Thứ 3, 17/09/2024, 21:56[GMT+7]

Những năm tháng chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thái Bình

Thứ 7, 31/08/2024 | 14:56:44
11,364 lượt xem
Trước khi bước vào những năm tháng chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền, phong trào cách mạng ở Thái Bình đã trải qua cao trào 1930 và phong trào đấu tranh dân chủ 1936 - 1939. Từ cuối năm 1938 trở đi, thực dân Pháp ngày càng tăng cường đàn áp phong trào cách mạng. Theo chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, Tỉnh ủy Thái Bình đã linh hoạt chuyển hướng đấu tranh, phát triển cơ sở, chống địch khủng bố, đưa cách mạng lên cao trào, chuẩn bị mọi mặt nhằm thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Đình Đoan Túc, xã Tiền Phong, thị xã Thái Bình - nơi tập trung nhân dân đi giành chính quyền tháng 8/1945. Ảnh tư liệu

Trước khi địch khủng bố gắt gao, Tỉnh ủy Thái Bình đã họp tại làng Kênh Son (Kiến Xương) quyết định phải thực hiện khẩn cấp một số công việc để chủ động rút vào hoạt động bí mật. Ngày 29/9/1939, Trung ương Đảng gửi thông báo cho các cấp bộ Đảng, vạch ra phương hướng và nhiệm vụ cần kíp trước mắt nhằm chuyển hướng các mặt hoạt động của Đảng. Thông báo nhấn mạnh: “Hoàn cảnh Đông Dương sẽ tiến bước đến vấn đề dân tộc giải phóng”.

Từ ngày 1/10/1939, thực dân Pháp cho quân lùng sục, bắt giam những người bị nghi là cộng sản. Ra lệnh giải tán các hội đoàn quần chúng. Cấm lưu hành các loại sách báo tiến bộ. Lập thêm các điếm canh để ngày đêm kiểm soát. Nhiều đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt, bị kết án tù. Hầu hết các tổ chức quần chúng bị tan rã, tinh thần quần chúng giảm sút nghiêm trọng. Một số đảng viên sa sút ý chí chiến đấu hoặc lúng túng trước tình thế khó khăn.

Đầu tháng 11/1939, hội nghị Trung ương Đảng họp lần thứ sáu, quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ. Thời điểm này ở Thái Bình gấp rút triển khai các hoạt động củng cố cơ quan lãnh đạo của Đảng từ tỉnh đến cơ sở. Đến cuối năm 1940, Đảng bộ Thái Bình đã có 140 đảng viên sinh hoạt trong 28 chi bộ. Các tổ chức phản đế được thành lập như: Đoàn thanh niên phản đế, Hội phụ nữ phản đế, Hội nông dân phản đế... Trên cơ sở các tổ chức chính trị được củng cố và phát triển, từ giữa năm 1940, Đảng bộ Thái Bình bắt đầu xây dựng “tự vệ đội” là tổ chức bán vũ trang để đón thời cơ khởi nghĩa vũ trang. Cuối năm 1940, “tự vệ đội” đã phát triển rộng khắp, mạnh nhất là ở Kiến Xương, Vũ Tiên, Thụy Anh, Tiền Hải... Khi phong trào cách mạng đang trên đà tiến triển tốt, Tỉnh ủy phát động quần chúng đấu tranh. Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1940, truyền đơn được rải ở nhiều nơi trong tỉnh kêu gọi nhân dân tham gia Mặt trận phản đế. Những cuộc đấu tranh lớn ở các địa phương cũng lần lượt nổ ra. Tiêu biểu là Tam Đồng (Thụy Anh), Hiến Nạp (Duyên Hà). Đặc biệt là cuộc biểu tình tại Mả Bụt (Kiến Xương) với gần 1.000 quần chúng của 3 huyện Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Ninh tham dự, sau đó đã biến thành cuộc tuần hành giữa ban ngày của hàng nghìn quần chúng, gây tiếng vang lớn trong tỉnh.

Tháng 6/1940, Pháp đầu hàng phát xít Đức, bọn Pháp ở Đông Dương lo sợ cách mạng Đông Dương nhân thời cơ này mà lật đổ chúng nên ráo riết tăng cường đàn áp phong trào cách mạng. Ở Thái Bình, địch vây ráp lùng sục bắt bớ, đóng thêm đồn bốt, ngày đêm kiểm soát gắt gao. Đã có không ít cán bộ, đảng viên bị địch bắt, tù đày.

Ngày 23/9/1940, quân Nhật từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam, toàn quyền Pháp ở Đông Dương nhanh chóng đầu hàng. Nhân dân Đông Dương rơi vào cảnh “một cổ hai tròng”. Trước tình thế đó, đầu tháng 11/1940, Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ bảy, tập trung bàn việc xúc tiến xây dựng lực lượng vũ trang để chủ động đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền.

Trong hai ngày 21 – 22/12/1940, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã họp tại làng Kênh Son (Kiến Xương) đã ra nghị quyết về việc gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa, vấn đề quân sự hóa được đặt ra khẩn trương nhất. Sau Đại hội, tự vệ các làng trong tỉnh dấy lên phong trào luyện tập quân sự, sắm sửa vũ khí, rèn dao, kiếm. Bên cạnh đội tự vệ còn tổ chức ra đội vũ trang dân chúng, đội tiền quân phục quốc, đội thanh niên xích vệ. Trong tình thế đó, địch tăng cường đàn áp khốc liệt hơn. Từ tháng 2/1941 trở đi, phong trào cách mạng Thái Bình ngày càng gặp nhiều khó khăn. Số cán bộ, đảng viên bị bắt ngày càng nhiều. Địch liên tục đánh phá làm cho các cơ sở đảng và quần chúng giảm đi nhiều. Ý chí của cán bộ, đảng viên suy giảm. Đến cuối năm 1941, Đảng bộ Thái Bình còn 14 chi bộ với khoảng 80 đảng viên.

Phát xít Nhật xâm chiếm Đông Dương, chúng dùng ngay thực dân Pháp làm tay sai, tăng cường bóc lột nhân dân ta để mở rộng chiến tranh. Trước nguy cơ của dân tộc ngày càng nghiêm trọng và sự khẩn thiết phải chuẩn bị lực lượng, đón thời cơ khởi nghĩa giành độc lập dân tộc, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám đã họp từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, do đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản chủ trì. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh nhằm đoàn kết mọi giai cấp, tầng lớp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tháng 6/1941, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị đại biểu và cán bộ bàn kỹ về việc phát triển và củng cố Đảng, củng cố các đoàn thể quần chúng, củng cố đội tự vệ. Mặc dù trong hoàn cảnh phong trào cách mạng ở Thái Bình đang gặp nhiều khó khăn nhưng Nghị quyết Trung ương VIII và Thư gửi đồng bào toàn quốc của đồng chí Nguyễn Ái Quốc vẫn sớm được triển khai rộng rãi đến cơ sở. Các tổ chức phản đế được đổi thành các đoàn thể cứu quốc. Tháng 1/1942, Đảng bộ Thái Bình mở đợt tuyên truyền giới thiệu sự ra đời của Mặt trận Việt Minh với nhân dân toàn tỉnh. Cờ đỏ sao vàng và truyền đơn của các đoàn thể cứu quốc xuất hiện khắp nơi trong tỉnh.

Trong khi cơ sở và phong trào cách mạng đang được củng cố và có xu hướng vươn lên thì cơ quan in của Tỉnh ủy bị phá vỡ. Từ đó địch lần ra đầu mối và tiến hành khủng bố các cơ sở trên phạm vi rộng trên địa bàn tỉnh. Hơn 200 cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và một số Tỉnh ủy viên cũng bị địch bắt trong đợt khủng bố này. Cuối năm 1942, một số đồng chí trong Tỉnh ủy lại sa vào tay giặc, số còn lại lập ra Ban cán sự. Đến đầu tháng 8/1943, địch lại tiến hành một đợt khủng bố nữa. Đồng chí Trưởng Ban cán sự và một cán bộ trong Ban cán sự bị bắt, từ đó Thái Bình đứt liên lạc với Xứ ủy. Ban lãnh đạo tỉnh không còn. Hệ thống tổ chức của Đảng bộ tan vỡ.

Trong lúc phong trào cách mạng Thái Bình đang gặp khó khăn thì tình hình quốc tế và trong nước lại chuyển biến theo chiều hướng thuận lợi cho cách mạng. Từ tháng 11/1942 trở đi, Hồng quân Liên Xô liên tiếp giành thắng lợi trên nhiều mặt trận. Ở nước ta, cơ sở cứu quốc bắt đầu phát triển mạnh. Ngày 25/2/1943, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp bàn việc mở rộng hơn nữa Mặt trận dân tộc thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.

Từ đầu năm 1944 trở đi, tình hình quốc tế và trong nước có những biến chuyển, sự truy lùng, bắt bớ của địch cũng đỡ gắt gao hơn. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngay tối hôm đó, Ban Thường vụ Trung ương họp và ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, một số cán bộ hết hạn tù hoặc vượt ngục trở về đã tìm cách gây dựng lại phong trào. Cuối tháng 3/1945, Ban chấn chỉnh phong trào được thành lập. Tháng 4/1945, Ban chấn chỉnh phong trào họp tại làng Động Trung, đổi tên là Ban Tỉnh ủy. Ngay sau cuộc họp, các công việc chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền được tiến hành khẩn trương. Cuối tháng 6/1945, Tỉnh ủy họp tại làng An Vệ (Quỳnh Phụ) đề ra các chủ trương quan trọng để chủ động chớp thời cơ tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền.

Từ sau hội nghị Tỉnh ủy, nhiều hoạt động của quần chúng cách mạng đã phát triển mạnh mẽ ở khắp các địa phương trong tỉnh, thanh thế của Việt Minh mạnh lên. Chớp thời cơ đã chín muồi, chiều ngày 18/8/1945, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp tại Thượng Tầm (Đông Hưng) quyết định khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Thái Bình quyết định khởi nghĩa trong lúc chưa nhận được mệnh lệnh khởi nghĩa của Trung ương nhưng Tỉnh ủy Thái Bình đã quán triệt được chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, trong đó đã chỉ rõ thời cơ khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra sớm nhất ở phủ Thái Ninh vào chiều ngày 18/8/1945. Tiếp đó, ngày 19/8, thị xã Thái Bình, các huyện Đông Quan, Quỳnh Côi, Tiên Hưng, Duyên Hà; ngày 20/8 huyện Thụy Anh; ngày 21/8 huyện Hưng Nhân; ngày 22/8 phủ Kiến Xương, huyện Vũ Tiên; ngày 23/8 huyện Thư Trì đã đồng loạt khởi nghĩa giành chính quyền.

Sáng ngày 25/8/1945, khoảng 10 nghìn quần chúng ở thị xã và đại biểu quần chúng từ các phủ, huyện đã về dự cuộc mít tinh lớn tại thị xã để chào mừng Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời và Tỉnh bộ Việt Minh ra mắt nhân dân.

Trong hoàn cảnh gấp gáp, số đảng viên và cán bộ Việt Minh còn quá mỏng nhưng chỉ trong vòng 6 ngày, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã được thực hiện thắng lợi trên toàn địa bàn tỉnh. Thái Bình là một trong số ít các tỉnh, thành phố giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.

Nguyễn Thanh
Vũ Quý, Kiến Xương