Thứ 7, 23/11/2024, 19:01[GMT+7]

Hữu thiên đắc địa

Chủ nhật, 30/06/2024 | 22:50:45
6,324 lượt xem
Nhiều bậc quân vương thuở xa xưa đã từng thốt lên kinh ngạc khi đặt chân đến mảnh đất “ven bờ cuối bãi” rằng đây là một vùng bờ bãi trù mật, lau lách rậm rạp, sông ngòi chằng chịt như mạng nhện, đẩy chiếc thuyền nan từ chỗ nọ đến chỗ kia không biết đường nào mà tìm. Dưới triều Ngô Vương (938 - 944), vùng đất này có tên gọi Châu Đằng (nay là Kỳ Bá, thành phố Thái Bình), bỗng dưng xuất hiện một cửa biển trọng yếu để bậc Vương triều “ngưỡng mộ” gọi là Kỳ Bố Hải Khẩu.

Hình tượng cọc gỗ trong trận huyết chiến trên sông Bạch Đằng năm 938 chống quân Nam Hán của Ngô Vương Quyền được tái hiện sinh động trên hồ nước công viên Kỳ Bá, thành phố Thái Bình.

Theo các tài liệu khảo cứu, Trần Lãm - một tướng quân tài giỏi của triều đình lúc đó sớm nhận ra giá trị “độc nhất vô song” của vùng Kỳ Bố, nhanh chóng chọn vùng đất trù mật này gây dựng thế lực, xưng Minh Công hào kiệt. Sau đó, triều Ngô suy tàn, không còn minh chủ, vận nước nguy nan, các thế lực địa phương nổi lên tranh giành đất đai gây loạn “thập nhị sứ quân”. Đinh Bộ Lĩnh nhờ nương tựa Trần Minh Công mà dẹp yên nội loạn, thu giang sơn về một mối. Sử cũ còn bàn, Đinh Bộ Lĩnh đại thắng không chỉ do có chí khí lớn, vận hội lớn mà một yếu tố cực kỳ quan trọng đó là ông sớm chọn sứ quân Trần Lãm cùng vùng đất Kỳ Bố Hải Khẩu để nương thân và nhen nhóm xây dựng lực lượng. Một căn cứ địa vững chắc đủ mạnh về quân lương giúp người anh hùng thực hiện ước vọng lớn lao thống nhất giang sơn. 

Tương truyền năm Tân Hợi (951) đời hậu Ngô Vương, Nam Tấn Vương, cùng Thiên Sách Vương đem quân đến đánh nhưng cả hai đều đại bại phải rút quân về. Ðến khi nhà Ngô mất, Ðinh Bộ Lĩnh dụ hàng được các sứ quân Ngô Xương Xí, phá được Ðỗ Ðộng của Nguyễn Cảnh Thạc. Từ đó, Ðinh Bộ Lĩnh đánh đâu được đấy, được tôn là Vạn Thắng vương, chỉ trong một năm, Ðinh Bộ Lĩnh đã bình được các sứ quân, lập thành nghiệp đế. Năm Mậu Thìn (968) Vạn Thắng vương lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu là Tiên Hoàng Đế đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Ðinh Tiên Hoàng xây cung điện, chế triều nghi, định phẩm hàm quan văn, quan võ, phong cho Nguyễn Bặc là Ðinh Quốc Công, Lê Hoàn là Thập đạo Tướng quân (tổng chỉ huy quân đội) và phong cho con trai Ðinh Liễn là Nam Việt Vương. Tướng tài phải tìm đất dụng võ, Châu Đằng nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của các thế lực cát cứ. Sử cũ ghi, thân phụ Trần Lãm húy gọi là Trần Đức vốn là một hào trưởng giàu có được nhiều người nể trọng. Bản thân Trần Lãm cũng là một tướng quân dưới trướng Dương Diên Nghệ và Ngô Quyền. Theo sử liệu, diễn giải việc mảnh đất “ven bờ cuối bãi” thế kỷ X lại được triều đình Ngô Vương chú trọng và Ngô Vương Quyền chắc có đặt chân đến vùng đất này. Sử cũ khẳng định, Ngô Vương Quyền làm vua được 6 năm thì mất (938 - 944). Dương Tam Kha (cùng họ Dương Đình Nghệ) chiếm ngôi. Ngô Xương Ngập chạy đi Kim Thành nương nhờ Phạm Lệnh Công, Ngô Xương Văn nhân bị sai đi đánh dẹp liền cùng Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đánh úp Dương Tam Kha, khôi phục Ngô Vương triều, đón anh về cùng làm vua, tức Nam Tấn vương Ngô Xương Văn và Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập. Thiên Sách vương cậy là anh, coi thường công lao trung hưng của Nam Tấn vương, nội cung bất hòa. Khi Thiên Sách vương mất, Nam Tấn vương lại làm chủ, đem quân đi đánh dẹp bị hy sinh. Ngô Xương Xí (con Thiên Sách vương, cháu Nam Tấn vương) không giữ nổi cơ nghiệp, lòng người ly tán. Các hùng trưởng đua nhau nổi dậy chiếm cứ quận ấp để giữ đất cát cứ. Quan thân vệ tướng quân người Đằng Châu là Phạm Phòng Ất về chiếm giữ Đằng Châu, xưng là Phạm Bạch Hổ. Trần Lãm là tiết độ sứ cửa Bố giữ vùng Bố Hải Khẩu, xưng là Trần Minh Công, Ngô Nhật Khánh xưng là Ngô Lãm công chiếm Đường Lâm, Đỗ Cảnh Thạc xưng là Đỗ Cảnh công chiếm Đỗ Động Giang..., mỗi tướng một huyện quận, chiếm giữ lấy đất tự quản và tranh chấp địa giới. Sử gọi là loạn 12 sứ quân. 

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học lịch sử, ngoài Kỳ Bố Hải Khẩu, các vùng đất lân cận Kỳ Bố (nay là tỉnh Thái Bình) lúc ấy bị chia thuộc vào 2 sứ quân. Vùng đất Hưng Nhân, Duyên Hà, Tiên Hưng (nay là Hưng Hà, Đông Hưng) thuộc về Đằng Châu (Kỳ Bá nay). Quan thân vệ Phạm Phòng Ất thấy lòng dân không còn thuộc về nhà Ngô, ông về quê tự giữ lấy châu huyện. Ngoài thành trì Cát Đằng ở Hưng Yên còn có các đồn làm vỏ cứng để bảo vệ vùng Cát Đằng (cạnh phố Hiến) như cửa Triệu, Kiền Kinh, cửa Chùa, bến đò của Trịnh Lương, Trịnh Nguyên, Trịnh Minh, Trịnh Khang (Điệp Nông, Hưng Hà). Trần Lãm xưng là Trần Minh Công chiếm Bố Hải Khẩu. Nhân dân vùng Bố Hải Khẩu vốn có truyền thống đấu tranh đòi tự chủ rất sớm. Từ khởi nghĩa của Dương Thanh (820 - 835) nhân dân Bố Hải Khẩu đã đấu tranh đòi quyền tự chủ. Câu đối ở đền thờ Trần Lãm còn ghi lại: “Từ Bắc thuộc dĩ lai Bố Hải kỳ hương tứ chúng vô Đường trường kỳ kính cổ, Kế Ngô thời nhị hậu Kỳ Bố Trần cứ thập phương tự chủ khai quốc xưng vương”. Tạm dịch: “Từ Bắc thuộc xưa trai gái, trẻ già vùng Kỳ Bố không chịu thuần phục nhà Đường/Thời Ngô Quyền, Kỳ Bố có Trần Lãm hùng cứ, mười phương trong nước tự chủ, mở nước xưng vương”. Bố Hải Khẩu không chỉ là làng Kỳ Bá (nay là thành phố Thái Bình) mà còn trải rộng toàn bộ phía Tây Trà Lý và một phần đất phủ Thái Bình (gồm các huyện Đông Quan (Đông Hưng), Thanh Lan, Thụy Anh (Thái Thụy nay). Tương truyền Kỳ Bố bấy giờ như kinh đô miền Đông, có đủ thành lũy, có đủ 4 cổng Đông, Tây, Nam, Bắc. Minh Công cho xây chùa lớn ở trung tâm gọi là “Trung Kinh tự” (hiện nay đã mất dấu tích), còn một cổng tam quan và cây đa đại thụ (nằm trên đường Lê Quý Đôn, đoạn giữa phố Hai Bà Trưng và Lê Lợi), phủ trấn Đông cũ ở đấy. Phía Nam dựng chùa Thánh Nguyên, ngay cổng Tiền, nên gọi chùa Tiền). Cổng Tây để cho quân đóng doanh nghỉ ngơi sau mỗi lần giáp trận, gọi là khu An Tập. Bên kia sông, sát với Bồ Xuyên hữu và Kỳ Bá hữu cho dựng quán “Cầu Nhân”, “Cầu Nghĩa” để chiêu mộ hiền tài (nay thành địa chỉ làng Cầu Nhân, xã Đông Hòa, thành phố Thái Bình). Sử cũ chép: “Bấy giờ trong nước không có chủ, 12 sứ quân tranh nhau làm trưởng, không ai chịu thống thuộc vào ai. Đinh Bộ Lĩnh nghe tiếng Trần Minh Công là người có đức mà không có con nối bèn cùng với con là Liễn đến nương tựa. Minh Công thấy Bộ Lĩnh dáng mạo khôi ngô lạ thường, lại có khí lượng mới nuôi làm con, ơn ưu đãi ngày càng hậu, nhân đó giao cho coi quân”. Khi tuổi cao sức yếu ông đã giao binh quyền cho Đinh Bộ Lĩnh. 

Quang Viện