Chủ nhật, 28/04/2024, 18:31[GMT+7]

Vua tiền Lý và đôi bờ Trà Lý

Thứ 6, 29/09/2023 | 09:38:24
7,638 lượt xem
Phía Bắc dòng Trà Lý, thuộc địa phận làng Cổ Trai, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, xưa có tên Kẻ Giai, sau đổi thành làng Giai, thời Nguyễn là làng Cổ Trai, xã Thọ Duyên, tổng Diên Hà, huyện Diên Hà, phủ Tiên Hưng. Truyền thuyết rằng khi Lý Bí chọn vùng đất hoang sơ, khá bằng phẳng lại gần cửa sông, tiện việc luyện quân, tiến quân và rút quân dựng cờ khởi nghĩa ở đây, nhiều nghĩa sĩ từ mọi miền kéo về, làng khi đó chỉ toàn thanh niên trai tráng (toàn con giai) nên có tên làng Giai. Sau này nhờ ở liền sông tiện đường đi lại, người buôn kẻ bán ra vào tấp nập nên có tên Kẻ Giai (kẻ - cổ, nghĩa là chợ) khi gọi Cổ Trai cũng là biến âm của Kẻ.

Miếu Hương, thôn Hương, xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư thờ vua tiền Lý, Lý Bí hay còn gọi là Lý Nam Đế.

Trải ngàn năm, ngàn đời, dân làng Cổ Trai vẫn luôn khẳng định làng Kẻ Giai của mình mới chính là quê hương của Lý Bí. Cố lão của làng từng kể rằng: Tổ Lý Bí từ phương Bắc, không rõ cụ thể ở địa phương nào do loạn lạc mà chạy xuống phương Nam. Ngày đầu đoàn thuyền của ông tới sông Bộ rồi đổ bộ lên vùng đất dân quen gọi Mã Giai bờ Trúc, bỗng nhiên mây đen kéo đến, sầm sập chớp dồn, cây cối ngả nghiêng, mọi người khiếp sợ bèn sụp lạy. Bất thần ở chỗ Mã Giai một con rồng hiện ra, phun lửa chói lòa rồi bay lên không trung, trời lại trở tối đen như mực, mưa dập, gió dồn, mọi người chỉ mong cho trời chóng sáng xua mây đen tan đi. Sáng hôm sau, lúc mặt trời ló rạng, quả nhiên trời quang mây tạnh, đoàn người nhìn về phía gò Trúc thấy mây tầng xếp thành 3 chữ “Long Hưng địa”. Tổ tiên Lý Bí cho rằng đây là vùng đất tốt đã cho đoàn người dừng lại định cư ở đây. Sau ông cho xây miếu thờ ở gò Trúc lấy tên miếu là “Long Hưng địa”. Ngôi miếu và ba chữ “Long Hưng địa” vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Do vậy, ở làng Cổ Trai, đình làng Cổ Trai thờ Lý Toàn, Lý Tấn, Lý Bí, đền nghè Tây thờ Triệu Việt vương, Đào Lang vương. Miếu Đông thờ bà, thờ mẹ của Lý Bí và Hoàng hậu Đỗ Thị Khương.

Bờ Nam sông Trà Lý, đối diện làng Cổ Trai là đất Thư Trì, đất này xưa được các nhà phong thủy xếp là 1 trong 9 long mạch điển hình của Đại Việt. Sách “An Nam cửu kinh long” viết: “Hữu Cổ Trì, Vũ Tiên đẳng huyện, địa hình sở bố, diện vi tối kỳ”. Theo cổ tự, nghĩa là vùng đất linh thiêng nên Thư Trì đã sinh ra nhiều người hiền tài mà vùng đất này nay thuộc khu vực làng An Để, xã Hiệp Hòa và làng Hương, xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, đây là những làng trong vùng địa linh của huyện. Truyền ngôn, Hoàng hậu Đỗ Thị Khương, phu nhân Lý Bí, sinh trưởng trong một gia đình khá giả, có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Một lần bà đi mua tơ, thuyền đi trên sông gặp thuyền của Lý Bí đang đánh nhau với quân Lương thì đứt quai chèo. Bà liền thả hết thuyền tơ cho trôi trên sông, quân lính vớt lấy buộc lại quai chèo để Lý Bí tiếp tục đánh giặc. Khi lên làm vua (544) Lý Bí phong cho Đỗ Thị Khương làm Hoàng hậu. 

