Thứ 2, 28/04/2025, 13:47[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 Từ “Hũ gạo cứu đói” ngày ấy

Thứ 6, 14/08/2015 | 08:47:55
15,380 lượt xem
Nói “xa” bởi đã 70 năm rồi còn gì. Nhưng nếu bảo là “gần” hẳn vẫn cứ đúng, vì bất kỳ ai hiện đang tuổi 80 đều đủ tư cách làm nhân chứng sống trước những câu chuyện khốn khó năm Ất Dậu 1945. Diện tích đất canh tác thuở ấy dồi dào hơn bây giờ nhiều. Dân ít, ruộng sẵn, ấy vậy mà người Thái Bình lại thiếu ăn, thiếu đến mức không tìm ra hạt gạo để cầm hơi. Hầu hết thóc lúa sản sinh từ những “bờ xôi ruộng mật” đều bị tích tụ trong các kho đụn của thực dân, phát xít, thế là đại họa đói ập đến, tàn

Ảnh tư liệu

 

Phúc đức sao, ngọn gió Cách mạng Tháng Tám đã thổi tới, cuốn phăng mọi bất công, “cải tử hoàn sinh” cho những phận người suốt đời chỉ biết cần cù, chất phác. Chính quyền đã về tay nhân dân nhưng trước nạn thù trong giặc ngoài, cái đói đâu dễ dàng một sớm một chiều có thể khắc phục?

 

Giữa lúc “quốc khố khánh kiệt”, Cụ Hồ đã khởi xướng phong trào “Hũ gạo cứu đói”. Thời gian càng lùi xa càng thấy đây quả là một “phát minh” màu nhiệm. Ngày ấy, chủ trương vừa đưa ra, tại các thôn làng, đi khắp hang cùng ngõ hẻm đâu đâu cũng nô nức phong trào “Hũ gạo cứu đói”.

 

Thời xưa nghèo, đồ dùng không phong phú như bây giờ nên chiếc hũ sành là vật gia dụng quý. Kích cỡ khác nhau nhưng nhà nào cũng chuẩn bị sẵn một chiếc. Chỉ có điều, trên thân chiếc hũ nổi rõ 4 chữ được viết nắn nót bằng nước vôi: “Hũ gạo cứu đói”. Làm theo lời dạy của Cụ Hồ, chiếc hũ sành dân dã bỗng hóa thân thành một đồ dùng rất đỗi thiêng liêng ở khắp các làng quê Thái Bình. Ngày ngày, người nọ tự giác nhắc người kia mỗi bữa nhớ bớt lại một lẻ gạo bỏ vào hũ. Thế là, từ động tác đơn giản bỗng bùng lên thành hẳn một cao trào ở Thái Bình đang lao đao vì hạt gạo. Trong khi người Thái Bình vô cùng khao khát lương thực, những tưởng phong trào “Hũ gạo cứu đói” giỏi lắm cũng chỉ là “thành quả tinh thần” nhưng thật không ngờ lại như thứ bùa thiêng trong giây phút bĩ cực. Thấy hàng xóm láng giềng ăn củ chuối, ăn rau má cầm hơi, bà con mình không ai kiềm chế nổi dòng nước mắt xót thương. Hạt gạo lúc này rõ ràng quý hơn cả vàng bạc, châu báu. Mỗi bữa bớt một lẻ gạo chỉ mong mau chóng được đầy hũ để mang đi cứu giúp những gia cảnh khó khăn. “Lá lành đùm lá rách”, câu răn dạy của người xưa đã xứng tầm triết lý. Qua phong trào “Hũ gạo cứu đói”, qua những gì tai nghe mắt thấy ở Thái Bình, lịch sử lại được chứng kiến thêm một sự thật, một đỉnh cao vời vợi về lẽ sống Việt Namon>: “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Qua phong trào “Hũ gạo cứu đói” đặc chất đại chúng thời ấy, không sách vở nào ghi chép hết có bao nhiêu tấn gạo đã được kịp thời huy động vào đại sự cứu nhân độ thế. Chỉ biết chắc chắn rằng, nhờ có phong trào này mà người Thái Bình rất nhanh chóng được hồi sinh, đứng lên khôi phục và đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cùng chung vai sát cánh đào hào đắp lũy, sẵn sàng đánh trả thực dân Pháp khi chúng quay trở lại xâm lược. Từ “đất đói”, Thái Bình biến thành một trận địa khổng lồ với những làng kháng chiến lừng danh như An Cố, Thần Huống, Nguyên Xá... để rồi buộc địch phải cao chạy xa bay trước khi đặt bút ký vào Hiệp định Giơ-ne-vơ.

 

Muốn hiểu lịch sử, người hậu thế phải ngược dòng thời gian, phải lần giở những trang sách, tờ báo. Còn như trên mảnh đất Thái Bình xấp xỉ hai triệu dân hôm nay, muốn biết chỗ đứng của hạt gạo, thiết nghĩ chẳng phải “kích chuột”, chẳng cần tra cứu cũng đã thấy ngay tư liệu không việc gì phải tranh cãi: Nhiều năm trở lại đây, cho dù giáp hạt hay chịu thiên tai, giông bão, Nhà nước chưa bao giờ phải hỗ trợ lương thực cho Thái Bình. Về đất lúa hôm nay, vào bếp núc nhà nào cũng thấy bà con mình sử dụng đủ loại nồi nấu cơm bằng điện hết sức tiện ích. Vậy là, từ “Hũ gạo cứu đói” năm xưa đến chiếc nồi nấu cơm bằng điện ngày nay đều rất xứng tầm thứ “giáo cụ trực quan”, góp phần vào bài học nhân sinh ở quê lúa Thái Bình.

 

Hoàng Ngọc Khuyến

(Diêm Điền, Thái Thụy)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày