Núi khuyết, sông vơi, biển dâng đầy nước mắt
Tháng 4, những cơn gió đông bắc lạc lõng cuốn theo mưa mù ướt lạnh ngày cuối xuân không ngăn nổi bước chân tôi tìm về Hưng Hà - miền đất địa linh, nhân kiệt, nơi mà mỗi con người sinh ra ở đây có thể đã thuộc câu ca:
“Nếu là con mẹ, con cha
Thì sinh ở đất Duyên Hà, Thần Khê”
Tìm về làng Hải Triều, may mắn cho tôi đúng ngày Câu lạc bộ Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ sinh hoạt. Nhân dịp đầu xuân, các cụ trong Câu lạc bộ khánh thành bia đá khắc áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo của quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi mà dân gian cho rằng, những lời tuyên ngôn bất hủ trong Cáo Bình Ngô kia phần lớn ý tứ của Nguyễn Thị Lộ. Gặp khá đông bậc cao niên trong làng, tôi có dịp được nghe các cụ chiêu tuyết nhiều giai thoại về cuộc đời và thi văn của bà. Lần tìm cảo thơm, sử chép: “Ngày 27 tháng 7 âm lịch 1442 (Nhâm Tuất, niên hiệu Ðại Bảo thứ ba), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Ðông, duyệt quan ở thành Chí linh, Hải Dương. Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Ngày 4 tháng 8 âm lịch, vua về đến Lệ Chi Viên, thuộc huyện Gia Ðịnh (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi khi ấy đã vào tuổi 40 được vua Lê Thái Tông sủng ái vì sắc đẹp, yêu quý bởi văn hay, luôn được vào hầu bên cạnh vua. Khi về đến Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng hà, lúc này ông mới 20 tuổi. Các quan bí mật đưa về kinh thành, ngày 6 tháng 8 đến kinh sư, nửa đêm vào đến cung mới phát tang. Triều đình đã quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua. Nguyễn Trãi và gia đình bị án tru di tam tộc và bị giết ngày 16 tháng 8 âm lịch năm này. Ðến tháng 7 âm lịch năm 1464, vua Lê Thánh Tông đã rửa oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước Tán trù bá và bổ dụng người con còn sống sót của ông là Nguyễn Anh Vũ trong triều”. 22 năm sau ngày xảy vụ án Lệ Chi Viên, Nguyễn Trãi được vua Lê Thánh Tông ban chế tẩy oan và ca ngợi “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (nghĩa là: Lòng Ức Trai sáng như sao Khuê). Năm 1980, dựa trên những kết quả nghiên cứu về Nguyễn Trãi của nhiều học giả trong và ngoài nước, UNESCO đã công nhận Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa thế giới.
Về mối tình giữa quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, sử chép: Nhân buổi chiều thư thả dạo chơi ven Hồ Tây, Nguyễn Trãi gặp Nguyễn Thị Lộ. Thoạt thấy dáng cách thiếu nữ thanh tao, nhan sắc đậm đà, Nguyễn Trãi bèn dừng chân gạn hỏi và gợi chuyện làm quen. Thấy cô gái còn rất trẻ, gương mặt thanh tú, đối đáp thông minh, ứng xử nhanh, ông đã ngẫu hứng:
Ả ở đâu ta bán chiếu gon
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi
Ðã có chồng chưa? Ðược mấy con?
Mấy câu thơ phiêu bồng của một ông quan chưa hề quen biết không khiến cho Nguyễn Thị Lộ rung động, nàng thản nhiên đáp lại:
Tôi ở Hải Hồ bán chiếu gon
Can chi ông hỏi hết hay còn
Xuân xanh chừng độ hai mươi tuổi
Chồng còn chưa có, có chi con!
Lời thơ trong sáng, ý tứ sâu sắc, chỉ riêng đầu câu thứ hai “Can chi...” thôi Nguyễn Thị Lộ đã tỏ ra là người có học thức cao vì “thập thiên can” là Giáp, Ất… còn “địa chi” là Tý, Sửu... Ở đây, Nguyễn Thị Lộ muốn nói với ông quan kia rằng, tôi là người còn trinh trắng trong giai đoạn đầu đời. Câu thơ vừa thốt lên đã khiến quan hành khiển Nguyễn Trãi nảy ý mê say và không lâu sau đã cưới Nguyễn Thị Lộ làm thiếp. Cặp tài tử giai nhân này đã có một thời gian không dài sống với nhau rất hạnh phúc, tâm đầu ý hợp, xướng họa tâm đắc. Cũng theo dân gian truyền lại, dưới triều đại Thuận Thiên, vua Lê Lợi đã giao chức nữ quan học sĩ cho Nguyễn Thị Lộ đảm trách việc dạy dỗ các hoàng tử, công chúa, phi tần… Chính bà là bảo mẫu của thái tử Lê Nguyên Long (tức vua Lê Thái Tông). Sau này, bà lại được chính vua Thái Tông mời vào cung giữ chức vụ Lễ nghi học sĩ, rèn dạy các cung nữ và các con vua ở tòa Kinh Diên. Tương truyền rằng, nhân dịp này, Nguyễn Thị Lộ đã soạn thảo và cho chấn chỉnh nhiều phong tục từ trong cung ra đến ngoài triều. Bà đã được đàm đạo nhiều lần cùng vua Lê Thái Tông, có lần bà xin đạo dụ cho mở mang nền học vấn dân tộc nhưng vì thời gian quá ngắn ngủi nên chưa kịp thực thi.
Làng Hải Triều quê bà thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà nay, xưa kia là cửa biển Hải Thị, cách không xa kinh thành Thăng Long là mấy. Nơi ấy đã từng nảy sinh một mối tình thơ lãng mạn giữa một vị quan Thừa chỉ triều đình nhà Lê và thôn nữ “mắt phượng, mày ngài” từ quê xa lên kinh thành bán chiếu gon nhưng lại có tài thơ phú, đối đáp. Cùng với chiếu Hới, gái Hải Hồ (sau đổi thành Hải Triều) nổi tiếng đảm đang và xinh đẹp, đã vào phương danh được truyền khẩu xưa nay: “Rượu me, chè Thái, gái Hải Triều”. Có ai ngờ được rằng, người con gái làng Hải Triều xinh đẹp cùng mối tình thơ ấy sau này lại là một nỗi oan nghiệt ngất trời nam, làm lịch sử như ngừng quay, thời gian như ngừng trôi trong nỗi đau thương đến tột cùng của nhân thế bởi vụ án Lệ Chi Viên. Nỗi đau thương từ vụ án cùng với cái chết thảm thương của Nguyễn Thị Lộ vẫn còn ai oán cho mãi đến bây giờ. Nguyễn Trãi đã được tẩy oan, đời sau vinh danh ông là danh nhân văn hóa thế giới nhưng người đời vẫn chất chứa niềm đau và mỗi lần lật giở trang sử về bà người ta có cảm giác vụ án vẫn còn đang nhỏ máu. Nhắc đến thân phận Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, người đời vẫn day dứt về cuộc đời một nữ sĩ tài hoa, một người bạn đời tâm đầu ý hợp của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Bà vẫn chưa được chiêu tuyết, minh oan và được tôn vinh một cách đúng mức. Không phải Nguyễn Trãi không biết ái nữ của mình được vua Lê sủng ái, thế nên Nguyễn Trãi luôn trong nỗi niềm của người vô vọng, nhất là trong khi thế thời ngả nghiêng, triều chính đang đà lũng đoạn do bọn gian thần lộng hành. Ðời thì vậy, còn tình thì bơ vơ, có người thiếp yêu nhất đồng thời cũng là bạn tri âm, tri kỷ lại phải cầm lòng sống xa cách, Nguyễn Trãi buồn nản tâu vua xin từ quan về ở ẩn tại Chí Linh. Còn Nguyễn Thị Lộ đêm ngày trong cung, phải đối mặt với bao thử thách, cám dỗ, khi nghe lời than của chồng, bà đã làm thơ, có câu nhắn gửi:
“Trỏ núi nào thề, nào thốt, nguyện cùng nhau đầu bạc trăm năm,
Vạch sông làm chứng, làm từ, ước cùng nhau sống lâu muôn tuổi…
...Chớ nghĩ: Ai quên mối tình muộn màng, núi tuy khuyết mà lòng thiếp không khuyết.
Chớ lo: Ai nhạt lời thề cố cựu, sông dù vơi mà ý thiếp không vơi”.
Xưa, bọn gian thần xiểm nịnh đã đẩy thân phận người con gái tài sắc vẹn toàn trở thành hậu thân của con rắn báo oán. Chúng bày đặt mưu sâu kế hiểm để chờ thời cơ là vu khống và đổ tội tru di tam tộc Ức Trai Nguyễn Trãi, vì thế đã làm cho vụ án vừa thêm bi đát lại vừa có nguyên cớ cho rằng “nợ đời” nên Nguyễn Trãi đã lấy nhầm phải “rắn độc”, vì vậy ông mới gặp đại họa! Nhưng, chẳng cần phải chứng minh thì Nguyễn Thị Lộ vẫn là người đàn bà bằng xương bằng thịt, có khác chăng bởi bà là một phụ nữ tài hoa, cương trực, hơn nữa bà là một nữ sĩ tài sắc, được vua Lê sủng ái triệu vào cung. Có lẽ cũng tại bởi được vua yêu mà cũng từ sự sủng ái đó bao nỗi oan nghiệt ập đến với cuộc đời bà. Sau bao nhiêu năm cùng Nguyễn Trãi phò tá nhà Lê, Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ kết cục lại cùng Nguyễn Trãi sẻ chia cái chết thảm khốc nhất trong lịch sử dân tộc. “Thịt nát, xương tan” đã đành nhưng đau xót hơn khi những trước tác thi phú của bà cũng bị tiêu hủy, bỗng dưng bà chỉ còn là cái bóng mờ nhạt của Nguyễn Trãi trong lịch sử.
Viết về bà, Giáo sư Vũ Khiêu khẳng định: Ít nhất, bà cũng là người tài hoa trong văn học, sắc sảo trong chính trị, chu đáo trong ứng xử và thủy chung trong tình nghĩa. Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ đã dâng trọn cuộc đời phục vụ cho sự bền vững của vương triều Lê và sự phồn vinh của non sông Ðại Việt.
Ông Nguyễn Hoa Mai, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ
Tưởng nhớ danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và chiêu tuyết phẩm giá của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, Câu lạc bộ vinh hạnh được mang tên bà. Câu lạc bộ có gần 500 hội viên ở khắp các vùng miền đất nước nhưng hội viên nòng cốt ở làng Hải Triều. Ngoài sự tôn sùng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, các hội viên còn tích cực chiêu tuyết để mọi người hiểu rõ về bà, đồng thời thường xuyên chăm lo công việc gìn giữ, tu bổ đền thờ, khơi dậy truyền thống hiếu học, hướng thiện cho con em khắp vùng.
Ông Đặng Sánh, chủ xây dựng công trình đền thờ, tượng đài Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ
Chúng tôi dành hết tâm sức đêm ngày xây dựng đền và đế tượng đài của bà. Lạ lùng thay, cả một cái ao rộng, bùn sủng, mạch ngầm nhiều nhưng khi hạ móng xây đế tượng đài chúng tôi cứ như được nâng lên. Những người thợ xây chúng tôi tâm niệm, bà là Đức Thánh Mẫu!
Bà Hà Thị Phôi, hội viên Câu lạc bộ Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ
Từ ngày rước bà về thờ ở làng, con cháu chúng tôi rất phấn khởi, thường lấy tấm gương đức hạnh của bà để noi theo. Quỹ khuyến học, khuyến tài cũng mang tên bà để động viên, khen thưởng cháu con học hành đỗ đạt. Trong tâm thức, chúng tôi vẫn coi bà bất tử. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX năm 2024 cho 36 thanh niên xuất sắc tiêu biểu
- Thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Diễn đàn thanh niên phát triển kinh tế xanh, bền vững
- Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Thái Bình năm 2024
- Lễ phát động “300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- UBND tỉnh: Tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng