Thứ 7, 27/04/2024, 22:35[GMT+7]

Long thần cản giặc

Thứ 6, 22/09/2023 | 09:39:44
5,050 lượt xem
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, môi trường thay đổi nghiệt ngã dẫn đến một số cư dân cao nguyên thuộc lớp tiên phong hồi đầu thiên niên kỷ thứ nhất tràn xuống vùng đất Thái Bình ngày nay bị đánh bật trở lại trung du để tiếp tục nghiệp rừng. Một số giàu nghị lực chấp nhận sống chung với lũ vừa gieo sạ trên các đống, càn, cương, bái… vừa đánh bắt thủy, hải sản vừa gieo trồng lúa nước, một số chuyển hẳn sang nghề đánh bắt thủy, hải sản. Những con người tiên phong này phải thích nghi với môi trường sông nước, đối mặt với “bão lũ” mà tồn tại.

Vùng trung lưu giữa sông Trà Lý và sông Hồng (còn gọi là sông Cái, Đại Hoàng Giang) nay thuộc giáp ranh hai xã Hồng Minh (Hưng Hà) và Hồng Lý (Vũ Thư) từng là nơi diễn ra nhiều cuộc thủy chiến.

Nhờ nước mà có nhiều tôm cá, vì thế nước vừa là “thủy tặc, thủy quái”, nước lại là ân nhân, thành “thủy thần” nhập thế. Dư ảnh của xã hội ấy còn mãi đến đời sau. Do vậy, trên địa bàn tỉnh ta miếu “Long thần” nhiều hơn lầu “Thổ địa”, thần Hà Bá, Long Vương nhiều hơn thần núi và các đền đài tiêu biểu đều gắn với Long thần cũng là điều… dễ hiểu. Một vùng thiên nhiên lý tưởng có nguồn lương thực “trời ban” cho là vùng trung lưu giữa sông Trà Lý và sông Hồng (còn gọi là sông Cái, Đại Hoàng Giang) nay thuộc giáp ranh hai xã Hồng Minh (Hưng Hà) và Hồng Lý (Vũ Thư), khu vực này có cả rừng Búng, rừng Báng bạt ngàn ở xã Tân Bình (thành phố Thái Bình nay) và Việt Hùng, huyện Vũ Thư (loài cây này thuộc họ dừa, thân có lõi, lấy lõi thân cây này xào hoặc nấu với cá thành đặc sản hạng “cao lương mỹ vị”, còn khi đói không có gạo có thể lấy lõi cây đem giã nát, lọc lấy bột làm bánh, nấu cháo béo ngậy)… những vật phẩm thiên nhiên ban tặng vừa là thời cơ vừa là điều kiện cần và đủ để cha ông ta chọn vùng Long Hưng, cửa Tuần Vường - Thượng Hộ làm phòng tuyến chống quân thù xâm lăng và địa danh này cũng là mồ chôn bao kẻ xâm lăng… 

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: Vào thời nhà Trần (1226 - 1400), vua ban cho hoàng đinh trong quân dự bị đến ngày khánh tiết được ăn cơm nếp với cá mắm”. Đại thần Ngô Sỹ Liên bàn: “Đời xưa, cơm nếp là phẩm vật quý, được ăn cơm nếp với cá mắm là ngon lắm, quý lắm.

Trong ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, quân dân nhà Trần đã dựa vào thế trận sông nước ở lộ Long Hưng, Kiến Xương đặc biệt là vùng đất ngã ba sông Hồng và sông Luộc (thường gọi là ngã ba Vàng hoặc Hoàng Giang) bởi nơi đây có nhiều sông, ngòi chằng chịt tạo điều kiện cho quân đội nhà Trần phát huy thế mạnh sông nước “nhử” quân Nguyên Mông thiện chiến quen cưỡi trên lưng ngựa vào thế trận “lầy lội” nhằm tiêu diệt sinh lực địch. 

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: Đất Long Hưng đã được các vua Trần coi là đất tổ, các quân dân vùng Long Hưng cũng được nhà Trần xem là con em thân thuộc đã được sung vào quân “Thiên Thuộc, Thiên Cương, Chương Thánh, Củng Thần bên trong”. Ngược dòng thời gian, thời Hùng vương, đất Hưng Hà đã có nhiều quý tộc gốc Việt Mường về khai khẩn. Họ Hà chiếm hầu khắp từ Hà Xá xuống Hà Nguyên, Hà Lang. Họ Hoàng chiếm cánh đồng màu mỡ Tam Nông: Hoàng Nông, Đôn Nông, Diên Nông là vùng kinh tế rất thịnh đạt. Nhiều quan lang đã cư trú ở Hà Lang, Khả Lang, Nham Lang, con cái nhà “Lang” chiếm riêng Chiềng Óc, Lang Cun (Cun Cương, xã Hòa Tiến), dân gốc cổ sớm có mặt ở Bùi Phú (Độc Lập), Bùi Xá (Tân Lễ).... Dân Thượng Đạo và dân chài tộc Đãn nhiều vùng đã sớm bỏ sông nước lên bờ sống bằng nghề trồng trọt, khoảng đầu thời Tây Hán họ đã đạt đến trình độ văn hóa cao. 

