Thứ 7, 26/04/2025, 06:39[GMT+7]

Bác Hồ và Ðại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ 2, 09/05/2016 | 09:35:20
1,481 lượt xem
Ðại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ðược sự dìu dắt của Bác Hồ, năm 1940, Võ Nguyên Giáp được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương. Từ năm 1941, ông trở về nước hoạt động, tích cực tham gia thành lập Mặt trận Việt Minh và được giao phụ trách Ban Xung phong Nam tiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại sở chỉ huy chiến dịch Biên giới năm 1950.

 

Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, phong quân hàm trung tướng, thiếu tướng cho một số đồng chí khác. Trong buổi lễ phong tướng, Bác nói: Việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác hôm nay là kết quả biết bao hy sinh chiến đấu của đồng bào, đồng chí… Các thế hệ đi trước chiến đấu cho độc lập mà sự nghiệp không thành, nhắm mắt vẫn còn chưa thấy độc lập, tự do. Chúng ta ngày nay may mắn hơn nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn. Nghĩ tới hàng nghìn, hàng vạn người đã ngã xuống cho ngày hôm nay, chúng ta càng phải cố gắng giành cho được độc lập, tự do để thỏa mãn vong linh của những người đã khuất...

 

Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, tình thế cách mạng vô cùng hiểm nghèo. Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo lấy chữ “Nhẫn” với kẻ thù để kéo dài thời gian hòa hoãn, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ. Song, những nhân nhượng ấy cũng có một số cán bộ chưa đồng tình. Ðể thông suốt chủ trương, trong một cuộc họp, Bác đã hỏi mọi người: “Mình đứng đây, cái bục ở đây (Bác chỉ tay vào cái bục ở ngay trước ngực), mình có thể nhảy qua cái bục này được không?”. Mọi người ngạc nhiên, chưa biết Bác định nói gì thì Bác hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp:

 

- Chú Văn! Chú là người giỏi văn, giỏi võ, chú thấy có thể nhảy qua được không?

 

Ðại tướng đứng dậy từ tốn trả lời: Thưa Bác! Có thể nhảy qua được, nhưng chỉ với một điều kiện.

 

Bác hỏi tiếp: Ðiều kiện gì?

 

Ðại tướng bình tĩnh đáp: Thưa Bác! Mình phải lùi lại một khoảng để lấy đà.

 

Bác khen: Chú nói đúng! Chúng ta nhân nhượng với giặc chính là đang lùi lại để lấy đà đấy!

Sau những chiến thắng vang dội của quân và dân ta trên khắp các mặt trận, cuối năm 1953, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp ra mặt trận làm Tổng Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Trước khi đi, Ðại tướng đến chào từ biệt Bác Hồ. Sau khi hỏi và trao đổi thêm một số vấn đề cơ mật với Ðại tướng, Bác hỏi: Trận này chú lên đường có khó khăn gì không? Ðại tướng thưa: Báo cáo Bác, chỉ có điều khó khăn là xa Trung ương, xa Bác nên không thể nhận được chỉ thị trực tiếp từ Bác”. Bác căn dặn: Tướng quân tại ngoại. Trung ương Ðảng và Bác trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng. Nhất định phải thắng. Chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh. Chú hãy nhớ trận này chỉ được thắng, không được thua, vì nếu thua thì ta hết vốn.

 

 

Đoàn dân công đẩy xe đạp thồ chở vũ khí, lương thực, thuốc men... lên trận tuyến. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta đã sử dụng hơn 20.000 xe đạp thồ, vận chuyển hàng trăm ki-lô-mét.

 

Nhớ lời căn dặn của Bác, khi đến Ðiện Biên, trực tiếp theo dõi tình hình địch và qua thông tin từ Cục Bảo vệ an ninh quân đội, Cục Quân báo - Trinh sát, tâm tư của cán bộ, chỉ huy các đại đoàn và sĩ quan tác chiến, Ðại tướng nhận thấy địch đã xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố, tăng cường thêm quân và vũ khí do Mỹ viện trợ để Ðiện Biên Phủ trở thành tập đoàn cứ điểm “bất khả xâm phạm”, chủ động chờ quân ta đến để dàn trận, nghiền nát quân chủ lực Việt Minh. Xét thấy phương châm “Ðánh nhanh, giải quyết nhanh” không bảo đảm chắc thắng và sẽ mắc mưu địch, Ðại tướng đã quyết định táo bạo, thay đổi phương châm từ “Ðánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Ðánh chắc, tiến chắc”. Thực tế đã chứng minh quyết định của Ðại tướng là một yếu tố cực kỳ quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bác Hồ đã gọi đó là “cây cột mốc bằng vàng”.

 

Những chiến công của quân đội ta trong “một thế kỷ - hai cuộc trường chinh” hay trong hòa bình, xây dựng đất nước luôn gắn liền với tên tuổi của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Từ cổ chí kim, hiếm có một vị tướng nào từ khi còn sống đến lúc qua đời được toàn thế giới thừa nhận: Ðại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một nhà văn hóa lớn. Ðiều sâu sắc ấy thể hiện ở chỗ: Với tầm nhìn xa trông rộng, tư duy biện chứng sắc bén, độc đáo, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã không mắc sai lầm về chiến lược và chiến thuật quân sự. Vì vậy, việc bài binh bố trận, dùng mưu - kế - thế - thời, vây hãm, chia cắt và tiến công quân sự của ông thật tuyệt vời. Ðại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một vị tướng đặc biệt nhân văn từ quan điểm đến việc làm, từ cuộc sống đời thường đến tác phong chỉ huy. Nhờ tài cầm quân, tinh tường binh pháp, ông biết giành thắng lợi nhưng ít hao tổn xương máu của tướng sĩ, đồng bào. Ðó là triết lý nhân sinh đầy ắp nhân văn, nhân đạo, tỏa ánh sáng văn hóa trọn vẹn cuộc đời vị Ðại tướng của nhân dân, Tổng Tư lệnh, Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Trần Nam

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày