Thứ 2, 01/07/2024, 01:22[GMT+7]

Trần Nhật Duật - Vị tướng tài, đức vẹn toàn

Thứ 2, 29/02/2016 | 09:33:33
5,727 lượt xem
Trần Nhật Duật là con thứ sáu của vua Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh - vị vua khởi nghiệp nhà Trần). Ông sinh năm 1253, mất năm 1330. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (Chiêu Văn nghĩa là đón nhận cái đẹp) là một trong những người chỉ huy quân dân Ðại Việt đánh thắng giặc Mông - Nguyên thế kỷ thứ 13.

Di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà). Ảnh: Thành Tâm.

 

Sử sách chép lại: Ngay từ thuở nhỏ, Trần Nhật Duật đã nổi tiếng là người hiếu học và “sớm lộ thiên tri, ham thích hiểu biết về tiếng nói và các giống người”. Tuổi trẻ của Trần Nhật Duật là những năm tháng miệt mài rèn luyện để thành tài. Vì vậy, ông nổi tiếng hiểu nhiều, biết rộng. Uy tín của ông còn vang dội cả nước ngoài do sự hiểu biết sâu rộng về các nước lân bang. Trần Nhật Duật chẳng những sử dụng thành thạo các ngôn ngữ Tống, Chiêm mà còn hiểu tiếng nói, phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số trong nước.

 

Chuyện kể rằng, vào năm 1280, Trịnh Giác Mật là tù trưởng đạo Ðà Giang vùng Tây Bắc âm mưu chống lại triều đình. Vâng mệnh vua, Trần Nhật Duật đem quân đi dẹp loạn. Biết tin, Trịnh Giác Mật cho người mang thư đến thách đố ông, nội dung như sau: “Mật này không dám trái mệnh. Nếu ân chúa đơn thân độc mã đến thì Mật này xin hàng”. Lo sợ Trần Nhật Duật bị bọn xấu ám hại, các tướng sĩ đều nhất loạt can ngăn. Trần Nhật Duật thừa biết lòng dạ tráo trở, tàn ác của phường lục lâm, thổ phỉ do Trịnh Giác Mật cầm đầu nhưng ông vẫn vui vẻ nhận lời, dũng cảm chấp nhận hy sinh vì mong muốn tìm được giải pháp hòa bình, không đổ máu, nhân dân các dân tộc đoàn kết một lòng, chuẩn bị tinh thần và lực lượng để đương đầu với đế quốc Mông - Nguyên hung bạo nhất thế giới đang chuẩn bị thôn tính Ðại Việt. Bên cạnh đó, Trần Nhật Duật tin ở khả năng thuyết phục của mình, tin ở bản ngã của đồng bào các dân tộc thiểu số. Giữ đúng lời hứa, ông chọn ngày lành, một mình ung dung đến thẳng doanh trại của tù trưởng đạo Ðà Giang và chỉ cho mấy tiểu đồng cắp tráp theo hầu. Nhìn thấy tướng quân nhà Trần hiên ngang đi giữa rừng gươm giáo tua tủa và đám lính ăn mặc dị hợm mà thần thái không một chút biến sắc, những tên chỉ huy dưới quyền Trịnh Giác Mật tỏ ra kính nể. Ðến trước mặt Trịnh Giác Mật, bằng ngôn ngữ và theo đúng phong tục của người dân tộc thiểu số, Trần Nhật Duật khảng khái nói: Lũ tiểu đồng của ta khi đi đường thì nóng tai trái, vào đến đây thì nóng tai phải (ý nói tâm trạng nhớ nhung khi xa nhau, vui vẻ khi gần nhau). Ngay lập tức, mâm rượu được bưng lên, Trịnh Giác Mật kiêu ngạo nheo mắt thách đố, đưa tay mời Trần Nhật Duật. Không ngần ngại, Trần Nhật Duật cầm thịt muối vừa ăn vừa dốc rượu vào mũi hết sức thành thạo. Thấy vậy, Trịnh Giác Mật kinh ngạc thốt lên: Chiêu Văn vương chính là anh em với ta! Trần Nhật Duật cũng đáp lại: Chúng ta xưa nay đều là anh em một nhà, đoạn gọi tiểu đồng mang tráp lại, tự mình mở tráp lấy vòng bạc trao tận tay cho từng đầu mục đạo Ðà Giang. Sau đó, ông chọn một chiếc vòng to nhất, lồng nguyên một chiếc vuốt cọp trao tận tay Trịnh Giác Mật.

 

 

Thi pháo đất trong lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2016. Ảnh: Trịnh Cường.

 

Bằng cách hành xử nhân văn của bậc chính nhân quân tử, Trần Nhật Duật đã xóa tan thù hận, nghi kỵ, đối địch giữa hai bên, trở về dưới mái nhà đại đoàn kết toàn dân, kề vai sát cánh chống kẻ thù hung bạo, giữ cho dải đất biên cương nằm trọn trong thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện.

 

Có nhiều câu chuyện kể về tài năng thu phục nhân tâm và hiểu biết của Trần Nhật Duật mà hậu thế phải suy ngẫm. Ðó là, khi mới ngoài 20 tuổi, Trần Nhật Duật đã được vua trao quyền đặc trách những công việc liên quan đến dân tộc thiểu số. Nhờ thành thạo tiếng Tống, Thanh, Chiêm mà có lần tiếp xúc với sứ thần triều Nguyên, Trần Nhật Duật say sưa nói chuyện suốt cả ngày. Quá đỗi ngạc nhiên, sứ thần nhà Nguyên khăng khăng cho rằng Trần Nhật Duật chính là người Hán, quê Chân Ðịnh (nay là Hà Bắc, Trung Quốc) sang làm quan bên Ðại Việt. Cũng nhờ hiểu người Tống, biết tiếng Tống mà Trần Nhật Duật đã dám chấp nhận một đội quân Tống quy tụ dưới cờ đại nghĩa, sát cánh cùng quân dân Ðại Việt chiến đấu chống quân Mông - Nguyên. Sự xuất hiện của nhiều thứ quân đã làm cho quân thù hoảng loạn, giúp ông chỉ huy đội quân hỗn hợp lập chiến công vang dội trong trận Hàm Tử. Ðó là chiến thắng quân Mông - Nguyên lần thứ hai vào năm 1285.

 

Vừa giỏi ngoại ngữ và phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số trong nước, Trần Nhật Duật vừa giỏi nghệ thuật thơ, nhạc, văn chương, khoa học quân sự. Ông là danh tướng đảm trách việc soạn thảo văn thư cho 4 vị vua triều Trần (Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông và Hiến Tông).

 

Là vị vương mẫn cán, trung quân, tài đức vẹn toàn, Trần Nhật Duật xứng đáng được cả 4 đời vua phong các chức tước lớn: Thái úy Quốc công; Tá thành Thái sư và Ðại vương.

 

 

Thi cỗ cá trong lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2016. Ảnh: Trịnh Cường.

 

Sau hơn 700 năm, bài thơ “Tòng giá hoàn kinh” của Thái sư Trần Quang Khải ca ngợi chiến công của quân dân Ðại Việt năm 1285 mà trong đó có ngầm nhắc công lao của tướng quân Trần Nhật Duật luôn được hậu thế nhắc đến:

 

“Ðoạt sáo Chương Dương độ,

Cầm Hồ - Hàm Tử quan,

Thái bình tu nỗ lực,

Vạn cố thử giang san”.

Dịch là:

 

“Chương Dương cướp giáo giặc,

Hàm Tử bắt quân thù,

Thái bình nên gắng sức,

Non nước ấy ngàn thu”.

 

Trần Nhật Duật đúng là một trong những vị tướng văn võ song toàn thời Trần. Ông là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, lấy nhân nghĩa để thu phục nhân tâm, cố kết cộng đồng vì việc lớn!

 

Trần Nam

  • Từ khóa