Bác Hồ với lời dặn: “Nhớ chúc những người chiến sĩ ở phương xa”
Báo Quốc gia do bà Ngô Thị Thoa làm chủ bút là một tờ báo tư nhân trong số đó. Bà Ngô Thị Thoa mở báo Quốc gia vào năm 1938. Tết Bính Tuất 1946 là tết độc lập đầu tiên của nước Việt Nam mới. Mong muốn ra tờ báo xuân đón tết Nguyên đán trong niềm hân hoan của toàn dân tộc sau những đêm dài tăm tối, phải vừa phong phú về nội dung vừa đậm đà bản sắc dân tộc, cách mạng và đại chúng, chủ bút báo Quốc gia đã nảy ra sáng kiến rất táo bạo là lên xin Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho một bài.
Một sáng mùa đông, vị tổng biên tập và một phóng viên được vào gặp Bác. Cả hai đều không thể hình dung là dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian tiếp chuyện vui vẻ. Bác cũng nhận lời viết báo.
Tờ báo ngay lập tức được lên khuôn nhanh chóng. Chỉ còn trang nhất để trống, chờ bài viết của Chủ tịch nước.
Cả tòa soạn hồi hộp chờ đợi. Bỗng một hôm, có anh bộ đội tìm đến phố Cửa Nam, Hà Nội để trao cho tòa báo một phong bì. Anh bộ đội nói là của Bác Hồ gửi. Tổng biên tập xúc động khi nhận ra ngay đây là chiếc phong bì được làm bằng một tờ giấy đã viết một mặt mà mọi người thường gọi là giấy loại. Ông trân trọng cầm kéo xén đầu phong bì. Mọi người có mặt hôm đó rất ngạc nhiên vì bên trong chỉ có một tờ lịch cũ được Bác viết ở mặt sau. Ðó là bài thơ tặng báo Quốc gia:
Tết này mới thật Tết dân ta
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia
Ðộc lập đầy vơi ba cốc rượu
Tự do vàng đỏ một rừng hoa.
Muôn nhà đón Tết xuân Dân chủ
Cả nước hoan nghênh đón Cộng hòa
Ta chúc nhau rồi, ta nhớ chúc
Những người chiến sĩ ở phương xa.
HỒ CHÍ MINH
Bài thơ khi đọc lên ai cũng xúc động trước tình cảm thân thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào, chiến sĩ cả nước - những anh vệ quốc đoàn đang kiên cường đối mặt với quân thù ngoài mặt trận. Báo Quốc gia mừng tết độc lập đầu tiên ra đến đâu bán hết ngay đến đó. Báo in đi in lại không biết bao nhiêu tờ. Ðiều đáng trân trọng là toàn bộ số tiền bán báo tòa soạn báo Quốc gia đều ủng hộ hết vào quỹ Việt Minh.
Từ tổng biên tập đến phóng viên tòa soạn báo Quốc gia được hưởng một niềm vui và kỷ niệm trong suốt cuộc đời làm báo. Bên cạnh đó, họ còn học được ở Bác kính yêu bài học sâu sắc về đạo đức cách mạng, về cần, kiệm, giản dị. Mảnh giấy loại, tờ lịch bỏ đi... vẫn được nhà báo Hồ Chí Minh tận dụng. “Tiết kiệm là quốc sách”, Bác luôn đi đầu thực hiện.
Là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam bằng tờ báo Thanh Niên ra số đầu tiên ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu, Trung Quốc, Bác kính yêu luôn căn dặn các nhà báo: “Các cháu viết báo để nêu cái hay, cái đẹp của dân ta, của bộ đội ta, của bạn ta. Ðồng thời, là để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình thì phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào viết thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta có rất nhiều cái hay, cái tốt để nêu lên, không cần bịa đặt ra. Phê bình thì phải thật thà, chân chính, đúng đắn chứ không phải để cho địch lợi dụng để phản tuyên truyền”.
Suy ngẫm về lời dạy của Bác, những người làm báo đều hiểu rằng: Báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu với đời sống xã hội, là công cụ văn hóa. Nhà báo tôn trọng và thực hiện tự do báo chí, chịu trách nhiệm trước xã hội, trước nhân dân và tự do hành nghề trong khuôn khổ pháp luật. Nhà báo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng. Không vì bất kỳ sức ép nào mà làm trái mục tiêu cao cả của báo chí cách mạng Việt Nam, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Bác Hồ đọc báo ở chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu
Bác kính yêu đã đi xa nhưng những tác phẩm báo chí̀ Người để lại được coi là hình mẫu về đạo đức nghề nghiệp người làm báo cách mạng: đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Ngôn từ rất đại chúng, ai đọc, ai nghe cũng dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Văn phong của Bác giản dị mà sâu lắng, chân phương mà đậm hồn dân tộc. Ngay cả bút danh của Bác cũng mang nhiều ý nghĩa. Nhờ học tập phong cách làm báo của nhà báo Hồ Chí Minh nên có nhiều nhà báo Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc, là tấm gương để các thế hệ nhà báo trẻ noi theo.
Kỷ niệm 91 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta thành kính tưởng nhớ người đặt nền móng đầu tiên cho nền báo chí cách mạng, đồng thời tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa, nhân văn cao cả trong tư tưởng, phong cách làm báo của Bác cũng như của các nhà báo tiền bối, trọng tâm là đề cao tính trung thực, tính nguyên tắc, lòng dũng cảm, đức khiêm tốn, lấy đó làm lẽ sống của nhà báo, góp phần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Bảo Việt
BẠN CÓ BIẾT? Tờ báo cách mạng đầu tiên Đó là tờ Thanh Niên, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và trực tiếp chỉ đạo. Báo Thanh Niên ra đời tại Quảng Châu, Trung Quốc. Số 1 phát hành ngày 21/6/1925. Báo là cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Đây là một tổ chức yêu nước đi theo con đường cách mạng vô sản. Thanh Niên là tờ báo đầu tiên khai sinh dòng báo chí cách mạng, đảm nhận vai trò “người tuyên truyền tập thể, người cổ động tập thể, người tổ chức tập thể. Tháng 6/1985, Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định lấy ngày 21/6 hàng năm là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Tờ báo đầu tiên ở Việt Nam Công Báo là tờ báo bằng chữ Pháp (Le Bulletin officiel de l’expédition française de la Cochinchine) xuất bản tại Việt Nam và ra số đầu tiên vào năm 1861. Đây là tờ báo phục vụ tuyên truyền cuộc chinh phục xứ Nam kỳ của thực dân Pháp. Tờ báo quốc ngữ đầu tiên, trang quảng cáo đầu tiên và người Việt Nam đầu tiên làm báo Gia Định Báo là tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Báo ra số đầu vào ngày 15/4/1865. Chủ bút là Potteaux (Pôt-tô) - người Pháp và ông Trương Vĩnh Ký. Gia Định Báo có trang quảng cáo đầu tiên ra số 1 năm 1882. Báo tồn tại đến năm 1909 thì đình bản. Tờ báo kinh tế đầu tiên ở Việt Nam Đó là tờ Nông cổ mín đàm (uống trà bàn chuyện nông gia, buôn bán). Báo ra số đầu tiên ngày 1/8/1901 và đến năm 1924 thì đình bản. Tờ báo đầu tiên của phụ nữ và nữ tổng biên tập đầu tiên Ngày 1/2/1918, báo Nữ giới chung ra số đầu tiên. Tổng biên tập của tờ báo này là bà Nguyễn Xuân Khuê - con gái nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Bà Xuân Khuê lấy bút danh là Sương Nguyệt Ánh. Dù chỉ tồn tại hơn 6 tháng thì đình bản nhưng Nữ giới chung đã góp phần đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội phong kiến, bảo tồn những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, chống lai căng. Tờ báo của công nhân Việt Nam Ngày 20/7/1929, Báo Lao Động chính thức ra mắt bạn đọc. Đây là tờ báo của giai cấp công nhân Việt Nam xuất hiện từ ngày ra số đầu cho đến nay. Tờ báo hài đầu tiên Con Ong là tờ báo hài hước, châm biếm đầu tiên. Báo xuất bản tại Hà Nội vào thứ tư hàng tuần. Báo ra số 1 vào ngày 4/6/1939. Thông tấn xã Việt Nam Đây là cơ quan thông tấn báo chí - “ngân hàng tin” lớn nhất Việt Nam. Thông tấn xã Việt Nam ra đời ngày 15/9/1945, là hãng thông tấn quốc gia có uy tín trong khu vực và thế giới. Đài Tiếng nói Việt Nam Đài Tiếng nói Việt Nam cất tiếng nói đầu tiên vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 7/9/1945 trên nền nhạc “Diệt phát xít” phục vụ cuộc kháng chiến kiến quốc. Tháng 5/1946, Đài Tiếng nói Nam Bộ ra đời tại tỉnh Quảng Ngãi. Khi Pháp tiến công lên Việt Bắc thì Đài Tiếng nói Việt Nam phải tạm dừng phát sóng và di chuyển đến địa điểm mới. Lúc này, Đài Tiếng nói Nam Bộ đảm nhận nhiệm vụ chung do Khu ủy và Ủy ban kháng chiến Liên khu 5 lãnh đạo. Đài Truyền hình Việt Nam Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang ở giai đoạn cam go, ác liệt nhất, ngày 7/9/1970, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình thử nghiệm đầu tiên, đánh dấu sự trưởng thành của đội ngũ những người làm báo Việt Nam trước một loại hình báo chí mới. Báo điện tử đầu tiên tại Việt Nam Đó là Tạp chí Quê hương, ra đời năm 1997. Đây là tạp chí của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao. Tạp chí Quê hương phát hành số đầu tiên vào ngày 6/2/1997, chính thức khai trương ngày 3/12/1997.
Tin cùng chuyên mục
- Vẹn nguyên ký ức một thời 29.04.2025 | 10:23 AM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 6: Thái Bình xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức 30.01.2025 | 11:19 AM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 5: Đảng bộ Thái Bình - những chặng đường vinh quang 30.01.2025 | 10:54 AM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 3: Thành tựu đổi mới đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới 27.01.2025 | 19:59 PM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 2: Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam 26.01.2025 | 09:45 AM
- Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của ĐảngKỳ 1: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời – mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc 25.01.2025 | 17:24 PM
- Nhận diện cuộc đời Huyền Trân Công chúa để phát huy giá trị di tích lịch sử 30.11.2024 | 20:31 PM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
Xem tin theo ngày
-
Đặc sắc chương trình nghệ thuật kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và chào mừng hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình
- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm làm việc tại phường Phố Hiến
- Công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương, địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và kết thúc hoạt động cấp huyện
- Báo Thái Bình - Một hành trình với những mốc son lịch sử
- Thư tòa soạn
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ
- Khởi công dự án nhà máy đốt chất thải rắn phát điện công nghệ hiện đại tại xã Thụy Trình
- Khởi công dự án đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành và dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng hàng lỏng Ba Lạt
- Việt Nam nâng tầm vị thế tại Hội nghị quốc tế về biển và đại dương
- Hội thảo khoa học: Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo của Đảng và cách mạng Việt Nam