Thứ 3, 23/07/2024, 06:27[GMT+7]

Thân thế và sự nghiệp Đức Hoằng Nghị Đại Vương

Thứ 2, 12/09/2016 | 08:48:13
11,987 lượt xem
Ngày 9/1/2007, tại Thủ đô Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức hội thảo khoa học về "Hoằng Nghị Đại Vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa Phương La" (thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Thông qua các bài tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử trình bày tại hội thảo đã có thêm rất nhiều cứ liệu làm rõ hơn về thân thế và sự nghiệp của Đức Hoằng Nghị Đại Vương.

Tượng Đức Hoằng Nghị Đại Vương thờ tại Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam (thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà).

Căn cứ theo cổ phả họ Trần còn lưu giữ được thì Đức Hoằng Nghị Đại Vương - Thượng đẳng phúc thần có húy danh là Trần Thủ Huy chính là thân phụ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ. Theo thông tục kiêng gọi húy danh mà chỉ gọi danh thần trong sắc vua ban phong của ngài là Hoằng Nghị Đại Vương. Cụ Hoằng Nghị là người cao lớn, sức vóc cường tráng, văn võ song toàn, tài cao đức trọng. Khoảng năm 1138 - 1175, cụ chuyển lên Bến Trấn (nay thuộc thôn Phương La, Xuân La, Trác Dương của xã Thái Phương, huyện Hưng Hà). Cụ có 4 phu nhân là các đức bà: Tô Thị Nàng, Hoàng Đức Mây, Dong Huê Nàng, Quế Huê Nàng. Cả 4 phu nhân đều như bốn "Thiên Tiên giáng thế" để giúp cụ lo toan giải quyết thấu đáo mọi lĩnh vực công - nông - thương nghiệp, gia phong nền nếp. Nhờ trong nhà êm ấm, nhân dân tin tưởng, đoàn kết nên cụ Hoằng Nghị yên tâm lo công việc làng nước: hướng nhân dân đắp đê chống lụt, chống hạn; chăn nuôi, trồng trọt mùa màng tốt tươi. Cụ còn nhận đồn điền, tổ chức cho nhân dân đắp đường, bắc cầu, mở chợ, nhờ vậy mà việc lưu thông buôn bán tại khu Bến Trấn mỗi ngày một sầm uất, trù phú, nhân dân trong vùng giàu có, thịnh vượng. Cụ Hoằng Nghị đã tổ chức dạy võ cho nhân dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết tạo nên sức mạnh bảo vệ thành quả lao động do mình làm ra không bị cướp phá. Ngoài ra, cụ còn tham gia dạy chữ, dạy văn để nhân dân có tri thức, làm quan giúp dân, giúp nước. Khi đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết, cụ quyết định thành lập đội quân dân binh hùng mạnh lấy tên là quân Tinh Cương liên kết khu Bến Trấn với khu hải ấp của người anh ruột là Trần Lý, sau này đã giúp triều Lý dẹp giặc. Mô hình đội quân Tinh Cương (Long Hưng) đã được nhân rộng trong cả nước và đây cũng là đội quân nòng cốt, đóng góp to lớn vào chiến công hiển hách cả 3 lần đại thắng quân Nguyên - Mông của nhà Trần ở thế kỷ XIII. Thế lực của anh em họ Trần mỗi ngày một mạnh và được cụ Tô Trung Từ giúp đỡ cụ Hoằng Nghị và cụ Trần Lý vào làm quan trong triều Lý. Cụ Hoằng Nghị luôn luôn dạy anh em con cháu: "Hãy nghĩ những điều chưa ai nghĩ tới, hãy làm những việc chưa ai làm được". Nhà Lý hết vận, mỗi ngày một suy, mất mùa liên tiếp, vua quan nhu nhược, dân đói rách, lầm than, giặc nổi lên khắp nơi, quân phản loạn Quách Bốc chiếm được kinh đô khiến cả triều đình vô cùng nguy khốn. Khi đó, anh em họ Trần đã phải đưa Lý Huệ Tông về nhà cụ Trần Lý tại Long Hưng lánh nạn, đồng thời giúp nhà Lý đánh tan quân giặc. Cụ Hoằng Nghị đã anh dũng hy sinh vào trung tuần tháng Tám âm lịch trong trận đánh cuối cùng với giặc Quách Bốc. Khi dẹp xong loạn lạc, vua Lý Huệ Tông về Thăng Long điều hành đất nước và phong cụ Trần Thủ Huy là Đức Hoằng Nghị Đại Vương - Thượng đẳng phúc thần và xây đền thờ tại thôn Ứng Mão, phủ Long Hưng. Ghi nhớ công đức to lớn của cụ, nhân dân trong vùng đã tôn cụ là Thành Hoàng làng của 3 thôn Phương La, Trác Dương và Xuân La, xã Thái Phương. Hiện nay, cả 3 đình đều thờ ngài là Thành Hoàng làng - vị nhân thần sùng bái.

Du khách cùng con cháu họ Trần Việt Nam về dự đại lễ giỗ tổ họ Trần.

Trong bài thơ Đáo Trần Tổ Miếu của quan Bố chánh tỉnh Cao Bằng cử nhân Trần Đôn Phục (người xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) đã viết:

"Ứng Mão chư gia nhân thụ tứ

Hương La bách tính thế giai sùng"

Nghĩa là:

"Vùng Ứng Mão mọi nhà đều đội ơn sâu

Hương La trăm họ đời đời sùng bái"

Hiện nay, khu Bến Trấn gồm 4 xã: Thái Phương, Minh Tân, Hồng An, Phúc Khánh còn nhiều dấu tích lịch sử ghi công lao to lớn của Đức Hoằng Nghị Đại Vương.

Vua Trần Thái Tông trọng Trần Thủ Độ như cha đẻ và Đức Hoằng Nghị như ông nội của vua. Từ đó trở đi, ai cũng theo nhà vua gọi đền thờ Đức Hoằng Nghị Đại Vương là Đền Nhà Ông. Đền Nhà Ông hiện nay thờ Thủy tổ Trần Kinh, Ninh tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái tổ Trần Thừa, thờ Đức tổ Hoằng Nghị Đại Vương, bốn Đức bà cùng 21 vị có công lớn nhất từ khi giúp nhà Lý phục hồi ngôi vua đến khi triều Lý hết vận có nguy cơ mất nước, đã có công xây dựng triều Trần hùng mạnh và xây dựng một quốc gia Đại Việt lớn mạnh về mọi mặt, làm nên chiến công vang dội 3 lần đại thắng giặc Nguyên - Mông. Đây cũng là căn nguyên để Đền Nhà Ông được mang tên sáng ngời tâm phúc nguồn cội: "Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam".

Đức Hoằng Nghị Đại Vương không chỉ có công lớn đối với đất nước mà ngài còn có công sinh thành, dưỡng dục 3 người con là: Trần An Quốc Đại vương, Trần An Hạ Đại vương và Trần An Bang (tức Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ). Trần Thủ Độ là người sáng lập vương triều Trần, một đại quan kiệt xuất, có công lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước Đại Việt.

Đức Hoằng Nghị Đại Vương - Thượng đẳng phúc thần - Thân phụ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ được muôn đời tri ân thờ phụng. Hiện nay, tại đền Sa Đê (Trực Ninh, tỉnh Nam Định) còn lưu giữ 7 đạo sắc phong về Hoằng Nghị Đại Vương - Thượng đẳng phúc thần. Hàng năm, muôn dân trăm họ nơi đây mở lễ hội dâng hương tưởng nhớ Thượng đẳng tối linh Phúc thần nhất tâm sùng kính.

Trần Đại Thanh
(Tổng thư ký Hội họ Trần tỉnh Thái Bình)

 

  • Từ khóa

Khôi Trần - 5 năm trước

Bài báo viết hoàn toàn suy đoán. Câu trong bài: Theo tài liệu cổ. Vậy đó là tài liệu nào? Chú thích bên dưới bức ảnh sai hoàn toàn. Đền thờ Tổ Họ Trần VN hiện nằm ở xã Tiến Đức - Thái Bình chứ không phải Phương La - Thái Bình. Các cơ quan có thẩm quyền đã khẳng định ngôi đền ở Phương La là ngôi đền có tên là: đền Nhà Ông của chi tộc nhà ông Trần Văn Sen. Tổng Thư Ký gì mà đến thông tin đơn giản nhất của tỉnh Thái Bình cũng không biết. Thôi về nghỉ đi ông ơi!

Tải thêm