Thứ 5, 21/11/2024, 23:40[GMT+7]

Vu kim kiến thánh hiền

Thứ 7, 28/10/2023 | 16:25:52
6,484 lượt xem
Cả thiên niên kỷ đã trôi qua nhưng những câu chuyện ly kỳ về Thiền sư Từ Đạo Hạnh vẫn thấm đẫm huyền thoại gắn với mảnh đất làng Thọ Lộc (xã Minh Khai, huyện Vũ Thư) và ngôi chùa nhỏ mang tên Phượng Vũ (dân gian gọi là chùa Múa). Mặc dù sự tích thiền sư Từ Đạo Hạnh đã được các nhà nghiên cứu lịch sử thống kê khá đầy đủ trong các tư liệu và thư tịch cổ như “Việt Điện u linh”, “Lĩnh Nam chích quái”, “Thiền uyển tập anh ngữ”, “Đại Việt sử lược”, “An Nam chí lược”, “An Nam chí nguyên”, “Việt sử tiêu án”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Đại Nam nhất thống chí…” nhưng với người dân làng Thọ Lộc thì chuyện về Thiền sư vẫn nhuốm màu huyền bí.

Lễ hội chùa Phượng Vũ hay còn gọi là chùa Múa, làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, nơi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh được gắn với nhiều huyền thoại bao phủ theo từng bước đi, gần ngàn năm trôi qua nhưng dấu chân thiền sư vẫn còn in đậm trên mảnh đất làng Thọ Lộc trong tận cùng tâm thức, hạnh nguyện độ sanh vẫn lớn dần theo nhịp tử sinh, kỳ bí trong vô cùng không tận, không ngôn ngữ nào có thể diễn tả trọn vẹn. Đặc biệt, tương truyền, ngài được gọi là “Kiếp người ba thân phận” - “vi tăng, vi đế, vi thần”, (nghĩa là vừa là sư, là vua và cuối cùng được phong thần). Lúc nhỏ, Thiền sư có tên húy là Lộ, tự là Đạo Hạnh, có tiên phong đạo cốt. Thuở niên thiếu thích giao du, hào hiệp phóng khoáng, chí lớn phi phàm, hành động cử chỉ không ai có thể lường được. Đêm thì mải miết đọc sách, ngày thì đá cầu thổi sáo đánh bạc, ham sự chơi bời. Cha thường trách con là lười nhác không nghiêm túc. Một đêm bí mật dòm qua khe cửa, thấy trong phòng ánh đèn rực rỡ, sách vở chồng chất, Đạo Hạnh thì gục xuống án mà ngủ nhưng tay vẫn không rời sách, cha ông vì thế không còn lo lắng nữa. Năm sau Đạo Hạnh dự thi khoa Bạch Liên, đỗ Đệ nhất danh (triều Lý có kỳ thi riêng cho tăng đồ tức là khoa này).

