Thứ 2, 26/05/2025, 06:02[GMT+7]

Về thăm “Thủ đô gió ngàn”

Chủ nhật, 01/09/2013 | 10:32:48
2,421 lượt xem
Trong đợt đi thực tế sáng tác từ ngày 1 - 3/7/2013, Chi hội Văn học – Hội VHNT Thái Bình được về thăm “Thủ đô gió ngàn” – nơi xuất phát điểm của cuộc Cách mạng Tháng Tám và trung tâm của chiến khu Việt Bắc.

Lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ ở và chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền – Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sáng ngày 2/7, đoàn chúng tôi rời Ðoàn An - điều dưỡng 16 – Bộ Quốc phòng, lên đường đi Tuyên Quang, về thăm lán Nà Nưa (Nà Lừa), nơi Bác Hồ ở và chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền – Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

 

Theo chân chị hướng dẫn viên của khu di tích, qua một chiếc cầu nhỏ, bắc qua một dòng suối, bên trái là một hồ nước trong xanh, soi bóng rừng phách hoa đỏ tươi như sắc hoa ti-gôn. Phong cảnh non xanh nước biếc hữu tình, thơ mộng, đẹp đến nao lòng. Chúng tôi chợt ngân nga câu thơ trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu: “Ve kêu rừng phách đổ vàng/ Nhớ cô em gái hái măng một mình”. Leo nhiều bậc đá lên tới giữa đỉnh núi là một rừng trúc, căn lán Nà Nưa (tiếng Tày có nghĩa là ruộng cao) nhỏ bé chỉ chừng 10 mét vuông lợp bằng lá cọ hiện ra, tựa vào vách đá.

 

Nơi này, cách đây tròn 83 năm, có một người anh hùng dân tộc, mặc áo chàm, gương mặt gầy guộc, sạm đen vì những cơn sốt rét rừng, chòm râu dài, đen, nhưng đôi mắt thì sáng lạ lùng. Người dân quanh đây chỉ gọi Người với cái tên thân mật, dân dã là “Ông Ké”. Bác đã ở và làm việc tại đây 92 ngày đêm, từ ngày 21/5 đến ngày 23/8/1945. Sau khi Hà Nội giành được chính quyền cách mạng, Bác đã rời lán Nà Nưa về Hà Nội để chuẩn bị cho việc Chính phủ lâm thời ra mắt Quốc dân đồng bào, soạn thảo và đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Rời lán Nà Nưa, xe của đoàn chúng tôi tiếp tục về thăm khu di tích Tân Trào. Dọc đường di, những cánh rừng xanh ngút ngàn hiện ra trước mắt, qua những đoạn đường quanh co, uốn khúc, những con suối róc rách chảy, phong cảnh thiên nhiên thật đẹp, thật hùng vĩ. Những câu thơ trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu lại vang lên trong lòng tôi: “Rừng xanh, hoa chuối đỏ tươi/ Ðèo cao nắng ánh, dao gài thắt lưng”, những câu thơ thật tài hoa của Tố Hữu, mà có lên tới chính nơi đây, chúng tôi mới cảm nhận hết được.

 

Tới khu di tích Tân Trào, chúng tôi say sưa ngắm cây đa đã trở thành biểu tượng của chiến khu cách mạng. Cây đa hiện nay một phần bị hỏng, đang được bảo dưỡng. Tại gốc đa lịch sử này, ngày 17/8/1945, Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã hợp nhất với Ðội Việt Nam cứu quốc quân để trở thành Ðội Việt Nam giải phóng quân, làm lễ xuất quân tiến về Hà Nội giành chính quyền cách mạng. Sau cách mạng Tháng Tám, Bác đã ở Tân Trào tổng số thời gian 5 năm, 8 tháng, 25 ngày để chỉ đạo kháng chiến. Mỗi cánh rừng, lối mòn, bờ suối ở đây đã in đậm dấu chân Người.

 

Chúng tôi bước tới trước ngôi đình Tân Trào, nơi đây, ngày 17 và 18 tháng Tám năm 1945 đã diễn ra Quốc dân Ðại hội, tiền thân của Quốc hội nước ta. Ngày 17, Bác đã từ lán Nà Nưa đi bộ sang để chủ trì Quốc dân Ðại hội. Trước cửa đình có hòn đá gọi là “hòn đá Thề”. Tại đây, trước khi diễn ra Ðại hội Quốc dân với cái tên xuất hiện lần đầu tiên: Hồ Chí Minh, Người đã đọc “Lời thề quyết tâm giành Ðộc lập” trước Quốc dân Ðại hội, đại diện cho ý chí của nhân dân cả nước. Quốc dân Ðại hội đã biểu quyết nhất trí quyết tâm Tổng khởi nghĩa và bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng tức Chính phủ cách mạng lâm thời gồm 15 người do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, mở đầu cho việc thành lập một nước Việt Nam mới.

 

Rời Tân Trào, chúng tôi về thăm ATK (an toàn khu)  thuộc xã Phú Ðình, huyện Ðịnh Hóa, Thái Nguyên, vào thăm Nhà trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật của “Thủ đô kháng chiến” với các kỷ vật gần gũi mà thiêng liêng của Bác và các đồng chí lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân chiến khu xưa,  chúng tôi càng hiểu thêm ý nghĩa vô cùng to lớn đã trở thành chân lý: Tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Khi toàn dân đã đoàn kết một lòng xung quanh một đội ngũ lãnh đạo tiên phong, vì dân, thì có thể nhấn chìm  bất cứ thế lực cướp nước và bán nước nào, ở bất kỳ thời đại nào.

 

Chúng tôi vào thăm lán Tỉn Keo, nơi ở và làm việc của Bác Hồ cùng các đồng chí Trung ương chỉ đạo cuộc kháng chiến (từ năm 1948 đến cuối năm 1953). Cũng chính nơi đây, ngày 6/12/1953, Người đã chủ trì cuộc họp  Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, quyết định mở chiến dịch Ðiện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến thần thánh 9 năm chống thực dân Pháp,  tiến tới việc ký kết Hiệp định Pa-ri,  mở ra thời kỳ hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc, tiến tới đấu tranh thống nhất nước nhà. Ðể 21 năm sau, ngày 30/4/1975, đất nước ta hoàn toàn giải phóng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.

 

Rời “Thủ đô gió ngàn”, thủ đô kháng chiến, xuất phát điểm của cuộc cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chín năm, lòng tôi trào dâng niềm kính yêu và biết ơn vô hạn đối với vị Cha già dân tộc và các nhà lãnh đạo tiền bối của Ðảng ta, các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì độc lập, vì tự do của dân tộc, cảm ơn nhân dân các dân tộc đã cưu mang, sẻ chia, bảo vệ, giúp đỡ cách mạng trong những ngày “trứng nước” để có một Tổ quốc Việt Nam thống nhất, vững bước đi lên hôm nay. Và trên hết, hình ảnh “Ông Ké cách mạng” với gương mặt gầy gò, chòm râu đen khắc khổ, nhưng đôi mắt rất sáng, với màu xanh áo chàm dân tộc giản dị hòa với màu xanh của suối, của đại ngàn sẽ còn ám  ảnh thân thương trong suốt cuộc đời tôi.

Đào Xuân Ánh

(Thị trấn Vũ Thư)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày