Thứ 3, 02/07/2024, 16:19[GMT+7]

Tuổi 18 đi bầu cử và tham dự giám sát bầu cử

Thứ 3, 05/01/2016 | 09:00:08
1,470 lượt xem
Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Thư Trì, nay là huyện Vũ Thư đóng trụ sở ở phố Tân Đệ; Huyện bộ Việt Minh làm việc liền bên chính quyền chưa đặt trụ sở riêng, nơi đây hơn 4 tháng trước là công đường của quan tri huyện.

Cử tri hai miền Bắc - Nam nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 6/1/1946).

Tôi, Bí thư Thanh niên xã Phú Lễ cũ (nay thuộc xã Tự Tân) được Huyện bộ giao nhiệm vụ đến xã Vô Ngại chứng kiến cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trụ sở chính quyền huyện và Huyện bộ Việt Minh đặt trong cụm nhà gạch nhiều gian, lợp ngói mũi. Gian giữa trước kia quan huyện thăng đường nay là phòng làm việc của Chủ tịch Hoàng Kỳ. Hai bên là phòng lục sự, phòng thừa phái nho lại, chức sắc hàng xã, hàng tổng ra vào, nay là phòng Ủy viên quân sự Lương Mạnh Khuyến, Văn phòng Ủy ban nhân dân, Văn phòng Việt Minh huyện. Chủ nhiệm Huyện bộ Việt Minh - anh Quý. Tuổi 18 được giao nhiệm vụ, tôi chạy một mạch lên huyện nhận giấy giới thiệu rồi tức tốc theo đường tắt đến Vô Ngại, cách phố huyện chừng hơn 3km. Đường lên Tân Đệ tôi đã quen từ thuở mười, mười hai khi hàng ngày đi học. Con đường quốc lộ trải nhựa, ô tô thưa thớt, lèo tèo, xe súc vật kéo, người kéo cũng ít. Phần nhiều là dân gồng gánh chạy chợ. Tôi sải bước vượt hết bọn họ cho kịp giờ. Địa điểm bầu cử rợp cờ đỏ sao vàng, nổi bật các biểu ngữ, băng rôn với các khẩu hiệu trang trọng: "Việt Nam độc lập muôn năm"; "Nhiệt liệt ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh"; "Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm"; "Nam Bộ là của Việt Nam"; "Phản đối thực dân Pháp xâm chiếm Nam Bộ". To nhất và số lượng nhiều nhất là hai khẩu hiệu: "Nhiệt liệt hoan nghênh cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" và "Bầu cử, ứng cử là nghĩa vụ công dân". Nhân dân Vô Ngại ăn mặc chỉnh tề, ông già áo chùng khăn xếp, bà già áo tứ thân đội khăn vuông. Tất cả xếp hàng, đoàn nào hội ấy tự giữ trật tự, đứng đúng vạch vôi. Thanh thiếu niên hò hát, vẫy cờ. Tôi xin được ghi vào danh sách cử tri, ban bầu cử chấp thuận. Tám giờ, chào cờ xong, ông chủ tịch chính quyền lâm thời tuyên bố khai mạc. Ông trưởng ban bầu cử đọc danh sách ứng cử viên, giới thiệu hòm phiếu, thể thức viết phiếu, bỏ phiếu, giới thiệu những người được ủy quyền viết hộ những cử tri chưa biết chữ, chưa đọc thông viết thạo. Đứng đầu danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội là ông Bùi Đăng Chi, Trưởng phòng Thông tin Thái Bình. Tiếp theo là ông Nguyễn Thành Lê, Hà Nội; ông Phan Tử Nghĩa (Hà Nội), đảng viên Đảng Xã hội; ông Hoàng Đạo Thúy (Hà Nội), tổng hướng đạo sinh toàn Đông Dương; ông Nguyễn Duy Phiên (Kiến Xương), lão thành. Những việc làm mới mẻ, lạ lẫm với tất cả mọi người từ cán bộ chủ chốt xã đến cán bộ huyện nhưng đều được thực hiện suôn sẻ, tự nguyện, không ồn ào, không hề ai một câu nói sẵng. Tôi đứng bên cạnh ông chủ nhiệm Việt Minh xã, cả hai chúng tôi, một người trung niên, một thanh niên trẻ măng rất bỡ ngỡ, tưởng rằng cuộc bỏ phiếu sẽ phức tạp, lôi thôi, ai dè rất giản đơn và có khoa học là đằng khác. Kiểm phiếu, lập biên bản cũng nhẹ nhàng, không một ai thắc mắc, kiện cáo. Lúc bấy giờ làm việc mà chưa hiểu hết ý nghĩa, ra công tác càng lâu tôi mới thấm thía, tự hào việc mình làm, khẳng định được mình đã đi đúng đường ngay từ bước đầu. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, nhà trường đóng cửa. Như con sáo sổ lồng, tôi về làng, lao vào hoạt động thanh niên: quyên gạo nấu cháo phát chẩn, lập quỹ cứu đói; tham gia phong trào bình dân học vụ, lập quỹ bình dân học vụ... Chưa xong việc nọ đã làm việc kia. Tham gia xây dựng phong trào đàn, hát, chèo, kịch, theo đàn anh tự biên tự diễn khắp nơi. Đi mít-tinh, biểu tình. Tham gia làm bích báo xây dựng phòng thông tin xã, làm bí thư thanh niên xã, trưởng ban bình dân học vụ xã. Tuổi 17, huyện gọi đi dự lớp Việt Minh khu vực do anh Lê Minh ở tỉnh về mở ở chùa Mòi, làng Bình An cùng huyện. Bài điếu văn trước đám tang một phụ nữ nhà giàu, gia đình cơ sở cách mạng thời bí mật, nay lại có hảo tâm với phong trào bình dân học vụ nơi quê mẹ, tôi đọc hai câu thơ:

Tấm gương trong sao chóng vỡ

Tấc lòng vàng còn lưu mãi với ngày xanh

Tâm hồn non trẻ mới bước vào đời tôi chợt viết được hai câu chan chứa tình cảm biểu dương người tốt đến nay tôi còn nhớ như in.

Hoạt động của tôi hòa vào phong trào chung, được huyện chú ý, vì thế vừa đến tuổi bầu cử lại được huyện cho đi chứng kiến bầu cử (nay gọi là làm giám sát). Chút vốn liếng học vấn đã chuyển hóa, biến tôi từ một thư sinh sớm trở thành người có ích cho xã hội. Nơi tôi đến giám sát sau này mới biết đây là quê hương của ba nhà cách mạng tiền bối họ Trịnh nổi danh trong lịch sử vùng miền, lịch sử ngành quân khí, nổi tiếng nhà tù Côn Đảo. Trong đó, bà Trịnh Thị Chính, đảng viên cộng sản, thời bí mật là vợ liệt sĩ cách mạng tiền bối Phạm Huề Chủy, người vừa được Hà Nam đặt tên con đường thị trấn Kim Bảng, ghi công một người sáng lập Đảng bộ Hà Nam. Ông là chú tôi, không có con nối dõi, được cả họ thờ cúng ở từ đường. Gặp cách mạng, tôi được chắp cánh từ tuổi rất trẻ đến lúc bạc đầu. Không bao giờ quên chuyện lần đầu tiên đi bầu cử lại được giám sát cuộc bầu cử, đó là ngày 6/1/1946, cách đây 70 năm.

Lê Trọng
(Tự Tân, Vũ Thư)

  • Từ khóa