Để rộng đường luận nghiệm, theo các tài liệu khảo cứu được hợp tổng và đề xuất khảo tả của nhiều nhà nghiên cứu khoa học về Thiền sư và thế thời cùng tạo tác di tích chùa Phượng Vũ hòa chung những diễn xướng dân gian độc đáo trong lễ hội làng Thọ Lộc hiện diện trên đất tỉnh ta, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128) chưa có con nối ngôi, việc ban chiếu thư để cầu tìm con đồng tông thừa kế còn chưa quyết định. Đến năm Mậu Tuất (1118) nhà vua tuổi tác đã hơi cao, bèn ban chiếu thư xuống cho con trai của các em ruột nhà vua là Sùng Hiền hầu, Thành Khánh hầu, Thành Chiêu hầu, Thành Quảng hầu và Thành Hưng hầu vào cung để giáo dục chọn người tài giỏi lập làm Hoàng Thái tử, ông (chỉ Đạo Hạnh lúc này đã đầu thai làm con của Sùng Hiền hầu) là người được lựa chọn vậy. Khi ấy “Thiền sư” mới lên ba tuổi, thông tuệ minh mẫn, nghe một biết mười, ứng đối tiến thoái không gì không hợp lòng thánh thượng. Vua Nhân Tông vô cùng yêu quý, đặt tên là Dương Hoán và lập làm Hoàng Thái tử, sai Thần Anh nguyên phi làm mẹ nuôi dưỡng. Năm Đinh Mùi niên hiệu Thiên Phù nguyên niên 1127 đời vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128) vua Nhân Tông băng hà, triều đình đưa ngài lên ngôi (khi đó, ngài 13 tuổi), ngài đổi niên hiệu là Thiên Thuận nguyên niên (1128 - 1132). Đến năm Bính Thìn (tức năm 1136 đời vua Lý Thần Tông (1128-1138), thân mình ngài tự nhiên mọc nanh vuốt rồi không lâu sau biến hình thành hổ, danh y khắp nơi đến chữa bệnh đều không khỏi. Minh Không và Giác Hải nghe tin ông mắc bệnh “kim sang” (theo cách gọi của đông y là vết thương do dao kiếm) thì thấy quả nhiên nghiệm với lời nói trước đây (ngày trước ông cùng với Minh Không và Giác Hải đi học tiên thuật đắc đạo, lúc trở về ông đi lên trước biến thành hình hổ để đùa bạn), bèn làm bài ca dao dạy cho trẻ nhỏ hát rằng: “Dục an thiên tử tật, Tu đắc Nguyễn Minh Không” (Muốn chữa bệnh nhà vua, phải tìm Nguyễn Minh Không). Triều thần bèn theo lời trẻ nhỏ hát, sai sứ giả đi tìm. Nghe nói hai vị sư Minh Không và Giác Hải trụ trì ở chùa Liêu Thủy, sứ giả cùng binh lính 16 người chèo thuyền đến chùa bái kiến, thiền sư bèn lấy một cái nồi nhỏ nấu cơm và bảo họ rằng: “Bần tăng có ít cơm ăn tạm!”. Quân lính ăn đều no bụng nhưng không thể hết được. Ăn xong thì hai vị thiền sư theo sứ giả xuống thuyền, Minh Không nói với họ rằng: “Mọi người hãy tạm đi ngủ và nghỉ ngơi, đợi nước triều dâng thì khởi hành lên kinh”. Thế là mọi người đều xuống thuyền ngủ, thuyền đi như bay, ngày hôm sau đã đến bến Đông, thiền sư bèn gọi mọi người dậy, đã nhìn thấy chùa Báo Thiên, ai nấy đều kinh phục. Hai vị thiền sư theo sứ giả vào cung vua. Khi ấy các bậc danh sư trong thiên hạ ngồi la liệt, thấy Minh Không hèn mọn quê mùa thì xem thường không thèm đứng lên chào. Minh Không bèn lấy ở trong túi ra một chiếc đinh sắt dài năm tấc rồi dùng tay đóng vào cột điện, đinh ngập sâu vào quá nửa, ông nói với mọi người rằng: “Ai có thể nhổ được chiếc đinh này thì chữa được bệnh cho vua”. Nói như vậy mấy lần, không có ai dám nhổ. Minh Không bèn dùng hai ngón tay phải mà nhổ, đinh theo tay bật ra, bèn bảo lấy cái vạc lớn, 12 hũ dầu, 100 cái kim và 1 cành hòe, đốt lửa nấu, rồi sai khiêng ngọc giá đến đàn. Minh Không bảo Giác Hải đốt lửa suốt mấy ngày liền, bèn thò tay vào trong vạc dầu đang sôi sùng sục lấy ra đủ 100 cái kim. Giác Hải lại bảo Minh Không làm phép, lấy cành hòe nhúng vào vạc dầu rồi rắc vảy lên ngọc thể nhà vua, quát to rằng: “Bậc thiên tử tôn quý cớ sao mà lo buồn phát bệnh như vậy?”.

Dứt lời, tất cả lông lá, nanh vuốt đều rụng hết, nhà vua lại ở ngôi đế vị như xưa. Khi đó Minh Không có bài kệ rằng: “Kỳ lân đồ hậu mạt, Nguyệt vọng đáo trung thiên” (Kỳ lân dự liệu về hậu thế, mặt trăng và mặt trời gặp nhau ở giữa trời - kỳ và lân là hai loại thú thần trong truyền thuyết được coi là điềm lành). Mọi người không ai hiểu lời nói đó. Đến ngày 26 tháng 9 năm Canh Thân (1140 đời vua Lý Anh Tông (1138 - 1175), nhà vua thăng hà, miếu hiệu Thần Tông tức là hậu thân của Đạo Hạnh vậy. Ngày ông băng hà thì nhà cũ ở chùa Sài Sơn linh khí chấn động (Chùa Thầy ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (cũ), nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh và nơi ngài hóa gọi là động Thánh Hóa trên núi Sài Sơn), dân làng thấy thế kinh sợ lạ lùng đem việc tâu lên, vua nối ngôi liền sai triều quan đến tế lễ, trùng tu miếu vũ, ban phong miếu hiệu, bốn mùa cúng tế. Hàng năm mồng 7 tháng 3 là ngày sinh nhật tiền thân (chỉ thân thế kiếp trước), có lệ phụng nghênh thánh giá đến xứ Hương Sơn quán để lạy chầu Thánh tổ.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Nhâm Thìn, Hội Tường Đại Khánh năm thứ 3, 1112, bấy giờ vua Lý Nhân Tông tuổi đã nhiều mà chưa có con trai nối dõi, xuống chiếu chọn con của tông thất để lập làm con nối. Em vua là Sùng Hiền hầu (không rõ tên) chưa có con trai. Gặp lúc nhà sư núi Thạch Thất là Từ Đạo Hạnh đến chơi nhà, hầu nói với Đạo Hạnh về việc cầu tự. Đạo Hạnh dặn rằng “Bao giờ phu nhân sắp đến ngày sinh thì phải báo tôi biết trước”. Rồi Đạo Hạnh cầu khẩn với sơn thần, 3 năm sau phu nhân có mang, sinh con trai là (Lý) Dương Hoán...”.


Quang Viện