Người dân An Để, Phương Tảo, Hữu Lộc còn lưu truyền chuyện về Lý Bí với Đỗ Thị Khương, chuyện được kể rằng: Một ngày nọ, trên đường đi về đồn canh ở Tây Để. Trông xuống cánh đồng sau đồn canh (sau miếu thờ hiện nay) thấy một đốm sáng hào quang to di động ở dưới ruộng. Ngài cho hai vệ sĩ xuống thì chỉ thấy một người con gái (đó là Đỗ Thị Khương) đang cúi cắt cỏ bờ, be dòng giữ nước, hai vệ sĩ hỏi: “Sao chủ tướng tôi qua đây mà cô không đứng dạy để giữ đạo trên dưới” (dân với quan). Đỗ Thị Khương dõng dạc chỉ xuống bờ ruộng và nói: “Ta còn đang bận diệt bọn giặc cỏ, be bờ giữ nước, các ngài không biết sao”. Hai vệ sĩ lên tâu với chủ tướng. Thấy vậy ngài nghĩ ngay đây có thể là điềm lành. Trời mách cho ta biết có người giúp đỡ để dựng nước và ngài đã cùng hai vệ sĩ xuống chỗ Đỗ Thị Khương đang làm ruộng. Thấy đoàn người cờ rong, trống mở tiến đến chỗ ruộng nhà mình, Đỗ Thị Khương mới đứng dậy trong khi tay vẫn cầm liềm, quần vẫn còn xắn cao để lộ bắp chân trần trắng nõn. Thấy vậy Lý Bí hỏi: “Nàng đang làm gì vậy, tay nàng cầm cái gì đó?”. Đỗ Thị Khương lễ độ trả lời: “Tay em cầm bán nguyệt thênh thang. Em đang giữ nước sửa sang cõi bờ”. Nghe vế đối của thôn nữ khiến cõi lòng Lý Bí xốn xang, thế rồi lời qua, tiếng lại, hai người cứ thế mà đối đáp lời hay ý đẹp. Sau hồi đối đáp mãn nguyện, Lý Bí nhắc Đỗ Thị Khương cứ tiếp tục công việc của mình, rồi ngài cùng hai vệ sĩ trở lại đồn doanh. Không lâu sau đó, ngài quay trở lại An Để, mang sính lễ tìm gặp Đỗ Thị Khương, ngỏ lời cầu hôn. Thành hôn, hai người nên duyên cầm sắt cùng nhau nguyện thề xây dựng căn cứ quân sự vững chắc ở nơi đây để chống giặc Lương xâm lược. 

Tương truyền, khi Lý Bí dấy binh đóng đồn ở Cổ Trai, An Để hai bờ tả hữu Trà Lý, Thái thú Tiêu Tư của nhà Lương đã đưa quân về đàn áp định dập tắt cuộc khởi binh. Cuộc chiến đấu chống giặc Lương xâm lược tất yếu đã nổ ra ác liệt giữa quân của Lý Bí với quân Lương ở hai bên bờ Trà Lý. Khảo tả di tích, làng Cổ Trai vẫn còn những địa danh cổ liên quan đến cuộc chiến xa xưa như bến Hợm, một bến sông thuộc làng Cổ Trai, nơi ấy quân Lý Bí đã mai phục, nhử cho quân Tiêu Tư vào, quân Tiêu Tư bị lừa (mắc hợm) nên đã bị thua đau. Hay cống Tiêu Tư, tương truyền nơi ấy Tiêu Tư đã chui vào cống để ẩn náu khi bị quân Lý Bí truy đuổi hoặc như gò Ô Sát nơi tướng Ô Sát đã bị quân Lý Bí giết. Xa xưa đã có miếu thờ Ô Sát, nay miếu đã bị phá. Mả Ngộ chính là mả Ngô đọc nặng thành Ngộ. Di tích đường con quạ, tương truyền quân Lương chết quá nhiều ở đây, mùi xác thối quạ kéo từng đàn về rỉa xác giặc vì vậy có tên đường con Quạ. Làng Cổ Trai còn có tục trước ngày vào hội làng, có lệ tổ chức cúng cô hồn. Đêm ấy nhà nào cũng đóng cửa.

Làng Cổ Trai có nhiều gò đống với những tên gọi khác nhau mà ngày nay người dân vẫn chưa rõ sự tích như: Vườn nghè, dao cầu, cây đa, gốc sập, mả thú, mả cẩu, mả cô Sài, vườn khoang, con xà, cái gậy, miếng ấn, mả hòn, con mèo, con cóc, mả hới, nội trong, nội ngoài, cái nghiên, cái bút, con voi, cái chiêng, cái trống, mả dầu... Trong những gò đống trên, người làng Cổ Trai kể về con Xà và cái Gậy rằng mỗi khi con Xà trở mình, nửa phía dưới làng đều bị cháy, dân làng liền bàn nhau đắp các gậy và trồng cây bàng lên đầu con xà để trị con xà. Nhưng cây bàng bị chết, dân làng lại trồng cây đa, cây đa vẫn còn, người Cổ Trai bảo trời sinh con Xà, làng sinh cái Gậy... người Cổ Trai thật cứng đầu, cứng cổ.

Làng Cổ Trai xưa có nghề chăn tằm, dệt vải phát đạt, nguồn gốc của nghề này được kể là do Hoàng hậu Đỗ Thị Khương của vua Tiền Lý Nam Đế dạy cho. Truyền kể rằng, hoàng hậu Đỗ Thị Khương quê làng Tây Để (nay là làng Hữu Lộc, xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư), thuở thiếu thời bà từng đi buôn bán tơ... Khi quân Lương đánh vào Cổ Trai trận chiến trên sông Bộ diễn ra quyết liệt, giặc thua ở bến Hợm liền tổ chức lại lực lượng tiến đánh quân ta, cuộc chiến đang gay go thì quai chèo thuyền của Lý Bí bị đứt, lúc ấy thuyền của bà tình cờ cũng ở đây, bà liền thả tơ trôi trên sông cho quân lính vớt lên buộc lại quai chèo, Lý Bí thoát nạn. Sau trận chiến đó, Lý Bí cho người tìm cô gái bán tơ rồi hai người nên vợ nên chồng. Đỗ Thị Khương về làm dâu làng Cổ Trai đã đem nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt vải dạy cho dân làng Cổ Trai, nghề “chăn tằm, dệt vải” ở Cổ Trai được duy trì đến những năm chiến tranh chống Pháp (1950 - 1953).

Quang Viện