Thứ 5, 21/11/2024, 19:47[GMT+7]

Phụng quốc chi thần

Thứ 4, 28/08/2024 | 15:24:53
6,816 lượt xem
Thần tích làng Mụa, xã Vũ Hạ, tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Phượng, phủ Thái Ninh (nay là làng Vũ Hạ, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ) có ghi, đình làng thờ: Bát Ngạn Đại vương và Đương cảnh thành hoàng Rong Xuyên thượng đẳng thần. Bát Ngạn Đại vương là Thiên thần; Rong Xuyên Đại vương là Thủy thần. Phối thờ Liễu Hạnh công chúa và Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương, húy Trần Quốc Tuấn.

Lễ hội làng văn hóa Vũ Hạ được tổ chức hàng năm vào ngày 15/3 âm lịch, tưởng nhớ Bát Ngạn Đại vương, Rong Xuyên Đại vương thời nhà Lý có công to lớn trong việc trị thủy cứu dân.

Thần tích Đương cảnh thành hoàng Rong Xuyên Đại vương được vắn lược như sau: Ngài sinh vào thời vua Cao Tông nhà Lý, năm lên 10 tuổi được cha cho theo học hương sư, 10 tuổi ngài tinh thông âm luật, võ công toàn diện. Trong vùng có quan Đông Hải biết tiếng ngài, tâu lên vua Lý. Năm ấy triều đình mở khoa thi, chọn người tài, vua vời ngài tham gia ứng thí. Khóa ấy, vua Lý trực tiếp làm chủ khảo, thấy ngài văn võ song toàn cho người vời ngài ở lại triều đình. Vua phong chức phụ chính. Được ít ngày, ngài xin vua cho về thăm song thân phụ mẫu đang bệnh trọng ở quê. Ngài về được ít ngày thì song thân phụ mẫu qua đời. Chịu tang xong, nghe lệnh vua ban, ngài về triều phụng mệnh. 

Năm ấy trời đổ mưa liên miên, khắp vùng ngập úng, nước biển dâng cao, nước sông không thoát ra biển, sóng to, gió lớn, dân tình lao đao trong mưa lũ. Triều đình đang lúc bối rối, ngài liền dâng sớ xin được về thủy khẩu ven biển trị thủy tặc. Ngài đem quân về phủ Thái Ninh, đến thủy khẩu nào tràn sóng ngài cùng quân lính và nhân dân hàn thủy khẩu. Như có phép lạ, thủy khẩu hung dữ đều bị ngài tiêu triệt. Ngài huy động dân chúng cùng quân lính đắp đê ngăn nước, hệ thống đê ngăn lũ dâng, sóng biển tràn cũng hình thành từ đó. Sóng yên, biển lặng, nước sông rút dần, ngài trở về kinh thành báo ân vua. Đi đến làng Mụa (Vũ Hạ nay), nam, phụ, lão, ấu trong làng kéo ra đầu làng nghênh đón ngài. Thấy phong cảnh tốt tươi, nhân khang vật thịnh, nhân dân đón tiếp trọng thị, ngài lập du cung trong làng. Trải qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, ngài nhận chỉ vua ban, triệu về kinh đô nhận nhiệm vụ mới. Đêm hôm ấy trời bỗng trở giông gió, mây đen kéo đến, mưa như trút nước, sấm chớp ngợp trời. Sáng hôm sau trời quang, mây tạnh, dân làng không thấy ngài đâu, trong du cung còn vương vấn khói hương, nhân dân cho là ngài hóa về trời liền cho người về kinh tấu báo. Vua nhận tin ngài hóa vô cùng thương xót, xét công lao ngài trị thủy cứu dân, ban cho làng Mụa 100 quan tiền sửa du cung thờ ngài và phong cho ngài mỹ tự: Đương cảnh thành hoàng Rong Xuyên thượng đẳng thần. Vua ban sắc chỉ cho làng muôn đời thờ phụng. 

