Thứ 4, 24/07/2024, 16:33[GMT+7]

Trần Nhân Tông và tư tưởng nhân văn quân sự

Thứ 2, 13/06/2016 | 08:26:08
2,433 lượt xem
Sách Ðại Việt sử ký toàn thư đã chép về Trần Nhân Tông: "Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần…". Trong con người Trần Nhân Tông có ba phẩm chất kết hợp hài hòa với nhau, đó là: Anh hùng cứu nước, triết nhân và thi sĩ. Về phương diện anh hùng cứu nước, có thể coi "nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân" là tư tưởng nhân văn quân sự xuyên suốt trong sự nghiệp và hành trang của bậc vua hiền này.

Tượng vua Trần Nhân Tông trong đền thờ Trần Nhân Tông tại Huế.

Chính sử đã ghi chép khá nhiều sự ứng xử công việc triều chính của Trần Nhân Tông mang đậm tố chất nhân văn. Xin viện dẫn một vài trường hợp mà sách Ðại Việt sử ký toàn thư đã chép:

1. Vào năm Canh Thìn (1280), "Em Ðỗ Khắc Chung là Ðỗ Thiện kiện nhau với người, tình lý đều trái. Người kia đón xa giá để kêu bày. Vua hỏi quan xử kiện, viên quan đó trả lời: Án xử đã xong nhưng hình quan thoái thác không chịu chuẩn định đó thôi! Vua nói: Ðó là do sợ mà né tránh Khắc Chung đấy! Lập tức đang trên đường đi, sai Chánh chưởng nội thư hỏa là Trần Hùng Thao kiêm chức kiểm pháp quan để chuẩn định, thì Thiên Thư quả thật là trái".

Ở bậc đế vương nhưng Nhân Tông sẵn sàng lắng nghe lời kêu bày của một kẻ bị xử kiện cho là mình bị xử oan, lại sẵn lòng vị tha với lỗi lầm của viên quan xử kiện bởi ông cho nguyên nhân "là do sợ mà né tránh Khắc Chung đấy!" (chứ không phải do ăn hối lộ). Có lẽ, những hiện tượng án oan sai do "sợ mà né tránh" thì ở đời nào cũng có.

2. Việc Trần Nhân Tông xử sự với lỗi lầm và trọng dụng Trần Khánh Dư đã được sách Ðại Việt sử ký toàn thư chép khá tường tận. Chuyện là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư nhờ lập được nhiều võ công mà được thăng dần tới tước Tử phục Thượng vị hầu, quyền chức Phán thủ nhưng can tội thông dâm với công chúa Thiên Thụy. Bấy giờ, Hưng Vũ Vương Nghiễn là em trai Trần Quốc Tuấn được lấy công chúa Thiên Thụy, lại có công đánh giặc. Vua sợ phật ý Quốc Tuấn mới sai người đánh chết Khánh Dư ở Hồ Tây nhưng lại dặn chớ đánh đau quá để không đến nỗi chết. Ít lâu sau, xuống chiếu đoạt hết quan tước, tịch thu tài sản không để lại chút gì. Khánh Dư lui về ở Chí Linh làm nghề bán than. Nhân một lần Trần Nhân Tông đi tuần thú, đỗ thuyền ở bến Bình Than, thấy có chiếc thuyền đi qua, nhìn người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn có dung mạo giống Khánh Dư, vua sai thị thần gọi hai lần Khánh Dư mới chịu đến gặp. Vua nói: "Nam nhi mà đến nỗi này là cùng cực rồi" bèn xuống chiếu tha tội. Khánh Dư lên thuyền lạy tạ. Vua ban cho áo ngự, cho ngồi hàng dưới các vương, trên các công hầu, cùng bàn việc nước, nhiều điều hợp ý vua. Ðến năm Nhâm Ngọ (1282), phong cho Khánh Dư làm Phó đô tướng quân và ông đã lập được nhiều công lớn.

3. Khi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ hai đã tiến đóng ở Ðông Bộ Ðầu, Trần Nhân Tông muốn sai người dò xét địch tình mà chưa tìm được ai. Chi cục thủ Ðỗ Khắc Chung (một chức quan nhỏ trong triều) tiến lên tâu rằng: Thần hèn mọn bất tài nhưng xin được đi! Vua mừng rỡ nói: Ngờ đâu trong đám ngựa kéo xe muối lại có ngựa kỳ, ngựa ký như thế, bèn sai đưa thư giảng hòa. Khi Ðỗ Khắc Chung đến trại quân Nguyên thì Ô Mã Nhi nói: Quốc vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ "Sát Thát", khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm! Khắc Chung đáp: Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi. Quốc vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần tại sao lại không có? Nói rồi giơ cánh tay cho xem. Ô Mã Nhi tiếp tục hăm dọa nhưng Khắc Chung đều ứng đáp trôi chảy. Khi Khắc Chung đi rồi, Ô Mã Nhi nói với thuộc hạ: Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó xuống, không nịnh ta lên mà chỉ nói "chó nhà cắn người lạ", giỏi ứng đối, có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi chưa dễ mưu tính được!

Từ những chuyện về việc Trần Nhân Tông xá tội và đối xử nhân hậu với Trần Khánh Dư để rồi khi có giặc Khánh Dư đã lập nhiều công lớn đến việc không truy xét việc xử án thiên lệch cho em Ðỗ Khắc Chung để khi có giặc, Khắc Chung đã xung phong vào trại giặc mà biện bác "không nhục mệnh vua" đã chứng tỏ tài dùng người của Trần Nhân Tông. Nguồn cội của tài dùng người đó chính là tư tưởng nhân văn quân sự sâu sắc của một đấng vua hiền.

Ðền thờ vua Trần Nhân Tông tại núi Ngũ Phong, phường An Tây, thành phố Huế.

4. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai (năm 1285), khi Trần Hưng Ðạo giao tranh với Thoát Hoan ở Vạn Kiếp đã đánh cho chúng đại bại, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để thuộc hạ đưa về phương Bắc. Nhiều danh tướng bị chết. Vua trông thấy thủ cấp của Toa Ðô, thương hại nói: Người làm tôi phải nên như thế này! rồi cởi áo ngự, sai quân đem liệm chôn nhưng ngầm sai lấy đầu đem tẩm dầu để răn.

Chép về việc này, sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bàn: "Than ôi! Câu nói ấy của vua thực là câu nói của bậc đế vương. Nói rõ đại nghĩa để bề tôi muôn đời biết rằng trung với vua, chết vì phận sự là vinh, tuy chết mà bất hủ, mối quan hệ lớn lắm vậy. Huống chi lại cởi áo ngự, sai người liệm chôn nữa. Làm vậy, có thể khích lệ sĩ khí để trừ giặc mạnh là phải lắm!".

Có thể coi nghĩa cử này là sự độc đáo trong tư tưởng nhân văn quân sự của Trần Nhân Tông.

5. Trải nghiệm qua chiến tranh, Trần Nhân Tông đã nhận thức đầy đủ hơn về lòng trung thành của những người dân lao động ở phận tôi tớ (thời Trần gọi là gia nô, gia đồng). "Vua từng ngự chơi ở bên ngoài, giữa đường hễ gặp gia đồng của vương hầu thì tất gọi tên chúng mà hỏi "Chủ mày ở đâu?" rồi răn các vệ sĩ không được thét đuổi. Ðến khi về cung, bảo tả hữu rằng: "Ngày thường thì có thị vệ tả hữu, khi quốc gia lắm hoạn nạn thì chỉ có bọn chúng có mặt".

Sử cũ còn lưu truyền khá nhiều mẩu chuyện về Trần Nhân Tông khoan dung, độ lượng với bề tôi khi họ có lỗi lầm. Ân cần khuyên nhủ khi các bề tôi có mối bất hòa với nhau. Nhờ phẩm chất này mà khi giang sơn gặp vận binh đao thì trên dưới đồng lòng, vua tôi một dạ. Bài học về tư tưởng nhân văn quân sự của Vua Phật - anh hùng cứu nước Trần Nhân Tông đến nay và muôn đời sau dường như vẫn còn nguyên giá trị.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)

 

  • Từ khóa

An - 2 năm trước

Mục 2. Hưng Vũ Vương Quốc Nghiễn là con trai HĐĐV Trần Quốc Tuấn mà, sao lại ghi là em trai?

Tải thêm