Thứ 7, 24/05/2025, 09:30[GMT+7]

Lá huyết thư

Thứ 2, 26/10/2015 | 08:56:17
1,613 lượt xem

Một đơn vị Quân giải phóng miền Nam hoạt động trong khu vực Đồng Tháp Mười, năm 1966. Ảnh tư liệu

Hình như với Chính, má là linh hồn, là chỗ tựa, là nơi trút mọi niềm vui, nỗi buồn. Các anh lãnh đạo quận Phú Nhuận giới thiệu vắn tắt với chúng tôi như thế rồi bảo: Kỳ tích của Chính từng làm "rung động" Sài Gòn những năm 1945 - 1949 có công rất lớn của má - người bất chấp mọi hiểm nguy, đến mức sẵn sàng chia sẻ cả cái chết với đứa con nuôi.

Người má ấy là Nguyễn Bạch Tuyết Hương, sinh sống tại ấp Trung Nhất (nay là phường 15), quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Gia đình theo Thiên chúa giáo nên má còn có tên gọi là má Giáo. Thoáng nhìn, má có dáng khắc khổ, lam lũ nhưng vẻ mặt lại rất phúc hậu, hiền lành. Người con nuôi của má là Nguyễn Đình Chính, quê ở làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng.

Năm Chính 15 tuổi, thấy cháu thông minh, khuôn mặt rạng ngời, tính cách khác lạ, dì của Chính liền khuyên: Lớn lên cháu đừng làm quan. Chỉ nên làm lính, làm tướng giết giặc để cho dân nhờ. Lời khuyên của người dì đã vô tình nhen nhúm ngọn lửa yêu nước và khát vọng trong lòng cậu bé. Tháng 4/1944, tròn 18 tuổi, Chính từ giã gia đình lên đường vào Sài Gòn. Sau ít ngày làm thợ, anh bí mật gia nhập Mặt trận Việt Minh. Nhờ gan dạ, mưu trí và dũng cảm lập công trong gần hai năm thử thách, chiến đấu, Chính được cử làm trưởng ban công tác 1. Đây là một trong những tổ chức tiền thân của biệt động thành Sài Gòn. Ban công tác 1 hoạt động bao trùm Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, lên tận Thủ Đức, Hóc Môn. Từ đây, Chính được giới thiệu đến gặp gia đình má Giáo - một cơ sở tin cậy ở quận Phú Nhuận. Lần đầu tiên gặp má, má mới ngoài 40 tuổi. Nhìn khuôn mặt nhân hậu với ánh mắt đầy tình thương, Chính có linh cảm đây là một con người anh hoàn toàn có thể tin cậy, gửi gắm cả sinh mạng của mình. Có hậu phương nương tựa, Chính yên tâm lắm. Ban công tác 1 do anh chỉ huy chỉ trong 6 tháng đã đánh 57 trận, chủ yếu tấn công bất ngờ bằng súng ngắn, lựu đạn, dao nhọn, địa lôi..., tiêu diệt hàng trăm tên địch trong Sở Liêm phong Catinat, trong dinh Đô đốc Angenlien và nhiều tên Việt gian như chủ bút các tờ báo phản động mật thám, lính kín, ác ôn, chỉ điểm..., làm náo động quân địch giữa trung tâm Sài Gòn. Những trận đánh này vang động, xôn xao khắp thành phố, gây khiếp đảm cho bọn đầu sỏ ở Sài Gòn.

Một hôm, nhìn Chính quần áo tơi tả, mặt mũi sưng tím, người bơ phờ, má Giáo cảm động nói:

- Con đã vì nhân dân Sài Gòn mà chẳng tiếc thân mình, thì cớ gì lại tiếc tình mẫu tử của má với con. Từ nay, má xin nhận con là con của má...

Chính nghẹn ngào, nước mắt tràn ra, ôm má Giáo khóc. Má có hai người con đẻ, anh cả đi hoạt động cách mạng, ở bên má chỉ còn em Lê Quang Trọng còn nhỏ. Má hiểu, người con nuôi tội nghiệp cũng chỉ còn mẹ và hai em ở tận Thái Bình, nơi vừa trải qua trận đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945, nhiều làng chết gần sạch khiến Chính đau xót, không hay mẹ và em sống chết ra sao? Má Giáo thay mẹ đẻ chăm lo, săn sóc, bù đắp những tình cảm thiếu hụt cho Chính, tạo cho anh một mái gia đình ấm cúng, nuôi anh, may vá, sắm sửa, an ủi, động viên anh những lúc ốm đau. Từ đó, Chính tìm được ở ấp Trung Nhất, Phú Nhuận một quê hương thứ hai yêu dấu, ở đấy anh có một người mẹ thương yêu. Người mẹ ấy tiếp sức và nâng bước cho anh liên tiếp đi tới những chiến công tưởng như huyền thoại. Và, cũng chính bầu nhiệt huyết ở anh đã truyền sức mạnh sang má. Hình như có sự cảm hóa vô hình nào đó, má nuôi Chính trong nội thành để có cớ cho anh hoạt động. Rồi má tự nguyện làm giao liên đường dài cho ban, mang thư từ, báo cáo từ nội thành ra khu bộ, nhận công văn, tài liệu từ chiến khu vào thành. Công việc má đảm trách rất cẩn trọng và chu đáo. Vừa làm giao liên, má vừa lo chạy chợ kiếm tiền nuôi các con, nuôi một số anh em bạn của Chính trong ban công tác 1. Có má Giáo hỗ trợ, Chính tiếp tục chỉ huy những trận đánh thọc sâu táo bạo, gây nhiều tổn thất cho quân địch trong thành phố. Anh Nguyễn Diệu, nguyên đại tá, chỉ huy cấp trên của Chính, hiện là cựu chiến binh quận Phú Nhuận kể lại: Một trận, ban công tác của Chính được giao nhiệm vụ tiêu diệt ổ phản động do tên Nguyễn Hiển cầm đầu, từng gây nhiều tội ác cho cách mạng. Nghĩ ra kế giả làm những người trí thức thân Pháp, Chính và hai chiến sĩ đóng bộ rất oách, mặc com lê, thắt cà vạt, đầu chải bóng loáng, đeo kính, xách cặp tỏ vẻ lịch sự qua mấy vọng gác vào gặp bọn này. Cuộc "giao tiếp" chỉ trong dăm phút, bằng những lưỡi dao găm mau lẹ, tổ "trí thức" của Chính đã tiêu diệt gọn cả 10 tên ác ôn. Liên tục bị tổn hại, địch hoang mang lo sợ, chúng tung quân lùng sục, vây ráp, vòng vây ngày càng siết chặt. Các chiến sĩ ban công tác 1 lần lượt sa vào tay địch, riêng Chính vẫn thoắt ẩn thoắt hiện, vẫy vùng giữa chốn đô thành. Anh tiếp tục luồn sâu vào các hang ổ, ngóc ngách, cắt đầu nhiều tên phản động khét tiếng. Địch ngày càng khiếp vía, gọi anh là "Con hùm xám Việt Minh". Chúng treo giải thưởng 10 lạng vàng cho ai lấy được đầu Chính. Má Giáo lo cho Chính mất ăn mất ngủ. Những tên trùm đầu gấu ráo riết săn lùng đầu Chính lại rất hăng. Nhưng khi giáp mặt nhau, chúng lại kiềng nể anh và hầu hết đều bị anh cảm hóa. Chính dùng ngay bọn này để thăm dò nội tình địch và nảy phương kế kháng địch. Từ đó, nhân dân thành phố gọi Chính là "Người hùng của bóng tối". Các trận đánh "thần kỳ" kế tiếp của anh được người ta thêu dệt rằng anh có phép "xuất quỷ nhập thần". Thực ra, Chính chỉ mưu trí, táo bạo, ứng xử mau lẹ mà thôi. Nhưng rồi cuộc đời chinh chiến đầy nhiệt huyết của anh trong "bóng tối" đã khép lại. Trưa ngày 26/2/1947, vì quá thương xót, quyến luyến với một em bé giao liên bị trúng đạn, Chính cõng em từ chiến khu về cấp cứu ở Phú Nhuận, chẳng may sa vào ổ phục kích của địch.

*

* *

Thương Chính, ngày đầu má Giáo chỉ khóc. Không ăn, mất ngủ, người má sọm lại nhưng mặc dù làm lụng vất vả má vẫn ngày hai lần đều đặn tới nhà lao thăm và tiếp tế cho Chính. Nhìn thân hình Chính gầy đét, bầm tím, đi không vững, lòng má đau thắt. Lo tiền chạy chọt cho Chính ra không xong, má Giáo nảy ý cứu Chính vượt ngục. Khi mang thức ăn vào nhà lao, chờ tên lính gác ra xa, má Giáo khẽ nói với Chính:

- Con ráng ăn cho khỏe, má sẽ có cách cứu con ra khỏi nơi này.

Chính lắc đầu:

- Nguy hiểm lắm, lộ, bọn chúng sẽ giết má.

Má Giáo bảo:

- Nếu đổi được mạng má để cứu con, má cũng đổi.

Ra về, má Giáo lặng lẽ chuẩn bị công việc cho Chính vượt ngục. Nhận được hình lỗ khóa còng chân Chính gửi ra, má Giáo thuê làm một cái chìa y hệt rồi kẹp giữa hai miếng thịt bì bò ướp hành tỏi chiên gửi vào. Không kết quả, ít lâu sau, đúng vào dịp lễ Noel, má Giáo lại kiếm hai lưỡi cưa sắt dài hơn gang tay để cưa song cửa và còng sắt. Má nhét hai lưỡi cưa vào bụng một pho tượng đức mẹ, rồi gửi vào cho Chính. Tên gác ngục người Pháp ngập ngừng nhìn má và vặn hỏi lý do gửi tượng, má trả lời:

- Tôi là người theo Thiên chúa giáo, tôi mong con tôi sớm tỉnh ngộ, từ bỏ Việt Minh nên nhờ ông đưa giúp bức tượng vào để mỗi khi nó suy ngẫm, có đức mẹ khuyên răn và che chở cho nó.

Tên lính gác đăm đăm nhìn bức tượng rồi khẽ gật. Nhưng cả hai lưỡi cưa đều bất lực.

Gia đình rất nghèo nhưng má Giáo cố gắng xoay chạy, vay mượn để tiếp tế cho Chính. Nuôi Chính trong tù, má nuôi luôn cả người tù giam cùng phòng với Chính là Vidalin, người Pháp. Một lần, má mua món súp gà và thịt thỏ sốt vang còn nóng hổi gửi vào cho Vidalin. Anh ta vừa ăn vừa nghẹn ngào khóc, nói với Chính: Sao anh có một người mẹ vĩ đại như vậy?

(Còn nữa)

Bút ký của Minh Chuyên
(Đài Truyền hình Việt Nam)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày