Ngũ vị đại vương
Truyền kể rằng, xưa trời Nam mở vận, cơ đồ Thánh tổ truyền nối hơn hai nghìn năm. Vua Hùng dựng nước, đặt quốc hiệu là tổ của Bách Việt vậy. Sau có bậc hậu nho có lời thơ rằng: Nam phương sơ triệu dĩ vi tiên/ Duy hữu hùng đồ thập bát truyền/Đế đức nguy nguy đồng hậu đại/Phối đồng nhật nguyệt ức thiên niên. Tạm dịch: Trời Nam khởi thủy mở cơ đồ/Hùng triều truyền nối mười tám đời/Đức vua vời vợi cùng trời đất/Muôn thuở sáng ngời trăng với sao.
Thuở ấy, ở trang Hồng Thị, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, đạo Hải Dương có nhà họ Ân tên Thượng, vợ người họ Hoàng. Ông bà vốn bản tính chất phác, nhân từ rộng lượng, lại thường hay tích phúc tu nhân. Vào mùa hạ tháng năm, nước lũ dâng cao, gió mưa dữ dội, hai ông bà không dám sống ở bè trên sông mà lên sống trong ấp. Ông bà dựng tạm một ngôi lều tranh cạnh miếu và bán nước trà làm kế sinh nhai. Một hôm, có người khách buôn phương Bắc đi ngang qua, trời đang sáng bỗng dưng tối sầm, vị khách ghé vào miếu xin ngồi nhờ, lúc trời sáng trở lại, vị khách rời đi, để quên 12 hốt bạc. Hôm sau, vị khách quay trở lại, dè dặt hỏi ông bà về 12 hốt bạc. Ông bà mừng khôn xiết, trao lại bạc cho khách. Vị khách muốn cảm tạ ông bà, ông bà cười: “Vợ chồng tôi dốc lòng làm việc thiện, không hám tiền của, duy chỉ có điều tuổi tác đã cao mà vẫn chưa có điềm báo sinh con, thật lấy làm phiền muộn”. Vị khách không biết lấy gì đền đáp ân nghĩa, liền tìm nơi huyệt tốt để dời mộ tổ tiên an táng. Ông bà cảm tạ và làm theo chỉ dẫn của vị khách. Một thời gian sau, bà Hoàng mang thai, bà thường mộng thấy ở bốn phương có bốn dải mây che phủ. Dải phía Đông có màu xanh, dải ở phía Tây màu trắng, dải ở phía Nam màu đỏ, dải ở phía Bắc có màu đen. Tất cả đều hội tụ thành một vầng ở giữa không trung. Trời đất âm u, hình dải lụa màu đỏ dài đến vài trăm thước rơi xuống chỗ bà đang ngủ. Ông Ân thấy bà được báo mộng như vậy cho là điềm lạ, liền chọn ngày lập đàn chay cầu đảo đất trời. Việc chưa xong thì mưa to gió lớn nổi lên, mây đen mù mịt, ngày tối như đêm. Đến nửa đêm, ông Ân được mộng báo gặp một lão ông râu tóc trắng bạc phơ từ trên trời giáng xuống, đứng bên cạnh ông Ân công mà nói rằng: “Thiên đình sai ta xuống làm người trần gian”, ban cho bài thơ rằng: Phó hứa Ân gia tứ tử Thần/ Nhất bào đĩnh xuất tứ long quân/Huynh đệ nhất bào Ân thị xuất/Hậu phù ư Quốc tế ư dân. Tạm dịch: Ta phó Ân công bốn con thần/Một bọc sinh ra bốn vua rồng/ Anh em huyết thống bà Ân thị/Sau ngày giúp nước với giúp dân. Nói xong, bỗng hét vang một tiếng rồi bay về trời. Ông Ân tỉnh dậy, biết là mộng báo, trong lòng rất đỗi vui mừng. Rồi đến kỳ sinh nở, bà sinh được một bọc, nở ra bốn người con trai, tất cả đều khôi ngô tuấn tú khác với người thường vậy. Ông Ân nuôi dưỡng các con, năm lên tám thì cho học thầy họ Lương. Đặt tên cho các con người thứ nhất là Đại Đông, thứ hai là Đại Tây, thứ ba là Đại Nam và thứ tư là Đại Bắc, đúng như điềm báo trong mộng. Bốn người con trai đều cao lớn khỏe mạnh, khí chất hơn người. Người con thứ nhất da mặt như sắt, tai dài quá vai; người con thứ hai tay dài quá gối, trên vai có 7 nốt ruồi đen như chòm thất tinh; người con thứ ba mắt to tròn như sư tử; người con thứ tư tóc dài quá gối, ấn đường có ba nốt ruồi đen.
