trì, Ngô Quang Đoan ở Trình Phố, Nguyễn Chí Trạch ở Phụng Thượng, Hoàng Chuyên ở Tân Ấp, Lê Văn Tập ở Đa Cốc, Phan Thường, Nguyễn Phác, Nguyễn Đệ ở Vũ Bình. Huyện Vũ Thư có Khiếu Hữu Đại ở Đồng Thanh, Lương Trọng Cang ở Mỹ Bổng, Nguyễn Tư Trai ở Hoàng Xá, Bùi Xuân Phát ở Tri Lai. Huyện Quỳnh Phụ có Cử Đắc, Cử Huy ở Cổ Tiết, Đào Trinh Nhất, Phạm Duy Ru ở Cần Phán, Mai Đăng Đệ ở Tràng Lũ... Huyện Đông Hưng có Vũ Tiên Cơ ở Trực Nội, Nguyễn Huy Gia ở Đông Động. Huyện Hưng Hà có Đào Thế Trinh ở Tịnh Xuyên, Nguyễn Thúc Khiêm ở Hoàng Nông. Huyện Thái Thụy có Phạm Toản ở An Tiêm. Lực lượng tham gia hưởng ứng phong trào Đông du hầu hết là con em các thủ lĩnh phong trào Cần Vương, các cử nhân, tú tài... nhìn chung kinh tế khá giả. Mỗi hội viên đóng góp quỹ “Đông du” tối thiếu 20 đồng bạc trắng, có người tự nguyện đóng góp tới 300 đồng. Gia đình ông Thuận Xương ở thị xã cho hội vay tới ngàn đồng. Họ tìm những người biết kinh doanh mở cửa hàng, hô hào bài trừ hàng tây, khuyến khích dùng hàng nội hóa, đặt các cửa hiệu tại Cổ Rồng, Luật Trung, Đồng Xâm (Kiến Xương), Tri Lai (thị xã), Đống Năm (Đông Hưng)... Có trên 10 thanh niên ưu tú được hội cử xuất dương, trong đó có Ngô Quang Đoan, Hoàng Chuyên, Lê Văn Tập, Phan Thường, Nguyễn Phác, Nguyễn Đệ (Kiến Xương), Vũ Tiến Cự (Đông Hưng), Phạm Tứ Giản ở Hoàng Xá (Vũ Thư). Có người sang tận Đông Kinh (Tôkiô - Nhật Bản), phần đông họ đến Quảng Châu, Ma Cao... học về lý luận, khoa học, kỹ thuật quân sự để khai thông trí tuệ, với mong muốn khi học xong về nước khai thông dân trí, đánh Pháp. Tháng 3/1907, một số chí sĩ như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền sáng lập trường Đông Kinh nghĩa thục tại Hà Nội. Lương Văn Can đã mời Nguyễn Hữu Cương tham gia ban tài chính, Cử nhân Phạm Tư Trực huấn đạo huyện Thanh Miện (Hải Dương), quê Hoàng Xá, Vũ Thư (bấy giờ đang làm trưởng ban tu thư phủ thống sứ Bắc Kỳ) giúp ban tu thư, Tiến sĩ Đào Nguyên Phổ tham gia ban trước tác và ban cổ động.

Tại Thái Bình, lớp học được tổ chức ở làng Động Trung, ban ngày dạy cho thanh thiếu niên (chủ yếu con cái các sĩ phu), ban đêm dạy cho dân nghèo. Hội cấp giấy vở cho học viên, hô hào học chữ quốc ngữ, cổ vũ nhân tài, chấn hưng công nghệ, dùng hàng nội hóa... Các thành viên Đông Kinh nghĩa thục (hầu hết là ông cử, ông tú Hán học) đều tự nguyện học thêm chữ quốc ngữ, dùng các giáo trình của nhà trường, tờ Đăng cổ tùng báo làm tài liệu học tập, tổ chức các cuộc tuyên truyền ở thị xã, văn chỉ Động Trung, văn chỉ Trình Phố, đình Cao Mại, văn từ Tri Lai, văn từ An Tiêm, đình Cổ Tiết... Không khí đổi mới sôi nổi, tân học được đề cao khiến người Pháp từ lạ đến nghi ngờ. Chúng tung mật thám đi khắp nơi để điều tra thì hóa ra nhà trường không phải chỉ dạy chữ: Nguyễn Hữu Cương là người “ngang ngạnh”, từng được “ân sủng của quan toàn quyền”, lại chuyên “kích động chống chính phủ”, toàn “giao du với những phần tử đáng nghi ngờ”; Phạm Tư Trực có anh trai Phạm Tư Giản xuất dương theo Phan Bội Châu, cổ súy cho Đông Kinh nghĩa thục để gây mầm loạn; Đào Nguyên Phổ có anh làm tri huyện Võ Giàng nhưng ẩn lậu thuế má, hiến công quỹ, đem tiền thóc ủng hộ những người “chống chính phủ”, lôi kéo dân Võ Giàng theo mình, lại viết nhiều sách có ý kích động; các ông Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí có con em đều hướng ra hải ngoại.

Trong “con mắt” của thực dân Pháp, Đông Kinh nghĩa thục là “cái lò phản loạn” ở Bắc Kỳ nên Pháp đã thẳng tay giải tán trường. Tại Hà Nội, các ông Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc đều bị bắt. Ở Thái Bình, trường Động Trung phải bí mật chuyển về làng Thượng Gia, các ông Binh Quynh, Khóa Cới cố gắng duy trì lớp học được thêm vài tháng nữa rồi cũng phải giải tán. Các ông Nguyễn Hữu Cương, Phạm Tư Trực, Đào Nguyên Phổ đều bị truy sát. Phạm Tư Trực bị bắt giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), rồi đưa về quản thúc ở Thái Bình.


Quang Viện