Người ghi lại buổi phát thanh lịch sử ở Sài Gòn trưa 30/4/1975
Trưa 30/4/1975, xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Có mặt trong đoàn quân tiến vào trụ sở đầu não chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng nghĩ đến việc chính phủ của Dương Văn Minh cần tuyên bố đầu hàng sớm để sớm ổn định tình hình. Vì vậy ông cùng Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, KTS Nguyễn Hữu Thái (Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1963-1964), GS Huỳnh Văn Tòng, nhà báo Tây Đức Borries Gallasch... sang đài phát thanh nằm cách Dinh Độc Lập gần 2km.
Thời điểm này, thầy giáo Nhã, 36 tuổi, cùng gia đình đang trú tránh trong phòng học của Trường tư thục Thiên Phước (nay là Trường THCS Hai Bà Trưng) thuộc khuôn viên nhà thờ Tân Định, quận 3, cách đài phát thanh chừng 2km. Ông Nhã kể lúc đó tình hình chiến sự gần như an bài, song một số nơi ở Sài Gòn giao tranh còn diễn ra khiến người dân lo sợ khi ra đường.
Từng theo học chuyên ngành lịch sử, lại đang là trưởng ban nghiên cứu giáo dục Trường Kiểu Mẫu Thủ Đức thuộc Đại học Sư phạm Sài Gòn (cũ), ông Nhã có thói quen thu âm lại các chương trình phát thanh đặc biệt để làm tư liệu. Chiếc máy cassette Hitachi một cửa băng, kích thước 40 x 30cm, luôn được ông mang theo bên mình để cập nhật tình hình chiến sự.
Khi phái đoàn quân giải phóng cùng Tổng thống Dương Văn Minh có mặt ở Đài Phát thanh Sài Gòn, toạ lạc ở số 3 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1 (nay là trụ sở Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM), giọng của KTS Nguyễn Hữu Thái - người dẫn chương trình vang lên, ông Nhã nhấn nút ghi trên máy cassette, cuốn băng cũ hiệu Cherry chạy rè rè, thu lại toàn bộ chương trình.
"Ngay từ lúc giọng phát thanh viên vang lên, tôi đã nghĩ đây là một chương trình đặc biệt, duy nhất trong lịch sử, cần lưu lại", TS Nhã nói. Tuy nhiên, sau giọng của KTS Nguyễn Hữu Thái, không có lời nào của tướng Minh được phát ra. Thay vào đó là tiếng nhiều chen vào "lời kêu gọi hay lời nói chuyện", "phát trực tiếp hay sao", "có giấy, có bài chưa?"... Gần hai phút thảo luận trộn lẫn tiếng kéo ghế vang lên trực tiếp trên sóng phát thanh.
Theo lời kể của KTS Nguyễn Hữu Thái, khi tới đài trong khi các sinh viên đi tìm nhân viên kỹ thuật để phát sóng, một cán bộ quân giải phóng soạn lời đầu hàng của Dương Văn Minh. Do không có thiết bị ghi âm, nhà báo Đức đã cho mượn máy để thu lời đầu hàng của tướng Minh và lời chấp nhận đầu hàng của Chính ủy Bùi Văn Tùng. Khi Đài Phát thanh Sài Gòn phát đi lời đầu hàng của tướng Dương Văn Minh, đồng hồ lúc này là 13h20.
"Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam", giọng tướng Minh vang trên sóng khi những tiếng thảo luận kết thúc.
"Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chánh quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chính quyền Cách mạng".
Đến lời của Chính ủy Bùi Văn Tùng: "Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn".
Chương trình tạm ngưng vài phút, xen vào đó là những lời yêu cầu "trật tự", bàn tán...
Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh (áo đen, ngồi) thời điểm đọc tuyên bố đầu hàng tại Đài Phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975. Ảnh: Kỳ Nhân
Nghe xong ba giọng nói liên tiếp vang trên sóng, tâm trạng của ông Nhã rối bời bởi không biết cuộc sống, công việc của mình và gia đình rồi sẽ ra sao. Năm 1954, khi ông 15 tuổi gia đình từ Ninh Bình di tản vào Nam. Ở Sài Gòn, ông đi học rồi theo nghiệp của cha đi dạy. Vợ là dược sĩ, có hiệu thuốc riêng. Đại gia đình có hơn 20 người già trẻ đều có việc làm, học tập ổn định.
