Thứ 6, 22/11/2024, 00:18[GMT+7]

“Thân dân” Trần đế

Thứ 7, 30/03/2024 | 22:43:39
6,906 lượt xem
Tôn miếu nhà Trần ở Long Hưng (nay là Hưng Hà) luôn được coi là chốn thiêng, sau khi đại thắng quân Nguyên Mông, mùa xuân năm 1288, vua Trần Nhân Tông cùng quần thần hành lễ bái yết tại Chiêu Lăng. Nhìn con ngựa đá, linh vật coi sóc tôn lăng lấm bùn, nghiêng ngả bởi sự xâm hại, tàn phá điên cuồng nhằm rửa hận hai lần bại trận của quân Nguyên Mông (1258, 1285), nhà vua xúc cảm thành thơ: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/Sơn hà thiên cổ điện kim âu”. Dịch là: Đất nước hai phen chồn ngựa đá/Non sông muôn thuở vững âu vàng.

Bến đò Nhật Tảo, nay là cầu Thái Hà trên sông Hồng, địa danh cổ thời Trần là nơi giao tranh ác liệt giữa quân đội nhà Trần và quân Nguyên Mông thế kỷ XIII, bên hữu là Nam Xương, nay thuộc Hà Nam.

Sách “An Nam chí lược” có ghi chép về cuộc tấn công của quân Nguyên Mông vào Đại Việt: “Thế tử lui giữ cửa Hải Thị, đóng cọc đắp bờ ngăn sông phía Tây để đánh. Quan quân trên dưới bắn chéo. Bọn chúng vỡ lớn”. Sách “Đại điển tự lục kinh thế” viết: “Đại quân đuổi Nhật Huyên ở sông A Lỗ và sông Đức Cương” (Sông Đức Cương là tên cổ, sau gọi là sông Tiên Hưng chảy từ cửa Đào Thành, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà qua huyện Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Thái Thụy ra biển). Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng: “Trên dưới bắn chéo” ám chỉ hai cánh quân thủy bộ của Nguyên Mông do Khoan Triệt và Lý Hằng chỉ huy, bọn chúng đã đuổi theo đại quân của vua Trần Nhân Tông và tiến đánh căn cứ A Lỗ (nay là cửa chi lưu sông Trà Lý, thuộc địa phận hai xã Hồng Lý (Vũ Thư) và Hồng Minh (Hưng Hà), sau khi đã chiếm được căn cứ Đà Mạc (theo tài liệu khảo cứu Đà Mạc thuộc tỉnh Hưng Yên). Các nghiên cứu cùng chung nhận định đây là một trận đánh của giặc Nguyên Mông có tiêu hao lớn, còn quân dân nhà Trần lại chủ động lấy địa hình hiểm trở ở ngã ba sông Hồng với sông Luộc, sông Hồng với sông Trà Lý làm “mồi” nhử quân địch vào bẫy theo hướng quân Đại Việt đặt ra.

“An Nam chí lược” ghi: “Ngày mùng 3 Đinh Tỵ tháng hai, Trấn Nam Vương (Thoát Hoan) phá quân Thế tử ở sông Đại Hoàng”. Cũng theo sách “An Nam Chí Nguyên”, sông Đại Hoàng “là dòng hợp tại phủ Lý Nhân, trên tiếp sông Lô, dưới thông với sông Giao Thủy phủ Phụng Hóa”, còn sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” viết: “Hoàng Giang ở tại vùng huyện Nam Xương, phủ Lý Nhân (bên tả là Long Hưng, nay là huyện Hưng Hà), trên tiếp với sông Thiên Mạc, dưới thông với sông Giao Thủy (nay là cửa Ba Lạt)”. Thông qua sử liệu cổ này ta thấy sự xuất hiện của Trấn Nam vương Thoát Hoan tại Đại Việt với mưu đồ thôn tính Đại Việt thành quận huyện của Nguyên Mông và cũng là để “rửa hận” cho 2 cuộc chiến chinh thất bại trước đó. Thiên Mạc và Đà Mạc là 2 địa danh phía trên của hương Tức Mặc (Thiên Trường, Nam Định), phòng tuyến phía Nam của kinh đô Thăng Long, bên cạnh là Long Hưng, tôn miếu linh thiêng của nhà Trần mà các vua Trần xác định phải bảo vệ nghiêm ngặt. Các nguồn khảo luận cho biết, Thoát Hoan đã dẫn đại quân từ Thăng Long truy kích xuống, trong khi quân nhà Trần cũng hội về Đại Hoàng, ngoài vua Trần Nhân Tông trực tiếp chỉ huy, còn có các tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải. Tuy nhiên, đây là một trận đánh chặn, tiêu hao sinh lực địch, để cho quân Đại Việt rút lui an toàn, chứ chưa phải là những trận phản công. Theo các nguồn khảo luận, cuộc rút lui chiến lược của nhà Trần cùng bộ chỉ huy chiến lược của triều đình ra khỏi thành Thăng Long vào thượng tuần tháng ba, tránh sự truy sát của quân Nguyên Mông và âm mưu bắt sống vua Trần của Thoát Hoan, vua Trần Nhân Tông đã cho tập hợp quân đội và chuẩn bị cho cuộc phản công lớn. Nguồn sử liệu Tàu không thấy có ghi chép về sự kiện “bắt sống hụt vua Trần”, chỉ có vài dòng về việc quân Nguyên đưa bọn đầu hàng như Chương Hiến Hầu, Minh Thành Hầu, Nghĩa Quốc Hầu... về Bắc quốc. Sách: “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi lời nhận xét của vua Trần Nhân Tông đối với đạo quân Toa Đô: “Bọn giặc nhiều năm đi xa, vạn dặm lương thảo, thế tất mệt mỏi. Lấy nhàn đợi mệt, trước phải cướp chí khí của chúng thì ắt phá được chúng”. Tháng ba cũng qua đi, tháng tiếp theo, sách “An Nam chí lược” chỉ chép duy nhất một câu: “Mùa hè tháng tư, An Nam nhân lúc sơ hở, đánh, lấy lại La thành”. Trước đó, năm Mậu Ngọ (1258), quân Nguyên tiến hành xâm lược nước ta lần thứ hai. Với thái độ ngạo mạn, chúa Mông Cổ là Mông Kha ra lệnh cho Ngột Lương Hợp Thai, một tên tướng được mệnh danh là “bách chiến bách thắng” đem một đạo quân ngót 3 vạn từ thượng nguồn sông Hồng (phía Lào Cai) tiến sang nước ta. Với ý chí quật cường, triều Trần do vua Trần Thái Tông đứng đầu nhanh chóng tổ chức chống giặc, giữ nước. Quân Mông Cổ hung hãn tiến vào Thăng Long. Trong triều có người lo sợ khuyên nhà vua nên “nhập Tống” (ý muốn nói nên dựa vào Tống, vì lúc này Tống chưa bị diệt). Trần Thái Tông đem chuyện đó kể với Thái sư Trần Thủ Độ, nào ngờ Thái sư Trần Thủ Độ đã khảng khái tâu trình: “Đầu thần chưa rơi, bệ hạ không có gì phải lo”. Nhà Trần tổ chức phản công, đánh tan quân giặc ở phía Nam kinh thành Thăng Long, quân Nguyên Mông đại bại phải tháo chạy. Sử cũ chép: Trong lễ mừng chiến thắng, vua Trần Thái Tông đã truyền ngôi cho con là Thái tử Hoảng, còn mình trở thành Thái thượng hoàng. Thái tử Hoảng lấy vương hiệu là Trần Thánh Tông và lấy công chúa Thiên Cảm. Ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ, thái tử Trần Khâm cất tiếng khóc chào đời. Tương truyền khi Trần Khâm mới sinh là một cậu bé có dái tai chảy dài như tai Phật, trán rộng, sắc mặt có ánh vàng nên sau đó được vua cha gọi yêu là “Kim Phật” nghĩa là “Phật vàng”. Sử cũ chép: Thái tử Trần Khâm là người thông minh, lanh lợi, học một hiểu mười, văn võ song toàn. Thái tử thường được ông bà nội cho đi lễ Phật trong nội điện và các chùa trong kinh thành, ngoài ra còn nghiên cứu nhiều kinh sách về đạo Phật, do vậy tính cách ngay từ nhỏ ông đã tỏ ra tâm hướng Phật. 

Dưới triều đại vua Trần Nhân Tông, hai hội nghị nổi tiếng được ghi vào sử sách là hội nghị các vương hầu tướng lĩnh ở bến Bình Than và hội nghị các bô lão cả nước ở điện Diên Hồng để bàn mưu kế, thống nhất ý chí chống giặc. Trần Nhân Tông là vị vua anh minh và là vị vua có tinh thần “thân dân” nhất đời Trần. Ông đã cùng với vua cha lãnh đạo quân dân Đại Việt, đặc biệt là quân dân các phủ lộ Long Hưng, Thần Khê, Kiến Xương… giành thắng lợi rực rỡ trong hai lần đọ sức với 50 vạn quân Nguyên Mông, lập nên chiến công lừng lẫy trong lịch sử dân tộc.

“Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: Mùa thu Kỷ Mùi (1259), vua Trần Thánh Tông về bái yết Sơn lăng, đặt quan Sơn lăng và phong các cung tần của tiền đế (Trần Thái Tông) để thờ cúng. Ngày 15 tháng 5 Ất Dậu (1285) trên đường hành quân chống giặc Nguyên Mông, ngay sau khi thắng trận Trường Yên, Chương Dương, hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đã về Long Hưng làm lễ bái yết để báo tiệp và tăng thêm ý chí chiến đấu cho triều đình và tướng sĩ. Đặc biệt, lễ mừng đại chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ ba Mậu Tý (1288), nhà Trần lại về tôn miếu ở Long Hưng bái yết tổ tông, mừng lễ chiến thắng đem theo cả tướng giặc là Tích Lệ Cơ, nguyên soái Ô Mã Nhi, tham chính Sầm Đoạn và Phàn Tiếp, Điền nguyên soái và các vạn hộ, thiện hộ làm lễ dâng thắng trận ở Chiêu Lăng. Mùa hạ năm Nhâm Tý (1312) vua Trần Minh Tông đi tuần thủ biên giới phía Nam về cũng làm lễ báo tiệp tại lăng miếu các tiên đế ở Long Hưng. Sử cũ ghi: “Xa giá trở về, dâng lễ thắng trận ở các lăng phủ Long Hưng”.

Quang Viện

  • Từ khóa