Trời bỗng dưng giáng hạn khiến cây cối, hoa màu khô héo, dịch bệnh tràn lan. Hai ông bà cùng mắc bệnh rồi qua đời. Huyệt mộ ông bà được đặt tại trang Hồng Thị, xứ Hoàng Công. Bỗng nghe tin giặc Ai Lao đang chuẩn bị quân lương, ngấm ngầm xâm lược nước ta, chúng chuẩn bị lương thực, tu luyện binh mã, vũ khí sắc bén, quân đông khí giới mạnh. Nhà vua biết tin vô cùng lo lắng, liền cho tuyển chọn người tài giúp nước. Bốn anh em nghe tin, liền tìm về bái yết tiên đường, lên đường về kinh đô bái yết nhà vua, xin được ra trận. Vua cảm kích bốn anh em, vừa lúc có dải mây phủ kín kinh đô, vua cho là điềm lành liền ban sắc chỉ của vua, rồi cho vào dự yến tiệc. Vua ban cho bốn anh em chức: Anh cả chức Sơn Đông đạo Thái thú. Anh hai là Sơn Tây đạo Thái úy. Anh ba là Sơn Nam đạo Thái tể. Anh bốn là Sơn Bắc quận Thái phó. Tin báo về, giặc Ai Lao kéo đến biên cương, binh mã cờ quạt rợp trời, trống chiêng vang động. Vua vô cùng lo lắng, triệu các quần thần đến bàn bạc. Bốn anh em liền dâng biểu sách, đích thân xin đi đánh giặc. Vua chuẩn tấu, cho bốn vị dẫn ba vạn quân, một nghìn chiến thuyền, hai đường thủy bộ cùng tiến. Khi quân đến chùa trang Khả Lang thì trời vừa tối, các vị cho sĩ tốt nghỉ lại, trú quân ở chùa. Đêm, bốn vị mộng thấy có một lão ông cổ dài ba thước, thân dài tám thước, mặt vuông tai lớn, dáng vẻ đường hoàng, hùng dũng cân đai, áo mạo từ trên trời giáng xuống, tự xưng là Thiên Bồng Đại tướng, do trời sai xuống trần gian để giúp vua. Nói đoạn đã đứng ở phía đầu nơi các ông nằm nghỉ, liền hét vang một tiếng rồi bay vút về trời. Bốn vị biết đó là trời đã sai tướng tài xuống trợ giúp liền dâng biểu tâu lên vua, vua vô cùng mừng rỡ. Bốn vị chọn ngày, chia quân ra hai người đánh dưới nước, hai người đánh trên bờ. Kế sách đã định, chỉ mới đánh một trận mà giặc đã bỏ chạy tán loạn, nhiều tên chết đuối, giặc bị tiêu diệt không kể xiết, từ đó đất nước yên bình. Thắng trận, bốn vị kéo binh mã về triều bái yết vua. Trên đường trở về, đi gần đến chùa bản trang Hà Lang cho quân làm lễ bái tạ. Bỗng nhiên trời đất tối đen, mưa to gió lớn, sấm sét nổi lên trong suốt ba ngày, khi mưa tạnh, trời quang, quân lính không thấy bốn anh em đâu. Sĩ tốt thấy vậy vô cùng hoảng sợ, liền tâu lên vua. Vua thương tiếc bậc công thần có công lớn với đất nước nên sai đình thần đến nơi làm lễ an táng. Lại ban cho nhân dân sở tại 800 quan tiền để xây dựng đền làm nơi tế lễ hai mùa xuân thu, mãi mãi thờ phụng, 10 hốt bạc, 100 tấm lụa lại miễn lệ binh lương tô thuế để dân lo tế lễ hai kỳ xuân thu thờ cúng muôn đời. Gia phong mỹ tự bốn vị thủy thần là “Thượng đẳng tối linh”, các vị đều là Thiên thần, Phúc thần, Đại vương. Sắc phong “Hiển ứng linh thông, Thiên Bồng Phúc thần đại vương”, các triều ban tặng là “Hách liệt uy minh, Cương chính chi thần”...
Niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853), gia tặng bốn anh em là Xích liệt Uy minh, Cương chính Thuần chính chi thần. Sắc phong Cảm ứng Hiển linh, Đông Hải phúc thần đại vương. Sắc phong Anh triết Diệu vận, Đại tây Phúc thần đại vương. Sắc phong Thắng trí Uy dũng, Đại nam Phúc thần đại vương. Các triều ban sắc tặng là Hiển Huệ Địch cần, Vĩ tích chi thần. Hoàng triều năm Tự Đức thứ 6 (1853), gia tặng là Hiển Huệ Địch cần, Vĩ tích Đoan túc chi thần. Sắc phong Hách dịch Cương đoán, Đại bắc Phúc thần đại vương... |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận về các dự án luật
- Chống lãng phí - Thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm
- Hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Họp thống nhất nội dung đề xuất phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tuyến đường bộ cao tốc CT.08
- Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
- UBND tỉnh làm việc với các nhà đầu tư Hàn Quốc
- Sớm triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
- Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Luật Công chứng