Thứ 3, 06/08/2024, 23:18[GMT+7]

Từ tết Mậu Thân đến tết Bính Thân

Thứ 5, 04/02/2016 | 15:18:13
1,172 lượt xem
Tết là ngày lễ truyền thống quan trọng nhất với người Việt Nam. Trong chiến tranh Việt Nam, tết đồng nghĩa với một lệnh ngừng bắn không chính thức giữa ta và địch. Tuy nhiên, cách đây 48 năm, ngày 30/1/1968, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy vào dịp tết Mậu Thân ở 13 tỉnh, thành phố miền Nam. Trong chiến dịch lịch sử ấy có sự tham gia của những người con quê lúa Thái Bình - những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ

Chiến sĩ thông tin trên đồi A Quảng Trị.

 

Phố xá tấp nập từng người, xe xuôi ngược  sắm tết, nhà nhà hối hả chuẩn bị đón xuân với tâm trạng vui vẻ, phấn khởi vì đời sống năm nay khá hơn hẳn những năm qua. Tết đã rất gần song với người lính già, cựu chiến binh Ðàm Văn Biên ở xã Việt Hùng (Vũ Thư), dường như tết còn ở xa xôi lắm! Ông trầm tư và miên man nghĩ ngợi, nhớ về những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường Thừa Thiên - Huế - những người cùng ông “Ðêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ” nhưng đã hy sinh trong Chiến dịch tết Mậu Thân năm 1968.

 

 Ðể giấu đi sự xúc động khi quá khứ bi hùng của cuộc chiến chợt ùa về, ông Biên nâng chén trà nghi ngút khói lên miệng nhưng ngập ngừng không uống mà hít một hơi thật sâu cảm thức mùi hương. Rồi ông kể cho chúng tôi về những kỷ niệm ông cùng đồng đội tham gia chiến dịch tết Mậu Thân năm 1968 ở mặt trận Thừa Thiên - Huế. Ðó là vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 30 tết, khi nhận được lệnh tiến quân xuống đồng bằng giải phóng thành phố Huế, đơn vị của ông là Ðại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 8 trực thuộc Bộ Quốc phòng đứng chân ở vùng rừng núi phía Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế thuộc huyện A Sầu, giáp với nước bạn Lào đã gấp rút hành quân. Ðến lúc này, ông Biên và các đồng đội mới biết vì sao đơn vị lại tổ chức cho bộ đội ăn tết sớm từ ngày 29 tháng Chạp. “Gọi là ăn tết chứ có gì đâu! Bữa cơm tất niên hôm đó chỉ có hoa chuối rừng bó chặt, luộc lên rồi xắt lát ra tượng trưng thay cho giò, bát rau tàu bay luộc, mắm kem, thịt hộp và vài cái bánh tét bà con dân bản cho. Tết không có trà, không rượu, không mâm ngũ quả và cũng chẳng có hương hoa nhưng bộ đội ta vẫn vui vẻ và phấn khởi khi được phát quần áo, quân trang mới. Ai cũng hồn nhiên, chúc tụng nhau sức khỏe, mong sớm giải phóng miền Nam để về quê đoàn viên cùng gia đình, đặc biệt là mong ngóng được nghe thơ chúc tết của Bác” - ông Biên nhớ lại.

 

Giao thừa tết Mậu Thân, khi hành quân từ A Sầu, qua A Lưới, Hương Trà xuống vùng ven ngoại thành thành phố Huế, bộ đội ta vô cùng phấn chấn và hừng hực khí thế tiến công, sẵn sàng hy sinh để sớm giải phóng miền Nam khi nghe thơ chúc tết của Bác: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà/Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”. Ðêm giao thừa năm ấy tĩnh mịch, chỉ có bước chân hành quân thần tốc của bộ đội dưới những tán rừng cao vút, phía trên là bầu trời đêm sáng rực bởi quân địch bắn pháo dù sáng. Khi đơn vị của ông Biên tiến sát ngoại thành vào khoảng 7 giờ ngày mùng 1 tết thì đã thấy một số xác lính Mỹ và ngụy nằm rải rác. Thì ra, trong đêm giao thừa, đội biệt động thành của ta đã nổ súng tấn công khiến cho bọn Mỹ bị bất ngờ, vội vàng rút chạy ra biển còn bọn ngụy co cụm vào trong thành cố thủ. Chiến dịch tết Mậu Thân ta đánh địch trên tất cả các hướng thành phố Huế, đơn vị của ông Biên là Trung đoàn 8 mang phiên hiệu Công trường 8 có nhiệm vụ đánh chiếm phía Tây thành. Chiến dịch kéo dài ròng rã 25 ngày đêm, vô cùng cam go, ác liệt. Bộ đội ta anh dũng, quả cảm chiến đấu giành từng mét đường, từng góc phố với địch. Ta đã chiếm giữ được nhiều con phố và dồn địch vào trung tâm nhưng do lực lượng mỏng và thiếu vũ khí, đạn dược nên buộc bộ đội ta phải rút về hậu cứ.

 

 Ông Biên bùi ngùi chia sẻ: Chiến dịch tết Mậu Thân năm đó, bộ đội ta hy sinh và bị thương nhiều. Ðại đội của tôi khi vào trận có 120 người, khi rút ra chỉ còn 15. Nhiều anh em hy sinh ngay tại trận địa, nhiều anh em bị thương nặng ở chân không thể hành quân ra ngay, phải xuống hầm trú ẩn song bị bọn mật thám, Việt gian dùng thuốn, chúng xâm tìm và giết hại. Số anh em bị thương nhẹ cố đi được thì bị xe tăng địch chèn, pháo từ tàu chiến Mỹ phản kích từ biển vào nên cũng hy sinh…

 

 Ðã 48 năm trôi qua nhưng cựu chiến binh Vũ Minh Lập ở thôn Ðô Lương, xã Vũ An (Kiến Xương) vẫn còn nhớ như in những ngày cùng đồng đội “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ông kể, tháng 9/1965, khi vừa tròn 18 tuổi ông lên đường nhập ngũ. Sau hai tháng huấn luyện ở Thanh Hóa, ông được biên chế vào Ðại đội Quân y, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Cuối năm 1966, cả đơn vị hành quân vào Nam. Vượt qua đèo cao, vực thẳm với bao nguy hiểm rình rập và cả những trận sốt rét ác tính, các trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ, đơn vị đã đến điểm tập kết tại chiến trường Quảng Trị. Cuối năm 1967, ông Lập cùng đồng đội được đơn vị tổ chức cho đón tết và nhận lệnh tham gia chiến đấu trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968. Hồi tưởng về không khí đón tết của bộ đội ta lúc ấy, ông Lập cho biết: Bấy giờ, để có thực phẩm ăn tết, ngoài bánh kẹo do trên cấp phát, cán bộ, chiến sĩ đơn vị phân công nhau vào rừng hái thêm rau xanh, lấy lá chuối về gói bánh; đồng thời, tăng cường giáo dục xây dựng tình đoàn kết, quyết tâm cao cho cán bộ, chiến sĩ nhận rõ ý nghĩa lịch sử của chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968. Và niềm vui đón tết càng được nhân lên gấp bội khi làm lễ xuất quân, từng lời chúc tết của Bác vang lên trên sóng phát thanh như động viên, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị hăng hái xung phong ra trận, tất cả vì chiến thắng.

 

 Khi chiến dịch bắt đầu, đại đội của ông Lập được giao nhiệm vụ xử lý vết thương cho thương binh, cả Ðại đội Quân y hầu như chẳng có một thứ máy móc, phương tiện hiện đại nào mà chỉ xử lý vết thương lâm sàng, nghĩa là nhìn thấy bằng mắt thường. Thương binh bị đạn bắn vào đâu thì mổ, gắp mảnh đạn ở đó, bị gãy chân, tay chỗ nào thì dùng nẹp sắt, nẹp tre để cố định chỗ gãy hoặc cắt bỏ những phần cơ thể không thể phục hồi. Với những vết thương quá phức tạp thì xử lý tạm thời, băng cầm máu rồi chuyển về hậu phương điều trị. Nhiều lần, anh em trong đơn vị không cầm được nước mắt khi chứng kiến những thương binh mới 17 - 18 tuổi, mới được bổ sung từ thanh niên xung phong vào đơn vị chiến đấu đã bị thương, đến tên của tiểu đội trưởng còn chưa biết. Công việc vất vả là vậy, chế độ ăn uống lại rất kham khổ, anh em trong đại đội hầu như chỉ có cá mắm và cơm nếp nát để ăn, các chế độ cao hơn đều nhường cho thương binh. Vậy mà không có ai kêu ca, tất cả chỉ vì một tiếng xung phong xông lên chiến đấu giành độc lập cho dân tộc.

 

 Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, những cựu chiến binh tham gia chiến dịch tết Mậu Thân năm 1968 nay người còn, người mất nhưng ý chí và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã được tôi luyện trong chiến tranh vẫn sáng ngời. Về với đời thường, họ vẫn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, chung tay tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, giáo dục con cháu tiếp bước cha anh, gìn giữ và dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 Theo ông Biên, ông Lập, chiến dịch tết Mậu Thân năm 1968 của ta kết thúc đã làm cho đồng bào miền Nam hiểu được quân giải phóng là bộ đội của Cụ Hồ, chiến đấu vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân, từ đó ủng hộ, giúp đỡ bộ đội trong suốt những năm kháng chiến về sau. Ðặc biệt, ta cũng rút ra được những kinh nghiệm, bài học quý báu khi triển khai một chiến dịch lớn, góp phần làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Khắc Duẩn - Nguyễn Hậu

  • Từ khóa