Làng ven sông biển
Các tài liệu khảo cứu cho thấy, vào thời nhà Lý (1010 - 1025) tại kinh thành Thăng Long, triều đình thường xuyên tổ chức bơi trải. Lễ hội bơi trải trên sông Hồng được tổ chức rất lớn tại phía trước điện Linh Quang, kèm theo yến tiệc linh đình, nhiều khi có cả sứ giả ngoại quốc đến dự. Trên bờ sông Hồng, hàng nghìn chiến thuyền chăng cờ rực rỡ, cùng với tiếng chiêng trống rộn vang làm lay động mặt nước, có “máy Kim Giao” cho chạy ở dưới sông phía dưới điện Linh Quang là nơi nhà vua và các quan ngồi xem. Máy Kim Giao làm hình con rùa lớn màu vàng. Rùa vàng bơi trên mặt nước, chân rùa cử động được, miệng rùa phun nước trên mặt nước, mắt rùa đưa đi đưa lại và biết nhìn lên bờ. Đầu rùa biết quay về hướng nhà vua mà cúi chào.
Theo các ghi chép còn lưu được, làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) được bao bọc ba mặt sông. Sông Cống Ngoại về phía Tây, sông Cống Mới phía Đông, đặc biệt phía Nam là dòng Diêm Hộ chảy qua trước làng rồi mới đổ ra biển. Tục bơi trải của làng gắn liền với nghề đi biển đánh bắt hải sản và vận tải đường biển nên người dân thường mở lễ hội tế lễ các vị Thủy Thần.
Theo các bậc cao niên kể lại, trước năm 1945 làng Diêm Điền còn có chùa và đình, vì thế nghi lễ “tế thần” được tiến hành trang nghiêm, trước khi bơi phải đến tế Thủy Thần ở Đình Trung vào sáng ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm. Cả làng gồm có 5 đội bơi đại diện cho 5 xóm (xóm Hậu, xóm Tiền, xóm Tả, xóm Hữu và xóm Trung), mỗi đội 20 người gồm 9 cặp bơi, một người cầm lái và một nguời đánh mõ hô nhịp. Vật tế lễ dâng lên Thủy Thần là một con cá vược lớn còn tươi, đặt trên chiếc mâm đồng, phía dưới trải tấm lụa màu trắng. Mỗi đội cử một đại biểu bưng lễ vật đặt trên bàn thờ. Người đại diện của mỗi xóm thường là bậc huynh trưởng, gia đình phải đủ con trai, con gái, phúc hậu (là con cháu của các bậc tiền hiền có công lao khai phá, lập xóm mở làng) với trang phục truyền thống, quần áo dài thụng màu xanh, đội khăn xếp màu đen... Nghi thức tế Thủy Thần gồm một vị chủ tế, 4 bồi tế, 12 quan viên. Chủ tế mặc áo dài màu xanh, khăn xếp màu đen, hai bên tả, hữu là hai hàng quan viên (là những vị trong ban hương chức của làng) và có 2 ông “Tây xướng và Nam xướng”. Các bồi tế lần lượt dâng hương, đăng, trà (2 lần), dâng Thanh chước (rượu) 4 lần và ông chủ tế đọc bài chúc văn thành kính mời Thủy Thần về chứng giám các lễ vật do lòng thành của dân làng dâng cúng và cầu mong thần phù trợ đắc lực cho trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, nhà nhà bình yên, no đủ, hạnh phúc... Sau khi tế xong, các đội bơi đi xuống bến nơi có 8 thuyền trải có trang trí đầu rồng cách điệu ở phía mũi. Ở trên đình đốt vàng mã xong ở dưới bến chuẩn bị phất cờ và đốt pháo phát lệnh là các đội bơi vào cuộc. Khi tiếng pháo thứ 3 vừa nổ xong thì các thuyền bơi dàn hàng ngang trên sông Diêm Hộ lao như tên trong tiếng trống cổ vũ vang dội của dân làng các xóm bên bờ. Các thuyền đua phải đi đúng 3 lượt mới kết thúc. Đội về nhất được nhận một con cá vược và một xâu tiền thưởng. Các thành viên tham gia bơi được mời dự bữa cơm cúng Thành Hoàng đầu năm tại đình làng.
Lễ hội bơi trải xưa của làng Diêm Điền là cuộc đua thể hiện tài năng hết mình của các chàng trai thành thạo nghề sông nước để trình diễn cho Thủy Thần tham quan, cầu mong thần phù trợ trong công việc đi biển thuận lợi may mắn, mang lại cuộc sống no đủ cho dân làng. Trước đây, người Diêm Điền hết sức tôn trọng phong tục lâu đời này vì năm nào không tổ chức lễ hội bơi trải Thủy Thần sẽ tức giận và năm đó thần sẽ về bắt người.
