Thứ 3, 06/08/2024, 19:14[GMT+7]

Thành phố Thái Bình và những công trình đáng nhớ

Thứ 3, 01/12/2015 | 09:42:49
19,909 lượt xem
Hôm nay đây, mỗi lần đi trên cầu Bo hay tản bộ dọc con đê thành phố Thái Bình san sát những công trình tầng thấp tầng cao, xin hãy tĩnh tâm "ôn cố" nhớ đến ngày chưa xa, chắc chắn sẽ tìm được nhiều bài học sáng giá về NGƯỜI THÁI BÌNH thời đánh giặc.

Nhân dân thị xã Thái Bình tiêu thổ kháng chiến, đặt chướng ngại vật trên dốc cầu Bo chặn bước tiến của thực dân Pháp năm 1946. Ảnh tư liệu

Năm 1965, thị xã Thái Bình vẫn mang hình hài một phố xá hết sức khiêm tốn. Ngoài đường Lê Lợi, mọi con phố nhỏ khác chỉ đáng gọi là "nhánh phụ", rất dễ quên tên. Thuở ấy, cả miền Bắc mới có duy nhất Nhà máy Xi măng Hải Phòng nên thị xã tỉnh lẻ Thái Bình đa phần chỉ thấy phô ra những mái ngói mắc, ngói không nung, âu cũng là chuyện tự nhiên. Bởi chưa nhìn thấy cao ốc, biệt thự, xưởng nọ, xưởng kia nên trong con mắt người dân lúc bấy giờ chỉ có cầu Bo và đê thị xã là hai công trình sáng giá hơn cả. Hệ trọng đến thế vì rằng, không có cầu Bo thì từ thị xã ắt phải qua phà, qua đò để đến với một loạt huyện lớn nằm bên tả sông Trà Lý như Thái Ninh, Thụy Anh, Đông Quan, Phụ Dực... Lệ thuộc đò giang thế này quả là khó khăn, tốn kém.

Ngày 13/8/1965, không quân Mỹ khởi sự trút bom, phóng rốc-két xuống thị xã Thái Bình, mở màn chiến dịch đánh phá một tỉnh được mệnh danh là "vựa lúa miền Bắc Việt Nam". Phá sập cầu Bo không chỉ làm nghẽn mạng giao thông của Thái Bình mà còn làm đứt đoạn tuyến quốc lộ 10 nối với Hải Phòng, Quảng Ninh... Đánh hỏng cầu Bo, thằng địch quay ngay sang mục tiêu hệ trọng thứ hai là đoạn đê thị xã. Cần hiểu điều này, phá đê là hành động vô nhân đạo đã bị luật pháp quốc tế khép tội. Mấy ai ngờ rằng, do biết rõ phá được đê coi như bóp chết nguồn kinh tế duy nhất của tỉnh thuần nông Thái Bình nên chúng bất chấp, cứ nhắm mắt làm càn. Tính toán của thằng địch nham hiểm ở chỗ, ném bom phá đê thị xã Thái Bình sẽ đạt hai mục đích. Thứ nhất, lợi dụng sức nước sông Trà Lý trực tiếp tàn phá phố xá của thị xã nhỏ bé này sau đó nhấn chìm những vùng lúa mênh mông thuộc tỉnh Thái Bình. Thứ hai, nếu bị dư luận lên án, chúng sẽ chống chế rằng "bom rơi nhầm mục tiêu". Xin nêu mấy con số chứng minh tội ác của địch: 2km đê thị xã đã bị máy bay Mỹ oanh kích hơn 30 lần. Khúc đê ngắn này cứ 10 mét chịu một quả bom. Đặc biệt, đế quốc Mỹ còn ném xuống đây loại bom tấn cỡ đường kính 957 ly có sức công phá ghê gớm. Xem thế đủ biết, phá đê thị xã Thái Bình là tính toán chiến lược cực kỳ thâm độc của quân xâm lược.

Trước mưu sâu của địch, người Thái Bình tức khắc bật ngay ra những quyết sách đậm chất "dã chiến" nhưng không kém phần bài bản: Không cầu, những con đò, chiếc phà lập tức ra quân thay thế. Phà nào bị bắn hỏng sẽ có chiếc khác thế chân, mạch giao thông dẫu chậm nhưng không khi nào tắc. Hùng hậu, rầm rộ nhất là đạo quân đánh trả máy bay. Gọi đạo quân bởi số lượng đông vô kể. Bộ đội, tự vệ, dân quân, du kích, đủ cả nam, nữ, trẻ, già. Những khẩu đội 37 ly, 14 ly 5, 12 ly 7 dễ nhận rõ trận địa. Riêng lực lượng súng bộ binh như thượng liên, trung liên, súng trường mọi loại, trận địa giăng khắp nơi, không tài nào kiểm đếm hết, cứ thách ba đời giặc bay đã chắc phát hiện ra. Chỉ khi lũ F105D, F4H... ập đến gây tội ác mới rõ chỗ nào cũng là trận địa ta. Mái nhà, góc phố, vườn hoa, chân cầu, ven đê, thậm chí trên các con đò, chiếc phà đang vận hành, mọi cỡ súng bộ binh thi nhau hất ngược đạn lên bầu trời vít cổ lũ không tặc xuống mặt đất. Có vẻ như tiếng gầm rít của phi cơ siêu thanh, tiếng nổ dậy đất của bom đạn chẳng những không hù dọa nổi ai mà còn kích hoạt người thị xã Thái Bình thêm bốc lửa lao vào cuộc chiến đấu chống quân xâm lược. Nhiều nam nữ thanh niên và cả những người lớn tuổi đầu đội mũ rơm hối hả tiếp đạn, tải thương, chuyển đồ ăn, nước uống lên trận địa trong khói bom mù mịt. Xúc động nhất là ngay trận đầu còn thấy cả đồng chí Chủ tịch Nguyễn Ngọc Trìu đội mũ sắt ra tận trận địa bờ sông động viên các xạ thủ. Có một sự việc ít ai để ý: tháng 6/1966, Thái Bình quyết định thành lập Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) của tỉnh nhằm tăng cường lực lượng đối phó với chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Trong số 20C của Tổng đội, C1 gồm hơn 100 chiến sĩ được đặc trách đứng chân tại thị xã Thái Bình phục vụ chiến đấu và bảo vệ đê điều. C1 đã khai thác, vận chuyển một khối lượng đất rất lớn để sẵn sàng hàn khẩu những điểm đê bị phá hoại. Một nhà báo Nhật Bản trong Đoàn điều tra tội ác của đế quốc Mỹ ở Việt Nam khi đến thăm quãng đê thị xã Thái Bình bị bom đánh phá đã viết: "Những đội TNXP ở đây đã góp phần quan trọng vào việc giữ đê, cứu đê. Một hôm, đê bị đánh phá, ban chỉ huy đội chỉ lấy một số người đi cứu đê nhưng họ xin đi tất cả, mặc dù lên đê lúc đó có thể xảy ra nguy hiểm...".

Hàng trăm tấn bom đạn, tên lửa trút xuống chỉ cốt khai dòng cho giặc nước nhấn chìm cái "thị xã nhà quê" của Thái Bình. Nực cười thay, sức mạnh khổng lồ ấy đã trở nên "vô tích sự" trước lực lượng hợp thành của quân, dân thị xã Thái Bình. Đê dẫu bị phá liên tục nhưng chỉ chớp mắt đã lại "mới như cũ", không một giọt nước nào từ sông Trà Lý tràn vào được đường phố thị xã Thái Bình!

Quốc lộ 10 vẫn thông tuyến!

Đê thị xã vẫn là bức tường thành ngăn nước bảo đảm mùa vàng bội thu để Thái Bình hãnh diện với khẩu hiệu: "Thóc không thiếu một cân!". Đó là chân dung thị xã Thái Bình những năm bom đạn cách đây nửa thế kỷ...

Hôm nay đây, mỗi lần đi trên cầu Bo hay tản bộ dọc con đê thành phố Thái Bình san sát những công trình tầng thấp tầng cao, xin hãy tĩnh tâm "ôn cố" nhớ đến ngày chưa xa, chắc chắn sẽ tìm được nhiều bài học sáng giá về NGƯỜI THÁI BÌNH thời đánh giặc.

Hoàng Ngọc Khuyến
(Diêm Điền, Thái Thụy)

  • Từ khóa

Hoang An - 7 năm trước

Thị xã Thái Bình bị máy bay Mỹ bắn phá lần đầu tiên vào ngày 03/12/1965. Còn quả bom không nổ ở bên cạnh nhà Tỉnh ủy cũ có đường kính nhỏ hơn 957 ly.

Tải thêm