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống lại ách đô hộ của quân Nam Hán, đền nợ nước, trả thù nhà, Vũ Thị Thục đã tập hợp nghĩa binh kéo về Hát Môn, hội quân với hai tướng Bà. Truyền kể, bà Hoàng Thị Mầu (thân mẫu bà Vũ Thị Thục) là con cháu thuộc dòng quý tộc Việt - Mường đã liên kết với quý tộc họ Vũ ở Phong Châu là Vũ Công Chất, quê làng Phượng Lâu, huyện Bạch Hạc. Ông Vũ Công Chất tuy giỏi chữ Hán, biết cả nho, y, lý, số song không chịu ra làm quan lại liên kết với họ Phạm là Phạm Hương ở Chu Diên, hứa gả con gái cho Phạm Hương. Tô Định muốn mua chuộc họ Vũ, ép Vũ Thị Thục làm ái thiếp, hứa ban chức tước cho Vũ Công. Không lôi kéo được Vũ Công, Tô Định liền giết Phạm Hương, bắt giam Vũ Công Chất, lại kéo quân về Phượng Lâu tàn sát thảm khốc. Vũ Thị Thục được tin ngay đêm tối đã trốn về quê mẹ tại hương Đa Cương, vùng đất ngã ba giữa dòng Hoàng Giang (sông Hồng) và sông Nông Kỳ (Luộc). Tương truyền bà náu mình trong Tiên La tự (chùa Tiên La), sáng hôm sau tất cả hương lão trong làng tụ tập tại gốc đa cạnh bờ sông, cùng nối hàng vào chùa đón rước người trưởng nữ và tôn bà làm minh chủ, tổng huy động con em sắm giáo mác, đêm ngày luyện tập để cùng chủ báo thù.

Các nguồn khảo luận cho biết, quân đội nhà Trần có trình độ kỹ thuật chiến đấu khá cao, việc luyện quân làm rất tích cực, các chiến binh đều thông thạo sử dụng binh khí có trong tay, các đơn vị đều luyện tập ban đêm và trên các loại địa hình khác nhau, nhất là ở vùng sông ngòi. 

Sách “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII” của Giáo sư Hà Văn Tấn cho biết: Trong tháng 4 năm Ất Dậu (1285), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đem quân tấn công đồn Đại Mang (A Lỗ). Đồn này nằm gần chỗ sông Hồng nối với sông Luộc (nay thuộc địa phận huyện Hưng Hà). Có lẽ đây là cứ điểm đầu tiên trên phòng tuyến của quân Nguyên trên sông Hồng nối với sông Luộc ngày nay. Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn lợi dụng triệt để mạng lưới sông ngòi chằng chịt nơi đây để ém quân luồn sông nhỏ ra sông lớn như Trà Lý rồi ra sông Hồng (Hoàng Giang) mở các cuộc tấn công đồn luỹ của quân Nguyên Mông ở A Lỗ (hay cửa Phạm Lỗ là ngã ba sông Hồng (sông Cái) với chi lưu sông Trà Lý, nay thuộc địa phận xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà) ngược dòng đánh lên Tây Kết, Chương Dương, Hàm Tử khiến cho Vạn hộ Lưu Thế Anh của quân Nguyên Mông phải bỏ chạy thục mạng, thây giặc chết nghẽn cả dòng Trà Lý. 

Cũng theo sách “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII” của Giáo sư Hà Văn Tấn cho biết: Trong tháng 4 năm Ất Dậu (1285), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đem quân tấn công đồn Đại Mang (A Lỗ). Đồn này nằm gần chỗ sông Hồng nối với sông Luộc (nay thuộc địa phận huyện Hưng Hà). Có lẽ đây là cứ điểm đầu tiên trên phòng tuyến của quân Nguyên trên sông Hồng nối với sông Luộc ngày nay. Viên tướng Nguyên giữ đồn này là Vạn Hộ Lưu Thế Anh đã phải rút chạy sau khi cả trăm nghìn quân tử trận, xác chết nghẹn ứ dòng Trà Lý…

Theo địa đồ ngày nay để truy ngược về vùng đất cách ngày nay hơn 2000 năm ta thấy sông Hồng chảy vào địa phận Thái Bình từ đỉnh Hải Triều (xã Tân Lễ) xuôi thêm 20km thì chia ra phụ lưu Trà Lý, điểm nối giữa sông Hồng và sông Trà xưa thuộc xã Hồng Lý (huyện Vũ Thư), từ năm 1895 thuộc xã Độc Lập và xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà. Nơi ấy ngày xưa bờ bãi mênh mang, buổi sơ khai có tên A Lỗ theo nghĩa là gồ cát, cồn cát. Phía bờ Bắc là cửa Phạm Lỗ, phía Nam là cửa Vường, giữa có cù lao lớn, trên đó có rừng Cự Lâm. Hiện trên bản đồ còn vẽ dòng sông cổ đoạn từ Hồng Lý, huyện Vũ Thư ăn thông gần sát cửa Vường (giáp làng Thanh Hương, xã Đồng Thanh), cửa sông này sóng nước ngàn tầm. Chính nơi đây quân dân thời Trần đã đánh tan đội quân tiền trạm của Vạn Hộ Lưu Thế Anh, xác giặc nghẽn dòng sông và cũng tại ngã ba sông này dân chài phải kinh nể “một trăm cửa bể phải nể cửa Vường”.


Quang Viện