Thứ 3, 06/08/2024, 23:22[GMT+7]

Gặp những anh hùng thời lửa đạn

Thứ 6, 29/04/2016 | 18:46:02
1,668 lượt xem
Chiến sĩ đặc công Ngô Văn Lủi, phi công Phạm Tuân là hai trong số những anh hùng của mảnh đất Thái Bình trung kiên, anh dũng. Ở họ luôn toát lên nghị lực phi thường, tinh thần chiến đấu quả cảm, không ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận hi sinh. Chiến công của họ và đồng đội đã góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc trong đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Để hôm nay và mai sau,

 

* Đánh như Ngô Văn Lủi

 

Thái Bình năm 1968.

 

Chàng thanh niên Ngô Văn Lủi ở thôn Hoài Hữu, xã Thái Sơn, huyện biển Thái Thụy lên đường nhập ngũ. Nguyện vọng cháy bỏng của những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi như ông Lủi ngày đó là được cầm súng vào Nam chiến đấu giải phóng quê hương. Cả nhà có ba anh em thì cả ba đều là bộ đội. Riêng Ngô Văn Lủi với sức khỏe trời cho, nhanh nhẹn trở thành chiến sĩ đặc công. Sau một năm huấn luyện, ông đã có mặt trong đội hình lực lượng đặc công quân giải phóng miền Nam, cùng đồng đội lập nên những chiến công huyền thoại để sau này, kinh nghiệm chiến trường và những trận đánh lịch sử mà ông và đồng đội tham gia đã trở thành một trong những giáo trình tổng kết và huấn luyện của Binh chủng Ðặc công anh hùng.

 

 

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – Đại tá Ngô Văn Lủi.

 

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô, ông bảo: Các đồng chí hãy viết về sự hy sinh của những người lính và viết về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, viết về Trường Sa, Hoàng Sa chứ chuyện của chúng tôi đã diễn ra lâu lắm rồi, sách báo viết nhiều rồi. Như chợt nhớ điều gì, lặng im một lát, ông nói như thể nói với chính mình: Tôi tiếng là vậy nhưng còn có cơ hội trở về. Nhiều lắm đồng đội tôi không biết giờ này còn đang yên nghỉ ở đâu, nơi rừng xanh, núi thẳm.

 

Chuyện chiến đấu của Ngô Văn Lủi như là huyền thoại. Trong vòng 5 năm làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, ông đã tham gia nhiều trận đánh, trong đó điển hình là trận đánh sân bay Pôchentông, đài phát thanh, trung tâm viễn thông, nhà máy cao su, kho bom đạn Môngđuôn.

 

Pôchentông là một trong những sân bay quân sự lớn của Mỹ trên đất Campuchia.  Ðể tiềm nhập, trinh sát nắm địch, bộ đội đặc công phải vượt qua 5 hàng rào dây thép gai các loại. Nhổ được cái gai Pôchentông sẽ góp phần giảm bớt máu xương của đồng bào và quân giải phóng trên chiến trường miền Nam. Hai tiểu đoàn đặc công được giao nhiệm vụ quan trọng này. Riêng tổ đặc công của Ngô Văn Lủi gồm 3 chiến sĩ “đánh nở hoa trong lòng địch”. Ngô Văn Lủi mang bộc phá lệnh và 25 quả thủ pháo loại 1kg chịu trách nhiệm đánh nhà giặc lái. Hai đồng đội khác là Nguyễn Văn Thảo và Nguyễn Văn Hưng diệt lính gác và phá hủy máy bay địch.

 

Ba người đột nhập được vào bên trong sân bay. Ðang nấp vào bánh chiếc máy bay vận tải CH47, bỗng nhiên có hai tên lính tiến về phía ta, chúng vừa đi vừa nói chuyện, tay lăm lăm súng. Ðúng lúc đó, thời gian nổ pháo lệnh đã tới. Nguyễn Văn Hải nổ súng tiêu diệt lính gác. Chớp thời cơ, Ngô Văn Lủi ôm bộc phá lao đến khu nhà giặc lái ném rồi chạy ra. Chạy được khoảng 30m thì khối thuốc 7kg phát nổ. Sức ép của vụ nổ mạnh đến mức ép ông ngã sấp xuống  mặt đường băng.

 

Tuy không được phân công nhiệm vụ chính là đánh máy bay nhưng thấy mũi tiến công của đồng đội chưa hoàn thành, Ngô Văn Lủi cùng đồng đội quay ra diệt máy bay. Bằng cách đánh của đặc công, hai chiến sĩ đã phá hủy được 16 chiếc, riêng Ngô Văn Lủi phá hủy được 11 chiếc. Ðánh hết máy bay, ông lại đánh tiếp trung tâm sửa chữa máy bay của địch.

 

Trận ấy, Ngô Văn Lủi và đồng đội đã tiêu diệt 115 máy bay, 9 kho bom đạn, hơn 350 giặc lái và nhân viên kỹ thuật, làm hỏng, tê liệt toàn bộ sân bay Pôchentông.

 

Những trận đánh kho bom đạn Môngđuôn năm 1972 - 1973 cũng là những kỷ niệm không thể nào quên đối với người đại tá đặc công này. Ông kể: Trước khi vào trận, tổ của ông đã hai lần trinh sát, ba lần tấn công kho bom. Cũng như các căn cứ, kho tàng quân sự khác, kho Môngđuôn được địch canh gác rất nghiêm ngặt với 5 hàng rào thép gai bao quanh. Cứ 50m có một lô cốt và 5 tên lính gác. Chờ mãi, đúng lúc bọn địch ở lô cốt bên trái có đồ nhậu, bọn lính lô cốt bên phải kéo sang. Chỉ cần chục giây, Ngô Văn Lủi đã qua được vòng gác dày đặc lính. Sau hai tiếng ở trong kho điều tra xem xét kỹ lưỡng ông mới trở ra. Sau đó, phương án đánh địch được xây dựng. Khi trăng lên, ba chiến sĩ khác không vào được, còn lại có Ngô Văn Lủi và chiến sĩ tên là Ý, mỗi người mang 2 quả bộc phá 5kg.

 

Bốn quả bộc phá được đặt giữa hai tầng những quả bom ở bốn vị trí trong bốn kho và hẹn giờ. Tổ đặc công thoát ra ngoài an toàn thì bốn quả bộc phá nổ. Cả kho bom đạn của địch nổ ròng rã suốt một ngày đêm. Trận đó, 500.000 tấn bom đạn mà kẻ thù chuẩn bị mang đi gây tội ác đã bị phá hủy. 1.000 tên địch phải đền tội.

 

Sau khi kho bom đạn Môngđuôn bị đánh phá tan tành, bọn địch tiến hành xây dựng lại. Bộ đội đặc công lại chuẩn bị đánh  lần thứ hai. Ngô Văn Lủi lại được giao nhiệm vụ cùng đồng đội phá hủy kho bom. Nhưng không may, lần này do công binh đặt hẹn giờ thuốc nổ quá lâu nên địch phát hiện và vô hiệu hóa. Trận đánh thất bại. Cũng từ đó, Ngô Văn Lủi càng quyết tâm phải đánh bằng được kho bom này. Ngày cuối tuần trăng đó, hai chiến sĩ Lủi và Nhâm trong nhóm cảm tử được phân công vào đánh.

 

Vào hàng rào đầu tiên, Ngô Văn Lủi bảo đồng đội Nhâm ở ngoài và dặn: “Nếu tôi chết, nhớ ngày này là ngày giỗ”. Nói xong ông ôm bộc phá một mình bò vào. Kho bom xếp theo hình chữ F, Ngô Văn Lủi đặt khối thuốc nổ ở điểm ngã ba chữ F kho chất nổ C4. Lần này kho bom nổ ròng rã 13 tiếng đồng hồ, phá hủy 250.000 tấn bom đạn và khiến 350 tên địch thiệt mạng.

 

Ngô Văn Lủi cùng với các thế hệ đặc công - biệt động trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã góp phần viết tiếp trang sử vàng chói lọi vào truyền thống hào hùng của đặc công Việt Nam: “Ðặc biệt tinh nhuệ. Anh dũng tuyệt vời. Mưu trí, táo bạo. Ðánh hiểm thắng lớn”.

 

* NGƯỜI 3 LẦN ANH HÙNG

 

Miền Bắc Việt Nam năm 1965.

 

Khi chưa tròn 18 tuổi, Phạm Tuân lên đường nhập ngũ. Năm 1967, ông tốt nghiệp Trường phi công quân sự ở Liên Xô (trước đây) và trở thành sĩ quan lái máy bay chiến đấu của Trung đoàn Không quân Sao Ðỏ. Giữa năm 1972, ông là 1 trong 12 phi công được chọn để đào tạo lái tiêm kích bay đêm, chuẩn bị cho việc đánh B-52.

 

 

Trung tướng - Anh hùng Phạm Tuân.

 

Trong trận “Ðiện Biên Phủ trên không” chiếc MiG-21FM của Phạm Tuân cất cánh hồi 22 giờ 16 phút đêm 27 tháng 12 năm 1972 từ sân bay dã chiến Yên Bái, theo chiến thuật “đi thấp kéo cao” nhằm tránh radar của máy bay địch. Sau khi dẫn đường mặt đất thông báo cách phi đội địch 8 – 9 km, Phạm Tuân kéo cao, dùng tốc độ cao để bất ngờ bay vọt qua hai tốp F-4 hộ tống, khiến những chiếc F-4 không kịp phản ứng. Sau khi vọt qua đội F-4, ông tiếp cận hai chiếc B-52. Khi còn cách B-52 khoảng 4km, dẫn đường mặt đất ra lệnh bắn, nhưng Phạm Tuân chờ thêm mấy giây để tiếp cận gần hơn rồi mới bắn. Chiếc MiG-21 cũng tắt radar và các thiết bị liên lạc để B-52 không phát hiện ra. Ông bắn rơi một chiếc trên vùng trời phía tây Hà Nội bằng 2 quả tên lửa không đối không, rồi nhanh chóng thoát ly, trở về hạ cánh xuống sân bay Yên Bái.  Do thành tích này, ngay sáng ngày 28 tháng 12 năm 1972 phi công Phạm Tuân được Ðại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen. Ông được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam ngày 3 tháng 9 năm 1973. Khi đó ông đang là thượng úy biên đội trưởng thuộc Ðại đội 5, trung đoàn 921, Sư đoàn Không quân 371. Nhớ lại những ngày đối đầu với B-52 Trung tướng Phạm Tuân cho biết, đây là loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa, cự ly bay hàng chục nghìn kilômét, mang tới 30 tấn bom các loại, mức độ hủy diệt của nó thật khủng khiếp.

 

Cuối tháng 11 năm 1972, phương án cuối cùng đánh B-52 đã được Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và tập thể lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu trực tiếp thông qua, sau đó được Ðại tướng Võ Nguyên Giáp phê chuẩn.

 

 

Chiếc máy bay MIG21MF mang số hiệu 5121 mà Phạm Tuân đã điều khiển và bắn rơi một máy bay B52 vào ngày 27/12/1972.

 

“Những thời điểm như vậy thể hiện trí tuệ, sáng tạo của dân tộc, của không quân nhân dân Việt Nam. Chúng ta phải cất cánh trong những điều kiện khó khăn, và mệnh lệnh là khi B-52 vào, phải cất cánh lên được để đánh”. Ðồng thời cũng là để đáp lại lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu đối với bộ đội không quân: “Tổ tiên ta từ xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như Bạch Ðằng, Hàm Tử; Chi Lăng, Vạn Kiếp, Ðống Ða… Ngày nay, chúng ta phải mở một mặt trận trên không thắng lợi, trách nhiệm ấy trước hết là của các chú. Phải học tập Quân giải phóng miền Nam, phát huy lối đánh gần, bám thắt lưng địch mà đánh… Ðánh tiêu diệt, bắn trúng, bắn rơi máy bay địch ngay từ loạt đạn đầu…”

 

Theo Trung tướng Phạm Tuân, khi gặp B-52, ông không chỉ hồi hộp, mà còn lo lắng vì nhiều lý do. Nếu sơ hở một chút, bật ra đa sớm thì máy bay F4 bảo vệ B-52 sẽ bắn, B-52 chạy mất. Nguy hiểm lúc đó tôi không sợ mà chỉ sợ B52 chạy mất. Ðến khi phóng được quả tên lửa đi ông mới thở phào nhẹ nhõm.

 

Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, đến thời điểm này, trung tướng Phạm Tuân là người Việt Nam duy nhất ba lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng, gồm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động của Việt Nam và Anh hùng Liên Xô.

 

Trần Nam

  • Từ khóa