Đại đoàn Đồng Bằng- Chặng đường 65 năm không bao giờ quên
Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu.
Trải qua 65 năm trưởng thành, phát triển, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các quân khu; sự phối hợp tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các địa phương; sự cưu mang đùm bọc của nhân dân, Đại đoàn ngày càng lớn mạnh về tổ chức lực lượng; vũ khí, trang thiết bị ngày càng hiện đại; trình độ tác chiến ngày càng được nâng cao; chiến thắng ngày càng vang dội, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Bác Hồ kính yêu và toàn dân.
Dân quân nam và nữ giúp bộ đội Bắc Việt Nam kéo pháo lên trận địa Hải Dương năm 1972.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đại đoàn đã tham gia 9 chiến dịch và hơn 400 trận đánh; tiêu diệt và đánh thiệt hại 5 binh đoàn, 3 trung đoàn quân Pháp; loại khỏi vòng chiến đấu trên 35.000 tên địch (có trên 15.000 lính Âu, Phi), tiêu diệt 24 xe tăng, bắn rơi 6 máy bay, bắn chìm 22 ca nô; thu gần 5.000 súng các loại, 24 pháo 105mm, 96 xe cơ giới, hàng trăm tấn đạn dược và nhiều khí tài, phương tiện chiến tranh của địch, góp phần cùng lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương giải phóng 10 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Thái Bình thân yêu của chúng ta.
Nữ vô tuyến điện của Quân đội nhân dân Việt Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh.
65 năm đã trôi qua nhưng cái tên Đại đoàn Đồng Bằng cũng như hình ảnh người chiến sĩ Đại đoàn Đồng Bằng vẫn luôn là những kỷ niệm không quên đối với nhân dân các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ nói chung, Thái Bình nói riêng. Anh hùng liệt sĩ Trương Công Man - người anh hùng đầu tiên của Đại đoàn được mệnh danh là “Anh hùng khoác áo lửa” đã hy sinh trong trận đánh chống càn tại trận đánh bốt Tìm, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng năm 1953. Phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nói: “Đảng bộ và nhân dân Thái Bình không bao giờ quên công lao của cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Đồng Bằng bởi ở khắp các làng quê, góc phố của Thái Bình đều thấm đẫm xương máu của chiến sĩ Đại đoàn trong chiến tranh giải phóng”.
“Bộ đội tranh thủ nghỉ đọc thư” chụp tại dãy Trường Sơn năm 1972.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt nhất (năm 1965), Sư đoàn 320 được lệnh thành lập một khung sư đoàn mới, lấy phiên hiệu là Sư đoàn 320B, từ đây có hai Sư 320A và Sư 320B (sau đây được gọi là Sư A, Sư B), được ví như người anh em sinh đôi cùng chung dòng máu và truyền thống vinh quang của người lính Đại đoàn Đồng Bằng. Sư A là sư đoàn chủ lực, cơ động có nhiệm vụ huấn luyện đánh hiệp đồng binh chủng cấp chiến dịch, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu. Sư B là sư đoàn huấn luyện quân theo yêu cầu của chiến trường, sẵn sàng chuyển thành sư đoàn chủ lực, cơ động trực tiếp tham gia chiến đấu khi cần thiết.
Một mảnh xác máy bay B52 bị bắn rơi tại hồ Hữu Tiệp, Hà Nội trong chiến dịch Linebacker II.
Thực hiện nghị quyết của Quân ủy Trung ương, cuối năm 1967, Sư A chính thức làm lễ xuất quân với lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” được Bộ Quốc phòng trao và lưu luyến chia tay với miền Bắc hành quân vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Địa bàn tác chiến từ 67 - 71 tại mặt trận B5, từ 72 - 75 tại Tây Nguyên.
Tám năm tại chiến trường miền Nam, Sư đoàn đã tham gia 5 chiến dịch lớn (Đường 9 - Nam Lào 1971; Xuân hè 72; Tây Nguyên 75; Hồ Chí Minh 1975 và chiến dịch biên giới Tây Nam 79), loại khỏi vòng chiến đấu gần 47.000 tên địch (có nhiều sĩ quan và cố vấn Mỹ); tiêu diệt gọn 1 lữ đoàn dù, 6 tiểu đoàn, 24 đại đội; đánh tan rã hàng chục trung đoàn, chiến đoàn, chi đoàn và chi khu của địch; thu và phá hủy gần 3.500 xe quân sự (với hàng trăm xe tăng, xe bọc thép) gần 100 khẩu pháo lớn, bắn rơi 253 máy bay các loại; thu gần 10.000 súng, hàng trăm máy thông tin và nhiều quân trang, quân dụng, phương tiện chiến tranh; góp phần giải phóng Tây Nguyên và hai tỉnh miền Trung - Trung Bộ, cùng quân dân cả nước hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sư B sau 6 năm thành lập (66 - 71) đã huấn luyện hơn 150.000 chiến sĩ bảo đảm chất lượng để bổ sung cho chiến trường nói chung và Sư A nói riêng; tổ chức 187 lượt hành quân đưa bộ đội vượt Trường Sơn vào chiến trường chiến đấu với khẩu hiệu: “Đã đi là đến, đã đến là thắng”; 100% cán bộ khung từ Sư đoàn đến trung đội (người nhiều 5 lần, người ít 2 lần) đều tham gia hành quân đưa chiến sĩ vượt Trường Sơn vào tận chiến trường giao quân cho các đơn vị bạn.
Giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975, nhân dân chào mừng người chiến thắng.
Tháng 11/1971, theo quyết định của Bộ Quốc phòng, Sư B chuyển nhiệm vụ từ sư huấn luyện sang sư đoàn cơ động chiến lược, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu. Các cơ quan của Sư đoàn, các trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội trực thuộc được tái thành lập giống như Sư đoàn 320. Theo đó, Trung đoàn 46B của Quân khu Hữu ngạn đã có 9 tháng huấn luyện có thể lên đường chiến đấu ngay được Bộ điều về Sư đoàn mang phiên hiệu Trung đoàn 48.Trung đoàn 8 của Quân khu tả ngạn được tách đôi để thành lập khung cho Trung đoàn 64 mới. Cán bộ khung huấn luyện của Sư đoàn đã trải qua chiến đấu được điều trở lại thành lập khung Trung đoàn Bộ binh 52, các tiểu đoàn trực thuộc (16, 17, 18, 24, 25) và 2 đại đội trực thuộc (20, 23). Trung đoàn 52, 64 và các đơn vị, đại đội trực thuộc chưa có quân được tuyển quân tại các tỉnh Thái Bình, Hải Hưng, Nam Hà và khẩn trương tổ chức huấn luyện để kịp lên đường chiến đấu. Tại Thái Bình, ngày 6/1/1972, Trung đoàn 64 đã tuyển đủ quân, tỉnh tổ chức lễ bàn giao tiễn những người con quê hương lên đường chiến đấu. Sau 3 tháng được lệnh chuyển thành đơn vị chủ lực cơ động, ngày 18/2/1972, Đại tá Nguyễn Sùng Lãm, Tư lệnh Sư A được Bộ Quốc phòng điều động về làm Tư lệnh Sư B đã đưa đơn vị đầu tiên (Trung đoàn 48) của Sư đoàn vào chiến đấu tại mặt trận B5 thay cho Sư đoàn A được điều động vào tác chiến tại chiến trường Tây Nguyên, mở đầu lịch sử chiến đấu của Sư B trên chiến trường Trị Thiên rực lửa. Đầu năm 1973, để tăng cường sức mạnh chiến đấu cho Sư đoàn, Bộ Quốc phòng quyết định điều động Trung đoàn 27 (Trung đoàn Triệu Hải) - một trung đoàn dày dạn kinh nghiệm trận mạc từ 1968 tại chiến trường Quảng Trị - trung đoàn anh hùng của mặt trận B5 về đội hình chiến đấu của Sư đoàn. Tháng 10/1973, Sư B được Bộ Quốc phòng quyết định thành lập thêm Trung đoàn 54 pháo binh và cùng với các Sư đoàn 308, 312 thành lập Quân đoàn 1 - quân đoàn chủ lực đầu tiên được huấn luyện chính quy, đánh hiệp đồng binh chủng cấp chiến dịch của Quân đội nhân dân Việt Nam; cùng Quân đoàn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Với hơn 500 ngày đêm chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên, hơn 1 tháng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư B đã đánh trên 1.000 trận; tiêu diệt và bắt sống gần 30.000 tên địch, gọi hàng và làm tan rã hàng ngũ địch gần 20.000 tên; bắn rơi 94 máy bay, thu 5 chiếc; bắn cháy gần 300 xe tăng, xe bọc thép, bắt sống 158 cái; phá hủy, bắt giữ nhiều phương tiện chiến tranh của địch.
Chiến công nổi bật của Sư B là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng các đơn vị trong mặt trận và lực lượng vũ trang địa phương giải phóng hoàn toàn Quảng Trị ngày 2/5/1972. Trong cuộc chiến 81 ngày đêm giữ Quảng Trị nói chung và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị nói riêng, Sư đoàn đảm nhiệm cánh Đông và Thành cổ, đã phối hợp tốt với các đơn vị bạn đập tan hai chiến dịch phản công quy mô lớn là “Lam Sơn 72” và “Tăng go - Xity” với nhiều cuộc hành quân quy mô lớn của địch trong điều kiện không tương quan lực lượng; địch mạnh hơn ta nhiều lần về vũ khí đạn dược, đặc biệt là hạm đội, máy bay, xe tăng, pháo và vũ khí hóa học. Giải phóng Quảng Trị, giữ được phần lớn vùng giải phóng, đặc biệt là Thành cổ Quảng trị trong 81 ngày đêm là một đóng góp quan trọng để Hội nghị Paris giành thắng lợi.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư A trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn 3; Sư B trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn 1. Cả hai sư đoàn đều có sứ mệnh đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, ở những hướng quan trọng của chiến dịch. Sư A đánh chiếm Đồng Dù, sân bay Tân Sơn Nhất. Sư B đánh Tân Uyên, Lái Thiêu. Đích cuối, hai sư đoàn cùng gặp nhau tại Bộ Tổng tham mưu và dinh Độc Lập.
Tinh thần chiến đấu thần tốc, dũng cảm, mưu trí của hai sư anh em trên các chiến trường Trị Thiên, Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là những đóng góp to lớn cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân 1975 lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau ngày giải phóng, miền Nam, thống nhất đất nước, theo yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, Sư A tiếp tục ở lại Tây Nguyên thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, sự bình yên của nhân dân và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả với nước bạn Campuchia anh em. Sư đoàn đã phát huy và tiếp tục giành nhiều thắng lợi to lớn, ngăn chặn, đập tan âm mưu phản động, gây rối, lật đổ, chống Đảng, chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta vừa giành được.
Thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, trong chiến dịch biên giới Tây Nam (1979 - 1989), với tư cách là đội quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia đã chiến đấu tiêu diệt và làm tan rã 4 sư đoàn và 1 quân khu của Pôn Pốt, cứu và giải phóng hàng chục nghìn dân thoát khỏi nơi tập trung của Pôn Pốt, góp phần giải phóng Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Với những đóng góp to lớn, những chiến công vang dội của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ: Sư 320A cùng 3 trung đoàn, 8 tiểu đoàn, 5 đại đội và 11 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng trăm đơn vị, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng huân chương các loại.
Sư đoàn 320B cùng 3 trung đoàn, 3 tiểu đoàn, 4 đại đội, 7 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng hàng nghìn huân, huy chương và các danh hiệu cao quý khác.
Đặc biệt, trải qua thử thách, rèn luyện, chiến đấu và học tập cùng với ý chí vươn lên, gần 100 đồng chí từng là lãnh đạo chỉ huy, chiến sĩ của hai sư đoàn đã trưởng thành tướng lĩnh trong quân đội và cán bộ cao cấp của Đảng: Đồng chí Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Sư đoàn đầu tiên, sau là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Vũ Oanh, Phó Chính ủy Sư đoàn đầu tiên, sau là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Đào Đình Luyện, Chính trị viên phó Tiểu đoàn, sau là Thượng tướng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tư lệnh Đại đoàn, sau là Thượng tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và còn rất nhiều cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyển ngành đã phát huy truyền thống người lính Cụ Hồ, phấn đấu trở thành lãnh đạo cao cấp ở các bộ, ngành trung ương, địa phương, thủ trưởng ở các cơ quan, đơn vị, các nhà doanh nghiệp tiếp tục cống hiến, đóng góp tài năng, trí tuệ trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
Phát huy truyền thống của Đại đoàn Đồng Bằng anh hùng đã được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ xây đắp bằng máu xương, công sức trong suốt 65 năm qua, những người cựu chiến binh kết trong Hội bạn chiến đấu Đại đoàn Đồng Bằng của mọi thời kỳ, hôm nay nguyện tiếp tục phát huy truyền thống Đại đoàn, đoàn kết, động viên giúp đỡ lẫn nhau, làm tốt công tác tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí, đồng đội còn khó khăn; cùng nhau thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, luôn xứng đáng với truyền thống vẻ vang của người lính Đại đoàn Đồng Bằng anh hùng.
Nguyễn Công Mỵ
(Cựu chiến binh Đại đoàn Đồng Bằng)
Tin cùng chuyên mục
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 6: Thái Bình xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức 30.01.2025 | 11:19 AM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 5: Đảng bộ Thái Bình - những chặng đường vinh quang 30.01.2025 | 10:54 AM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 3: Thành tựu đổi mới đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới 27.01.2025 | 19:59 PM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 2: Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam 26.01.2025 | 09:45 AM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 1: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời – mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc 25.01.2025 | 17:24 PM
- Nhận diện cuộc đời Huyền Trân Công chúa để phát huy giá trị di tích lịch sử 30.11.2024 | 20:31 PM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
Xem tin theo ngày
-
Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước
- Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đại biểu đến dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Tri ân sâu sắc các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc
- Tỉnh Trà Vinh đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, kỷ niệm 65 năm kết nghĩa Trà Vinh - Thái Bình
- Đoàn công tác tỉnh Thái Bình thăm Trường THCS Thái Bình tại huyện Càng Long
- Lãnh đạo 2 tỉnh Trà Vinh - Thái Bình dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại Đền thờ Bác Hồ, Nghĩa trang liệt sĩ và Bia chiến thắng tỉnh Trà Vinh
- Họp mặt giao lưu Trà Vinh - Thái Bình “Thủy chung son sắt - thắm đượm nghĩa tình”
- Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Vũ Thư
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Quỳnh Phụ
TRẦN THỊ HIỂN - 4 năm trước