Thứ 4, 24/07/2024, 04:13[GMT+7]

50 năm Sư đoàn 7 anh hùng

Thứ 2, 13/06/2016 | 08:36:06
5,083 lượt xem
Sư đoàn 312, tiền thân của Sư đoàn 7, một thời vẻ vang trên chiến trường chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là góp phần rất lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực hiện mệnh lệnh của Đảng và Bộ Quốc phòng, ngày 1/1/1965, với phiên hiệu 304Đ, đại bộ phận đội quân tinh nhuệ của Sư đoàn 312 từ Thái Nguyên đã lên đường vào chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Ngày 13/6/1966, Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập Sư đoàn 7, mật danh là Công trường 7.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 năm xưa cùng nhau ôn lại kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Trên chiến trường trọng điểm của miền Nam, với việc chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ bị phá sản, chúng đã ồ ạt đưa hàng chục vạn quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam nước ta, trang bị những loại vũ khí hiện đại nhất như các loại máy bay chiến đấu, xe tăng, pháo binh hạng nặng, kể cả máy bay B52 với hỏa lực mạnh, cơ động cao. Ðây cũng là thời kỳ khó khăn nhất của một sư đoàn còn non trẻ, vừa mới leo rừng vượt núi bằng đôi chân hơn 2.000 cây số, quân số ốm đau và sốt rét lên tới 50%, có thời kỳ lên tới 95%. Với lòng yêu nước cao cả, tính kỷ luật cao, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ và hy sinh, Sư đoàn 7 đã dũng cảm bước vào cuộc đọ sức quyết liệt, chiến đấu và chiến thắng.

Ngay từ những ngày đầu năm 1967, Sư đoàn 7 đã chiến đấu chống 6 cuộc hành quân càn quét lớn của địch. Ðặc biệt, tháng 4/1967, Mỹ và tay sai mở cuộc hành quân lớn nhất với hơn 45.000 quân mang tên Gian-xơn-xi-ti dưới sự yểm trợ của hỏa lực, phi pháo hạng nặng, máy bay chiến đấu các loại và máy bay chiến lược B52, Sư đoàn đã chiến đấu bảo vệ an toàn Trung ương Cục và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Phát triển tiến công, tháng 7/1967, trận đánh công sự vững chắc đầu tiên của Sư đoàn vào đồn Tân Hưng giành thắng lợi lớn. Tháng 10/1967, Sư đoàn tập kích đánh cụm quân của một tiểu đoàn Mỹ ở Mang Cải, tiến công sân bay Bù Gia Mập được tặng thưởng Huân chương Quân công đầu tiên. Mùa khô năm 1967 - 1968, cùng lực lượng vũ trang địa phương, Sư đoàn 7 đã đánh bại cuộc càn "Hòn đá màu vàng" ở Bổ Túc, Cà Tum và đánh thiệt hại nặng hai tiểu đoàn Mỹ, hai tiểu đoàn ngụy, hai chiến đoàn ngụy tại sân bay Lộc Ninh, góp phần làm nên chiến thắng Lộc Ninh.

Với quyết tâm 1 ngày bằng 20 năm, cùng quân, dân miền Nam tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, Sư đoàn 7 tấn công và tiêu diệt một tiểu đoàn quân Úc hung ác khét tiếng ở Sở Hội, Tân Uyên, Bình Dương, bắn rơi chiếc trực thăng Mỹ, tên trung tướng U-e của Mỹ đã phải đền tội. Mùa xuân năm 1970, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra ba nước Ðông Dương, đổ quân càn quét sang Campuchia đã gặp phải tinh thần chiến đấu anh dũng và kiên cường của Sư đoàn, tiêu hao nhiều sinh lực địch, buộc chúng phải rút quân.

Năm 1972, Sư đoàn 7 tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ, cùng các đơn vị bạn giải phóng Lộc Ninh, bao vây và chia cắt thị xã Bình Long. Ðặc biệt, trong 150 ngày đêm chốt chặn đường 13 quyết liệt, với quyết tâm chốt cứng, chặn đứng, tạo ra cánh cửa thép không cho địch tiếp tế bằng đường bộ cho thị xã Bình Long, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, đánh lui hàng trăm đợt tấn công của 3 sư đoàn quân ngụy có sự yểm trợ của xe tăng, pháo binh và không quân Mỹ, kể cả máy bay B52 rải thảm. Ta giữ vững trận địa, làm cho địch thất bại ý đồ tấn công vào cơ quan đầu não của ta.

Mùa khô năm 1973 - 1974, Sư đoàn 7 mở chiến dịch đường 14 tiêu diệt địch ở Phú Giáo, cầu sông Nha Bích, tiêu diệt địch ở chi khu Ðồng Xoài, giải phóng hai huyện Ðồng Xoài, Phú Giáo. Sư đoàn cùng lực lượng vũ trang địa phương giải phóng thị xã Phước Long, đây là tỉnh lỵ đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Mùa xuân năm 1975, Sư đoàn 7 nhận nhiệm vụ hoạt động trên quốc lộ 20. Mở màn là trận đánh tiêu diệt chi khu Ðịnh Quán, cầu La Ngà rồi tiếp tục tiến lên phía Bắc tiêu diệt địch, giải phóng thị xã Lâm Ðồng, thị trấn Di Linh. Phối hợp với quân, dân toàn miền, 5 giờ sáng ngày 21/3/1975, Sư đoàn tấn công thị xã Xuân Lộc - tuyến phòng thủ quan trọng cuối cùng của địch để bảo vệ Sài Gòn. Sau 5 ngày đêm chiến đấu kiên cường, giành giật từng ngôi nhà, góc phố, ta đã tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch, bắt sống tên đại tá tỉnh trưởng Nguyễn Văn Phúc. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn 7 nằm trong đội hình 301 tấn công hướng Bắc, giải phóng Giầu Dây, thị xã Biên Hòa rồi cùng đội hình Quân đoàn tiến vào dinh Ðộc Lập chiều ngày 30/4/1975, kết thúc cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Sư đoàn đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thực hiện nhiệm vụ quốc tế, cả Sư đoàn đã rầm rập lên đường, đánh cho địch những đòn sấm sét ở Bến Cầu, Pa Vét, Chư Pu, Tà Yên, May Chay Kô Ki Sơn, Cốc, Chóp, Tà Tung, Ðon So Như Cơ Lốt, thần tốc tiến vào giải phóng Phnôm Pênh, đập tan chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Sari. 10 giờ 30 phút ngày 7/1/1979, Sư đoàn 7 là đơn vị đầu tiên cắm cờ giải phóng Phnôm Pênh. Trong nhiệm vụ bảo vệ biên giới và nhiệm vụ quốc tế giúp bạn ở Campuchia, Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc, được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai.

Suốt 18 năm sống, chiến đấu trên chiến trường miền Ðông Nam Bộ và trên nước bạn, Sư đoàn 7 càng đánh càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành. Những chiến công của Sư đoàn đã làm cho các đơn vị thiện chiến bậc nhất của Mỹ như anh cả đỏ, kỵ binh bay, tia chớp nhiệt đới, trung đoàn thiết giáp số 11 và các sư đoàn số 5, 7, 9, 18, 21... của ngụy phải kinh hoàng, khiếp sợ. Với thành tích vẻ vang, Sư đoàn 7 đã hai lần được tuyên dương danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều tập thể, cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ người Thái Bình đã hy sinh hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Nhiều đồng chí đã trở thành tướng lĩnh, cán bộ trung cao cấp trong quân đội và giữ nhiều nhiệm vụ, trọng trách của Ðảng và Nhà nước.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về quê hương, mặc dù thân thể còn mang nhiều thương tích với 31% quân số là thương binh, 7,5% là bệnh binh, hầu hết cán bộ, chiến sĩ bị nhiễm chất độc da cam, để lại di chứng lâu dài, sức khỏe giảm sút, mang nhiều bệnh tật, đời sống còn nhiều khó khăn song các đồng chí luôn phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống của Sư đoàn 7 anh hùng, tích cực lao động, học tập và công tác, tham gia xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, xây dựng nông thôn mới...

Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (13/6/1966 - 13/6/2016), những người lính Sư đoàn 7 anh hùng đã và đang sinh sống trên quê hương hoặc ở nơi khác, mỗi người một hoàn cảnh nhưng không một ai và không bao giờ quên được quá khứ hào hùng của người lính miền Ðông "gian lao mà anh dũng", giữ trọn danh dự Bộ đội Cụ Hồ.

Thiếu Văn Sơn
(Nguyên chiến sĩ Sư đoàn 7)

Thượng tá Vũ Văn Nhai, Trưởng Ban liên lạc Sư đoàn 7 tại Thái Bình

Sư đoàn 7 là đơn vị trực tiếp giải phóng thị xã Phước Long (Bình Phước), mở đầu thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Xác định đây là yết hầu phòng ngự của địch nên quân đội Mỹ và ngụy quyền bố trí nhiều hỏa lực mạnh và điều rất nhiều quân để chốt chặn. Nhưng với kinh nghiệm đánh thắng nhiều trận và với sức mạnh quân sự, Sư đoàn 7 đã giành toàn thắng trong trận mở màn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Khí thế tiến công của bộ đội ta như vũ bão đã đè bẹp quân địch, tạo thế và lực để toàn quân xốc tới giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30/4/1975.

Ðại tá Tăng Quý Mạnh, cựu chiến binh Sư đoàn 7

Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 là người con Thái Bình. Suốt những năm tháng chiến đấu ở chiến trường miền Ðông Nam Bộ, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã anh dũng hy sinh. Có những người hôm trước được bổ sung vào đơn vị chiến đấu hôm sau đã ngã xuống, không kịp để lại tên. Thế nhưng tinh thần chiến đấu và quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 chưa giây phút nào nao núng mà vẫn hăng hái tiến lên. Vượt qua sự khốc liệt, gian khổ, hy sinh của mỗi trận đánh, các anh đã mưu trí, sáng tạo, lập công xuất sắc với những chiến thắng vang dội làm nức lòng nhân dân cả nước.

Trung tá Nguyễn Quang Hiển, nguyên sĩ quan tham mưu tác chiến Sư đoàn 7

Không chỉ chiến đấu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Sư đoàn 7 còn làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và giải phóng Phnôm Pênh. Sư đoàn 7 đi đến đâu, bọn Pôn Pốt hoảng loạn, tháo chạy đến đó bởi có tới 8 sư đoàn của chúng bị Sư đoàn 7 tiêu diệt. Còn nhân dân Campuchia thì hân hoan chào đón. Bà con đứng hai bên đường, tay cầm hoa, miệng luôn hô vang: "Việt Nam xa ma ky, xa ma ky Việt Nam", dịch là: "Hoan nghênh bộ đội Việt Nam vào giải phóng". Những hình ảnh đẹp ấy đã gây xúc động cho bộ đội ta và còn in đậm trong tâm trí những người lính Sư đoàn 7.

Cựu chiến binh Trương Văn Khải, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 7

Trong kháng chiến, anh em cán bộ, chiến sĩ luôn đùm bọc, thương yêu nhau như ruột thịt, sát cánh cùng nhau chiến đấu, không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nay trở về với đời thường, tinh thần quyết chiến, quyết thắng được anh em phát huy trên mặt trận phát triển kinh tế, góp sức xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp. Các cựu chiến binh vẫn thương quý, đoàn kết hỗ trợ nhau phát triển kinh tế và tổ chức nhiều hoạt động nghĩa tình đồng đội, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.

Khắc Duẩn

  • Từ khóa

Lo Ngọc hai - 5 năm trước

Làm sao lien lạc được voi các chu su đoan 7 nhỉ

Ban nguyen huu - 7 năm trước

Quý vị có thể cung cấp cho gia đình tôi về ai đó có thể cho tôi biết nhiều hơn những gì ghi trên giấy báo tử? Tôi sẽ gửi ảnh giấy báo tử khi có phản hồi. Xin ca

Ban nguyen huu - 7 năm trước

Giấy báo tử của ông tôi đề là thuộc sư đoàn 7,nhưng ko ghi là thuộc trung đoàn nào. Hi sinh 5/1968( là khoảng thời gian đợt 2 tấn công tết mậu thân)

Tải thêm