Tìm đọc cảo thơm, sách “Gương đại gia đình và hương lão làng Thuận Vi”, một làng quê ven sông Hồng, có ghi: Sau khi dẹp yên Sơn Nam hạ, Thái phi Nguyễn Thị Anh đi lễ phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định nay), chúa Trịnh Sâm vừa hộ tống Thái mẫu vừa đem quân xuống Vị Hoàng rắp tâm triệt phá làng Thuận Vi. Khi Tĩnh vương tới cổng chùa, thấy trên tam quan có vị nữ bồ tát dung mạo uy nghi, dưới tam quan có hai thị giả (tên là Diệu Chính và Diệu Khai), một người cười như xé vải, một người khóc như mưa gào. Tĩnh vương hỏi không nói, gọi không thưa, rút gươm toan chém, cả ba không đổi thần sắc, vẫn khóc, vẫn cười. Sâm chột dạ không dám xuống gươm, lui về Vị Hoàng nói chuyện với Thái phi. Thái phi thân đem hương lễ đến Từ Vân tự dâng Phật, vị bồ tát ấy giảng giải: “Như Lai bao dung. Mọi lành dữ đều báo trước cho thế gian, thị giả khóc vì tiếc cho công lao các tiên vương nhà Trịnh nối đời phò tá vương triều, ân uy bốn bể... nay con cháu không noi, ngày chung cục sẽ không còn xa. Thị giả cười vì thấy Thượng vương thông lầu kinh sử, đọc nhiều, biết rộng mà không biết nổi mệnh nhà. Thế nước như lửa cháy, dầu sôi... đã không rộng ân còn định dùng uy. Gieo ác gặt ác, đó là nhân quả và cũng là đạo trời”. Thái phi hỏi: “Nên làm thế nào?”, vị bồ tát nói: “Cứu nhân đắc kỷ vạn chúng”, “Đức lớn sinh nhân lành, nhân lành sinh quả ngọt”. Thái phi cáo bái bồ tát ra về khuyên can Tĩnh vương. Tĩnh vương bỏ ý đốt làng Thuận Vi lại cho bản huyện xem xét, phàm nhà cửa ai bị đốt đều cho tiền sửa lại, trợ cấp lương thực, gọi dân lưu tán người Thuận Vi về quê làm ăn. Vị bồ tát đó chính là bà Nguyễn Thị Uyển Trà, con của án trấn Sơn Tây Nguyễn Kim Tích, chị ruột của Nguyễn Kim Phẩm, Nguyễn Kim Nho. Các làng Tang Bổng, Trà Vi, Thuận Vi đều tôn bà làm phúc thần. Sử cũ chép: Trước binh lực tập trung quá mạnh của họ Trịnh, Nguyễn Kim Phẩm, Trần Xuân Trạch cho toàn quân lui ra cửa biển, lập các đồn dã chiến trong các bãi sú Tiền Châu và cửa Lác, “đóng đồn liên kết với nhau, đón cướp các nơi, khi ẩn, khi hiện không nhất định”...
Cố Giáo sư Vũ Khiêu từng viết: “Tôi không sinh ra trên đất Thái Bình nhưng ở đây, tôi đã sống cả thời thơ ấu ở làng Ô Trình, nay thuộc xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy. Làng Ô Trình tôi ở thuở ấy, năm nào cũng ngập nước. Đời sống nhân dân rất khó khăn, vất vả. Điều mà tôi ngày càng nhận ra là những người xung quanh tôi thường thiếu ăn và mặc rách nhưng lại sống với nhau đầy tình nghĩa. Những bạn học của tôi hầu hết là những người học giỏi, chữ tốt, văn hay và đối xử với nhau bằng những tình cảm thân thương sâu sắc. Ngày nay, những bạn ấy phần đông đã qua đời. Những người còn lại vẫn tiếp tục gắn bó với tôi như anh em ruột thịt”. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Nhận diện cuộc đời Huyền Trân Công chúa để phát huy giá trị di tích lịch sử 30.11.2024 | 20:31 PM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
Xem tin theo ngày
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng
- Gắn thực hiện nhiệm vụ của ngành kiểm sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
- Đảng ủy Quân khu 3: Ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ năm 2025
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình
- Gặp mặt đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình các khóa
- Năm mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, động viên công tác khóa sổ ngân sách năm 2024
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan nội chính “chắc - sắc - đắc”
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