"Chúng tôi chỉ là những người dân bình thường nên không thể tránh khỏi lo lắng khi chính quyền được trao lại cho một bên khác", ông Nhã nói. Dù hoang mang, ông vẫn tiếp tục ghi âm, lắng nghe diễn biến tiếp theo trên sóng.
Trong gần 25 phút, các lời tuyên bố được phát đi phát lại nhiều lần, xen kẽ là tiếng nhạc cải lương, ca khúc cách mạng, tiếng người bàn luận... Các lời kêu gọi công nhân quay lại nhà máy, sinh viên, học sinh trở lại trường học, người của các nhiệm sở hãy đi làm bình thường chuẩn bị cho ngày 1/5, luân phiên vang lên.
Những người lên tiếng trong chương trình phát thanh gồm có nhà báo là Kỳ Nhân (tác giả bức ảnh chụp ông Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng), nhân viên Đài Phát thanh Trần Văn Bảng, nghệ sĩ Hữu Đức, GS Huỳnh Văn Tòng, công nhân nhà đèn Nguyễn Văn Quang...
Với ông, những tiếng nói quen thuộc đã có tác động tích cực đến tâm lý của ông và người thân, cũng như dân Sài Gòn lúc bấy giờ đang hoảng loạn. "Chúng tôi dần bình tĩnh hơn", TS Nguyễn Nhã nói. Ngay hôm sau, nghe theo lời kêu gọi vợ chồng ông và người thân quay lại nhiệm sở. "Chưa làm việc ngay được nhưng cảm giác khi đó là an toàn", ông kể.
TS Nguyễn Nhà với cuốn băng ghi lại chương trình phát thanh ở Sài Gòn trưa 30/4/1975. Ảnh tư liệu
Sau khi Trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức được sắp xếp lại, ông chuyển lên dạy hệ cao đẳng, chủ biên tập san Sử - Địa của Đại học Sư phạm Sài Gòn và đi theo con đường nghiên cứu lịch sử, chủ quyền biển đảo, văn hóa ẩm thực. Cuốn băng thu âm buổi phát thanh đặc biệt nói trên được ông giữ gìn cẩn thận. Gần 30 năm sau ông mới công bố, sao chép tặng cho nhiều tổ chức, cá nhân trong đó có KTS Nguyễn Hữu Thái - chứng nhân của buổi phát thanh, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, Thư viện Quốc hội Mỹ...
Thông tin từ Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM (nơi thực hiện chương trình phát thanh trưa 30/4/1975 thời điểm là Đài Phát thanh Sài Gòn), toàn bộ nội dung buổi phát sóng khi Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng không có trong tài liệu lưu trữ. Việc không lưu lại chương trình phát thanh ở thời điểm lịch sử sau này được người trong cuộc lý giải do thiếu nhân viên. Sau khi quân giải phóng tiến vào trung tâm Sài Gòn, hầu hết nhân viên nhà đài đã rời nhiệm sở. Tại buổi phát thanh, ít nhất ba lần phòng thông tin phát thanh kêu gọi nhân viên tới đài làm việc. Do vậy cuốn băng thu âm của TS Nguyễn Nhã được xem là bản duy nhất đã công bố về chương trình phát thanh lịch sử này sau 49 năm.
"Lúc thu âm tôi nghĩ đơn giản làm tư liệu cho mình nhưng khi công bố mới biết mình là người duy nhất làm việc này", ông Nhã nói. Giờ đây, ở tuổi ngoài 80, mỗi khi nhắc đến cuốn băng, ông nói đó là chuyện vui vì góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề ở thời khắc quan trọng của đất nước. Cuốn băng là tư liệu giúp mọi người biết được diễn biến, những ai đã có mặt cũng như nhiều nội dung liên quan buổi phát thanh lịch sử ấy.
Theo vnexpress.net
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam