Thứ 4, 11/09/2024, 23:55[GMT+7]

Ngày xuân nói chuyện “Tay không làm đường chiến lược”

Thứ 5, 04/02/2016 | 15:21:08
1,307 lượt xem
Ði trên con đường dài 80 cây số từ Tuần Giáo vào thành phố Ðiện Biên Phủ hôm nay, bao nhiêu kỷ niệm, trong đó có chuyện những người con Thái Bình “Tay không làm đường chiến lược” ngày xưa cứ tự nhiên ùa về, rất rõ ràng, rất đậm nét.

Bộ đội Đại đoàn 316 cùng lực lượng địa phương mở đường cơ động Tuần Giáo - Điện Biên Phủ trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954.

 

 

Giữa năm 1959, một số đại đội thanh niên xung phong (TNXP) người Thái Bình hội quân trên đất Tuần Giáo, khai sinh ra cái tên “426” - một công trường cầu đường có tiếng ở Tây Bắc thời bấy giờ.

 

Thời gian đầu, trừ đội cầu và “c bê tông”, các đại đội còn lại đều chia nhau rải ra làm đường cấp phối.

 

Tuần Giáo - Ðiện Biên là tuyến đường chiến lược nổi tiếng thời chiến dịch. Quan trọng thế nhưng nhiều đoạn đường rất hẹp, không đủ cho 2 ô tô cùng song hành. Sau hòa bình, Nhà nước cho gấp rút cải tạo, mở rộng con đường này với mục đích phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng cho miền Tây Bắc rộng lớn. Nổ mìn phá núi, bạt ta-luy mở rộng đường do các đơn vị bộ đội F316 đảm nhiệm. Riêng TNXP được đặc trách khâu hoàn thiện mặt đường.

 

Nhắc lại chuyện thi công đường chiến lược Tuần Giáo - Ðiện Biên năm 1959 trong hoàn cảnh xi măng không, nhựa không, máy móc không, người thời nay chắc ít ai tin.

 

…Mùa hè cũng như mùa đông, hễ trời nắng, các đại đội phải huy động nhân lực tối đa xuống những bãi ven suối khai thác cấp phối. Phải “đánh lén” vậy bởi thủy chế những dòng suối rất đỏng đảnh. Bờ bãi đang trơ cát sỏi nhưng gặp mưa sẽ tức khắc ngập chìm dưới dòng nước dữ. Chính vì thế, thấy trời tạnh ráo sẽ không được phép bỏ lỡ cơ hội. Cấp phối khai thác được phải kịp thời vận chuyển về mặt đường, nếu lưu lại lâu rất dễ bị lũ ống, lũ quét bất chợt ập đến cướp đi trong chớp mắt. Bãi khai thác đa phần nằm ở cự ly rất sâu, rất xa. Dụng cụ khai thác không gì ngoài chiếc xẻng. Ðến khi vận chuyển suốt cự ly một, hai cây số đường dốc, lại chỉ dựa vào phương tiện duy nhất là đôi quang gánh, không có cơ giới và cũng không thể áp dụng cơ giới nên một mét khối cấp phối phải đánh đổi bằng cả chục nhân công. Ðá, cấp phối tự khai thác nhưng nhựa đường, xi măng không thể kiếm đâu ra, thế là ập đến một bài toán hóc búa. Gặp rào cản lớn những tưởng bó tay. Nhưng không, từ lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền…”, TNXP đã bật ra một sáng kiến đáng gọi “phát minh” thời bấy giờ.

 

Tại Tuần Giáo, phát hiện có những quả đồi được cấu tạo bởi một loại đất đặc biệt: ở trạng thái khô, đất dễ đập tơi như cát; khi gặp nước sẽ biến ngay thành chất liệu dẻo như… kẹo kéo. Không biết ai là người khám phá ra loại đất này, chỉ thấy TNXP lấy nó làm chất kết dính thay cho nhựa đường, xi măng. Ðất có màu vàng như bột ngô nên gọi “hoàng thổ”. Thế rồi, căn cứ tác dụng của loại “đặc sản” này, cánh TNXP liền gán cho cái tên mới, đậm chất kỹ thuật: “đất dính”. Thấy “đất dính” sẽ phải “đóng thế” cho xi măng và nhựa đường nên đại đội nào cũng hình thành “tổ đất dính”. Khai thác “đất dính” lại cũng chỉ bằng vài thứ công cụ “siêu thô sơ”: cuốc, xẻng và tấm lưới kim loại rộng hơn mét vuông dùng làm sàng. Tại “khai trường”, một chiếc sàng được dựng nghiêng 80O. “Ðất dính” đào ra, sau khi đập tơi, các “kỹ thuật viên” dùng xẻng xúc hất lên mặt sàng nhằm loại bỏ hết sỏi, đá, tạp chất. Thông qua “công nghệ gánh”, “đất dính tinh chế” được chuyển về tập kết tại mặt đường.

 

Thời nay, khi thi công mặt đường, thấy đầy đủ kỹ sư nọ, kỹ sư kia, riêng chúng tôi làm đường chiến lược Tuần Giáo - Ðiện Biên ngày ấy nhìn trước ngó sau chỉ mấy cậu “kỹ thuật viên” TNXP mặt non choẹt mới qua vài tuần đào tạo cấp tốc.

 

 

Thành phố Điện Biên Phủ ngày nay.

 

Hãy ngó qua “quy trình công nghệ” của chúng tôi thời ấy mà xem: mặt đường đào sâu 35 - 40 phân; đá “ba” rải đều một lượt, sau đó chèn kín các kẽ hở bằng đá 4x6; dùng “lu” lèn đi lèn lại nhiều lần; rải cấp phối là khâu hoàn thiện cuối cùng nên nhân lực, trí tuệ được “tổng động viên”. Hôm ấy, mặt đường rộn rã y như ngày hội. Thi công quốc lộ mà đơn độc dựa vào cơ bắp TNXP, chỉ duy nhất cỗ xe lu đáng gọi cơ giới, quả là bạo gan! Cũng xin nói đôi chút về thứ “công cụ Tây” này: Nó vốn là chiến lợi phẩm thu được tại mặt trận Ðiện Biên Phủ. Nghe đâu, cỗ xe lu già nua này ra đời từ tận thế chiến thứ nhất (1914 - 1918). Ngồi lái lu, dù mùa hè hay mùa đông đều chịu trạng thái “toát mồ hôi hột” bởi lu chạy bằng… củi. Khi lu vận hành phải có sẵn một đội hình 4 - 5 người cưa củi, bổ củi tíu tít tiếp sức cho nó. Sau công đoạn hỗn hợp cấp phối “đất dính” được rải đều lên mặt đá rồi dùng doa tưới vào một lượng nước nhất định, phần tiếp theo hoàn toàn thuộc phận sự xe lu. Lèn kỹ lớp thứ nhất, tiếp đến lớp thứ hai, thứ ba, chỉ tới khi mặt đường đạt “độ cong” thiết kế mới được coi là “hoàn tất”. Có một tiểu tiết kỹ thuật không hề thấy ở đường đồng bằng là, nhằm giữ cho kết cấu cấp phối - “đất dính” luôn luôn khô để đường kéo dài tuổi thọ, TNXP thường thiết kế thêm hệ thống thoát nước ngang hai bên đường, gọi là “rãnh xương cá”. Ðến đây, từ xuất phát điểm Tuần Giáo, những đoạn đường cấp phối đầu tiên do TNXP “426” thiết kế, thi công mang thương hiệu “Ðường chiến lược Tuần Giáo - Ðiện Biên” đã ra đời “mẹ tròn con vuông”.

 

Trong tay chỉ có búa, choòng, cuốc, xẻng, quang gánh, xe cút kít và chiếc xe lu cũ kỹ, không có một bao xi măng, một cân nhựa đường nào nhưng đến cuối năm 1959, các đơn vị TNXP “426” đã khai sinh được mấy nghìn mét đường cấp phối đầu tiên trên tuyến đường chiến lược Tuần Giáo - Ðiện Biên. Số lượng rất khiêm tốn song những đoạn “tân lộ” này xứng đáng là thành quả đột phá khẩu, hơn thế nữa, nó còn là món quà tặng bà con các dân tộc Tuần Giáo nhân dịp xuân Canh Tý 1960. Sung sướng biết bao khi thấy trên những đoạn đường cấp phối tinh khôi do chúng tôi mới hoàn thành, bà con các dân tộc nơi đây xúng xính trong những bộ trang phục sặc sỡ kéo nhau đi vui hội tung còn đầu năm.

 

Hôm nay, xuất hành ngày xuân, nhìn đâu cũng thấy đường xi măng, đường nhựa phẳng phiu bỗng da diết nhớ những đoạn đường cấp phối ra đời trên đất Tuần Giáo trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề cách đây hơn nửa thế kỷ…

 

Là một chiến sĩ TNXP, chuyện “Tay không làm đường chiến lược” năm xưa chắc chẳng bao giờ nhạt phai trong ký ức của tôi.

 

HOÀNG NGỌC KHUYẾN

Thị trấn Diêm Ðiền, Thái Thụy

 

  • Từ khóa