Thứ 5, 21/11/2024, 23:10[GMT+7]

Ngoại Lãng cổ địa

Chủ nhật, 12/11/2023 | 06:25:58
10,192 lượt xem
Xã Song Lãng, huyện Vũ Thư chính là làng Ngoại Lãng xưa, phía Bắc giáp xã Hiệp Hòa, phía Tây giáp xã Việt Hùng, Dũng Nghĩa, Đông Nam giáp Phúc Thành, Minh Lãng, Minh Quang, Đông Bắc giáp sông Trà Lý... Đầu thế kỷ XVI, thời Lê - Trịnh phân tranh nửa Tây tách ra lập làng Văn Lãng, sau đó một thời gian gian, người Nam Sang rời thôn Trục Mãn về doi đất cuối phía Đông Nam Ngoại Lãng khởi lập làng Trục Mãn, đến cuối thế kỷ XVIII đổi thành làng Phúc Mãn để sánh với Phúc Thắng tự của Ngoại Lãng, sau lại cải thành Phúc Mãn bởi làng giàu có...

Ngoại Lãng nằm kẹp giữa hai con sông lớn là Hồng Hà và Trà Lý (còn gọi là Bạch Lãng), ngoại lãng là chân sóng, bên kia sông là huyện Đông Hưng.

Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, làng Ngoại Lãng được lập thành xã Ngoại Lãng; Phúc Mãn cùng làng Hoành Thanh Long, Nội Lãng lập thành xã Minh Hòa, Văn Lãng cùng Nguyệt Lãng lập xã Trung Quang. Đầu năm 1947, nhằm củng cố chính quyền cơ sở vững mạnh, chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp nên Văn Lãng, Phúc Mãn cùng Ngoại Lãng lập xã mới, để lấy tên có ý nghĩa đại diện cho vùng đất cổ xưa, những người sáng lập đã thống nhất lấy hai chữ “Lãng” nghĩa là “Sóng” đặt tên chung: Song Lãng nghĩa là “sóng đôi” ra đời từ đó.

Theo lời kể của các cố lão, Song Lãng xưa kia là vùng đất ngập nước kẹp giữa hai dòng sông lớn là sông Hồng và sông Trà Lý, áp mạn nước cổ xưa là Trực Mãn nghĩa là “triều dâng”, cũng giống như Ngoại Lãng, Nội Lãng, Nguyệt Lãng chỉ có sóng vỗ triều dâng. Ngoại Lãng là trang ngoài chắn sóng, Văn Lãng là “nghe sóng” bởi cổ nhân truyền lại, ngàn đời xưa, đêm đêm nằm nghe tiếng sóng sông Hồng, sông Trà vỗ triền miên cứ như nằm bên sóng... Cư dân Song Lãng được tụ hội qua nhiều thời kỳ. Dựa vào thần phả, ngọc phả, văn khấn thành hoàng, gia phả các dòng họ có thể chia làm 5 thời kỳ. Thời kỳ khai thiên lập địa, thời kỳ khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Bát Nạt tướng quân Vũ Thị Thục năm 40 - 43 thế kỷ I, thời kỳ nhà Lý thế kỷ XI, thời kỳ Lê Trịnh thế kỷ XVI và thời kỳ mạt Lê thế kỷ XVIII... Thời kỳ khai thiên lập địa, lúc này chỉ có khoảng vài ba khải thủ thành hoàng từ Hương Nhân, Hương Đường, Hương Tảo, Hương Cáp ở mạn Bắc lấn dần ra chân sóng là lập ra trại ban đầu gọi là Ngoại Lãng trang. Trong các vị thành hoàng làng, có 1 vị tên húy là Đoan. Cụ Đoan cắm trại chăn vịt, để đánh dấu trại, cụ cắm cây nêu nên dân gian sau gọi là cánh đồng Nêu. Nơi cụ Đoan dựng nhà gọi là xóm Công Sơn, ghi nhớ công lao mở đất, dựng làng của cụ Đoan, nhân dân dựng miếu thờ. Năm 1881, làng dựng đình Ba nên miếu thờ cụ Đoan gọi là miếu cũ. Văn khấn thành hoàng làng ở đình Ba có đoạn: “Ngoại Lãng trang lặn địa húy Đoan, thủy tây hương cổ địa di tả thanh long, hữu bạch mã, tiền chu tước, hậu huyền điểu, trung câu trận dĩ lai khai thủ thành hoàng bản thổ”. Tạm dịch văn khấn cổ tự như sau: “Khải thủ thành hoàng Ngoại Lãng húy Đoan, thoạt đầu ở một hương cũ trên mạn tây rồi rời xuống chỗ đất mới này. Bên trái là con rồng xanh, bên phải là con ngựa trắng, phía trước là dải chu tước, vây quanh phía sau là đàn chim điểu dàn ngang, giữa là nước thủy triều hợp hậu hóa nên đứng phẳng lặng thành hồ ao trùng điệp”.

Thời kỳ thứ hai được xác định qua các tài liệu khảo cứu cho rằng nữ tướng Quế Hoa, thuộc cấp của Hai Bà Trưng năm 40 từng giao tranh với quân của Mã Viện ập tới từ bên hữu sông Hồng (phía Nam Định) kéo dài tới Hữu Bị lùi qua bến Muối sông Hồng sang Bắc Thư Trì (năm 1969 sáp nhập với Vũ Tiên thành huyện Vũ Thư) lập cứ địa Hương Đường. Binh tướng Mã Viện tràn qua sông Hồng vào Thư Trì, cuộc giao tranh lẫm liệt tới tận chân sóng Ngoại Lãng thì quân sĩ của bà Quế Hoa bị hạ sát quá nhiều do chênh lệch lực lượng, đường cùng, nữ tướng Quế Hoa bồng con nhỏ chạy vào Châu Ái (Thanh Hóa) tiếp tục cuộc chiến đấu với quân Mã Viện. Một số quân sĩ của bà Quế Hoa thoát cửa tử tìm cách hòa vào dân chúng tránh sự truy sát của kẻ thù. Một trong những hiếu chủ của liệt lẫm vô danh trong đội quân của Hai Bà Trưng sau khi mất được phối thờ trong chùa Bạch Mã. Vào đời nhà Lý (1010 - 1225), trong gia phả họ Đỗ, làng Ngoại Lãng kinh tế khấm khá, ruộng đất phì nhiêu, nhân dân cần cù, lúa trĩu nặng bông, gò lũy đất đai trời mây non nước đêm nằm mơ thấy rồng. Năm 1070, vua Lý về Sơn Nam hạ (có tài liệu ghi địa điểm Kỳ Bố Hải khẩu, nay là phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình) cày tịch điền, hào phú họ Đỗ xin vua được về Ngoại Lãng khuyến khích việc nông tang, xây dựng làng nông kiểu mẫu văn minh của Đại Việt, từ đó đời sống mọi mặt của người dân Ngoại Lãng trù phú. Theo nguồn sử liệu, năm 1075, tháng hai năm Ất Mão, năm thứ đời vua Lý Nhân Tông, Đỗ Đô từ Ngoại Lãng lên kinh thành Thăng Long ứng thí khoa thi đầu tiên của triều Lý, ông đã đỗ đầu khoa thi, đoạt danh tước “Minh kính bác học”. Ông được phong quan và làm đến chức Đô sát đại phu nhưng vẫn xin vua cho về Ngoại Lãng tu tập, xây dựng quê hương Ngoại Lãng, đồng thời ông cũng đưa con cháu quê Hải Dương về Ngoại Lãng sinh sống vào thời Lý Nhân Tông (1072 - 1129). Theo các nguồn khảo luận, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê khoảng 600 năm, dân số Ngoại Lãng từ vài trăm nghìn lên hơn nghìn người...

Thời kỳ mạt Lê thế kỷ XVI, năm 1527, nhà Mạc tiếm ngôi; không lâu sau, nhà Trịnh tiêu diệt lực lượng nhà Nguyễn Kim tiến hành cuộc truy sát nhà Mạc, gọi là “Phù Lê diệt Mạc”. Nhà Mạc suy vong, chạy lên Cao Bằng. Lúc này con cháu họ Mạc phải đổi họ để tránh sự truy sát. Trong bối cảnh loạn ly đó, nhiều người thuộc dòng họ Mạc gốc đã tìm về Ngoại Lãng nương nhờ và nhập vào những dòng họ đã đến Ngoại Lãng từ trước, đặc biệt là họ Phạm, Dương, Đồng, Lý gốc Mạc, rồi người từ thôn Nam Sang bên kia bờ hữu sông Hồng địa phận tỉnh Hà Nam ngày nay tràn sang, lập làng mới gọi là Trực Mãn cổ quận.

Dựa vào gia phả các dòng họ lâu đời và các bậc tiền nhân hiển đạt trên đất Ngoại Lãng và quan hệ thân tộc giữa các dòng họ trên đất Ngoại Lãng cho thấy, các dòng họ từ nhiều nơi trên đất nước ta tìm về đất Ngoại Lãng để có đất phát khôi khoa, đáng chú ý 5 dòng họ kiếm thư danh gia vọng tộc như thôn Hội có dòng họ Hoàng, họ Phạm, họ Lê thôn Thư Sơn, Nam Tiến, họ Doãn, họ Đào ở Ngoại Lãng. Riêng họ Đào có cụ thủy tổ là Đào tướng công (húy là Đào Công Soạn) từ Khoái Châu, Hưng Yên vốn là quan Lễ bộ thượng thư triều Lê sơ (1430), ông là bậc hiền tài của quốc gia Đại Việt, là thi lễ văn chương, ông đỗ Đệ tam đồng giáp tiến sĩ, bậc “Kiếm thư đại nghiệp khai gia quốc” hay “Tam triều khai thế”, danh phong của triều đình với ông: “Lưỡng quốc công danh sơn hà minh thực lục”, nghĩa là “Dùng kiếm và trí tuệ mà mở nước ba triều - Lê Thái Tổ, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông”. Ông là bậc khai quốc công thần, kinh bang tế thế cả hai quốc gia Đại Việt và Trung Hoa.

Câu đối ở nhà thờ họ Doãn, làng Ngoại Lãng có ghi: “Địa xuất anh hiền, tiên trạng nguyên Đỗ công cổ địa, gia truyền thi lễ, ngã bảo công biệt tổ thế truyền”. Tạm dịch nghĩa: “Đất Ngoại Lãng là đất anh hoa, hiền triết, xưa là đất trạng nguyên họ Đỗ ở, con cháu họ Doãn trong làng Ngoại Lãng là con nhà thi lễ văn chương, con cháu Thái Bảo đại vương biệt tổ mà dời về Ngoại Lãng để nối chi tổ tiên vậy”. Thái Bảo đại vương họ Doãn quê gốc ở An Duyên, Thường Tín (nay là Hà Nội) thời Lê sơ được phong “Đại vương tế thế, hộ quốc an dân, khoan hòa, trung hậu”, chức Tả đô đốc trấn Hải Dương, được triều đình phong ấp 60 mẫu ở Hải Dương nhưng cụ hiến đất cho dân nơi đây, đưa con cháu về Ngoại Lãng khai phá đất hoang, bồi cơ lập nghiệp.

Quang Viện

  • Từ khóa