Thời nhà Trần (1226 - 1400), truyền rằng làng Mụa lúc ấy trồng mía, có nghề nấu mật. Một hôm, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương kéo quân từ Hệ (Thụy Ninh) về A Sào, dừng chân gốc đa đầu làng Mụa cho voi chiến của ngài ăn mía. Dân làng thấy Quốc công và binh lính kéo nhau đến úy lạo, chặt mía ngoài đồng cho voi của chủ tướng ăn. Ép mía lấy nước, dâng mật ngọt cho tướng quân và quân sĩ. Nhận thấy làng nhân khang vật thịnh, hiếu khách, trọng nghĩa, Hưng Đạo Đại vương cho quân sĩ nghỉ lại một đêm. Dân làng đem sản vật khao quân tướng, trai tráng trong làng xin Hưng Đạo Đại vương cho theo đánh giặc. Khi quân Nguyên Mông xâm chiếm Đại Việt, một lần hành quân qua làng, đến A Sào, vượt sông Hóa đánh trận Bạch Đằng giang, voi chiến của Hưng Đạo Đại vương sa lầy, nhân dân làng Mụa hò nhau đem gỗ, lạt hội với nhân dân các làng quanh vùng A Sào giải cứu voi chiến. Cảm động trước ân tình dân chúng, voi chiến sa lầy ứa nước mắt, chịu chết chìm. Chủ tướng, Hưng Đạo Đại vương đau xót, rút bảo kiếm chỉ xuống sông mà thề rằng: Đánh trận này không thắng, ta thề không về khúc sông này nữa… Các triều đại về sau đều có sắc phong, triều Nguyễn, Cảnh Hưng thứ 14, sắc phong: Bát Ngạn Đại vương thiên tiên lôi nhạc linh thánh hiển linh Rong Xuyên Đại vương Thượng đẳng phúc thần; Minh Mệnh thứ 2, gia phong Giáng phúc chi thần; Thiệu Trị thứ 4 gia phong Giáng phúc thùy hy chi thần, Giáng phúc thùy hy tích chỉ chi thần; Đồng Khánh thứ 2 phong: Rực Bảo trung hưng chi thần; Tự Đức thứ 3 phong Giáng phúc thùy hy phúc chỉ thuần chính chi thần; Tự Đức thứ 33, gia phong Y Cựu phụng sự; Duy Tân thứ 3 phong Y Cựu phụng sự; Khải định thứ 9 gia phong Linh ứng trung đẳng thần, sắc phong: Đức Rong Xuyên hiển linh Đại vương; Cảnh Hưng thứ 44 gia phong Đương Cảnh thành hoàng Rong Xuyên hiển linh chính trực thông minh Đại vương; Thành Thái nguyên niên sắc phong Rực bảo trung hưng linh phù chi thân; Khải Định thứ 9 gia phong Dân ngưng tôn thần… Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương cũng được các triều đại sắc chỉ, sắc phong tôn thờ tại đình làng Mụa. Thánh mẫu Liễu Hạnh công chúa được gia phong tôn thần, thờ tại đình làng Mụa. Sắc chỉ dân làng muôn đời thờ phụng các ngài… 

Làng Mụa xưa và Vũ Hạ ngày nay, một làng quê được các vương triều phong kiến ghi nhận là làng văn hóa, văn hiến. Hơn 100 năm qua, trải bao biến cố, thăng trầm, làng Mụa (Vũ Hạ) đời nọ nối đời kia gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, đoàn kết xây dựng làng văn hóa. Thế kỷ XX, nửa đầu làng sống trong bóng đen nô lệ, lầm than. Lúc này, làng Mụa đổi thành Vũ Hạ và được công nhận là xã nhỏ thuộc tổng Vọng Lỗ, phủ Thái Ninh; về hành chính, làng chia 4 giáp: Đông, Đoài, Nam, Bắc. Trong làng có Chánh Lý, Phó Lý, Hương hội, Đoàn xã… đủ cả. Thời điểm ấy làng có 15 dòng họ, 103 hộ và 531 nhân khẩu. Diện tích khoảng 195 mẫu Bắc Bộ, kinh tế thuần nông, 80% đất canh tác nằm trong tay địa chủ, cường hào. 5% số hộ trong làng làm nghề trồng bông, dệt vải, kéo sợi, làm mật mía… Cuộc sống cực khổ, lầm than khiến nhiều gia đình tha hương, phiêu bạt ra mỏ than Vàng Danh, Cẩm Phả, vào Nam làm cho các đồn điền cao su… Có người vượt biển sang tận tân đảo sinh sống... Khi có Đảng (1930), làng Vũ Hạ có quốc lộ 10 chạy qua, đường do thực dân Pháp xây dựng nhằm khai thác thuộc địa nối Nam Định với cảng Hải Phòng, ngã tư Vũ Hạ có con đường cắt ngang, nối phủ Thái Ninh với bốt Từ Hạ qua An Khê và kết nối với Ninh Giang, Hải Dương… Điểm ngã tư Vũ Hạ được tổ chức Đảng khai thác thành nơi tuyên truyền sách, báo của Đảng dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Phụ Dực, những quần chúng ưu tú của làng Vũ Hạ đã vận động nông dân đấu tranh với giới chức quyền địa phương cải cách hương thôn, công bố xóa bỏ lệ ngạch hủ lậu ảnh hưởng đến đời sống nhân dân… Giới chức trong làng còn tích cực khôi phục nghề truyền thống, tổ chức các hội thi nghề trồng bông, kéo sợi, dệt vải đũi, kéo mật mía…, khuyến khích nông tang, phát triển nghề thủ công. Các thiết chế văn hóa của làng cũng được tu tạo, dựng xây. Năm Bảo Đại Thập niên (1936), làng Vũ Hạ xây dựng thành công hương ước làng văn hóa gồm 5 chương, 21 điều. Năm 1938, làng thành lập Chi bộ Đảng. 

Quang Viện