Thứ 2, 27/01/2025, 16:17[GMT+7]

Người Nhật xin lỗi Việt Nam về nạn đói năm 1945

Thứ 2, 11/04/2016 | 09:43:30
84,089 lượt xem
Nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà dân ta vẫn quen gọi là nạn đói năm Ất Dậu là sự kiện lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nạn đói này diễn ra trên diện rộng, từ Quảng Trị trở ra Bắc, ở 32 tỉnh, thành (cũ) với hơn 2 triệu người chết đói. Thái Bình là nơi diễn ra trầm trọng nhất với 28 vạn người chết. Hơn 70 năm đã trôi qua nhưng trong ký ức của nhiều người cao tuổi, nạn đói năm 1945 vẫn còn là một cơn ác mộng, một nỗi đau nhức nhối, khó quên.

Nạn nhân đói tại trại Giáp Bát. Ảnh: Tư liệu.

 

Trong bản Tuyên ngôn Ðộc lập đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Ðông Dương để mở thêm căn cứ đánh Ðồng minh thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó, dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”.

 

Nguyên nhân chủ yếu của nạn đói này là do quân phiệt Nhật câu kết với thực dân Pháp cùng làm cho dân Bắc kỳ kiệt quệ về lương thực để không còn sức chống lại chúng. Thực hiện âm mưu thâm độc này, quân Nhật đã ráo riết vơ vét lương thực dồn vào kho, chuyển một phần về nước, bắt dân nhổ lúa trồng đay, cấm vận không cho chuyển thóc gạo từ các tỉnh phía Nam ra, cộng với thiên tai mất mùa… Hậu quả là nạn đói đã diễn ra trên diện rộng, kéo dài trong nhiều tháng từ 1944 đến 1945, số người bị chết đói nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng 8/1945.

 

Vào dịp kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai và ngày Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Ðồng minh, ngày 15/8/1995, Thủ tướng Nhật Bản Murayama đã đưa ra lời xin lỗi về tội ác của quân đội Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai: “Với hy vọng trong tương lai sẽ không còn những lỗi lầm như vậy, tôi xem xét những sự thật lịch sử hiển nhiên đó với sự xấu hổ và bày tỏ ở đây một lần nữa sự ân hận sâu sắc và lời xin lỗi chân thành của tôi”.

 

Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Viện Sử học Việt Nam và Viện Sử học Nhật Bản đã phối hợp thành lập Tiểu ban hợp tác Việt - Nhật triển khai đề tài khoa học nghiên cứu về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam nhằm góp phần làm sáng tỏ sự thật về sự kiện lịch sử khủng khiếp này.

 

 

Mùa xuân năm 1951, ngày lễ chôn cất những nạn nhân chết đói năm 1945 được tổ chức tại hầm hài cốt nghĩa trang Hợp Thiện, Hà Nội.

 

Cùng với việc thu thập, thẩm định các nguồn tư liệu lưu trữ qua sách, báo, tranh, ảnh đã được công bố trong và ngoài nước từ khi xảy ra nạn đói đến thời điểm thực hiện đề tài (1992), Tiểu ban hợp tác Việt - Nhật còn thành lập các đoàn điều tra thực địa theo phương pháp xã hội học lịch sử.

 

Thái Bình là tỉnh được chọn điều tra đầu tiên tại một điểm duy nhất là xã Tây Lương, huyện Tiền Hải. Cuộc điều tra được tiến hành trong thời gian một tháng vào giữa năm 1992. Ðồng thời với việc chia thành 5 đoàn điều tra chung trên địa bàn toàn xã, cuộc điều tra đã triển khai điều tra điểm theo 6 cấp độ: thôn, trại, xóm, ngõ, dài họ, gia đình. Các điểm được chọn là: thôn Lương Phú, một trại của thôn Thượng, xóm Bối Xuyên, ngõ xóm Giữa, dài họ Hoàng, gia đình cụ Hoàng Phúc. Kết quả điều tra đã thống kê được toàn xã Tây Lương có 3.968 người chết đói, chiếm 2/3 dân số.

 

Sau khi có kết quả điều tra, phía Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu, thẩm định và chấp nhận kết quả cuộc điều tra này. Giáo sư Furuta Moto đã viết bản báo cáo về cuộc phối hợp điều tra giữa Việt Nam và Nhật Bản ở thôn Lương Phú, xã Tây Lương với tiêu đề: Những hậu quả của nạn đói ở một thôn Việt Nam. Sau khi phân tích khá thấu đáo về lịch sử, thành phần dân cư, đời sống kinh tế của thôn Lương Phú ở thời điểm xảy ra nạn đói, việc dựng lại số dân và số người chết đói, tình hình diễn ra nạn đói, so sánh với các thôn, xã bạn…, tác giả bản báo cáo kết luận: “Sau nạn đói khủng khiếp năm 1945, xã Tây Lương bao gồm thôn Lương Phú đã trở thành một trận địa trong suốt cuộc đấu tranh chống lại thực dân Pháp và sau đó là cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhiều người đã được gửi ra chiến trường chống lại đế quốc Mỹ. Trong toàn bộ xã Tây Lương, mặc dầu có đến 511 người hy sinh và 500 người bị thương trong suốt 30 năm chiến tranh kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai song con số này còn ít hơn rất nhiều so với nạn nhân của nạn đói năm 1945. Như vậy, đối với xã Tây Lương, có lẽ nạn đói là một sự kiện tồi tệ nhất đã được biết đến trong thế kỷ này… Những con số đạt được trong cuộc điều tra ở xã Tây Lương và thôn Lương Phú đã chỉ ra rằng, tổng số người chết đói là 280.000 trên toàn tỉnh Thái Bình (hay 25% dân số) và 30.000 chết đói ở huyện Tiền Hải là sự thực…”.

 

Ngoài việc điều tra thực địa ở xã Tây Lương, các điều tra viên trong đoàn còn tiến hành phỏng vấn các nhân chứng từng chứng kiến nạn đói năm 1945 và thu thập các nguồn tư liệu khác đã công bố về số người chết ở các xã trong tỉnh Thái Bình.

 

Từ những kết quả, kinh nghiệm điều tra ở xã Tây Lương, đề tài đã tiến hành điều tra ở các tỉnh, thành từ Quảng Trị trở ra. Kết thúc cuộc điều tra, ban chủ nhiệm đề tài đã tập hợp thành một công trình đồ sộ, công bố những số liệu cụ thể về số người chết đói ở những nơi điều tra và ý kiến của các nhân chứng cùng những tư liệu liên quan đã thu thập được. Từ công trình này, Giáo sư Văn Tạo và Giáo sư Furuta Moto đã phối hợp biên soạn thành cuốn sách mang tên:  Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - những chứng tích lịch sử (Viện Sử học Việt Nam - Nhà xuất bản Trí thức xuất bản năm 2011).

 

Trong nhiều thập niên qua, giới trí thức và nhiều tầng lớp nhân dân Nhật Bản vẫn thường quan tâm tìm hiểu thực trạng và nguyên nhân diễn ra nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Nhiều tổ chức phi chính phủ ở Nhật Bản khi đến Việt Nam với mục đích làm từ thiện đều có nguyện vọng tìm hiểu về nạn đói này và dường như người Nhật thường có câu cửa miệng là chúng tôi đến để xin lỗi các bạn về việc quân phiệt Nhật đã trực tiếp góp phần chính gây ra nạn đói năm 1945 ở Việt Nam.

 

Gần đây nhất, ngày 29/3/2016, đoàn Hội đồng hòa bình hữu nghị Nhật - Việt gồm 29 thành viên do bà Takeuchi Midori, đại diện Hội Phụ nữ dân chủ Nhật Bản làm trưởng đoàn đã thăm Thái Bình để tìm hiểu về nạn đói năm 1945 và thăm Trung tâm Phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam tỉnh. Trong cuộc tọa đàm với đoàn do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh tổ chức cũng như khi đến thăm xã Tây Lương và trong suốt quá trình tiếp xúc, nhiều thành viên trong đoàn luôn nói lời xin lỗi Việt Nam. Ðặc biệt, trong đoàn có một số người ở tuổi ngoài 80, trong đó có một bà 85 tuổi đã xúc động cho biết: “Những năm 1943 - 1945, nước Nhật thiếu lương thực cũng có nhiều người chết đói, khi ấy tôi còn bé, mỗi bữa được lưng bát cơm. Bà nội tôi nói đó là gạo của Việt Nam. Tôi còn nhớ, đó là loại gạo hạt dài và mảnh. Sau này chúng tôi mới hiểu được là mình sống được nhờ gạo của Việt Nam nhưng ở Việt Nam lại có nhiều người chết đói. Nay tôi đến để xin lỗi các bạn”. Bà trưởng đoàn cho biết, Hội Phụ nữ dân chủ Nhật Bản được thành lập năm 1946, một năm sau khi xảy ra nạn đói ở Việt Nam. Bà đã ba lần đến Việt Nam và sẽ còn đến nữa để xin lỗi Việt Nam.

 

Cách đây hơn 7 thập niên, ở Việt Nam đã xảy ra thảm cảnh đau thương do quân phiệt Nhật gây ra. Nỗi đau thương này thật khó phai mờ trong ký ức của mỗi người dân đất Việt. Nhưng bằng tất cả nỗ lực từ hai phía, Việt Nam và Nhật Bản đã cùng khép lại quá khứ để mở ra một chương mới về sự hợp tác, phát triển. Ðương nhiên, cũng cần phải thấy rằng, lợi ích phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đòi hỏi sự quan tâm đến thực tế lịch sử. Có lẽ, đó chính là điều phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước. Những người dân có lương tri của Nhật Bản đã phần nào nhận rõ trách nhiệm của nước Nhật về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam và đã chân tình nói lời xin lỗi.

 

Nguyễn Thanh

Vũ Quý, Kiến Xương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày