Chủ nhật, 28/07/2024, 15:16[GMT+7]

Vinh quang Ðại đội 4 anh hùng

Thứ 2, 30/05/2016 | 09:27:13
2,029 lượt xem
Nói tới Ðại đội 4 pháo cao xạ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong những năm kháng chiến cứu nước là nói tới chiến công vang dội bắn rơi 8 máy bay giặc, được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1969. Là cái tên khiến không quân Hòa Kỳ khiếp đảm trong suốt những năm chiến tranh Việt Nam, Ðại đội 4 đã trở thành niềm tự hào, kiêu hãnh không chỉ của riêng cán bộ, chiến sĩ Ðại đội mà của cả quân và dân Thái Bình.

Đại đội 4 pháo cao xạ trong ngày gặp mặt.

 

Năm nay đã bước sang tuổi thất tuần, ông Lê Đức Thanh ở tổ 23, phường Đề Thám, thành phố Thái Bình như được sống lại thời tuổi trẻ khi chúng tôi tới thăm và tìm hiểu về những chiến công của Đại đội 4 pháo cao xạ, nơi ông từng tham gia chiến đấu. Câu chuyện giữa ông và chúng tôi liên tục bị gián đoạn vì sự xúc động khi ông nhớ về những năm tháng hào hùng sống và chiến đấu bên mâm pháo.

 

Tháng 6/1967, ông Thanh được biên chế về Đại đội 4, đóng quân ở cống Lân (Tiền Hải) khi đơn vị thành lập được tròn 1 năm. Với 4 khẩu đội pháo cao xạ 37mm và hơn 40 cán bộ, chiến sĩ, cả Đại đội luôn phải gồng mình chống chọi với nắng mưa trên trận địa và bom đạn của giặc trút xuống. Khi đế quốc Mỹ thất bại nặng nề trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, chúng chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, dốc toàn lực với mong muốn giành thế áp đảo trên chiến trường Việt Nam hòng “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”. Khi chúng huy động hàng nghìn máy bay chiến đấu ném bom miền Bắc cũng là lúc Đại đội 4 căng sức chiến đấu, không một phút nghỉ ngơi. Ông Thanh kể: Ngày nào cũng có một tốp máy bay F4, F8U, AD6 từ biển Đông vào đánh phá các thành phố, thị xã của miền Bắc, trong đó có thị xã Thái Bình. Sau khi cắt bom vào các trận địa, chúng rút nhanh ra biển. Cống Lân - nơi có trận địa pháo cao xạ của Đại đội 4 trở thành một trong những mục tiêu đánh phá của không quân Hoa Kỳ. Năm 1967, đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ chặn đánh máy bay giặc khi chúng từ biển vào và khi chúng rút ra. Suốt cả ngày và trắng đêm, anh em trinh sát và các khẩu đội liên tục trực chiến, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, quyết tâm tiêu diệt máy bay giặc. Chỉ trong năm 1967, Đại đội 4 đã bắn rơi 6 máy bay chiến đấu của không quân Hoa Kỳ.

 

 

Vợ chồng ông Mân bà Hồi ôn lại kỷ niệm về những ngày tháng ở Đại đội 4.

 

Bị giáng những đòn chí mạng và thiệt hại nặng nề, giặc càng điên cuồng đánh phá, bất cứ nơi nào chúng nghi ngờ. Trận địa pháo cao xạ của Đại đội 4 ở cống Lân trở thành nơi giặc trút bom bừa bãi. Trước sự đánh trả quyết liệt của Đại đội 4, giặc không thể đánh trúng mục tiêu nhưng nhiều lần bom của chúng đã rơi sát trận địa của Đại đội. “Một quả bom tạ rơi gần giao thông hào, mảnh bom xuyên thủng hòm đạn pháo đựng quần áo của đồng chí Mộc trung đội trưởng, suýt cướp mất mạng một số anh em. Cả trận địa đất cát bay mù mịt, không khí khét lẹt mùi khói bom, mặt mũi anh em lấm lem, nhìn không nhận ra nhau. Tất cả tự nhủ phải chiến đấu đến cùng, quyết tâm bắn hạ máy bay của chúng ngay trên trận địa này” - ông Thanh kể.

 

Năm 1968, khi giặc tạm ngừng ném bom, chuyển sang dùng máy bay trinh sát không người lái để nắm mục tiêu, Đại đội 4 được chuyển từ Tiền Hải về trực chiến tại cầu Nguyễn (Đông Hưng) để hợp với Đại đội 2 từ cống Trà Linh (Thái Thụy) và Đại đội 88 thành Tiểu đoàn 54 bảo vệ thị xã Thái Bình. Tại đây, một lần nữa Đại đội 4 bắn rơi máy bay giặc khiến chúng phơi xác ở Kim Động, Hưng Yên. Với những chiến công lẫy lừng đó, năm 1969, Đại đội 4 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Vượt quãng đường gần 30km, chúng tôi về thăm cựu chiến binh Bùi Văn Mân ở xã Bình Thanh (Kiến Xương). Ông nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 4 dân quân gái huyện Tiền Hải. Dáng người cao gầy, nhanh nhẹn, ông Mân ra tận đầu ngõ vồn vã đón chúng tôi. Theo lời kể của ông, đầu năm 1969, ông được Tỉnh đội giao nhiệm vụ về cống Lân huấn luyện cho Đại đội 4 dân quân gái huyện Tiền Hải sử dụng thành thạo pháo cao xạ 37mm, vừa huấn luyện vừa trực chiến và sẵn sàng chiến đấu. “Những cô dân quân của chúng ta rất gan dạ, quả cảm, thông minh, nhanh chóng làm chủ vũ khí, làm chủ trận địa. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, chị em đã tranh thủ tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống, không chỉ cho mình mà còn hỗ trợ cho đơn vị bạn” - ông Mân kể.

 

 

Ông Lê Đức Thanh, người đã phát hiện giúp Đại đội 4 bắn rơi chiếc máy bay trinh sát không người lái của không quân Hoa Kỳ tại trận địa cầu Nguyễn (Đông Hưng) năm 1968.

 

Nhìn khuôn mặt hiền lành, phúc hậu của người phụ nữ đã bước sang tuổi 70, ít ai có thể nghĩ bà Tô Thị Hồi (xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải) đã có một thời là pháo thủ pháo cao xạ 37mm của Đại đội 4 dân quân gái huyện Tiền Hải. Bà Hồi hồi tưởng: Tuổi thanh xuân của chúng tôi gắn liền với nắng gió thao trường, mặn chát mồ hôi, áo sờn vai, chân đất, tay chai sần kéo pháo di chuyển từ trận địa này sang trận địa khác. Trong bom rơi, đạn nổ, chị em vẫn bình tĩnh nhắm trúng mục tiêu, bắn cho quân thù trên trời cắm đầu xuống biển.

 

Năm 1972, khi tiến hành chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc, đế quốc Mỹ đã dùng nhiều tàu chiến của Hạm đội 7 tiến vào cửa biển Đồng Châu pháo kích vào khu vực trận địa và cống Lân, đồng thời dùng máy bay trinh sát thăm dò hỏa lực, máy bay ném bom đánh phá. Ông Đặng Khiêu (thành phố Thái Bình), nguyên Trung đội trưởng, Đại đội 4 pháo cao xạ nhớ lại: Ban đêm, pháo từ tàu chiến của giặc bắn lên đỏ rực cả mép biển rộng lớn, bao trùm lên trận địa, tuy không làm ai hy sinh nhưng một số quân tư trang bị cháy. Ban ngày, máy bay của chúng gầm rú chực bổ nhào ném bom. Đại đội 4 đã chủ động làm hầm hào bảo vệ người và pháo, tránh được thương vong. Do bố trí trận địa khoa học, thường xuyên di chuyển nghi binh, phối hợp, hiệp đồng tác chiến nhịp nhàng với các đơn vị bạn, Đại đội đã góp phần tạo ra lưới lửa phòng không sẵn sàng thiêu cháy các loại máy bay của giặc khi chúng lọt vào trận địa. Trong một trận đánh, với sự chi viện của Đại đội 4 dân quân gái huyện Tiền Hải, Đại đội chúng tôi đã bắn rơi chiếc F4H. Chính vì vậy, mặc dù nhiều lần chúng muốn san bằng cống Lân và trận địa pháo của ta bằng mưa bom nhưng tất cả đều lạc mục tiêu, ta vẫn bảo vệ, giữ an toàn cho các công trình trọng điểm.

 

Dù phải chiến đấu giữa sự sống, cái chết rất mong manh nhưng cán bộ, chiến sĩ Đại đội 4 vẫn không nao núng, luôn lạc quan, yêu đời. Những kỷ niệm đẹp về một thời gian khổ mà hào hùng vẫn được rất nhiều cựu chiến binh lưu giữ. Ông Đoàn Văn Vượng (xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương) chia sẻ: Giữa lúc chiến tranh cam go, ác liệt, anh em cán bộ, chiến sĩ “lên giây cót tinh thần” cho nhau bằng cách lấy những mảnh bát, mảnh đĩa đập nhỏ gắn lên vách hào dòng chữ “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Anh Lê Văn Cới, Bí thư Chi đoàn Thanh niên Đại đội còn tổ chức làm báo tường để anh em vẽ, viết lên đó những tình cảm và quyết tâm chiến đấu đến cùng để ngăn bước quân xâm lược. Báo tường được treo ngay trên ụ súng, vách hầm hào nên ai cũng thấy, ai cũng hăng hái chiến đấu.

 

Nói về tình người ở Đại đội 4 anh hùng, nhiều người còn nhớ: Một lần, đơn vị đang trực sẵn sàng chiến đấu thì nhận được tin bố đồng chí Trần Phúc Bồi (huyện Tiên Hưng) mất. Vì phải bám trận địa, không thể bố trí cho cán bộ, chiến sĩ về chia buồn cùng gia đình nên đơn vị đã tổ chức quyên góp tiền để làm đám tang cho bố của đồng đội.

 

Khi gặp những người lính Đại đội 4 năm xưa, câu chuyện được họ kể nhiều là những mối tình trắng trong, đẹp vĩnh cửu giữa các anh bộ đội và các chiến sĩ dân quân gái huyện Tiền Hải. Trong số đó phải kể đến mối lương duyên giữa anh trinh sát Lê Đức Thanh với cô tổng đài bưu điện Biển Đông ở xã Đông Lâm (Tiền Hải) Hoàng Thị Nội làm nhiệm vụ kết nối thông tin phục vụ chiến đấu và chuyển phát thư, báo cho Đại đội 4. Cảm mến tài năng, sự dũng cảm và những thành tích xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 4, cả hai đã yêu nhau và trở thành bạn đời tri kỷ, hạnh phúc cho tới tận bây giờ.

 

Còn nữa. Đó là mối tình nên vợ thành chồng giữa Đại đội trưởng Bùi Văn Mân với nữ dân quân Tô Thị Hồi; anh lính Trần Phúc Bồi với nữ dân quân Hoàng Thị Khuyên ở xã Đông Minh; anh Thiết chị Xuân ở xã Đông Lâm hay anh Ổn chị Xuân, anh Hiệp chị Ngùy… Hạnh phúc nảy nở ngay trên trận địa, trở thành một biểu tượng đẹp, là ký ức không thể nào quên đối với những người đã từng cùng nhau kề vai sát cánh bên mâm pháo của Đại đội 4 anh hùng.

 

21 năm (1966 - 1987) xây dựng, chiến đấu và trưởng thành là cũng từng ấy năm Đại đội 4 đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, liên tục là lá cờ đầu của lực lượng vũ trang Quân khu 3 với thành tích chiến đấu hơn 200 trận, trực tiếp bắn rơi 8 máy bay giặc, phối hợp với đơn vị bạn bắn rơi 3 chiếc khác. Ngày 22/12/1969, Đại đội 4 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Những chiến công của Đại đội 4 đã được báo chí trong nước và quốc tế thời bấy giờ ca ngợi. Còn câu thơ của đồng chí Trần Hoằng, Phòng Chính trị Tỉnh đội Thái Bình viết năm 1969 về Đại đội 4 đã được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đại đội thuộc nằm lòng: “Sáu máy bay thù tan xác đây/Cống vẫn hiên ngang với tháng ngày/Lúa vẫn xanh rờn bên ụ súng/Bài ca chiến thắng giọng càng say…”.

 

Có thể nói, thành tích và truyền thống của Đại đội 4 pháo cao xạ - đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đã góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của lực lượng vũ trang Thái Bình. Đó là công sức, là mồ hôi, xương máu của biết bao cán bộ, chiến sĩ; nếu không được quan tâm chú ý rất dễ bị lãng quên. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đại đội, chúng tôi, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ một lần nữa mong muốn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đầu tư xây dựng một tượng đài chiến thắng để ghi lại dấu ấn lịch sử một thời của đơn vị để từ đó các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đại đội 4 và con cháu của họ có dịp được về thăm, cũng là góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ mai sau.

 

(Ông Đặng Khiêu, nguyên Trung đội trưởng, Trưởng ban Liên lạc Đại đội 4 pháo cao xạ)

 

Khắc Duẩn

  • Từ khóa