Thứ 2, 12/05/2025, 11:04[GMT+7]

Bình minh của đất

Chủ nhật, 05/06/2016 | 19:54:24
1,155 lượt xem
Quê hương Vĩnh Bảo, Hải Phòng - mảnh đất nằm giữa ba dòng sông Luộc, sông Thái Bình và sông Hóa như nằm giữa ba dòng vọng vang và dào dạt của ba bài ca lớn. Tự ngàn xưa, người dân ở đây đã mang niềm tự hào trước non sông, trước dân tộc. Với truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, Nguyễn Văn Ngọ, một lão thành cách mạng tiền bối, người cộng sản đầu tiên của Vĩnh Bảo đã trở thành một trong những nhân vật lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời dự lễ khánh thành đê Mỹ Lộc và Hưng Nhân - Thái Bình ngày 28/4/1946 (đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Nguyễn Văn Ngọ mặc comple ngoài cùng bên phải). Ảnh do nhà văn Tô Ngọc Thạch sưu tầm.

Vào cuối thập kỷ thứ hai của thế kỷ thứ XX, từ làng nhỏ Hạ Đồng của quê hương Cộng Hiền, Vĩnh Bảo, Nguyễn Văn Ngọ, một con người như muôn vạn con người quyết một lòng ra đi "tìm hình của nước".

Sự vĩ đại của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Ngọ là gì khi ông chỉ là giáo dân ở một vùng quê nghèo trước cảnh sống tối tăm, cùng cực. Nhưng cái khác người, cái phi thường ở ông là ánh sáng, là tri thức có được. Có lẽ, ông là con một nhà nho yêu nước, bởi vậy trí tuệ đã đắp bồi và phát lộ trong ông từ những trang sách đã làm ông "mở mắt nhìn đời". Từ buổi ông bước chân vào Trường Tư thục do linh mục người Tây Ban Nha mở, những mong sau này sẽ được giáo huấn, sẽ trở thành linh mục hay lý trưởng ở làng. Rồi buổi ông bước chân vào Trường Bưởi Hà Nội, ngôi trường danh tiếng đệ nhất của nền giáo dục nước Nam thời đó.

Quả tình, không có tri thức làm sao ai đó lại có thể nhận biết được thế giới vạn vật? Làm sao lý giải, cắt nghĩa được cõi người, cõi càn khôn rộng lớn với bao nhiêu thế sự biến thiên kia? Rõ ràng, là giáo dân nhưng tri thức đã đem lại cho Nguyễn Văn Ngọ một chân trời nhận biết. Tri thức đã đem lại cho người chiến sĩ cách mạng một tự thức, một lý tưởng, một khát khao cháy bỏng: "Yêu nước. Đánh giặc. Và quyết đứng lên giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc, quê hương. Giành lấy cơm no, áo ấm và hạnh phúc cho dân mình, cho những người cần lao thoát khỏi cảnh đói nghèo, nô lệ". Chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc đã nâng tầm nhìn cho người chiến sĩ cách mạng. Không còn cái hẹp trong quan niệm, trong quy vùng lương giáo hay phân biệt các giai cấp, giai tầng xã hội khi Tổ quốc đã thức dậy trong ông một mặt trời vẫy gọi.

Từ những năm 1925 - 1926, khi đang học ở Trường Pháp Việt Hải Dương, Nguyễn Văn Ngọ đã tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh và làm bí thư tổ chức yêu nước "Tâm tâm xã" do cụ Nguyễn Văn Tố làm giám đốc. Từ ngọn lửa yêu nước được thắp lên tự trái tim mình, Nguyễn Văn Ngọ đã giác ngộ, vận động những người thân yêu trong làng xã, rồi cả năm anh em trong một gia đình ông đều chung lòng đi theo cách mạng.

Là "Người cùng thời", từng gặp gỡ, làm việc với các nhân vật sau này trở thành những lãnh tụ tên tuổi của đất nước như Trần Phú, Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Thanh Nghị, Ngô Gia Tự, Lương Khánh Thiện..., năm 1927 ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, năm 1929 gia nhập Đảng Cộng sản, từ năm 1930 ông là Xứ ủy viên trong Ban Chấp hành Xứ ủy Bắc Kỳ, từng là Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Vĩnh Bảo ngay từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.

