Thứ 4, 28/05/2025, 00:17[GMT+7]

Ngôi nhà mái cỏ ở Diêm Điền

Thứ 2, 16/11/2015 | 09:00:52
2,190 lượt xem
Đường sống trâu và nhà tranh vách đất là chân dung của Thái Bình xưa kia. Còn như hôm nay, trên đất Thái Bình, đâu đâu cũng thị trấn, thị tứ, phố xóm, phố làng với san sát nhà ngói, nhà mái bằng, tầng thấp, tầng cao. Khách thập phương, kể cả lớp trẻ Thái Bình thời nay muốn tường tận hình hài nếp nhà xưa của cha ông, xin hãy về Khu Lăng mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại thị trấn Diêm Điền bên dòng sông Diêm Hộ.

Giếng Ngọc và nếp nhà xưa - không gian sống đầm ấm của gia đình đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Ảnh: Nguyễn Hình

Đầu thai ở xứ thuần nông Thái Bình, những tưởng vô phương từ chối "nhà tranh vách đất" vốn đã thành quy luật "cha truyền con nối". Sự thật này cứ đinh ninh bất biến, nào ngờ giờ đây đi khắp Thái Bình, nếu tìm được "nhà tranh vách đất" hẳn được xem là một "khám phá".

Thái Bình đất chật người đông, xưa nay chưa ai khen nơi này "giàu có". Chỉ có một điều không thể giấu: Nghèo thì nghèo thật nhưng người Thái Bình ai cũng giàu đức tính căn cơ, lo xa. Chả thế mà trong khi thiên hạ nói "ăn ở" thì người Thái Bình lại đặt "ở" trước "ăn". Một điều nhãn tiền là, dù sinh sống tại bản địa hay phải tha hương nơi đất khách quê người, người Thái Bình bao giờ cũng để tâm "an cư" rồi mới tính đến "lạc nghiệp". Cũng chính bởi người Thái Bình luôn đặt nhà cửa lên vị trí số một nên mỗi khi gặp thiên tai, bão tố, Nhà nước chưa phải chi ngân sách hỗ trợ nhà ở cho Thái Bình.

Đường sống trâu và nhà tranh vách đất là chân dung của Thái Bình xưa kia. Còn như hôm nay, trên đất Thái Bình, đâu đâu cũng thị trấn, thị tứ, phố xóm, phố làng với san sát nhà ngói, nhà mái bằng, tầng thấp, tầng cao. Khách thập phương, kể cả lớp trẻ Thái Bình thời nay muốn tường tận hình hài nếp nhà xưa của cha ông, xin hãy về Khu Lăng mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại thị trấn Diêm Điền bên dòng sông Diêm Hộ.

Ngôi nhà dân dã còn đây, chỉ khác chút đỉnh là trên đôi mái truyền thống cọng rạ được thay bằng cây cỏ cói hoang dã từng mọc khắp các bãi lầy ven biển. Trong ngôi nhà mái cỏ này, chàng thư sinh nghèo Nguyễn Đức Triết từng dày công đèn sách và đã giành bằng Cử nhân Hán học khóa thi năm Mậu Tý 1888 - tấm bằng cử nhân độc nhất của làng Diêm Điền suốt 85 năm Pháp thuộc. "Công đã thành" nhưng "danh chưa toại" chỉ vì Cử Triết tính khí khác người: Ông không thèm ra làm quan, nghĩa là không khom lưng phụng sự bọn "FULANGSA" (thực dân Pháp) cướp nước… Thời gian ngắn sau, Cử Triết cộng tác với người bạn đồng hương của mình là Tướng quân Đề Hiện dấy binh chống Pháp. Ngôi nhà mái cỏ tại xóm nhỏ làng Diêm Điền từng là nơi diễn ra những cuộc đàm đạo bí mật giữa võ tướng Đề Hiện và ông cử yêu nước Nguyễn Đức Triết. Từ ngôi nhà dân quê này, hai vị đã đồng tâm xuất kiến nhiều binh pháp độc đáo thực thi trong những trận giáp chiến với bọn FULANGSA ngay giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ hết sức trống trải. Cuộc khởi nghĩa bị thực dân Pháp đàn áp, Cử Triết về nhà mở lớp dạy chữ, hướng cho học trò tìm kiếm con đường đánh đuổi ngoại xâm. Khi người con trai thứ của Cử Triết là Nguyễn Đức Cảnh chào đời năm 1908, ngôi nhà mái cỏ này lại trở thành cái nôi dưỡng dục để cậu làm người. Noi theo tấm gương ái quốc từ cha, năm 18 tuổi, Nguyễn Đức Cảnh giã biệt gia đình và ngôi nhà thân thương ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Tháng 3/1929, khi mới 21 tuổi, Nguyễn Đức Cảnh là 1 trong 7 thanh niên ưu tú đứng ra dóng dựng Chi bộ Cộng sản đầu tiên làm tiền đề thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Ở tuổi 21, Nguyễn Đức Cảnh trở thành vị lãnh tụ đầu tiên của Công hội Đỏ - tiền thân Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay...

Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh bị thực dân Pháp xử chém ngày 31/7/1932 tại Hải Phòng khi mới tròn 24 tuổi.

Tìm về thăm viếng Khu Lăng mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, ở đó nổi bật là ngôi nhà mái cỏ truyền thống từng có rất đông cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta từ mọi vùng miền, kể cả bầu bạn quốc tế. Ngày 21/1/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã về dâng hương tại ngôi nhà này để bày tỏ lòng thành kính đối với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Từ ngôi nhà mái cỏ trên quê hương Diêm Điền hẳn sẽ giúp chúng ta phần nào hiểu được cuộc sống khốn khó của cư dân Thái Bình trải dài suốt thời kỳ nô lệ. Và cũng qua đây còn nhắc hậu thế ghi lòng một sự kiện: Nguyễn Đức Cảnh - người chiến sĩ cộng sản bất tử, vị lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng Việt Nam từng sinh ra và lớn lên từ ngôi nhà mái cỏ.

Hoàng Ngọc Khuyến
(Thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày