Chủ nhật, 24/11/2024, 09:09[GMT+7]

Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nước Kỳ cuối: 'Khó tưởng tượng sự khủng khiếp như vậy từng tồn tại'

Thứ 2, 17/07/2023 | 15:01:12
2,418 lượt xem
Du khách nước ngoài thăm hệ thống nhà tù Côn Đảo không khỏi ngạc nhiên vì một chế độ tù ngục hãi hùng như vậy từng có trong thế giới văn minh. Nhưng đó là cách sự thật tồn tại. Đó là nơi mà nhiều người yêu nước Việt Nam đã bị đọa đày. Họ sẵn sàng hy sinh với tinh thần bất khuất, kiên trung, với một niềm tin mãnh liệt vào tương lai của dân tộc.

Cựu tù chính trị Huỳnh Thị Bền (tỉnh Bình Thuận) giới thiệu tấm hình có mặt của bà trong ngày Côn Đảo được giải phóng với đoàn viên, thanh niên Côn Đảo. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Rợn người trước sự tàn bạo 

Tính đến ngày 30/4/1975, Nhà tù Côn Đảo tồn tại 113 năm. Trong thời gian đó, khoảng 20 ngàn người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã ngã xuống tại đây. 

Nhà tù Côn Đảo là tàn tích về những tội ác tàn bạo của chế độ thực dân, đế quốc đối với tù nhân chính trị. Nhưng là chứng tích, là bản anh hùng ca của các thế hệ yêu nước Việt Nam. Là câu chuyện làm lay động tình cảm của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Tìm hiểu những tội ác diễn ra trong hệ thống nhà tù Côn Đảo, ông Roger Brette (87 tuổi, quốc tịch Pháp) bày tỏ: “Đến Côn Đảo, chúng tôi hiểu thêm một phần của lịch sử nhân loại. Không chỉ có hệ thống nhà tù Côn Đảo, nhiều địa danh nơi đây đã gắn với những mất mát, hy sinh xương máu của người dân Việt Nam. Trước khi đến đây, tôi chưa từng biết đến trên thế giới lại tồn tại một thời tù ngục khủng khiếp đến vậy!”.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Võ Văn Em cùng vợ là bà Đặng Thị Nga (đều là cựu tù chính trị Côn Đảo) thăm lại Khu H, Trại Phú Bình hay còn gọi là Chuồng cọp kiểu Mỹ, nơi từng giam giữ ông Võ Văn Em. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Di tích Nhà tù là điểm đến thăm đầu tiên của du khách Nguyễn Thị Tuyết Trinh (từ Bến Tre) khi đến Côn Đảo. “Đến đây, tôi mới hiểu vì sao được gọi là “địa ngục trần gian”. Tôi rợn người khi nghe hướng dẫn viên kể về sự tàn bạo, tra tấn tù nhân đến chết của những tên chúa đảo, cai ngục. Đến với Côn Đảo, tôi càng thấu hiểu hơn độc lập, tự do, hòa bình của đất nước hôm nay được xây đắp bằng xương máu của lớp lớp cha anh đi trước, những con người đã làm nên những huyền thoại bất tử trong kháng chiến. Tôi rất tự hào mang trong mình dòng máu Việt Nam”, chị Trinh nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu (du khách Bến Tre) tham quan di tích Nhà tù Côn Đảo chia sẻ: “Chúng tôi được học lịch sử và nghe về các di tích lịch sử, cũng được đi đến nhiều nơi. Côn Đảo là nơi ghi lại những dấu ấn sâu sắc nhất. Tôi được chứng kiến những hình ảnh được tái hiện trong nhà tù một cách chân thật, xúc động. Thật tự hào về con người, dân tộc Việt Nam”.

Ngày 29/4/1979, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) ban hành Quyết định số 54/QĐ-VHTT đặc cách công nhận Khu Di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo là Di tích Quốc gia đặc biệt.


Giá trị vượt thời đại

Khu di tích Nhà tù Côn Đảo đã phát huy giá trị đặc biệt trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam. Những di tích Phú Hải, Phú Tường, những xà lim, chuồng cọp, khu đập đá, cầu Ma Thiên Lãnh, cầu tàu 914... đã trở thành những địa chỉ du lịch văn hóa lịch sử, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng thế hệ trẻ.

Chị Trần Thị Thủy Tiên, Phó Bí thư Huyện Đoàn Côn Đảo cho biết: “May mắn và cũng thật vinh dự khi chúng tôi được sống và công tác tại mảnh đất thiêng liêng Côn Đảo. Chúng tôi thấu hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, nơi đã có biết bao máu xương của cha ông ngã xuống để hôm nay chúng ta được độc lập tự do”. 

Bên cạnh hệ thống nhà tù đồ sộ với những cái tên ám ảnh như chuồng cọp, khu biệt lập chuồng bò, trại Phú Hải, trại Phú Sơn, ở Côn Đảo còn có các công trình khổ sai như: Cầu tàu lịch sử 914, Cầu Ma Thiên Lãnh… Tất cả đã tạo nên một quần thể chứng tích khốc liệt về chốn địa ngục trần gian trong 113 năm tồn tại. Và đặc biệt là Nghĩa trang Hàng Dương nơi yên nghỉ của hàng vạn anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước qua nhiều thế hệ bị tù đày đã lần lượt hy sinh dưới ách tàn bạo của thực dân và đế quốc.


Thế hệ trẻ Côn Đảo càng thấu hiểu hơn sự tàn bạo của kẻ thù qua những dịp được gặp gỡ, giao lưu với những cựu tù, được nghe những câu chuyện bi hùng về những người tù bị giam trong xà lim hằng tháng trời chỉ ăn cơm lạt, uống nước lã. Và có tù nhân bị ngâm trong hố phân đến mức bị hoại tử cơ thể. Nhiều tù nhân chính trị phải sống trong những buồng giam khắc nghiệt đến mức chỉ lết nổi bằng tay...

“Ngày nay, Côn Đảo đã trở thành một khu di tích lịch sử cách mạng, nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Chúng tôi rất đỗi tự hào với truyền thống lịch sử của Côn Đảo”, chị Trần Thị Thủy Tiên nói.

Anh Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho hay, sau khi tham quan hệ thống nhà tù Côn Đảo, bản thân anh không thể tưởng tượng được vì sao con người có thể đối xử với nhau như vậy, dù đó có là kẻ thù. 

“Chúng ta biết về một nơi như vậy, để hiểu về những gì cha ông từng trải qua vì độc lập dân tộc. Thế hệ trẻ hôm nay luôn kính phục tinh thần kiên trung, bất khuất và nguyện một lòng trung thành với Tổ quốc. Chúng tôi ghi tạc trong lòng công ơn to lớn của các anh hùng, liệt sĩ và đồng bào yêu nước đã hy sinh cho cuộc sống tươi đẹp hôm nay”, anh Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

  • Từ khóa