Với quê lúa Thái Bình, Nguyễn Văn Ngọ đã hai lần gắn với mảnh đất này với tất cả máu xương và chiến công của đời người chiến sĩ cách mạng. Đó là cuộc biểu tình vang động của những người nông dân Tiền Hải. Câu ca "Tiếng trống năm ba mươi còn vọng mãi đến bây giờ..." là sự kiện gắn liền với cuộc đời chiến đấu của Nguyễn Văn Ngọ bởi từ đầu năm 1930 ông được Xứ ủy Bắc Kỳ cử về Thái Bình đảm nhiệm cương vị Thường vụ Tỉnh ủy. Ông là một trong những lãnh đạo trực tiếp có công lớn trong phong trào nổi dậy đấu tranh của nông dân Tiền Hải năm 1930.

Tại nhà hát thị xã Thái Bình, Nguyễn Văn Ngọ bị bắt trước việc lãnh đạo, tổ chức treo biểu ngữ phản đối sự đàn áp dã man của thực dân Pháp, bị tổng đốc Vi Văn Định trực tiếp ra đòn tra khảo dã man. Sau nhiều lần chết đi sống lại, ông bị kết án 20 năm tù khổ sai. Từ Thái Bình, ông bị đày đi các nhà tù tại Hải Phòng, Sơn La, Côn Đảo.

Bảy năm tù tội, khi thoát khỏi nhà lao, Nguyễn Văn Ngọ lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1939 (8 năm sau), khi phong trào cách mạng ở Việt Nam bị chính quyền thực dân ở Đông Dương ra sức đàn áp, khủng bố, ông lại bị thực dân Pháp bắt lần nữa và đày đi Căng Bá Vân (Nghĩa Lộ). Đầu năm 1945 ra tù, ông về làm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Vĩnh Bảo. Tháng 1/1946, khi vừa tròn 40 tuổi, ông được Trung ương điều về Thái Bình với tư cách là Khu ủy viên Khu Ba, giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh. Từ tháng 4/1948 đến tháng 4/1951 là Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh.

Hai lần đến với Thái Bình, sống, gắn bó với một vùng đồng bằng, quê lúa với hai giai đoạn cách mạng cực kỳ gian lao, ác liệt, kiên quyết giành lấy độc lập, tự do cho quê hương, đất nước, người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Ngọ đã có với mảnh đất này phần thắm đỏ, nặng sâu của máu thịt đời mình của bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, của đau thương và kiêu hãnh với kẻ thù, với đồng đội và sự nghiệp cách mạng to lớn.

Một chiến công lặng thầm mà sử sách muôn đời còn ghi nhận, đấy là sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Ngọ được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ làm Đặc phái viên của Chính phủ Cách mạng lâm thời gặp tổng đốc Vi Văn Định để thuyết phục viên tổng đốc này tự đầu hàng, quy phục.

Một tình huống thật "kịch tính": Nguyễn Văn Ngọ phải giáp mặt với kẻ từng ra đòn tra tấn thập tử nhất sinh rồi bỏ tù chính mình.

Hai kẻ thù đối mặt. Hai thế lực đối kháng. Hai dòng đối thoại cần bộc lộ một trí tuệ ngời sáng, một thế đứng trội vượt, một nghệ thuật biến hóa. Và, cuối cùng là sức mạnh vô bờ của nhân tâm, của tinh thần đại nghĩa, của đỉnh cao: Chiến thắng!

Với con mắt xanh trong việc chọn người, chọn việc, quả tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn đúng một "sứ thần", một tài năng, một con người sẵn mang trong óc, trong tim sự giàu có của tri thức. Sự tỏa sáng của nhân cách, của trí tuệ, tâm hồn, của khoa ngữ ngôn có trong trường đời, thiên bẩm... để cuối cùng, trước sự đấu lý, thuyết phục của Nguyễn Văn Ngọ, Vi Văn Định, một tổng đốc, một "ông vua xứ tự trị Cao Bắc Lạng" đã tự tỉnh ngộ, tự quy hàng, tự nguyện làm một thành viên tích cực trong phong trào đại đoàn kết dân tộc Việt Nam... Trước đó, Vi Văn Định, với nỗi lo đã tự thốt lên: "Cứ ngỡ chính quyền cách mạng này, kẻ tư thù Nguyễn Văn Ngọ kia sẽ trả thù ông, sẽ bắt và trừng trị tội ông"...

Chiến công và phẩm giá của người chiến sĩ cộng sản là thế.

Với sự nghiệp cách mạng, sự hy sinh của Nguyễn Văn Ngọ trải dài ở cuộc đời, ở sự hiến dâng từ thời thanh xuân, từ thuở tuổi đời mới đôi mươi, mười tám.

Với hai lần bị địch giam cầm, tù đày, tra tấn, đánh đập, hành hạ dã man, sức khỏe Nguyễn Văn Ngọ bị tổn thương nghiêm trọng. Nhiều lần ông phải lánh về góc khuất của nhà thờ đất quê, nhờ mẹ cha, anh em phục thuốc. Những lần cả hai vợ chồng ông đều bị địch bắt. Bà Triệu Thị Đỉnh, vợ ông, người chiến sĩ cách mạng từng hoạt động cùng thời với Lương Khánh Thiện, từng bị bỏ tù khi bụng mới mang thai, gặp ông trên đường làm cách mạng. Tình yêu của họ nảy sinh trong đêm lặn lội bí mật vượt sông lánh giặc, trong buổi rải truyền đơn, buổi biểu tình bị kẻ thù đàn áp. Đám cưới của họ có dăm ba đồng đội với ly rượu suông cùng chén trà và lời nguyện thề lứa đôi. Dọc đường đánh giặc, họ đâu có loan phòng, có mái nhà nhỏ nho, có những ngày yên bình, hạnh phúc. Những phút giây gặp nhau thoáng chốc rồi vội vã chia tay. Những lần sinh con chỉ một mình người đàn bà vượt cạn. Những lúc phải địu con trên vai dọc đường chiến dịch hay nhiều lần phải tìm cách gửi con cho ai đó nuôi giùm...

Tình yêu của họ là vậy. Hạnh phúc của họ là vậy. Họ đâu có cái riêng. Họ chỉ có cái chung. Chỉ có cái lớn lao là Tổ quốc, là quê nhà. Họ thực sự nhận về mình tất cả sự hy sinh, sự hiến dâng lớn nhất.

Vào ngày 4/6/1954, sau chín năm trường kỳ kháng chiến, khi chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), cả miền Bắc, nửa đất nước Việt Nam thân yêu đã hoàn toàn giải phóng nhưng người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Ngọ đã không còn nữa bởi vết thương quá nặng, bởi tật bệnh hoành hành. Ông được Trung ương Đảng đưa đi điều trị tại Bắc Kinh nhưng cuối cùng chịu kết cục đau buồn khi thuốc men cũng vô phương cứu chữa.

Bốn mươi năm, một nấm mồ đơn côi, thầm lặng, một nắm cỏ xanh nằm khuất xa nơi đất khách, Nguyễn Văn Ngọ, người chiến sĩ cách mạng ấy "là thế nào và có gì?"... Ông đâu có nửa lời than van, đòi hỏi.

Vào tuổi gần chín mươi, những ngày yếu đau, gần đất xa trời, bà Đỉnh vẫn đau đáu niềm mong mỏi đưa hài cốt chồng mình về nước. Tổng Bí thư Đỗ Mười, người cùng Đảng bộ với bà những ngày cách mạng còn trứng nước, với tình cảm đồng chí, đồng đội đã cùng Ban Tổ chức Trung ương lo việc đưa hài cốt Nguyễn Văn Ngọ từ nghĩa trang liệt sĩ thành phố Bắc Kinh về nước.

Bấy giờ, trên bia dựng ghi bằng hai thứ tiếng Trung - Việt còn in nguyên dòng chữ trong nét khắc đậm sâu: "Mộ Liệt sĩ Nguyễn Văn Ngọ, sinh 06/1906, hy sinh 04/06/1954".

Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh cho biết, hàng năm, vào dịp đón xuân mới, ngày giỗ ông, ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, ngày Quốc khánh nước ta 2/9..., Đại sứ quán Việt Nam, có lần cả Bác Hồ, Tổng Bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn..., những đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta... rồi hàng trăm đoàn khách du lịch, hàng chục đoàn ngoại giao của Việt Nam khi đến Bắc Kinh đều đến nghĩa trang đặt vòng hoa, thắp hương kính viếng hương hồn Liệt sĩ Nguyễn Văn Ngọ.

Bây giờ, đã 22 năm ông Ngọ về với quê hương, yên nghỉ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội (3/1994). Nhưng điều bà Triệu Thị Đỉnh còn đau đáu trong lòng là từ rất sớm, các tư liệu báo chí trong nước, nước ngoài đều viết về người chồng của bà, đều tôn vinh "Nguyễn Văn Ngọ, một liệt sĩ, một chiến sĩ cách mạng tiền bối..." song đến tận hôm nay gia đình bà vẫn chưa có một tấm bằng "Tổ quốc ghi công".

Bốn mươi chín năm, một đời người chiến sĩ cách mạng (1906 - 1954), Nguyễn Văn Ngọ đi từ làng nhỏ Hạ Đồng, Vĩnh Bảo qua con đường chiến đấu, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc..., tới Bắc Kinh rồi quay về ngàn năm với đất mẹ.

Một chặng đường. Một đời người. Một tia nắng xa khuất...

Với Vĩnh Bảo, quê hương, Nguyễn Văn Ngọ là một mặt trời khai sinh, người mở nguồn dòng chảy dài của truyền thống đấu tranh cách mạng.

Đi giữa đất này, ngắm nhìn cùng tháng năm, dòng chảy, tôi thường lắng sâu, nghĩ về những đỉnh cao, những bình minh trên mảnh đất thân yêu...

Nhà văn Kim Chuông

Ðồng chí Ðặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh

Có một điều rất ngẫu nhiên, quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Ngọ - người con ưu tú của quê hương Hải Phòng gắn liền với phong trào cách mạng của tỉnh Thái Bình thì quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người con ưu tú của quê hương Thái Bình lại gắn liền với phong trào cách mạng của thành phố hoa phượng đỏ. Hai người đảng viên cộng sản kiên trung đã cống hiến trọn đời mình cho lý tưởng cao đẹp của Đảng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình và Hải Phòng sẽ tiếp tục có trách nhiệm đóng góp tôn tạo Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Ngọ và Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh như là những nơi lưu giữ mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa hai địa phương.

Ðồng chí Nguyễn Xuân Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng.

 

Tôi rất xúc động và vinh dự khi về dự lễ khánh thành Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Ngọ đúng dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí, người cán bộ tiền bối, lão thành cách mạng của Đảng ta, người con ưu tú của Đảng bộ và quê hương Hải Phòng. Xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ đồng chí và nguyện noi theo các gương tiền liệt, góp phần nhỏ bé của mình xây dựng đất nước, quê hương, vì sự phát triển của thành phố cảng thân yêu. Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Ngọ sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Nhà văn Tô Ngọc Thạch, Phó Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại thành phố Hải Phòng

Với tôi, cuốn sách "Nguyễn Văn Ngọ - Bình minh của mảnh đất quê hương" là món quà vô cùng ý nghĩa mà tôi kính dâng lên đồng chí cũng như gia đình, quê hương đồng chí. Để hoàn thành cuốn sách, tôi đã đi rất nhiều nơi, gặp gỡ rất nhiều người và thu thập những thông tin chính xác về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Ngọ. Tôi mong muốn cuốn sách sẽ là nguồn tư liệu không chỉ bằng những dữ kiện lịch sử mà bằng cả những vần thơ hay để thế hệ trẻ Việt Nam tìm hiểu và hiểu biết thêm về công lao to lớn của người chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Ông Nguyễn Văn Kết, cháu đồng chí Nguyễn Văn Ngọ

 

Tôi vinh dự và tự hào là người đại diện cho gia đình, dòng họ trông coi, hương khói tại Nhà tưởng niệm. Với tôi, bác không chỉ là một người tận tụy trong công việc, giản dị, khiêm tốn trong sinh hoạt đời thường mà là một chiến sĩ kiên cường và liêm khiết, một người con hiếu thảo, người chồng thủy chung, người cha mẫu mực, luôn chân thành với đồng chí, bạn bè. Gia đình, quê hương đã truyền lửa nhiệt huyết để bác được hoạt động cách mạng và cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Thay mặt dòng họ, tôi cũng xin chân thành cảm ơn các cấp, các ngành của thành phố Hải Phòng và tỉnh Thái Bình cũng như nhiều tổ chức, cá nhân đã quan tâm đầu tư xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Ngọ được khang trang, bề thế, xứng tầm với những đóng góp của đồng chí đối với quê hương, đất nước.

Thiên Tân - Thành Tâm 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày