Thứ 2, 27/01/2025, 15:15[GMT+7]

Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của Đảng Kỳ 2: Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Chủ nhật, 26/01/2025 | 09:45:51
1,468 lượt xem
Từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành những thắng lợi vĩ đại: Đưa đất nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành nước một nước độc lập; đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ thành người tự do; đất nước tiến vững chắc trên con đường đã chọn - độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.

Thành phố Thái Bình rực rỡ cờ hoa kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2025).

Sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền với 3 cao trào cách mạng có ý nghĩa to lớn đưa đến thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh làm rung chuyển chế độ thống trị của thực dân Pháp và tay sai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng cách mạng đã vùng dậy trừng trị bọn cường hào, phản động, tay sai thực dân Pháp, thành lập chính quyền cách mạng ở một số nơi theo hình thức Xô Viết. Cao trào cách mạng 1930 - 1931 đã khẳng định đường lối cách mạng Việt Nam do Đảng đề ra là đúng đắn và để lại những bài học quý báu về xây dựng liên minh công-nông, về xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất, về phát động phong trào quần chúng đấu tranh giành và bảo vệ chính quyền.

Công trình tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam và đền thờ Bác Hồ tại Quảng trường Thái Bình (phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình).

Tiếp đến cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ 1936 - 1939, bằng sức mạnh đoàn kết của quần chúng, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ một số yêu sách về dân sinh, dân chủ; quần chúng được giác ngộ về chính trị và trở thành lực lượng chính trị hùng hậu của cách mạng. Đảng đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất, kinh nghiệm tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh công khai, hợp pháp...

Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc 1939 - 1945 dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với sự đoàn kết, chiến đấu ngoan cường và hy sinh to lớn của biết bao đảng viên cộng sản, chiến sĩ và đồng bào yêu nước đã kết thúc thắng lợi bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Biểu tình cướp chính quyền ngày 19 /8/1945 tại Phủ Khâm sai Bắc Kỳ. Ảnh tư liệu.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã phá tan sự thống trị của thực dân gần một trăm năm và lật đổ chế độ phong kiến đè nặng lên nhân dân ta mấy mươi thế kỷ, mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc.

Trong những năm 1945 - 1946, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân, bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (6/1/1946); xây dựng và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên (9/11/1946); chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới của nhân dân, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ với sự ủng hộ và chi viện của cả nước; kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, bảo vệ chính quyền và thành quả Cách mạng Tháng Tám; đồng thời thực hành sách lược khôn khéo, đưa cách mạng vượt qua những thử thách hiểm nghèo. Đảng đã chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp trên phạm vi cả nước.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu).

Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Bằng đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp giành thắng lợi, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta.

 Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta bắt tay vào xây dựng, khôi phục kinh tế - văn hóa, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Giơnevơ, hất chân thực dân Pháp, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng. Nhiệm vụ của Đảng ta trong giai đoạn này hết sức nặng nề, đó là phải lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược gồm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Đồi A1 - Nơi ghi dấu chiến thắng lẫy lừng của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 5/1954. 

Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân nêu cao quyết tâm đánh Mỹ, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân bằng tầm cao khoa học và nghệ thuật. Với một đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới, Đảng ta chủ trương đánh lâu dài; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và hoạt động binh vận; kết hợp tiến công và nổi dậy, tiến hành đấu tranh trên cả ba vùng (đồng bằng, thành thị và miền núi); kết hợp mặt trận quân sự, chính trị với mặt trận ngoại giao; phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh thời đại. Bằng đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và tinh thần đấu tranh anh dũng kiên cường, bất khuất, bất chấp mọi gian khổ hy sinh của nhân dân ta, cùng với sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc, là một sự kiện có tầm quốc tế và có tính thời đại sâu sắc.

Hầm Đờ Cát - Nơi ghi dấu ấn lẫy lừng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

 Song song với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng đã lãnh đạo nhân dân miền Bắc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế - xã hội, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Sau 21 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Bắc đã giành được những thành tựu quan trọng, chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật ban đầu cho chủ nghĩa xã hội; vừa sản xuất vừa chiến đấu và chi viện sức người, sức của, hoàn thành vai trò hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam.

Ông Lều Vũ Cự, cán bộ tiền khởi nghĩa, 77 năm tuổi đảng, phường Phú Khánh (thành phố Thái Bình)

Tôi tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi cũng là lúc cả nước đang sục sôi khí thế chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Tất cả tinh thần và nhiệt huyết của tuổi trẻ lúc ấy hết thảy tôi đều dành cho cách mạng và cùng với quần chúng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Kiến Xương. Nhìn lại lịch sử, có thể khẳng định thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là thành quả của sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh của dân tộc. Đặc biệt, thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là nhờ tư duy sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán của Đảng, Bác Hồ trong xác định, lựa chọn thời cơ tiến hành tổng khởi nghĩa.

Ông Lương Văn Bang, 57 năm tuổi đảng, thôn Nho Lâm Đông, xã Đông Lâm (Tiền Hải)

Quê hương Đông Lâm chúng tôi tự hào là nơi khởi điểm của tiếng trống mở đầu cuộc biểu tình đấu tranh của nông dân Tiền Hải (14/10/1930) 95 năm về trước. Lịch sử đã ghi lại: Ngày đó, cao trào đấu tranh Xô Viết - Nghệ Tĩnh vang dội khắp cả nước, nhưng bị thực dân Pháp khủng bố đẫm máu. Theo chỉ thị của Trung ương Đảng để ủng hộ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã triệu tập đảng viên của ba làng: Đông Cao (nay thuộc xã Ái Quốc), Thanh Giám và Nho Lâm (nay thuộc xã Đông Lâm) làm mũi xung kích mở đầu cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng nghìn người là đảng viên và các tổ chức quần chúng nông hội đỏ, thanh niên, phụ nữ cứu quốc, các hội ái hữu. Vào 5 giờ sáng ngày 14/10/1930, sau tràng pháo nổ và tiếng trống hiệu lệnh, là tiếng tù và, loa tay, tiếng trống ngũ liên vang lên khắp làng, bà con kéo tới tụ họp ở đình Nho Lâm, hô vang khẩu hiệu “Không được đàn áp dân cày Nghệ Tĩnh, trả lại tiền đào sông Cốc Giang và phá tư điền gián thành công điền quân cấp”. Mặc dù bị thực dân Pháp dìm trong máu, nhưng cuộc biểu tình này đã chứng tỏ tinh thần yêu nước quật cường, tiềm năng cách mạng to lớn của nhân dân Tiền Hải. Đồng thời nó đã khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng, đem lại cho nông dân niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh của khối liên minh công nông.


(Còn nữa)

Nhóm phóng viên

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày